Episoder

  • Tổng giám mục Ba Lan Marek Zalewski, đại diện thường trú đầu tiên của Vatican tại Việt Nam, nhậm chức ngay đầu năm 2024. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt, cho thấy những nỗ lực không ngừng của Tòa Thánh và Việt Nam trong suốt ba thập niên.

    Kết quả của quá trình cải thiện quan hệ song phương còn được thể hiện qua chuyến công du Vatican của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tháng 07/2023, tiếp theo là phái đoàn của đảng Cộng sản Việt Nam tháng 01/2024. Sắp tới, Việt Nam dự kiến lần lượt đón ngoại trưởng Tòa Thánh - tổng giám mục Paul Richard Gallagher và hồng y quốc vụ khanh Pietro Parolin.

    Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 25/01/2024, giảng viên Trần Thị Liên Claire, chuyên về lịch sử tôn giáo ở Việt Nam, Đại học Paris Cité, nhấn mạnh đến vai trò, sự kiên nhẫn bền bỉ của ba nhân tố : Vatican, chính phủ Việt Nam và Giáo hội Việt Nam trong suốt hơn ba thập niên cải thiện quan hệ song phương.

    RFI : Vatican bổ nhiệm một đại diện thường trú ở Việt Nam. Hai bên đã trải qua một chặng đường như thế nào để đi đến được quyết định này ?

    Trần Thị Liên Claire : Quyết định này là kết quả của một quá trình khá dài, bắt đầu từ năm 1989 trong thời kỳ Đổi mới, lần đầu tiên một đại diện của giáo hoàng Gioan Phaolô II lúc đó là hồng y Etchegaray đã đến thăm Việt Nam. Kể từ đó, Hà Nội luôn duy trì mối quan hệ, trao đổi với đại diện của Tòa Thánh. Kinh tế lúc đó khó khăn và Việt Nam muốn mở cửa. Đến năm 1998, tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đặt điều kiện hỗ trợ và mở cửa kinh tế với tự do tôn giáo. Cho nên có thể nói vì lý do kinh tế, Việt Nam đã cố gắng cởi mở về tôn giáo.

    Đọc thêm : Hồng y Roger Etchegaray qua đời

    Từ năm 2009, một tổ công tác hỗn hợp thường xuyên gặp nhau lúc ở Hà Nội, lúc ở Roma để tìm cách tái lập quan hệ ngoại giao. Năm 2011, tổng giám mục Girelli được bổ nhiệm làm đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam. Năm 2023 đánh dấu một chặng mới. Tổng giám mục Zalewski, sứ thần Tòa Thánh ở Singapore kiêm đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, đã được bổ nhiệm làm đại diện thường trú của Tòa Thánh ở Hà Nội. Và đây là sự kiện đầu tiên kể từ năm 1976 sau khi khâm sứ Tòa Thánh cuối cùng bị trục xuất khỏi Việt Nam.

    Trong số những nước Cộng sản còn lại trên thế giới, chỉ có Cuba là có một đại diện như vậy, từ khá sớm, năm 1975 và ba giáo hoàng đã đến Cuba. Việt Nam là nước Cộng sản duy nhất ở châu Á có một đại diện thường trú của Tòa Thánh. Theo tôi, sự kiện này rất đặc biệt và quan trọng đối với cả châu Á, chứ không chỉ riêng Việt Nam.

    RFI : Có thể thấy là quá trình đàm phán kéo dài vài chục năm. Vậy đâu là những trở ngại để đến bây giờ mối quan hệ được cải thiện ?

    Trần Thị Liên Claire : Tôi nghĩ các cuộc đàm phán kéo dài trước tiên là vì hai phía có một quá khứ khó khăn và nhiều bất đồng. Nhưng quan trọng hơn cả là hai bên muốn đối thoại nên cần thời gian để lắng nghe, thấu hiểu nhau.

    Theo tôi, có rất nhiều trở ngại bởi vì kể từ năm 1975, mối quan hệ giữa Giáo hội và chính phủ Việt Nam rất căng thẳng. Ban Tôn giáo kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo, không đến mức đóng hết chủng viện, nhưng đi lại rất khó khăn, nhiều linh mục bị bắt, như linh mục Thuận, cháu của ông Ngô Đình Diệm, bị bắt ngay sau năm 1975. Đến năm 1989 thì mở cửa. Do bị khủng hoảng kinh tế trầm trọng nên Việt Nam phải thoát khỏi thế cô lập, nhất là sau khi quân đội Việt Nam tham chiến ở Cam Bốt, phải tái nhập vào cộng đồng quốc tế, gia nhập Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (OMC), trong khi Mỹ lại là nước quyết định. Do đó, đạo luật International Religious Freedom Act - IRFA của tổng thống Bill Clinton năm 1998 đã buộc Việt Nam phải cải thiện, phải tỏ thiện chí. Điều này cũng giải thích cho việc Hoa Kỳ công bố báo cáo thường niên về tự do tôn giáo ở Việt Nam.

    Đọc thêm : Vatican được bổ nhiệm đại diện thường trú ở Việt Nam, một bước tiến quan trọng giữa hai nước

    Tôi nghĩ mối quan hệ được cải thiện là kết quả của ba yếu tố. Thứ nhất, ngoài lý do kinh tế, Việt Nam muốn thể hiện rằng khi trở lại trường quốc tế, họ cởi mở và sẵn sàng trao đổi với tất cả các bên. Đó chính là mong muốn tái hội nhập vào cộng đồng quốc tế, chứ không phải là muốn thể hiện khác với Trung Quốc. Nhưng phải nói rằng khả năng đối thoại của Hà Nội với Vatican cao hơn hẳn so với Bắc Kinh.

    Yếu tố thứ hai là từ thời giáo hoàng Phaolô VI trong thập niên 1960, Vatican có chính sách hòa dịu với khối Cộng sản Đông Âu “Ostpolitik”. Theo đó, ưu tiên đối với Vatican là giáo dân, chiếm thiểu số ở những nước này nên phải sẵn sàng đối thoại với đảng Cộng sản. Giáo hoàng Phaolô VI kêu gọi chấm dứt chiến tranh Việt Nam và phải đối thoại với chính phủ Việt Nam. Có thể thấy ông khá dấn thân trong bối cảnh chiến tranh lạnh. Vì vậy, giám mục Parolin, hiện là quốc vụ khanh Vatican, đã đóng vai trò rất lớn trong tất cả các cuộc đàm phán. Ông là người đầu tiên đến Việt Nam năm 2004, cách đây 20 năm, và hiểu rất rõ Việt Nam do theo dõi các cuộc đàm phán trong suốt thời gian qua. Phía Việt Nam cũng biết ông rất rõ. Tôi cho rằng chính sự kiên nhẫn và khả năng trao đổi của ngoại trưởng và đặc biệt là của hồng y Parolin - người cũng theo dõi mối quan hệ với Trung Quốc - đã mang lại kết quả.

    Yếu tố cuối cùng là vai trò của Giáo hội Việt Nam, đã quen đối thoại với đảng Cộng sản từ năm 1975 để Cộng đoàn có thể tiếp tục thể hiện đức tin. Sau thời gian dài khó khăn đến năm 1989, nhiều linh mục đã có khả năng đàm phán và mang lại kết quả. Ví dụ năm 2008, hội Caritas của Giáo hội chuyên về các vấn đề xã hội, bị đóng cửa sau năm 1975, đã được mở cửa trở lại. Nhờ đó Giáo hội tham gia nhiều hơn vào hoạt động xã hội, như chăm sóc người mắc sida, người tàn tật, người nghiện hoặc trong suốt đại dịch Covid-19. Do đó, có thể thấy ba nhân tố chính giúp đạt được kết quả này : chính phủ Việt Nam, Vatican và Giáo hội Việt Nam.

    RFI : Việc bổ nhiệm một đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với Hà Nội, cũng như với Vatican ?

    Trần Thị Liên Claire : Đối với Việt Nam, đó là kết quả cho thấy rằng Việt Nam có thể tiến lên trong quan hệ ngoại giao, khác với trường hợp của Trung Quốc, hiện vẫn rất phức tạp. Thậm chí người ta nói rằng hồng y Parolin muốn dùng mô hình Việt Nam để thử cải thiện mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc, ví dụ trong tiến trình bổ nhiệm giám mục. Trước đây ở Việt Nam cũng không dễ dàng gì nhưng theo tiến trình hiện nay, Vatican đề xuất 3 tên và chính phủ Việt Nam đưa ra ý kiến. Chỉ khi nào có đồng thuận thì giám mục mới được bổ nhiệm. Có thể thấy Bắc Kinh và Vatican không có khả năng đối thoại như vậy, bởi vì Trung Quốc có Hội Công giáo Yêu nước, được thành lập năm 1957, độc lập với Tòa Thánh.

    Đây cũng là điểm đặc biệt của Việt Nam, có nghĩa là chưa bao giờ có Giáo hội ly khai. Có lẽ là đảng Cộng sản Việt Nam cũng muốn nhưng không thành. Điểm khác biệt lớn so với Trung Quốc mang lại cho Việt Nam hình ảnh một đất nước cởi mở, có khả năng đàm phán với một Nhà nước tôn giáo, cũng như liên kết với Cộng đoàn, và cho thấy rằng chính phủ đối thoại với Vatican, đặc biệt là lời mời giáo hoàng tông du Việt Nam của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hôm 14/12/2023. Đây cũng là cách để giáo dân đánh giá cao quyết định này. Lần tiên sẽ có một giáo hoàng đến thăm một nước Cộng sản châu Á.

    Đọc thêm : Việt Nam và Vatican đồng thuận mở văn phòng đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Hà NộiRFI : Trong thư gửi đến Giáo hội Việt Nam tháng 09/2023, giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các tín hữu sống đúng tinh thần của “tín hữu tốt và công dân tốt”, nói một cách khác là hài hòa với chính sách của Nhà nước. Đây có phải là chủ ý của giáo hoàng ?

    Trần Thị Liên Claire : Tôi nghĩ đó là một chiến lược có từ rất lâu của Vatican. Vào khoảng thế kỷ 18 và 19, một giáo hoàng cử các nhà truyền đạo luôn nhắc nhở rằng “các vị không phải là đại diện cho một nước, các vị đến đó để truyền đạo và các vị phải tuân thủ chính quyền sở tại”. Điều này không có gì là mới.

    Theo suy luận của tôi, lịch sử Công giáo Việt Nam cho thấy giáo dân bị coi là đồng minh với thực dân Pháp, sau đó là với Mỹ. Cho nên ngay năm 1975, cha Bình, tổng giám mục Sài Gòn lúc đó, nói là sẽ hợp lực tái thiết quốc gia sau cuộc chiến kéo dài. Giáo hội Việt Nam chiếm số ít, chỉ 7% và muốn cho thấy là tuân thủ chính quyền. Ở Pháp cũng vậy, Giáo hội và mọi tôn giáo khác đều phải tôn trọng nước Cộng Hòa. Cho nên tôi không ngạc nhiên về yêu cầu của Vatican.

    Điều giáo hoàng muốn truyền tải là giáo dân tham gia vào đời sống xã hội, đồng thời cũng muốn nói là Vatican không đưa ra thông điệp chính trị. Tôi nghĩ rằng đây cũng là cách giải thích của Vatican đến giáo dân Việt Nam rằng giáo dân chúng ta là công dân của một đất nước và Giáo hội không kêu gọi phản đối chính phủ này. Điều này không chỉ đúng với mỗi Việt Nam mà còn với nhiều nước khác, nơi có những thiểu số tôn giáo khác. Đó là cách giáo hoàng muốn trấn an chính phủ Việt Nam rằng Giáo hội là một lực lượng năng động góp phần vào hài hòa xã hội.

    RFI : Trong tương lai, Việt Nam và Vatican có thể tiếp tục thảo luận về những chủ đề nào ?

    Trần Thị Liên Claire : Giáo dục là một vấn đề rất nhạy cảm vì người Công giáo không được thành lập trường học. Cho đến năm 1975, ở miền nam Việt Nam có rất nhiều trường học do nhà thờ quản lý nhưng sau đó bị đóng hết. Một trong hai thách thức trong những năm tới, đó là có thể mở được trường học không, trước tiên là tiểu học, rồi trung học cơ sở. Năm 2016, chính phủ Việt Nam đã chấp nhận thành lập Học Viện Công giáo, nhưng đó không phải là trường đại học như ở Paris, nơi dạy tất cả các môn. Dù vẫn chưa thực sự phát triển mạnh nhưng cho thấy là ý tưởng đã được thực hiện. Chúng ta chờ xem. Còn hiện giờ, giáo dục vẫn là lĩnh vực độc quyền của đảng Cộng sản.

    Chủ đề thứ hai cần được thảo luận là tài sản của Giáo hội, tương tự vấn đề tài sản với những tôn giáo khác. Đây là chủ đề rất phức tạp và sẽ phải được giải quyết theo từng trường hợp, chứ không chung chung. Tôi lấy một ví dụ về việc tịch thu tài sản của nhà thờ. Cuộc Cách mạng Pháp cũng đã tịch thu rất nhiều tài sản của Giáo Hội trong vài chục năm. Rất nhiều tài sản chưa bao giờ được trả lại cho Giáo hội. Do đó vấn đề không chỉ giới hạn ở Việt Nam, mà ở Pháp cũng vậy. Một ví dụ khác là tất cả các nhà thờ ở Pháp thuộc sở hữu của nhà nước và nếu một nhà thờ bị hỏng, nhà nước phải trùng tu.

    Đọc thêm : Quan hệ Việt Nam - Vatican còn nhiều trở ngại

    Theo tôi, Vatican thực dụng và sẽ không đòi lại hết. Vatican, Giáo hội Việt Nam và chính phủ Việt Nam có thể trao đổi về từng trường hợp để có những tiến bộ từng bước. Việc có một đại diện thường trú của Vatican chắc chắn sẽ hỗ trợ Giáo hội Việt Nam thảo luận với chính quyền. Chúng ta chờ xem diễn biến tiếp theo khi tổng giám mục Zalewski đến Hà Nội : Sự kiện đó sẽ thay đổi mối quan hệ song phương, cũng như cách giải quyết các vấn đề như thế nào ? Và đặc biệt là chuyến viếng thăm của giáo hoàng.

    RFI : Liệu chuyến thăm của giáo hoàng có thể sớm diễn ra ?

    Trần Thị Liên Claire : Tôi nghĩ là có thể. Cách đây không lâu tôi đến Roma theo lời mời phỏng vấn của đài phát thanh Radio Vatican. Giáo hoàng bị ốm, không chắc là sức khỏe của ngài cho phép ngài tông du Việt Nam ngay. Nhưng điều chắc chắn là Việt Nam đã mời. Đó là lời mời đầu tiên mà Vatican đề nghị từ rất lâu. Giáo hoàng đã đến nhiều nước châu Á, nhưng lại chưa đến Việt Nam, nước đông giáo dân nhất, dĩ nhiên là trừ trường hợp Philippines. Việt Nam có 7% dân theo Công giáo, Hàn Quốc là 11% nhưng dân số Việt Nam đông hơn. Trong mỗi chuyến tông du của giáo hoàng ở những nước có rất ít giáo dân như Thái Lan, Mông Cổ, Miến Điện, luôn có một phái đoàn Việt Nam tham dự.

    Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh đến thông báo mời giáo hoàng, được đưa ra ngày 14/12, ngay sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rời Hà Nội. Tôi tin là chuyến thăm sẽ diễn ra. Nếu không phải là giáo hoàng Phanxicô thì sẽ là người kế nhiệm, nhất là từ giờ còn có một đại diện trường trú của Tòa Thánh ở Hà Nội. Chuyến tông du sẽ là một sự kiện rất quan trọng cho những giáo dân trông đợi từ rất lâu, cũng như cho đảng Cộng sản. Chuyến tông du sẽ mang lại lợi ích về mặt chính trị, cho thấy sự cởi mở của chính phủ vì chúng ta biết là hiện còn rất nhiều tồn đọng ở Việt Nam. Theo tôi, có thể là vào năm 2024, cùng lắm là 2025 nếu mọi chuyện tốt đẹp. Như tôi nói ở trên, Vatican muốn áp dụng mô hình Việt Nam cho mối quan hệ với Trung Quốc.

    RFI : Vậy chính phủ Việt Nam đánh dấu khác biệt với Trung Quốc trong cách xử lý vấn đề Công giáo và quan hệ với Vatican như thế nào ?

    Trần Thị Liên Claire : Tôi là nhà sử học nên tôi ngược dòng thời gian một chút để nhắc lại rằng trong văn hóa Nho giáo và trước thời kỳ thực dân, nước Đại Việt có Bộ Lễ quản lý vấn đề tôn giáo. Như vậy trong truyền thống xa xưa, chính quyền cũng quản lý các tôn giáo và điều này hoàn toàn phù hợp với Nho giáo. Tương tự tại Pháp, cũng có bộ Nội Vụ kiểm soát xem các tôn giáo hoạt động có phù hợp với nền Cộng hòa không. Điểm khác nhau, như tôi nói ở trên, là chỉ có 1% dân Trung Quốc theo Công giáo, còn Việt Nam là 7% và họ rất năng động.

    Đối với Việt Nam, lịch sử cho thấy rằng vấn đề Thiên Chúa giáo quan trọng hơn. Để chống quân Hán, rồi Pháp và Mỹ, Việt Nam luôn thúc đẩy đoàn kết dân tộc và đoàn kết dân tộc chính là tất cả mọi người, kể cả giáo dân. Trung Quốc không cần điều này. Tôi cho rằng Việt Nam khác hẳn với Trung Quốc về điểm này.

    Điểm khác biệt thứ hai là Trung Quốc có Giáo hội Yêu nước từ năm 1957, không có liên hệ chính chức với Vatican. Còn Việt Nam, dù trải qua một giai đoạn khó khăn từ năm 1975 đến 1989, nhưng chưa bao giờ cắt đứt quan hệ với Vatican. Và điểm này làm thay đổi rất nhiều trong đối thoại.

    Điểm thứ ba là Nhà nước do đảng Cộng sản lãnh đạo kiểm soát mọi hoạt động tôn giáo ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam. Nhưng như đề cập ở trên, truyền thống đoàn kết dân tộc ở Việt Nam cho rằng người theo đạo cũng có một vị trí, tích cực tham gia các hoạt động xã hội...

    Một điểm khác biệt nữa, đó là từ năm 1989, Việt Nam cho phép chủng sinh, linh mục ra nước ngoài học tập, như ở Roma, Pháp, Philippines, Hoa Kỳ. Họ được đào tạo bài bản, kết nối hơn với thế giới và theo những chương trình đào tạo trình độ cao về thần học và còn giảng đạo tại giáo xứ ở nhiều nước khác. Trung Quốc thì ngược lại. Chủng sinh, linh mục không được phép tu nghiệp ở nước ngoài, phải ở lại Trung Quốc và khá bị hạn chế về trình độ. Đó chính là sự khác biệt về tinh hoa tôn giáo.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn bà Trần Thị Liên Claire, giảng viên Đại học Paris Cité.

  • Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ngày 29/01/2024 bắt đầu chuyến viếng thăm cấp Nhà nước Việt Nam đến ngày 30/01. Riêng về vấn đề Biển Đông, nhân chuyến đi này, Marcos Jr. có lẽ sẽ cố thuyết phục Việt Nam ủng hộ đề xuất của ông về một bộ quy tắc ứng xử riêng giữa Philippines với Việt Nam và Malaysia. Nhưng nói chung Hà Nội vẫn dè dặt với những sáng kiến của Manila về vùng biển tranh chấp với Trung Quốc.

    Ngay trước khi kết thúc chức chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN năm 2023, Indonesia đã huy động các ngoại trưởng của khối này đưa ra tuyên bố riêng về Biển Đông ngày 30/12 trong bối cảnh căng thẳng leo thang, đặc biệt là giữa Philippines và Trung Quốc. Bày tỏ “mối quan ngại”, tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN kêu gọi các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông “ tự kiềm chế” và “tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình”. Đặc biệt ASEAN đã đề cập đến “khu vực hàng hải của chúng ta” và tái khẳng định “sự thống nhất và đoàn kết” giữa các thành viên, trong đó có Philippines, một quốc gia sáng lập ASEAN đã có nhiều xung đột với Trung Quốc xung quanh khu vực Bãi Cỏ Mây ( Second Thomas Shoal ) trong vài tháng qua.

    Tuy nhiên, ASEAN đã không chỉ trích đích danh Trung Quốc, một đối tác thương mại lớn của khối và cũng không đưa ra bất kỳ trợ giúp cụ thể nào cho Philippines, ngoài việc nhắc lại cam kết về các cuộc đàm phán dường như không bao giờ kết thúc với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC. Một số nhà lãnh đạo ASEAN còn gián tiếp chỉ trích lập trường cứng rắn hơn của Philippines trong vùng biển tranh chấp với Trung Quốc. Vì thấy không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của ASEAN, Philippines dường như đang muốn dựa vào liên minh chiến lược với các nước láng giềng có cùng chí hướng, đặc biệt là Việt Nam.

    Vào ngày 20/11/2023, ông Marcos Jr. tuyên bố Philippines đã tiếp cận các nước láng giềng như Việt Nam và Malaysia để xây dựng một “Bộ quy tắc ứng xử” (COC) ở Biển Đông riêng giữa ba nước, trong khi chờ bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN với Trung Quốc mà tiến trình đàm phán vẫn diễn ra quá chậm.

    Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Marcos Jr. kêu gọi thúc đẩy các cuộc đàm phán COC riêng với các nước láng giềng của Philippines, vì ông muốn tận dụng ảnh hưởng tập thể để phản đối các điều khoản có lợi cho Trung Quốc trong bộ quy tắc ứng xử đang đàm phán với ASEAN. Đồng thời thông qua việc đe dọa đưa ra một COC riêng, tổng thống Philippines cố gây áp lực buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong hồ sơ này.

    Trả lời RFI Việt ngữ ngày 17/01/2024, nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt nhận định về sáng kiến của tổng thống Marcos Jr.:

    “Philippines là một quốc gia nổi tiếng xưa nay có rất nhiều sáng kiến. Ngay cả sáng kiến đầu tiên về bộ quy tắc ứng xử COC từ những năm 1990 là bắt đầu từ phía Philippines. Chính vì vậy Philippines đã rất năng nổ trong việc tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Nhưng Philippines là một nền dân chủ, một tổng thống chỉ nắm quyền một nhiệm kỳ tối đa là 6 năm và chính sách có thể thay đổi rất nhiều, cho nên lập trường của Philippines về vấn đề này luôn luôn thay đổi. Dưới thời tổng thống Aquino III, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực. Nhưng đến 2016, khi Duterte trở thành tổng thống thì Manila lại xoay trục về phía Trung Quốc, hoàn toàn muốn thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Đến thời tổng thống Marcos Jr. thì lại có thay đổi.

    Có lẽ đây là một sáng kiến tốt của Philippines? nhưng thành công của nó thì chúng ta còn phải cân nhắc và chờ xem. Chưa kể là từ 2012, các nước ASEAN đã thống nhất với nhau một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, gọi là bản dự thảo bộ quy tắc ứng xử số 0, do Indonesia khởi thảo. Tức là trước đó, do sự rất chậm trễ của tiến trình đàm phán về bộ quy tắc ứng xử, đã có những ý kiến rằng nên chăng các nước ASEAN tự mình đưa ra một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, rồi sau đó mới đưa Trung Quốc vào? Toàn bộ các nước ASEAN đã đồng ý với bản dự thảo của Indonesia. Sau đó, ASEAN đã mời Trung Quốc tham gia, nhưng Trung Quốc từ chối.

    Bản dự thảo bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông đó đã bị vứt vào sọt rác. ASEAN và Trung Quốc phải làm lại từ đầu trong tiến trình đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, tại vì trong bộ quy tắc ứng xử này, Trung Quốc là bên tham gia cực kỳ quan trọng, bởi Trung Quốc hiện là cường quốc lớn nhất khu vực, cả về kinh tế và về quân sự. Nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc thì rất khó. Mười quốc gia ASEAN đã đồng ý một bản dự thảo bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông thế mà vẫn chưa thể buộc Trung Quốc tham gia, thì liệu 3 quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Philippines có thể khiến Trung Quốc chấp nhận ngồi vào bàn để đàm phán các điều khoản đó hay không? Tôi nghĩ là không chỉ Việt Nam, mà cả Malaysia đều phải cân nhắc kỹ vấn đề này.”

    Ngay sau tuyên bố của tổng thống Marcos Jr. về việc soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử riêng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh đã cảnh báo rằng “bất kỳ hành động nào rời xa khuôn khổ và tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC đều sẽ vô hiệu”. Tuyên bố này không chỉ cho thấy Trung Quốc chống lại đề xuất của Marcos Jr., mà còn thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh ngăn chặn Philippines gây rối loạn tiến trình đàm phán COC giữa ASEAN với Trung Quốc. Ngoài việc thuyết phục hai nước ủng hộ bộ quy tắc ứng xử riêng, Philippines còn đặt mục tiêu lôi kéo Việt Nam và Malaysia vào cuộc chiến chống lại Trung Quốc ở Biển Đông để củng cố vị thế thương lượng của mình. Thông qua hợp tác với các bên tranh chấp khác, Philippines cũng có ý định ngăn chặn Trung Quốc có những hành động gây hấn ở Biển Đông.

    Nhưng trong một bài viết đăng trên trang EastAsiaForum ( Diễn đàn Đông Á ) ngày 02/01/2024, ông Nian Peng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á Hồng Kông (RCAS), Hồng Kông, cho rằng Việt Nam và Malaysia khó có thể làm theo đề xuất của Marcos về việc xây dựng một COC riêng. Theo nhà nghiên cứu này, khác với Philippines, Việt Nam không có ý định khiêu khích Trung Quốc ở Biển Đông. Thay vào đó, Hà Nội chủ trương dùng biện pháp ngoại giao để quản lý một cách thận trọng các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc mà không gây tổn hại quan hệ song phương. Việt Nam khó có thể tham gia phe chống Trung Quốc của Philippines.

    Đây phần nào cũng là ý kiến của nhà nghiên cứu Hoàng Việt:

    “Về mặt lý thuyết, rõ ràng Việt Nam luôn ủng hộ những sáng kiến nào khiến cho bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông sớm được ra đời và có hiệu lực, mà phải có tính pháp lý cao và phải dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Nhưng trên thực tế thì Việt Nam rất dè dặt với sáng kiến này của Philippines, bởi vì, như đã trao đổi ở trên, Philippines rất năng động đưa ra các sáng kiến, nhưng họ lại làm không chắc chắn, cho nên nhiều lúc Việt Nam lo rằng Philippines có những hoạt động mang tính “phiêu lưu” và điều này thì hoàn toàn Việt Nam không muốn, đặc biệt trong bối cảnh mà Việt Nam mới đưa mối quan hệ với Trung Quốc lên tầm cao hơn, sau chuyến đi của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái.

    Nói cho cùng Việt Nam rất muốn ủng hộ Philippines hoặc là muốn Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông sớm ra đời, nhưng Việt Nam lo ngại, một là sự phiêu lưu trong các quyết định của Philippines, hai là sự chia rẽ vẫn còn rất lớn trong nội bộ ASEAN, ba là sức mạnh của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn muốn sử dụng ASEAN và sử dụng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông như là một công cụ để loại các quốc gia khác như Hoa Kỳ khỏi việc đàm phán này.

    Philippines là một đồng minh của Mỹ, nên dựa hẵn vào Mỹ, luôn viện dẫn Hiệp định hổ tương quân sự ký với Mỹ 1951. Trong khi đó, Việt Nam chọn cách khác, đó là dựa vào sức mình. Trong lúc Việt Nam đang "đu dây", gọi một cách chính thống hơn là "cân bằng quan hệ" với Mỹ và với Trung Quốc. Đương nhiên Việt Nam "cân bằng" không có nghĩa là sẽ nhượng bộ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, một trong những vấn đề gay góc nhất trong mối quan hệ. Nhưng Việt Nam hiểu rằng tranh chấp Biển Đông sẽ kéo rất dài và trước mắt Việt Nam phải làm sao duy trì được môi trường hòa bình để tránh xung đột quân sự và để Việt Nam có không gian để phát triển được. Tức là phải vừa giữ được chủ quyền biển đảo của đất nước, nhưng phải duy trì được sự phát triển kinh tế và từ phát triển kinh tế mới tăng cường được sức mạnh quốc phòng của mình.

    Bản thân nhiều học giả Philippines bạn của tôi cũng đặt vấn đề là liệu Mỹ có thực tâm giúp Philippines hay không? Nghi ngại của họ không phải là không có lý: Vào năm 2012, Trung Quốc đã chiếm đoạt bãi cạn Scaborough của Philippines mà phía Mỹ chỉ đưa ra vài lời phản đối thôi, không đủ để khiến Trung Quốc dừng tay.”

    Còn Malaysia từ lâu đã duy trì cách tiếp cận không đối đầu trong các tranh chấp ở Biển Đông. Bất chấp căng thẳng ở Biển Đông, chính phủ Malaysia luôn nhấn mạnh đến giải pháp ngoại giao. Kể từ khi thủ tướng Anwar Ibrahim nhậm chức vào tháng 11/2022, quan hệ giữa Malaysia với Trung Quốc thậm chí còn chặt chẽ hơn. Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Anwar là tăng trưởng kinh tế thay vì gây bất ổn ở Biển Đông.

    Indonesia cũng đã có những sáng kiến để quy tụ một số nước ASEAN đối đầu với Trung Quốc, nhưng vẫn không có kết quả mong muốn, như ghi nhận của nhà nghiên cứu Hoàng Việt:

    "Bốn quốc gia mà Trung Quốc luôn cho tàu xâm phạm liên tục vào vùng đặc quyền kinh tế là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia. Năm trước, Indonesia đã có sáng kiến là thành lập liên minh cảnh sát biển giữa 4 quốc gia này hoặc cùng với các nước ASEAN. Nhưng cho tới nay, các bước tiến hành khá là chậm chạp.

    Indonesia cũng đã có sáng kiến là tổ chức các cuộc tập trận chung của các nước ASEAN. Năm vừa qua cũng đã có thực hiện nhưng không có nhiều nước tham gia, trong đó có Philippines."

    Dầu sao, vì là hai nước đều có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông và thường xuyên bị Trung Quốc sách nhiễu, uy hiếp ở vùng biển này, Việt Nam và Philippines buộc phải tăng cường hợp tác chiến lược để đối đầu với địch thủ chung. Cụ thể, theo báo chí Philippines, nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của tổng thống Marcos Jr., Manila và Hà Nội sẽ ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Tuần duyên Philippines. Về kinh tế, tổng thống Marcos Jr. hy vọng trong chuyến đi lần này Manila sẽ ký được với Hà Nội một hiệp định mua gạo của Việt Nam để bảo đảm an ninh lương thực cho Philippines.

  • Manglende episoder?

    Klik her for at forny feed.

  • Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 1/11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, giá gạo Việt Nam đang có mức cao nhất. Cụ thể, giá gạo tấm 5% của Việt Nam đã lên tới 653 đôla/tấn, cao hơn nhiều so với giá gạo Thái Lan ( 560 đôla/tấn ).

    Theo Báo Điện tử Chính phủ, Bộ Công Thương uớc 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỷ đôla, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch 4 tỷ đôla chỉ trong 10 tháng năm 2023 được coi là con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong cả năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 8,2 triệu tấn gạo.

    Nguyên nhân chủ yếu khiến giá gạo Việt Nam tăng cao, theo các chuyên gia, thứ nhất là do nhu cầu của thị trường thế giới hiện rất lớn mà nguồn cung lại đang giảm đi và thứ hai là chất lượng gạo Việt Nam ngày càng cao.

    Biến đổi khí hậu khiến nguồn cung gạo trên toàn cầu suy giảm, nhiều quốc gia phải tìm mua lượng gạo lớn để tăng nguồn dự trữ lương thực. Những nước như Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ hay Chilê đều tăng nhập khẩu gạo.

    Trong khi đó, một số nước vì lo ngại cho an ninh lương thực quốc gia nên đã cấm xuất khẩu gạo. Chẳng hạn như Ấn Độ vào tháng 7 năm nay đã ra lệnh cấm xuất khẩu gạo không phải là gạo basmati. Gạo không phải là basmati là gạo rẻ tiền, vốn chiếm đến một phần ba tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ, hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Ấn Độ đã dự kiến gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trong tháng 10, nhưng đến nay vẫn chưa bỏ lệnh này, cho nên thế giới vẫn thiếu hụt nguồn cung từ nước này.

    Trong khi đó, với sản lượng trên 43 triệu tấn lúa, ngoài việc dành cho tiêu thụ nội địa, chế biến, dự trữ, Việt Nam có thể đảm bảo xuất khẩu 7,5 - 8 triệu tấn gạo.

    Như vậy gạo của Việt Nam hiện đang có những lợi thế gì, trả lời RFI Việt ngữ, giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng danh dự Đại học Nam Cần Thơ, cho biết

    “ Việt Nam có kỹ thuật trồng lúa của đồng bằng sông Cửu Long, chọn giống lúa ngắn ngày, tức là ngắn hơn 100 ngày. Trong quá trình gần 40 năm nay, chất lượng của gạo Việt Nam đã được cải tiến rất nhiều, đặc biệt là vào năm 2019, hai loại gạo ngắn ngày của Việt Nam được quốc tế vinh danh tại hội nghị về gạo ở Philippines là hai loại gạo ngon nhất thế giới, vừa dẻo, ngon cơm, đồng thời có mùi thơm gần giống như gạo thơm của Thái Lan. Giống lúa Việt Nam chọn ra là giống lúa ngắn ngày, đó là lợi thế thứ nhất.

    Thứ hai, vùng được chọn là vùng an ninh lương thực là vùng dọc theo biên giới Cam Bốt, khi sông Cửu Long vừa vào tới Việt Nam. Chúng ta sử dụng nước sông ở khu vực này đưa sang sông Tiền, nối với một con kênh gọi là "kênh trung ương" đưa nước sang tới tận Long An. Dọc theo con kênh này có rất nhiều kênh sườn để đưa nước xuống phía dưới vùng cao sản này.

    Phía bên tay trái là sông Hậu thì chúng ta lấy nước từ Tân Châu qua kênh Vĩnh Tế ra gần tới Hà Tiên. Dọc theo con kênh này người ta cũng đã đào rất nhiều con kênh sườn. Vùng là khoảng 1 triệu 500 hectare đất rất là tốt, với nước ngọt luôn có sẵn. Nước mặn ở biển lên thì chưa tới chỗ đó.”

    Cũng theo giáo sư Võ Tòng Xuân, một thế mạnh nữa đó là dọc theo vùng ven biển, mặc dù có nước mặn, nhưng trong mùa mưa, chúng ta có thể sản xuất một vụ lúa cao sản cũng với chất lượng rất cao. Đồng thời nước mặn không ảnh hưởng trong mùa mưa. Sau khi nông dân thu hoạch lúa thì hết mưa và nước mặn tràn vào, thì họ thả tôm giống để nuôi tôm, làm tăng thêm lợi tức. Còn vùng ở giữa từ Đồng Tháp qua đến Tiền Giang, Vĩnh Long là vùng trước đây trồng 3 vụ lúa nhưng không có chất lượng cao, nên bây giờ nông dân chuyển sang trồng cây ăn quả ( xoài, sầu riêng, mít, sa pô chê… ).

    Theo đánh giá của giáo sư Võ Tòng Xuân, có thể nói là toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thích nghi được biến đổi khí hậu, nhất là trong những năm vừa qua. Trong những năm tới, với cách quy hoạch, bố trí như thế này, các vụ lúa vẫn có thể hưởng được thiên nhiên của sông Cửu Long, cũng như thời tiết mùa mưa của vùng đồng bằng này, và như vậy Việt Nam luôn có dư lượng gạo để xuất khẩu.

    Theo cách phân loại của Thái Lan thì có hai loại: gạo thơm thì chỉ trồng được một vụ/năm, còn gạo trắng, tức là gạo từ lúa cao sản, thì có thể trồng 2 vụ/năm. Gạo thơm, ngon cơm của Việt Nam được xếp vào loại gạo trắng Thái Lan, được bán với giá gần 900 đôla/tấn, trong khi đó gạo trắng của Thái Lan chỉ được bán với giá trên 500 đôla. Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, đây là cơ hội để gạo Việt Nam vượt qua gạo Thái Lan, và luôn có đủ để cung cấp cho các nước xung quanh, cho một phần Trung Đông và một phần châu Phi.

    Với lợi thế như hiện nay, làm sao để đẩy mạnh quảng bá trên thị trường quốc tế để gạo Việt Nam duy trì uy tín một cách lâu dài? Giáo sư Võ Tòng Xuân đề xuất:

    “Theo thông tin tôi nắm được, các siêu thị Á Châu, nhất là siêu thị của người Việt Nam mình ở châu Âu, đã nhập gạo thơm của Việt Nam. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta phải làm kỹ hơn nữa để giữ vững uy tín của gạo Việt Nam.

    Thứ nhất là phải đặc biệt làm việc với tất cả bà con nông dân để thực hiện quy trình sản xuất “sạch”. Tôi không dám nói là sản xuất gạo hữu cơ, bởi vì gạo hữu cơ thì năng suất không cao. Nhưng khi ta làm theo quy trình “sạch” thì cũng gần như là hữu cơ, nhưng có châm thêm một ít phân hóa học để giúp cây lúa phát triển nhanh hơn và có năng suất cao hơn.

    Với cách làm này, chúng ta sẽ thay đổi phương pháp bón phân hóa học, trước hết là giảm phân hóa học ít nhất là 50%, rồi phải bón phân lót để giảm thiếu khí nhà kính, vì nếu chúng ta bón phân lót thì khí đạm không bị ôxy hóa, làm cho chất đạm hoàn toàn còn ở trong đất để cung cấp cho cây lúa. Trong khi đó bà con nông dân chúng ta bón thêm phân hữu cơ và vi sinh, để thêm các chất vi lượng và các chất khác cho cây lúa, đồng thời cung cấp các loại vi sinh cho cây lúa hấp thụ lên trên thân cây. Từ đó cây lúa không bị bệnh và nông dân giảm bớt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng của mình.

    Theo hướng này thì các doanh nghiệp chế biến gạo để xuất khẩu luôn có một nguyên liệu rất tốt, vừa sạch, vừa có chất lượng ngon cơm.

    Tôi hy vọng là với cách làm này, chúng ta có thể giữ được uy tín của gạo Việt Nam. Đồng thời tôi rất mong là tới đây, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ rất năng nổ, đi các nơi để giới thiệu gạo ngon của mình với giá tương đối thấp hơn, nhưng đồng thời luôn có đủ để cung cấp cho các khách hàng. Như thế này thì gạo Việt Nam có thể vươn xa và đạt kết quả tốt, trong khi đó bà con nông dân hưởng được một lợi thế là luôn luôn có đầu ra để tiêu thụ sản phẩm của họ.”

    Thật ra thì về lâu dài, Việt Nam sẽ không tiếp tục xuất khẩu gạo với khối lượng như hiện nay. Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, được chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023, dự trù giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn/năm và như vậy là kim ngạch xuất khẩu gạo sẽ giảm xuống còn khoảng 2,60 tỷ đôla so với 3,45 tỷ đôla năm 2022. Mục tiêu chính là nhằm "thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao, bảo đảm an ninh lương thực trong nước, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu".

  • Khoảng 7 giờ tối, phố Bùi Viện ở thành phố Hồ Chí Minh lên đèn, nhiều quán bar bắt đầu mở nhạc hết công suất để thu hút du khách nước ngoài đến khám phá khu phố « Tây » về đêm. Khách du lịch nước ngoài đã trở lại Việt Nam đông hơn nhưng vẫn chưa được như trước đại dịch Covid-19. Tương tự, ở trung tâm thủ đô Hà Nội, có thể thấy du khách trở lại đông hơn, len lỏi theo dòng xe tấp nập trong những khu phố cổ.

    Thêm nhiều thị trường khách mới

    Năm 2023, Việt Nam đã đón hơn 12,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, con số này mới chỉ tương đương với khoảng 69% so với năm 2019. Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản là những thị trường gửi khách đến Việt Nam lớn nhất. Nhưng ngày càng có thêm nhiều khách đến từ những quốc gia mới, theo quan sát chị Kim Ngân, chủ cửa hàng Gourmet Gift phố Hàng Đào, Hà Nội :

    « Lượng khách đến Việt Nam thay đổi khá nhiều về quốc tịch so với ngày trước. Trước dịch Covid-19, khoảng 70% khách đến Việt Nam là khách châu Âu. Hiện giờ, Việt Nam đang là điểm đến, nhờ vào việc chính phủ, cũng như Tổng cục Du lịch đưa ra rất nhiều ưu đãi « kích cầu » về du lịch. Ví dụ đối với khách Ấn Độ, có những chuyến bay thẳng, được miễn thị thực. Hoặc đối với khách trong khu vực Đông Nam Á, họ được hưởng lợi từ những chuyến bay giá rẻ hơn.

    Do đó, về quốc tịch, có thể thấy hiện giờ rất đa dạng. Khách châu Phi cũng có rất nhiều, rồi châu Âu, châu Á, kể cả những đất nước rất xa xôi mà ngày xưa mình không bao giờ nghĩ họ sẽ đến Việt Nam, như Israel hoặc những nước ở vùng Bắc Âu như Đan Mạch, Phần Lan… mà trước đây gần như là không có. Nói chung bây giờ khách Ấn Độ rất nhiều, khách Philippines, Singapore, khách Trung Quốc thì ở đâu cũng có, khách Mông Cổ cũng rất nhiều ».

    Theo trang web Skift ngày 18/12, Việt Nam là điểm đến được người Ấn Độ tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong năm 2023 (tiếp theo là Goa, Bali, Sri Lanka, Thái Lan...). Đối với nhiều người Ấn Độ, Việt Nam vẫn là một điểm chưa được khám phá trong khi chi phí du lịch Việt Nam thấp hơn từ 10-15% so với nhiều nước Đông Nam Á khác. Điểm này đặc biệt hấp dẫn giới trẻ Ấn Độ từ 25-35 tuổi vì cùng với ngân sách như vậy, họ nhận được dịch vụ tốt hơn ở Việt Nam. Rất nhiều bloggeur Ấn Độ quảng bá cho du lịch Việt Nam là điểm đến thân thiện với chi phí phải chăng. Du khách cao tuổi Ấn Độ thì bị thu hút bởi các di tích lịch sử, đền chùa ở Việt Nam.

    Đây là một trong những thành công của hàng loạt biện pháp cải cách đối với ngành du lịch trong năm 2023, từ thúc đẩy quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài đến các thỏa thuận về du lịch với các tổ chức du lịch quốc tế tại một số thị trường trọng điểm và đặc biệt là chính sách thị thực mới, thị thực điện tử, linh hoạt hơn, kéo dài thời gian lưu trú cho công dân một số nước mà Việt Nam đơn phương miễn thị thực để thu hút thêm nhiều du khách.

    Cần đa dạng hóa dịch vụ và sản phẩm du lịch

    Trên nhiều trang Facebook cộng đồng Pháp ngữ trao đổi về du lịch Việt Nam, rất nhiều người rất ấn tượng về phong cảnh đa dạng của Việt Nam. Các tỉnh miền núi phía bắc thu hút sự chú ý đặc biệt của khách phương Tây vì có sở thích khám phá, đi bộ đường dài (trekking). Các chuyến « phượt » bằng xe máy cũng thu hút du khách trẻ nước ngoài, đặc biệt là nhờ hệ thống đường xá ngày càng được mở rộng, thuận tiện hơn.

    Đến Hà Giang, du khách không ngừng đi hết từ trầm trồ này sang trầm trồ khác, từ cảnh quan hùng vĩ đến những ruộng lúa bậc thang trổ vàng tháng 09, tháng 10 hàng năm hoặc đặc sản thịt lợn khô gác bếp, cũng như những đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc ở « Miền đá nở hoa ». Ví dụ thôn Nặm Đăm nổi tiếng là « làng homestay » với những ngôi nhà trình tường độc đáo, theo giải thích của một chủ homestay hoạt động từ năm 2018 :

    « Ban đầu chính quyền vận động làm. Lúc đó có ba nhà làm mô hình trước. Sau 3, 4 năm, dần dần chính quyền cho phát triển lên thành một làng. Giờ cả làng làm du lịch, khách cũng đông. Lúc đầu mình tự bỏ tiền ra hết, làm xong, đạt được tiêu chuẩn đón khách thì Nhà nước cho 60 triệu để trả nợ, chứ không hỗ trợ ngay lúc đầu.

    Về cách làm nhà, mình có một cái khuôn giống kiểu đóng gạch, nhưng khuôn này bằng gỗ, to và dài hơn 1 mét, rộng 40-50 cm. Mình cứ lấy đất ở xung quanh, đào xuống sâu tới chỗ có đất vàng, dạng đất sét, sau đó băm cho nhỏ, rồi mang về đổ vào khuôn. Tiếp theo lấy chày giã như giã gạo cho chặt, được một vòng lại tháo ra, rồi giã tiếp, không cần nước. Chỉ nguyên đất, không trộn một cái gì khác, không trộn nước, không bê tông. Đất này càng để lâu càng bền. Nếu không bị nước ngập thì có thể giữ được hơn 100 năm. Kiểu nhà này ấm về mùa đông, mát về mùa hè ».

    Trở lại Hà Nội, du khách nước ngoài quay lại đã giúp hồi sinh hàng quán, cửa hàng quà tặng ở trung tâm thành phố sau khi phải đóng cửa suốt thời gian dịch Covid-19. Đặc sản của Việt Nam (cà phê, tiêu, hạt macca, hạt điều…) được đóng gói bắt mắt hơn, chất lượng bảo đảm hơn. Chị Kim Ngân, chủ cửa hàng Gourmet Gift, giải thích tại sao cà phê nằm trong « check list » làm quà của khách du lịch :

    « Lý do là Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới, sau Brazil, nhưng là nước số 1 về cà phê robusta. Đối với sản phẩm cà phê, ở Việt Nam có khoảng 15 loại khác nhau. Ngoài cà phê Việt Nam và cà phê chồn ra, còn có nhiều loại khác như cà phê sôcôla, bởi vì Việt Nam cũng rất nổi tiếng về cacao. Tiếp theo là một số loại cà phê có phong cách giống cà phê của Ý, cà phê arabica hoặc cà phê mật ong có hậu vị ngon hơn.

    Ở Việt Nam, một trong những sản phẩm cà phê được khách du lịch nước ngoài ưa chuộng nhất, có hai dòng : cà phê chồn và cà phê truyền thống. Cà phê chồn ngày trước có giá rất đắt. Nhưng đến hiện tại, khi cà phê chồn được biết nhiều hơn trên thế giới và người ta muốn giá thành của cà phê chồn hợp lý hơn, thì ở Việt Nam, người ta nuôi chồn trong trang trại và cho con chồn ăn cà phê, nên sản lượng sẽ nhiều hơn và đồng thời là giá thành sẽ thấp hơn. Nên hiện giờ, cà phê chồn nuôi chỉ rơi vào khoảng 2 triệu/kg, còn cà phê chồn tự nhiên vẫn giữ giá khoảng 25 triệu đồng/kg.

    Loại cà phê thứ hai là cà phê truyền thống của Việt Nam. Mỗi cửa hàng có một công thức trộn riêng bởi vì đó là loại cà phê phối trộn. Có nghĩa là cùng là cà phê Việt Nam, mỗi cửa hàng sẽ có một đặc trưng và có một công thức riêng ».

    Biến ngành công nghiệp không khói thêm “xanh” hơn

    Dù hoạt động du lịch đang dần được khôi phục nhưng nhìn chung, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam ngày 15/11, thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến tình trạng « mạnh ai nấy làm » thiếu liên kết chặt chẽ giữa các ngành, sản phẩm du lịch thiếu sáng tạo, đặc sắc, thường bị sao chép, chắp vá giữa các địa phương hay doanh nghiệp, thiếu sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức chuyên nghiệp…

    Nhiều thành phố, đặc biệt là Hà Nội, đã tập trung nâng cao giá trị kiến trúc, văn hóa địa phương khi cho trùng tu những công trình kiến trúc cổ và thời Pháp thuộc, tạo điểm nhấn bất ngờ. Nhiều tour du lịch đêm cũng được tổ chức (tour Hoàng Thành Thăng Long, di tích Hỏa Lò...). Đến năm 2025, các thành phố lớn sẽ phấn đấu có ít nhất một mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Điều đáng tiếc là văn hóa bảo tàng vẫn chưa được phát triển ở Việt Nam trong khi hầu hết các tòa nhà bảo tàng đều là những công trình kiến trúc có giá trị cao. Một số bảo tàng, như bảo tàng Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh, thiếu chuyên nghiệp trong cách tổ chức, sơ sài, không nâng được giá trị của các tác phẩm được trưng bày.

    Việc bảo vệ môi trường cũng là một vấn đề được du khách nước ngoài đề cao và đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam thích ứng. Trang web Vietnamplus ngày 19/10/2023 trích dẫn một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, thuộc Tổng cục Du lịch, theo đó 76% du khách quốc tế sẵn sàng giảm rác thải trong thời gian đi nghỉ ; 62% sẵn sàng tiêu dùng sản phẩm địa phương ; 45% sẵn sàng sử dụng các phương tiện giao thông ít tác động đến môi trường… Xu thế này ngày càng được các nhà kinh doanh sản phẩm du lịch áp dụng để thuyết phục khách hàng, như giải thích của chị Kim Ngân :

    « Trước đây, ở Việt Nam thì cà phê được đựng vào túi ni lông. Nhưng giờ có thể nhìn thấy là tất cả sản phẩm, đồ trang trí trong cửa hàng đều là những sản phẩm thân thiện với môi trường, làm từ mây tre đan. Ngay bản thân túi đóng gói này cũng có thể phân hủy được và làm từ giấy carton, chứ không làm từ bao bì ni lông. Hiện giờ Việt Nam cũng rất theo kịp thời đại. Mình có một số loại cà phê bảo vệ môi trường, ví dụ cà phê phin giấy, giấy đó sẽ dùng một lần, sau đó vất đi và cũng là sản phẩm tự phân hủy ».

    Nâng cao trình độ chuyên môn của người làm du lịch

    Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024, tăng thêm 5-6 triệu khách so với năm 2023. Để thu hút thêm du khách, bộ trưởng Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch đề xuất chính phủ miễn thị thực ngắn hạn cho khách từ thị trường lớn, tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ, mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho khách từ các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu nhiều như Úc, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu - đây cũng là kiến nghị của Phòng Thương Mại Châu Âu. Ngoài ra, cấp thị thực từ 3-5 năm cũng được đề nghị thí điểm để thu hút khách phân khúc cao cấp hoặc đã nghỉ hưu.

    Nhưng để phục vụ được lượng khách như vậy, ngành du lịch Việt Nam cần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hiện « thiếu trình độ chuyên môn, thiếu tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế », theo nhận định của phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Quốc Gia Nguyễn Lê Phúc, được trang web Lao Động trích dẫn ngày 22/12. So với các nước trong khu vực, lao động du lịch Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm, năng suất lao động và tính chuyên nghiệp. Trong khi đó, việc đào tạo chỉ tập trung một số ngành nghề, dẫn đến phát triển thiếu bền vững.

    Ngành du lịch Việt Nam, cũng như thế giới, vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau những năm bị hạn chế vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với tinh thần điều chỉnh thiếu sót, cũng như những tham vọng và kế hoạch liên tục được đưa ra, có thể kỳ vọng du lịch Việt Nam bứt phá trong năm 2024. Đây cũng là mong mỏi của những người làm trong ngành du lịch như chị Kim Ngân : « Hy vọng là những chính sách kích cầu du lịch như này thì năm tới (2024), Việt Nam sẽ là một điểm tới bùng nổ bởi vì Việt Nam có quá nhiều thứ để xem. Thế nên hy vọng là sẽ ổn ! ».

  • Khi đến thăm Tòa Tổng Giám Mục Huế ngày 14/12/2023, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thông báo với Tổng Giám mục Tổng giám phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh là ông vừa ký Thư mời giáo hoàng Phanxicô sang thăm Việt Nam để “chứng kiến sự phát triển về kinh tế-xã hội và đời sống tôn giáo ở Việt Nam.”

    Đối với Giáo hội Công Giáo và giáo dân Việt Nam, đây quả là một tin vui giữa mùa Giáng Sinh 2023, vì từ rất lâu họ vẫn ước ao được đón tiếp một vị giáo hoàng đến thăm một quốc gia tuy chỉ có khoảng 8% theo Công Giáo ( 7,2 triệu giáo dân ), nhưng đây là một cộng đồng mà đức tin được thể hiện rất mạnh mẽ và Giáo hội vẫn rất tuân phục Tòa Thánh.

    Ngày giờ chuyến viếng thăm của giáo hoàng Phanxicô chưa được xác định, nhưng trong chuyến thăm Tòa Tổng Giám Mục Huế, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã bày tỏ mong muốn cộng đồng Công giáo Việt Nam cùng phối hợp với các cơ quan nhà nước để sớm có cơ hội được đón giáo hoàng tới thăm Việt Nam “trong một ngày không xa.”

    Trong lịch sử, thật ra quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican với Việt Nam chưa bao giờ được thiết lập. Cho tới hiện nay, cấp bậc cao nhất trong mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam mới chỉ là Khâm sứ Tòa Thánh, nhưng sau năm 1975, Vatican không còn Khâm sứ nào ở Việt Nam.

    Sau nhiều thăng trầm, quan hệ giữa hai bên đã đạt được một bước tiến lớn với việc thông qua “Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam”, khi ông Võ Văn Thưởng thăm Tòa Thánh và gặp giáo hoàng Phanxicô vào tháng 7 vừa qua. Đến ngày 23/12 vừa qua, Tòa thánh Vatican đã chính thức công bố việc Tổng Giám mục Marek Zalewski được giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Đại diện thường trú đầu tiên của Tòa thánh tại Việt Nam. Tổng Giám mục Marek Zalewski nguyên là Sứ thần Tòa thánh tại Singapore và đã kiêm nhiệm Đặc phái viên không Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam từ năm 2018.

    Tuy vậy, hãy còn quá sớm để nêu lên khả năng Hà Nội và Tòa Thánh bình thường hóa bang giao.

    Nhân ngày Lễ Giáng Sinh hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe tâm tình của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh và Giáo phận Hà Tĩnh và cũng đã từng là Chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Bài phỏng vấn qua điện thoại được thực hiện ngày 20/12/2023.

    RFI: Thưa Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, sau khi nghe tin chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chính thức ký thơ mời giáo hoàng sang thăm Việt Nam, tâm trạng của Đức cha nói riêng và của Giáo hội Công Giáo Việt Nam nói chung là như thế nào?

    Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Đó là một niềm vui rất lớn đối với các vị lãnh đạo Giáo hội và tất cả giáo dân Việt Nam, vì nhiều lần chúng tôi đã nói là giáo dân Việt Nam rất gắn bó và yêu mến các Đức Thánh Cha, đặc biệt là những vị lãnh đạo Giáo hội trong thời gian gần đây. Chúng tôi nhiều khi rất buồn khi thấy Đức Thánh Cha có thể đi thăm khắp nơi, kể cả sang Mông Cổ, nơi mà số giáo dân chỉ hơn 1.000 người. Trong khi đó, có lẽ ít có nơi nào có một thành phần giáo dân tận tụy với đạo Chúa và hy sinh nhiều cho đạo Chúa như là ở Việt Nam. Thế mà ước nguyện được đón Đức Thánh Cha bao nhiêu năm rồi vẫn chưa được thành tựu. Thành thử chúng tôi rất vui, với tư cách là người Công Giáo Việt Nam, khi chủ tịch nước thông báo chính phủ Việt Nam chấp nhận Đức Thánh Cha sẽ được sang thăm Việt Nam.

    Tiến trình chuẩn bị chắc là phải chờ lâu và đến khi đó thì hai bên mới xác định năm nào, ngày nào và những nơi nào Đức Thánh Cha sẽ ghé thăm, thì lúc đó mới có sự chuẩn bị.

    RFI: Thưa Đức cha, trước mắt, trong quan hệ giữa Việt Nam với Vatican đã có một bước tiến đáng kể, đó là Việt Nam chấp nhận cho Tòa Thánh bổ nhiệm một đại diện thường trú ở Việt Nam. Việc thành lập chức vụ đó hiện đang được tiến hành đến đâu, thưa Đức cha?

    Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Cho đến nay, thật sự thì Việt Nam có đại diện không thường trú của Vatican. Đó là đẳng cấp thấp nhất trong lĩnh vực ngoại giao. Bây giờ mới thực hiện đẳng cấp cuối cùng của ngành ngoại giao. Đó là một niềm vui. Chính vì vậy chúng tôi cũng hy vọng là trong tương lai thì quan hệ giữa Việt Nam với nhà nước Vatican sẽ được bình thường hơn. Đó cũng là để có thể cải chính điều mà dư luận ở ngoại quốc vẫn nói là Việt Nam luôn luôn hành động theo Trung Quốc, Trung Quốc làm gì thì lúc đó Việt Nam mới làm vậy. Phải chăng bây giờ nên có một dấu hiệu để chứng tỏ rằng trong quan hệ với Vatican, Việt Nam cũng làm khác hơn Trung Quốc. Với tư cách là một người Việt Nam, một người Công Giáo Việt Nam, chúng tôi rất vui mừng, hoan hỉ trước thông tin đó.

    Còn có rất nhiều chuyện trong thực tế lúc đó thì mới giải quyết. Đây mới là trên nguyên tắc. Chắc chắn là lúc đó phải tạo cơ hội để Tòa Thánh có một trụ sở. Trước đây Tòa Thánh không có trụ sở ở Hà Nội hay Sài Gòn. Trong tương lai thì thế nào cũng phải có văn phòng của vị đại diện. Chắc chắn rằng trên thực tế phải có thời gian để giải quyết : văn phòng đặt ở nơi nào và có diện tích như thế nào. Đó sẽ là những đàm phán cụ thể giữa hai bên, bây giờ chưa thể nói được.

    RFI: Thưa Đức cha, từ việc bổ nhiệm đại diện thường trú cho đến việc bình thường hóa bang giao giữa Hà Nội với Vatican thì còn những cản ngại nào? Cho tới nay vẫn có một vấn đề gây rắc rối trong quan hệ giữa Việt Nam với Vatican, đó là bổ nhiệm các giám mục. Hiện nay vấn đề có đã được khai thông so với trước đây chưa?

    Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Tôi cũng không rõ. Đó là vấn đề nguyên tắc giữa Tòa Thánh với nhà nước. Trước đây nói rằng nhà nước chủ động trong vấn đề bổ nhiệm các giám mục thì cũng không đúng. Nguyên tắc tới đây thì bổ nhiệm là do Tòa Thánh quyết định, rồi sau đó thì thông báo lại cho nhà nước. Đức Khâm sứ hiện tại cũng đã một lần nói một cách công khai là cho đến thời gian cách đây vài năm, nhà nước Việt Nam chỉ có veto ( phủ quyết ) trong một trường hợp. Như vậy là đa số các trường hợp mà Giáo hội đề nghị thì nhà nước đã chấp nhận, nếu đúng theo tuyên bố của vị đại diện Tòa Thánh cách đây không lâu.

    RFI: Theo quan sát của Đức cha, thì Giáo hội Công Giáo nói và các giáo xứ năm nay đón mừng Lễ Giáng Sinh trong bầu không khí như thế nào?

    Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Cho đến hôm nay, mặc dù Lễ Giáng Sinh không phải là một ngày nghỉ lễ, tuy nhiên, chúng tôi vẫn hãnh diện và vui mừng rằng có lẽ trong cả năm, ở Việt Nam không có ngày lễ nào nhộn nhịp và vui tươi như Lễ Giáng Sinh. Đó là một đêm của ánh sáng, một mùa mà mọi người đều cảm nhận bầu không khí Giáng Sinh, dù là người Công Giáo hay người không Công Giáo. Khi đến Lễ Giáng Sinh thì những làng xóm, những khu phố luôn có ánh sao, có đèn. Trong vài năm trở lại đây thì ngay cả chương trình phát thanh, truyền hình của nhà nước vẫn có những bài hát thánh ca. Trong dân gian thì có thể nói, trong cả một năm Dương lịch và Âm lịch, không có lễ nào lớn hay vui tươi, với bầu không khí đặc biệt như Lễ Giáng Sinh. Chúng tôi thấy càng ngày, ngay cả những giới ngoài Công Giáo cũng cảm thấy có một cái gì đó đặc biệt trong ngày Lễ Giáng Sinh. Năm nay, với những thông tin mà chủ tịch nước vừa thông báo, thì chắc chắn niềm vui đó, đêm Giáng Sinh và ánh sáng Giáng Sinh sẽ ngày càng lan tỏa.

    RFI: Với tư cách cựu chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình, Đức cha có một thông điệp nào nhắn gởi đến thính giả của RFI?

    Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Với tư cách một giám mục đã về hưu, đã nghỉ những chức vụ mà Hội đồng Giám mục giao phó, tôi không thể phát biểu với tư cách chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Nhưng với tính cách một người Công Giáo, một cựu giám mục, tôi vẫn ước mong đêm Giáng Sinh là một đêm ánh sáng. Ánh sáng đó không chỉ là ánh sáng bên ngoài, của đèn, nến, mà là ánh sáng của tâm hồn. Ước mong là với tin vui mà chủ tịch nước gởi đến cựu chủ tịch Hội đồng Giám mục, người Công Giáo chúng tôi biểu hiện tin vui đó không chỉ bằng niềm vui tâm hồn, mà còn phải làm sao cuộc đời của chúng tôi cũng trở thành ánh sáng của niềm vui. Chúng tôi ước mong rằng người Công Giáo, qua cuộc sống của mình, qua niềm tin của mình, càng biểu lộ được niềm vui của đêm Giáng Sinh và hy vọng niềm vui đó lan tỏa cho những anh chị em chúng tôi, mặc dù họ chưa chia sẽ niềm tin tôn giáo với chúng tôi.

    Nhân dịp này, xin được chúc mừng tất cả quý vị thính giả của đài RFI một Giáng sinh an bình và ước mong rằng quý vị cũng chia sẽ niềm vui với chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn.

    RFI: RFI Việt ngữ xin cám ơn Đức cha Nguyễn Thái Hợp và xin kính chúc Đức cha một mùa Giáng sinh thật an lành và thật nhiều sức khỏe.

  • Với bờ biển dài đến 3.200 km, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tác động nhất của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng, nước biển dâng cao, sự gia tăng về tần suất và cường độ của các hiện tượng khí hậu cực đoan kết hợp với tăng trưởng dân số và đô thị hóa mạnh mẽ, đang làm gia tăng các rủi ro xói lở ven biển, ngập lụt đô thị và hạn hán trên cả nước.

    Tại hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc COP26 ở Glasgow, Việt Nam đã cam kết sẽ đạt đến trung hòa carbon vào năm 2050. Chính là để thực hiện mục tiêu đó, vào tháng 12/2022, Việt Nam đã ký hiệp định thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng ( Just Energy Transition Partnership - JETP) với nhóm G7, Liên Hiệp Châu Âu, Na Uy và Đan Mạch.

    Hoạt động tại Việt Nam ngay từ năm 1993, Cơ quan Phát triển Pháp ( Agence Française de Développement - AFD ) trong nhiều năm qua vẫn hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược và triển khai nhiều dự án chống biến đổi khí hậu.

    Trả lời RFI Việt ngữ ngày 29/11/2023, ông Hervé Conan, giám đốc AFD Việt Nam, trước hết đánh giá về mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam:

    Hervé Conan: Việt Nam rõ ràng là một trong năm quốc gia lục địa dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu nhất thế giới, một phần là do Việt Nam có một vùng bờ biển dài hơn 3.000 km, khiến các thành phố ven biển dễ hứng chịu các cơn bão nhiệt đới, mà tần suất và cường độ sẽ gia tăng cùng với biến đổi khí hậu. Với địa hình như vậy, Việt Nam có nguy cơ ngập lụt rất cao cùng với các thiên tai ngày càng nặng nề.

    Việt Nam cũng có hai vùng đồng bằng có độ cao gần bằng với mực nước biển, cho nên có nhiều nguy cơ bị ngập mặn, hiện tượng mà chúng ta đã thấy ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng như đồng bằng sông Hồng, nơi mà lượng phù sa trong con sông đã giảm rất nhiều do các đập trên thượng nguồn. Do mực nước biển dâng cao, tình trạng ngập mặn ngày càng lấn sâu trong đất liền.

    Vì những lý do nói trên mà Việt Nam đã hứng chịu những tác động của biến đổi khí hậu rất mạnh. Chúng ta đã thấy là mỗi năm trôi qua, thiệt hại do biến đổi khí hậu đối với các thành phố càng tăng. Nói cách khác, biến đổi khí hậu đã là một thực tế ở Việt Nam, mà toàn thể người dân phải hứng chịu tuy chưa phải là hàng ngày, nhưng đã là thường xuyên.

    Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và nhất là trong việc thực hiện mục tiêu trung hòa carbon năm 2050, cơ quan AFD đang hỗ trợ Việt Nam như thế nào, ông Hervé Conan cho biết:

    Hervé Conan: Kể từ sau hội nghị COP21 ở Paris, tại Việt Nam, AFD được giao nhiệm vụ thuần túy về khí hậu, nhằm hỗ trợ Việt Nam, giống như với toàn bộ các nước đang trỗi dậy, thực hiện những cam kết mà họ đã đưa ra tại COP21, nhằm giúp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu đối phó với các nguy cơ liên quan biến đổi khí hậu: lũ lụt, sạt lở bờ biển, bão nhiệt đới.

    Không chỉ là một quốc gia rất dễ bị tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam còn là một nước phát ra ngày càng nhiều khí thải CO2, vì có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có sản lượng năng lượng tăng đều đặn mỗi năm và hiện vẫn dựa rất nhiều vào nguồn điện than.

    Tại hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2050, phi carbon hóa sản xuất năng lượng, dần dần thay thế các nhà máy điện than bằng các năng lượng tái tạo như điện gió, điện Mặt trời.

    Hiện giờ Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp nhận các nguồn năng lượng tái tạo đó do sự yếu kém của mạng lưới truyền tải điện tại một quốc gia có địa hình trải dài như vậy. Hệ thống truyền tải điện qua sóng vô tuyến phải được tăng cường. AFD đang cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN tài trợ một số dự án nhằm tăng cường mạng lưới điện: đường dây tải điện, trạm tải điện.

    Chúng tôi cũng tham gia vào dự án trạm thủy điện tích năng Bác Ái ( tỉnh Ninh Thuận ), sử dụng thiết bị công nghệ tích hợp bơm - tuabin đảo chiều và động cơ - máy phát đảo chiều, để bảo đảm cho sự cân đối của mạng lưới điện. Chúng tôi cũng làm việc với EVN về dự án mở rộng các nhà máy thủy điện. Ở Việt Nam hiện nay không còn chỗ để xây các nhà máy thủy điện lớn mới, cho nên điều chúng tôi làm đó là nâng cao giá trị của các đập thủy điện hiện có, qua việc tạo khả năng sản xuất mới cho các đập này.

    Nói chung là AFD làm việc rất chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam với tư cách một đối tác trên thực địa để hỗ trợ họ trong tiến trình chuyển đổi năng lượng. Giai đoạn đầu tiên của tiến trình đó là trước hết giúp EVN củng cố các đường dây tải điện. Tiếp đến là phải hỗ trợ khu vực tư nhân đầu tư ồ ạt vào các nhà máy điện Mặt trời, nhà máy điện gió, trong đất liền hoặc ngoài khơi, những nguồn năng lượng mà Việt Nam có rất nhiều tiềm năng.

    Bị đe dọa nhiều nhất do tác động của biến đổi khí hậu chính là vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhất là các thành phố ven biển. Ông Hervé Conan, giám đốc cơ quan AFD ở Việt Nam, nói về những dự án để các địa phương đó đối phó với những nguy cơ, như xói lở bờ biển, ngập mặn…:

    Hervé Conan: Về vấn đề các bờ biển và đồng bằng sông Cửu Long, nên biết rằng đến khoảng năm 2100, từ 40% đến 50% đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ biến mất, tức là một phần diện tích lớn của Việt Nam có thể biến mất.

    Để vùng này thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng tôi tham gia vào việc chống ngập mặn với các dự án xây đập để ngăn nước mặn xâm nhập vào các cánh đồng. Chúng tôi cũng tham gia vào việc chống xói lở ở các bờ biển, cũng như ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi còn hỗ trợ toàn bộ các thành phố ven biển đang phải đối đầu với tình trạng xói lở, với các cơn bão nhiệt đới, đặc biệt là các tỉnh miền trung còn phải đối phó với nguy cơ ngập lụt, bằng những dự án quy hoạch, những biện pháp để giảm thiểu nguy cơ ngập lụt, để bảo vệ toàn bộ dân cư mà phần lớn thời gian trong năm vẫn phải sống với lũ lụt khi xảy ra những hiện tượng thời tiết cực đoan. Chúng ta biết là những hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ gia tăng trong những năm tới.

    Chúng tôi làm việc với từng tỉnh để hỗ trợ việc thiết lập các dự án quy hoạch tính đến nhiều nhất có thể được những yếu tố của thiên nhiên, tính việc quản lý các hồ chứa nước để giảm thiểu lượng nước đổ vào các thành phố khi mưa nhiều.

    Nói chung, chúng tôi vừa hỗ trợ về kỹ thuật cho các tỉnh, vừa đầu tư vào các cơ sở hạ tầng lớn của các thành phố. Chúng tôi cũng tham gia vào nghiên cứu với chương trình GEMMES, mà giai đoạn 2 sẽ được khởi động nhân hội nghị COP28, để hỗ trợ Việt Nam những công cụ giúp đưa ra các quyết định, giúp đề ra các chiến lược, chính sách thích hợp nhất trong bối cảnh phức tạp của Việt Nam: kinh tế tăng trưởng mạnh, dân số ngày càng đông, rất dễ bị tác động, chuyển đổi sinh thái phải đi kèm với an ninh năng lượng để bảo đảm đáp ứng nhu cầu về điện của một nền kinh tế tăng mạnh và của một dân số ngày càng đông.”

    Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng Lượng Công Bằng ( JETP ), cơ quan AFD cũng đang giúp Việt Nam phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và cũng hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng, nhất là mạng lưới truyền tải điện, theo lời ông Hervé Conan:

    Hervé Conan: Cộng đồng quốc tế đã cam kết trong khoảng từ 3 đến 5 năm tới sẽ cấp cho Việt Nam 15,5 tỷ đôla trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng. Riêng nước Pháp, thông qua cơ quan AFD, đã cam kết cấp ít nhất 500 triệu euro. Tài trợ của Pháp sẽ được cụ thể hóa qua các dự án lớn, đặc biệt là với EVN để một phần là tăng cường các đường dây truyền tải điện. Chúng tôi cũng làm việc với các ngân hàng công thiết lập các khoản tín dụng cho khu vực tư nhân để các doanh nghiệp này đóng góp vào tiến trình “xanh hóa” sản xuất năng lượng.

    Ngoài những đầu tư đó, chúng tôi cũng đóng góp những kỹ năng chuyên môn của Pháp về chuyển đổi năng lượng, để hỗ trợ cho chính phủ trong việc chọn lựa các giải pháp. Mặt khác, giai đoạn 2 của chương trình nghiên cứu GEMMES sẽ giúp cho việc mô hình hóa những tác động kinh tế xã hội của các chính sách mà Việt Nam sẽ chọn, để xác định những chính sách nào có ít tác động kinh tế xã hội nhất đối với người dân.

    Nói chung đó là sự hợp tác theo diện tương đối rộng nhằm hỗ trợ Việt Nam về nhiều mặt của tiến trình Chuyển đổi Năng lượng Công bằng để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Đây là một thách đố rất lớn đối với Việt Nam, đòi hỏi một cuộc cách mạng mới, hoặc như một số người gọi, một “đổi mới” thứ hai, một thay đổi quan trọng cần thiết để có được một tăng trưởng xanh trong những năm tới như mong muốn của Việt Nam.”

    Nhưng một tài liệu nghiên cứu được đăng trên trang web của cơ quan AFD trong tháng 11 có đưa ra lời cảnh báo cho Việt Nam:

    "Về lâu dài, nền kinh tế có thể bị mắc kẹt vào bẫy quốc gia có thu nhập trung bình nếu chính quyền không giải quyết được hai vấn đề mang tính cơ cấu: một là năng suất và mặt khác, và hai, mạnh mẽ hơn, là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

    Việc chống biến đổi khí hậu hiện nay dường như được thực hiện rất nghiêm túc trong quy hoạch của Việt Nam nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, nhiều chiến lược hiện nay phải được phối hợp một cách hài hòa để tránh những mâu thuẫn và trên hết phải được thực hiện bằng những hành động cụ thể. Thế mà, sự nặng nề của bộ máy quan liêu và của tiến trình ra quyết định theo chiều dọc vẫn còn là những hạn chế cản trở việc thực thi các dự án. Mặc dù có những cải tiến nhất định, nạn tham nhũng, tình trạng thiếu minh bạch và thống kê rời rạc tiếp tục tác động tiêu cực đến rủi ro quốc gia. Cơ quan công quyền sẽ có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức này, thông qua việc gia tăng đầu tư công và cải thiện năng lực thực hiện."

  • Nhân chuyến viếng thăm của tổng thống Mỹ Joe Biden tại Việt Nam hai ngày 10 và 11/09, Washington và Hà Nội đã nâng cấp quan hệ song phương lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện”. Đặc biệt, trong bản tuyên bố về nâng cấp quan hệ, hai nước đã thiết lập “Quan hệ đối tác mới về bán dẫn nhằm hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn bền vững, linh hoạt cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và người lao động Hoa Kỳ”.

    Theo bản tuyên bố, Hoa Kỳ công nhận "tiềm năng của Việt Nam với vai trò quan trọng trong việc thiết lập chuỗi cung ứng bán dẫn”. Trong khuôn khổ Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh Công nghệ Quốc tế (Quỹ ITSI), Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam “để phát triển hơn nữa hệ sinh thái bán dẫn, khung pháp lý, cũng như lực lượng lao động và nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay của Việt Nam.”

    Nói chung, Mỹ có kế hoạch biến Việt Nam thành cường quốc về chip bán dẫn và giúp Việt Nam đa dạng hóa chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Nhưng vấn đề là Việt Nam phải cấp tốc đào tạo một đội ngũ chuyên gia, kỹ sư để đáp ứng nhu về nhân lực của ngành này.

    RFI Tiếng Việt phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề này.

    RFI: Thưa chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn quan trọng đến mức đã được lãnh đạo hai nước nêu lên ngay trong phần đầu tiên của bản tuyên bố về nâng cấp quan hệ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Vậy theo bà, vì sao Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam là một quốc gia "có tiềm năng lớn" để tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn cho ngành công nghiệp Mỹ?

    Phạm Chi Lan: Chắc phía Mỹ cũng đã căn cứ vào việc theo dõi sự phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi tập đoàn Intel vào Việt Nam năm 2003 để đầu tư vào dự án đầu tiên về công nghệ cao ở Việt Nam. Vào thời gian đó, Intel đã bỏ ra mấy năm trời để đàm phán với Việt Nam, tham khảo rất kỹ thị trường Việt Nam về các mặt, làm việc với chính phủ trung ương, với chính quyền các cấp, các bộ ngành liên quan, kể cả với các trường, là những nơi đào tạo nguồn nhân lực, rồi mới đi đến quyết định đó.

    Lúc đó tôi có được thủ tướng Phan Văn Khải đưa vào tổ công tác đặc biệt để làm việc với Intel, đứng đầu là ông Nguyễn Mại, từng là phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về đầu tư, rất thông thạo về đầu tư nước ngoài.

    Chúng tôi đàm phán với Intel trên cơ sở là xem xét tất cả các yêu cầu của Intel, đối chiếu với khả năng của Việt Nam, xem có thể đáp ứng được gì. Bất cứ những gì mà trong phạm vi quyền hạn của chính phủ có thể tạo điều kiện được, thì theo chỉ đạo của thủ tướng Phan Văn Khải, chúng tôi cố gắng làm tối đa. Thậm chí có những gì luật chưa quy định rõ thì chính phủ có thể đề nghị thêm với Quốc Hội để làm rõ về pháp luật, để từ đó Intel có thể đầu tư vào Việt Nam. Còn về những mặt mà Việt Nam còn thiếu hụt, như nguồn nhân lực, thì thúc đẩy các trường cố gắng đáp ứng được cho Intel.

    Chính vì thấy năng lực và thiện chí của phía Việt Nam tích cực giải quyết các vấn đề như vậy, cho nên Intel đã quyết định chọn Việt Nam trong, khi họ có 3 sự lựa chọn khác đang cân nhắc trong khu vực: Hàng Châu ( Trung Quốc ), Thái Lan và Ấn Độ. Cả ba đều có ưu thế so với Việt Nam, nhưng cuối cùng Intel chọn Việt Nam.

    Sau Intel, các tập đoàn công nghệ của các nước, nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc, đã vào Việt Nam khá nhiều. Các công ty Hoa Kỳ trong những năm gần đây cũng đã quan tâm và có nhiều cuộc trao đổi với Việt Nam. Như vậy, càng ngày càng thấy rõ hơn khả năng của Việt Nam trong ngành công nghiệp như điện tử, mà điển hình là thành công của Samsung ở Việt Nam, có thể cho thấy Việt Nam có năng lực về lĩnh vực này.

    Trong những năm gần đây, lực lượng lao động của Việt Nam, với những người trẻ, đi học ở các nước rất nhiều, kể cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, các nước châu Âu, tức là những nước có nền tảng công nghệ cao. Từ đó, Việt Nam có cả một lực lượng những người trẻ là một nguồn nhân lực bổ sung rất tốt cho Việt Nam.

    Trong nước cũng vậy, ở các trường, nhiều em học sinh trẻ tham gia vào các ngành công nghệ thông tin cũng như công nghiệp điện tử đang chiếm tỷ lệ ngày càng cao.

    RFI: Thưa bà Phạm Chi Lan, có một vấn đề mà nhiều chuyên gia đã nêu lên đó là tình trạng thiếu nhân lực cho các ngành công nghệ cao như bán dẫn. Chủ tịch của tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình đã cho biết là Việt Nam cần phải đào tạo gấp từ 30.000 đến 50.000 chuyên gia bán dẫn để đáp ứng nhu cầu của ngành này. Theo bà thì liệu Việt Nam có thể nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực đó?

    Phạm Chi Lan: Các tập đoàn về công nghệ cũng thường hay nói như vậy. Nhưng trên thực tế, một khi đã có hướng rõ ràng, có nhà đầu tư vào làm, cần nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, thì nguồn nhân lực đó ở Việt Nam có thể xuất hiện nhanh chóng trong vòng vài năm. Trong thời gian xây dựng nhà máy, chuẩn bị các cơ sở vật chất, những người muốn tham gia gia vào ngành đó sẽ tự chuẩn bị cho họ, ráo riết đi học cho kịp thời gian. Đó cũng là cơ hội công việc với tương lai tốt mà họ đã khát khao chờ đợi từ lâu. Họ sẽ không bỏ lỡ thời cơ. Các doanh nghiệp có thể yên tâm là Việt Nam sẽ nhanh chóng đáp ứng được.

    Những con số như ông Trương Gia Bình đưa ra thì cũng có cơ sở thôi, nhưng đó là bởi vì lâu nay ở Việt Nam đã có doanh nghiệp nào thật sự làm trong lĩnh vực này đâu! Chưa có ai đặt ra nhu cầu về nhân lực với một tiến độ rõ ràng: bao giờ cần, cần một nguồn nhân lực như thế nào. Nếu có nhà đầu tư nào đưa ra như vậy thì cái sự sẵn sàng đó sẽ cao hơn.

    Tôi nghĩ là thật ra các trường cũng đã học được bài học đầu tiên từ việc Intel vào Việt Nam. Tôi nhớ mãi lúc ấy Intel đã gặp 7 trường ở Sài Gòn để tìm khoảng 2.000 người làm việc cho Intel, nhưng trong đợt đầu tiên chỉ tuyển chọn được 90 người, số còn lại thiếu về mặt này hay mặt khác, hoặc về tiếng Anh, hoặc là về kỹ năng chuyên môn, cần thời gian đào tạo thêm. Nhưng đó là khi họ vừa bước chân vào, đang chuẩn bị nhà máy, nhưng sau đó, khi hình thành nhà máy thì dần dần Intel có đủ nguồn nhân lực cần thiết.

    Samsung sau này cũng vậy: Khi chính phủ khuyến khích Samsung lập cơ sở R&D ( Nghiên cứu và Phát triển ) ở Việt Nam, ban đầu họ cũng có chút ngần ngại, không biết có đủ nguồn nhân lực không. Nhưng bây giờ khi cơ sở đó hình thành thì nguồn nhân lực đó ở Việt Nam đã có đầy đủ, sẵn sàng làm việc cho Samsung.

    RFI: Thưa bà Phạm Chi Lan, ý định của Hoa Kỳ rõ ràng biến Việt Nam thành một nơi cung ứng sản phẩm bán dẫn cho thị trường Mỹ, nhằm bớt phụ thuộc vào nguồn cung ứng của Trung Quốc. Nhưng phải làm sao để Việt Nam không tiếp tục chỉ là một nơi sản xuất hàng hóa cho nước khác, tức là phải làm sao bảo đảm việc chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác với Mỹ, để Việt Nam có thể dần dần nâng cao giá trị của nền kinh tế trong chuỗi cung ứng quốc tế?

    Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ là phía Việt Nam đã thấm bài học của việc thu hút đầu tư nước ngoài trong mấy chục năm qua. Rất nhiều dự án đầu tư ban đầu đều cam kết chuyển giao công nghệ, nhưng trên thực tế không làm được bao nhiêu. Tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, hay nghị quyết về FDI của Bộ Chính trị của khóa 12 cũng đã nêu lên khá rõ điều đó và đã yêu cầu có những chỉnh sửa để làm sao thu hút được chuyển giao công nghệ, đòi hỏi được các nhà đầu tư đã cam kết chuyển giao công nghệ phải thực hiện cam kết của họ thì mới được nhận ưu đãi.

    Đây không chỉ là yêu cầu lớn của các lãnh đạo mà còn của người dân Việt Nam, nhất là những người trẻ. Họ sẽ không chấp nhận Việt Nam chỉ là nơi cung cấp lao động giá rẻ, chuyên làm thuê cho bên ngoài. Bây giờ gia đình những người trẻ ở Việt Nam rất chịu khó cho con em đi học ở các nơi để tiếp nhận các nguồn công nghệ, các kỹ năng tốt hơn, cũng với mục tiêu là sau này về các em sẽ làm những vị trí khác so với trước và có thể tham gia vào quá trình đổi mới, sáng tạo của chính người Việt Nam.

    Chẳng hạn như bạn Lương Việt Quốc đã về lập công ty RealTime Robotics, chế tạo những drone rất thành công ở Việt Nam, với những kỹ sư trè hoàn toàn được đào tạo ở Việt Nam, tạo những tấm gương rất tốt cho những người trẻ ở Việt Nam, chứng minh Việt Nam có thể tự mình nghiên cứu làm chủ được các sáng tạo công nghệ.

    Trong giai đoạn hiện nay của sự phát triển, rõ ràng Việt Nam vẫn cần tham gia tiếp vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu và với một vị trí tốt hơn, cao hơn so với trước đây là chỉ làm trên cơ sở lao động giá rẻ, kỹ năng rất thấp và giá trị gia tăng không bao nhiêu, rồi tiến dần đến việc người Việt Nam làm chủ được một số lĩnh vực.

    RFI: Như vậy, theo bà, Việt Nam có thể tận dụng được những thế mạnh của Hoa Kỳ để xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn trình độ cao?

    Phạm Chi Lan: Hoa Kỳ có thế mạnh rất lớn, kỹ năng rất lớn và cách thức chuyển gao công nghệ của Hoa Kỳ cũng có những cái cởi mở và rõ ràng hơn so với một số quốc gia khác, cho nên tôi tin là sẽ làm được. Tôi nghĩ là các công ty Hoa Kỳ đến Việt Nam với một tinh thần hợp tác tốt và nhất là hiệp định mới có cam kết nhất cả ở cấp nhà nước với nhau, chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho các công ty, các doanh nghiệp và cá nhân những người lao động, những người trẻ tham gia vào quá trình cũng sẽ biết cách làm việc với nhau để tạo được lợi ích cao nhất cho cả hai bên.

  • Nhân chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm qua, 10/09/2023, Hà Nội và Washington đã nâng cấp quan hệ song phương lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”, mức cao nhất trong hệ thống quan hệ đối ngoại của Hà Nội. Nếu như việc nâng cấp quan hệ vẫn là yêu cầu từ lâu của Hoa Kỳ, về phía Việt Nam, đây là một diễn tiến ngoạn mục, bởi cho đến gần đây Hà Nội vẫn rất ngần ngại thắt chặt hơn nữa bang giao với Mỹ, vì sợ phản ứng từ Trung Quốc.

    Trả lời RFI Việt ngữ, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á, Singapore, cho rằng thời điểm hiện nay là thích hợp để Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ mà không gặp trở ngại nào và cũng không gặp phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc. Sau đây mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn với nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp.

    RFI: Xin chào anh Lê Hồng Hiệp. Trước hết theo anh, những lý do gì khiến Việt Nam nay mạnh dạn nâng cấp quan hệ với Mỹ sau một thời gian chần chừ:

    Lê Hồng Hiệp: Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ thì có nhiều lý do. Thật sự Mỹ và Việt Nam xứng đáng là đối tác chiến lược toàn diện của nhau. Hiện tại Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với bốn quốc gia là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. So với các đối tác này thì Mỹ hoàn toàn là ngang tầm, thậm chí quan trọng hơn đối với Việt Nam về kinh tế và chiến lược. Chính vì vậy mà việc Việt Nam quyết định nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đến mức ngang với các nước kia là hoàn toàn hợp lý. Ngoài ra, về mặt thời điểm, thứ nhất là hai nước đang kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện, một thời điểm, một cái cớ rất phù hợp để hai bên có thể nâng cấp quan hệ mà không gây ra phản ứng từ các đối tác khác, đặc biệt là từ phía Trung Quốc.

    Thứ hai, về phía tính toán của Việt Nam, năm nay cũng là năm phù hợp, vì nếu Việt Nam chờ đợi thêm thì có thể có những yếu tố bất định mà Việt Nam không thể lường trước được. Ví dụ như năm sau, Mỹ sẽ bầu tổng thống, chúng ta không thể biết chắc chắn là chính quyền của Mỹ sẽ có gì thay đổi hay không, và nếu có thay đổi, thì liệu Việt Nam có còn là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ hay không.

    Cạnh tranh Mỹ-Trung đang có xu hướng ngày càng gay gắt, nếu Việt Nam trì hoãn việc nâng cấp quan hệ với Mỹ, thì nếu trong tương lai, cạnh tranh Mỹ -Trung xấu đi, việc Việt Nam quyết định nâng cấp quan hệ với Mỹ có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ phía Trung Quốc, vì có thể bị xem là chọn đứng về phía Mỹ để chống Trung Quốc.

    Ngoài ra, còn có các lợi ích tiềm năng mà Việt Nam có thể mong đợi nhận được từ việc nâng cấp quan hệ, như là từ thương mại, đầu tư, công nghệ hay hợp tác chống biến đổi khí hậu và đặc biệt là những hỗ trợ của Mỹ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

    RFI: Ngược lại, đối với Hoa Kỳ, việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên thành “đối tác chiến lược toàn diện” mang lại những mối lợi gì?

    Lê Hồng Hiệp: Về kinh tế, Việt Nam đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với Hoa Kỳ. Năm vừa rồi, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ bảy của Hoa Kỳ bên cạnh các đối tác lớn truyền thống của họ. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung dẫn đến các mâu thuẫn về thương mại và đầu tư, dẫn đến việc nhiều công ty của Mỹ đã chuyển các cơ sở sản xuất của họ qua các nước khác, trong đó có Việt Nam, biến Việt Nam thành một mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, phục vụ cho nền kinh tế Mỹ cũng như là các công ty đa quốc gia của Mỹ.

    Về mặt chiến lược, Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, Mỹ-Nga ngày càng gay gắt. Hoa Kỳ coi Việt Nam ngày càng quan trọng trong tính toán của họ đối với việc xử lý quan hệ với Trung Quốc và Nga. Không thể biến Việt Nam thành đồng minh quân sự thì họ cũng muốn Việt Nam trở thành một đối tác có thể hỗ trợ các mục tiêu chiến lược của Mỹ, hoặc bằng mọi cách ngăn Việt Nam ngả về phía Trung Quốc hay Nga và qua đó tạo ưu thế chiến lược cho Mỹ và các đồng minh trong việc ứng phó với các đối thủ chiến lược này.

    Việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam cũng phù hợp với tầm nhìn về Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Biden, vốn ưu tiên phát triển quan hệ với các nước chủ chốt trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, Indonesia hay Singapore…

    RFI: Trong một thời gian dài Việt Nam đã rất ngần ngại nâng cấp quan hệ với Mỹ vì sợ phản ứng của Trung Quốc. Nay Hà Nội đã quyết định nâng quan hệ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”, chắc là Việt Nam đã có lường trước phản ứng của Trung Quốc cũng như đã có cách “hóa giải” phản ứng đó?

    Lê Hồng Hiệp: Có lẽ các nhà hoạch định chính sách ở Hà Nội đã xác định là nếu nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện” thì sẽ khó mà gây ra các phản ứng quá mức từ phía Bắc Kinh. Thứ nhất, đối tác chiến lược toàn diện chủ yếu là một tuyên bố chính trị, chứ không phải là một liên minh quân sự. Cho nên nó không gây ra các mối đe dọa trực tiếp hay tức thì đối với Trung Quốc. Hiện giờ, quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc rất là tốt. Quan hệ song phương, ngoài vấn đề Biển Đông đang có căng thẳng, thì đang được quản lý tốt, hầu như không có những vấn đề quá lớn giữa hai nước. Vì vậy, khó có khả năng Trung Quốc sử dụng các biện pháp mạnh để trừng phạt Việt Nam về việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ.

    Ngoài ra, việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ cũng không phải là điều gì quá ghê gớm đối với Trung Quốc, vì bản thân Trung Quốc đã là “đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam từ 15 năm nay, thậm chí còn ở mức cao hơn một chút, vì về mặt chính thức đó là "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, có thêm yếu tố “hợp tác” có nghĩa là cao hơn đối tác với Mỹ một bậc.

    Bản thân Việt Nam vẫn luôn khẳng định giữ thế cân bằng chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuối năm ngoái, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và nếu như chúng ta nhìn vào cách làm của Việt Nam từ trước đến nay thì chúng ta cũng có thể dự đoán được là sau chuyến thăm của ông Biden đến Hà Nội thì có rất là nhiều khả năng là Việt Nam sẽ đón tiếp chủ tịch Tập Cận Bình.

    Có một dấu hiệu cho thấy điều đấy sẽ sớm xảy ra, đó là ông Lưu Kiến Siêu, Trưởng ban Đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc đã sang thăm Hà Nội và gặp các lãnh đạo Việt Nam. Có thể chuyến thăm của ông Lưu Kiến Siêu là một phần của kế hoạch chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sang Việt Nam. Có thể nói là Việt Nam đã rất khéo léo trong việc giữ cân bằng trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và đã trấn an Trung Quốc về việc nâng cấp quan hệ với Mỹ. Tất cả những điều này đã góp phần giúp Việt Nam cảm thấy tự tin để nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ mà không lo ngại các hành động trả đũa từ phía Trung Quốc.

    RFI: Mặc dù "đối tác chiến lược toàn diện" chỉ mang tính chất là một tuyên bố chính trị, chứ không phải là một liên minh, nhưng với quan hệ mới này thì vị thế của Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền Biển Đông có thể được nâng cao thêm?

    Lê Hồng Hiệp: Theo tôi, có nhiều khả năng là Việt Nam sẽ có một vị thế tốt hơn, một đòn bẫy lớn hơn trong việc ứng phó với Trung Quốc trên Biển Đông sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ. Khi nâng cấp quan hệ, Mỹ có hứa sẽ hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa quân đội và đặc biệt là giúp Việt Nam nâng cao năng lực thu thập thông tin tình báo trên biển, bên cạnh những hoạt động mà lâu nay Mỹ vẫn hỗ trợ Việt Nam, đó là nâng cao năng lực trên biển, thông qua việc chuyển giao các tàu tuần duyên cho Việt Nam, hay hỗ trợ Việt Nam một số trang thiết bị để giúp Việt Nam ứng phó tốt hơn với các áp lực trên biển.

    Trong thời gian tới, tôi nghĩ là các hoạt động này sẽ được duy trì và thậm chí được nâng cao. Cũng sẽ có thể có việc chuyển giao các trang thiết bị, thậm chí vũ khí mới trong khuôn khổ "đối tác chiến lược toàn diện" này, giúp Việt Nam có năng lực tốt hơn trong việc ứng phó với các thách thức trên Biển Đông. Có nhiều khả năng là Mỹ, với tư cách "đối tác chiến lược toàn diện" của Việt Nam, sẽ hỗ trợ Việt Nam tốt hơn trên các diễn đàn quốc tế, hay trong những trường hợp mà Việt Nam có những sự cố trên biển với Trung Quốc, như vào năm 2014 khi xảy ra vụ giàn khoan 981, Mỹ đã là một trong những nước đã mạnh mẽ ủng hộ lập trường của Việt Nam, đã có những tuyên bố, hành động cụ thể để giúp Việt Nam ứng phó với khủng hoảng đó và gây sức ép để Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

  • Những người hâm mộ Barbie tại Việt Nam sẽ không thể đến rạp xem một trong những bộ phim Hollywood được mong đợi nhất mùa hè này. Phim Barbie đã bị cấm chiếu vì có sử dụng hình ảnh đường lưỡi bò - một yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông, gây tranh chấp ở Đông Nam Á từ nhiều năm qua.

    “Ai kiểm soát Biển Đông trong thế giới của búp bê Barbie ?” là câu hỏi mà Politico đặt ra, Barbie đã bị cuốn vào vòng xoáy địa chính trị trước thông tin Việt Nam cấm chiếu bộ phim của hãng Warner Bros. Cụ thể, hôm 03/07/2023, báo chí trong nước đưa tin Cục trưởng Cục Điện Ảnh Vi Kiến Thành xác nhận cấm trên toàn lãnh thổ Việt Nam phim Barbie “vì có chứa hình ảnh đường lưỡi bò”. Bản đồ thế giới, với những nét chì màu sắc của trẻ con và một số đường đứt đoạn, chỉ xuất hiện chưa đầy 2 giây trong trailer của phim Barbie. Yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc, không chỉ gây tranh chấp chủ quyền với Việt Nam mà cả với Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan, đã bị Tòa trọng Tài La Haye bác bỏ vào năm 2016, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982.

    Phim Barbie, quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Margot Robbie, Ryan Gosling,… kể về cô búp bê Barbie, sống ở Barbie Land, bị đuổi khỏi vùng đất này vì có ngoại hình không hoàn hảo. Không còn nơi nào để đi nên cô đã quyết định rời khỏi thế giới của mình để đến khám phá sự thật của vũ trụ - thế giới của con người, đi tìm hạnh phúc của mình. Ngay sau thông báo cấm chiếu, tất cả lịch chiếu phim, các áp phích quảng cáo phim Barbie đã bị dỡ bỏ tại các rạp chiếu phim Việt, bất chấp lời giải thích từ hãng sản xuất Warner Bros., cho rằng bản đồ đó chỉ là “những hình ảnh do trẻ con vẽ nguệch ngoạc bằng chì màu, và không đưa ra bất cứ tuyên bố (về chủ quyền nào)”.

    Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, Phạm Thu Hằng khẳng định với báo chí rằng “việc quảng bá, sử dụng các sản phẩm, ấn phẩm có 'đường 9 đoạn', là vi phạm các quy định và không được chấp nhận tại Việt Nam”.

    Phản ứng của Hà Nội không phải đơn lẻ, Phillipines cũng xem xét cấm chiếu bộ phim này. Vụ việc đã thu hút sự chú ý của công luận trong nước và quốc tế, về một bộ phim Mỹ, được cho là “quảng cáo” yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển tranh cãi.

    Trang DailyMail của Anh trích dẫn lời của thượng nghị sĩ Ted Cruz về vụ việc, cho rằng ê kíp làm phim của đạo diễn Greta Gerwig “cố xoa dịu đảng Cộng Sản Trung Quốc”. Phát ngôn viên của thượng nghị sĩ Hoa Kỳ khẳng định “Trung Quốc muốn kiểm soát những gì mà người Mỹ nhìn, nghe, và cả suy nghĩ của họ, tận dụng thị trường điện ảnh khổng lồ ở Trung Quốc để ép buộc các công ty Mỹ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, giống như cách mà nhà sản xuất phim Barbie đã làm với bản đồ…”

    Trong mục tạp chí Việt Nam tuần này, RFI đã phỏng vấn chuyên gia Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Úc, ông cũng từng giảng dạy tại Học viện Quốc Phòng Úc.

    RFI : Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nhưng vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa hai nước làng giềng vẫn tồn tại từ nhiều năm qua. Gần đây, vài ngày sau khi thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc chuyến thăm tại Trung Quốc, Việt Nam đã thông báo cấm chiếu phim Barbie của Hollywood vì có bản đồ chỉ ra yêu sách đường lưỡi bò. Theo ông, ý nghĩa thực sự của vụ việc này là gì ?

    Carl Thayer: Nếu chúng ta nhìn lại xa hơn, tính đến cả chuyến thăm của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc vào năm ngoái. Trong cả hai chuyến thăm của ông Trọng và ông Phạm Minh Chính, vấn đề về Biển Đông là một trong những chủ đề thảo luận chính. Việt Nam đã phải chịu áp lực từ Trung Quốc vào năm 2017, 2018, 2019, 2020, và đã phải nhượng bộ, từ bỏ hợp đồng với công ty khai thác dầu khí Repsol hay công ty dầu khí của Nga trên Biển Đông. Sau đó, tình hình có bớt căng căng thẳng, nhưng năm nay, Trung Quốc đúng là đã gia tăng áp lực, tăng cường hoạt động trên Biển Đông, gần như hàng ngày. Do vậy, Việt Nam đang làm cách tốt nhất về mặt ngoại giao để khiếu nại Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng phải xét đến mối quan hệ quyền lực giữa hai bên.

    Việt Nam lo ngại rằng yêu sách của Trung Quốc - một vấn đề khá nhạy cảm, có thể bị làm ngơ và có thể được chấp nhận một cách tự nhiên. Trong công pháp quốc tế, có một điều gọi là sự ưng thuận ( acquiescence), là khi một nước cố áp đặt một yêu sách nào đó, yêu cầu các nước khác không đến khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền. Nếu không ai khiếu nại và làm như những gì được yêu cầu, điều này có nghĩa là họ đồng thuận với tuyên bố đó. Và nước đó, trong trường hợp này là Trung Quốc, có quyền để kiểm soát khu vực này.

    RFI : Phản ứng của Việt Nam có tác dụng gì hay không, đối với đối nội và đối ngoại ?

    Carl Thayer: Năm 2003, Việt Nam đã thông qua chính sách vừa đấu tranh, vừa hợp tác. Việc cấm chiếu phim là một hành động đấu tranh, dù nhỏ, để cho mọi người thấy là Việt Nam chống lại sự gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông, chống lại một yêu sách bị tuyên bố là bất hợp pháp theo công pháp quốc tế. Theo tôi, trong bối cảnh nội bộ tại Việt Nam thì đây là một hành động quan trọng mà chính quyền Hà Nội phải làm.

    Tuy nhiên, theo tôi, cấm chiếu phim Barbie là một phản ứng thái quá của Việt Nam, nhưng tôi có thể hiểu rằng nó giống như một vết thương đã đóng vảy rồi lại bị cậy ra. Là một chuyên gia, khi nhìn vào tấm bản đồ, tôi ngay lập tức thấy rằng bản đồ sử dụng trong phim có đường 9 đoạn, nhưng tôi cho rằng phần lớn mọi người trên thế giới không nhận ra điều này. Bộ phim không có thông điệp chính trị nào và Barbie cũng không liên quan đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cô ấy cũng không đi thăm các mỏ dầu ở Biển Đông.

    Đối với việc cấm phim Barbie, phản ứng thái quá này phản tác dụng, vì ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhiều người vốn đã mong chờ phim ra mắt, thì nay ngày càng nhiều người muốn đi xem phim đó và hỏi rằng họ đang tranh cãi về vấn đề gì ?

    Trung Quốc sẽ không phải nói gì và chỉ ngồi đằng sau xem tất cả các tranh cãi đó. Vấn đề là không phải do chính phủ Trung Quốc hay một cơ quan nào đó của Bắc Kinh sản xuất ra bản đồ này. Họ không bán bản đồ có đường lưỡi bò cho tất cả các rạp chiếu phim trên thế giới, và không tuyên rằng : vì ai đã xem phim có bản đồ đó nên phải chấp nhận sự kiểm soát của Trung Quốc.

    RFI : Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc không chỉ xâm phạm lãnh hải của Việt Nam mà của các nước trong khu vực như Brunei, Philiipines,…Liên quan đến việc kiểm duyệt sách báo và các ấn phẩm giải trí có chứa hình đường 9 đoạn, phải chăng Việt Nam là nước cứng rắn nhất. Philippines gần đây cũng đưa ra ý định cấm chiếu phim Barbie. Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của các nước trong khu vực ?

    Carl Thayer: Về phía Philippines, tôi nghĩ rằng đó là trường hợp đặc biệt vì dưới sự lãnh đạo của tổng thống Marcos, Philippines cũng như Việt Nam, đã có phản ứng mạnh mẽ trong việc chống lại sự đe doạ và quấy rối từ phía Trung Quốc, cứng rắn hơn nhiều so với chính phủ của Duterte trước đó. Việt Nam và Philippines là đối tác chiến lược nhưng quan hệ hai bên lại không được tốt đẹp như những gì được mong đợi. Sự cứng rắn của hai nước trong vấn đề với Trung Quốc là một cách thể hiện sự đoàn kết. Về phía Indonesia, đây là một trường hợp rất thú vị vì ngay từ ban đầu, quan điểm của Indonesia là : không tranh cãi với ai cả vì Indonesia đúng luật. Malaysia thì có phần yên ắng. Brunei là nước im lặng nhất. Vào năm 2009, hay 2019, 2020, nhiều nước đã khiếu nại về đường 9 đoạn, Malaysia là nước đầu tiên đệ trình bổ sung lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc, Việt Nam, Indonesia cũng theo sau, Brunei chỉ có bộ Ngoại Giao đưa ra tuyên bố. Trường hợp của Philippines khá thú vị. Vào năm 2009, khi Trung Quốc lần đần đưa ra những yêu sách về đường 9 đoạn, Việt Nam và Malaysia đã đệ trình một khiếu nại chung, Philippines đã phản đối khiếu nại đó vì Việt Nam và Philippines có những tranh chấp lãnh hải chưa được giải quyết. Còn giữa Việt Nam và Indonesia, hai nước mới chỉ mới đạt đồng thuận về ranh giới đường biển cách nay vài tháng.

    Các quốc gia Đông Nam Á không muốn gây chiến một cách không cần thiết về bộ phim của Mỹ. Vụ việc này không giống như là hồi năm 2009, khi Trung Quốc lập bản đồ và đệ trình yêu sách của mình lên Liên Hiệp Quốc, mà tất cả các nước phải phản đối.

    RFI : Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam cấm chiếu phim của Hollywood, nhưng tại sao vụ việc này lại được một số chính sách của Hoa Kỳ và truyền thông quốc tế quan tâm đến vậy ?

    Carl Thayer: Truyền thông quốc tế quan tâm đến vấn đề này vì có liên quan đến địa chính trị, liên quan đến Trung Quốc. Báo chí nhân dịp này giải thích về yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc… Đối với các quốc gia, hoặc chính trị gia không ủng hộ chế độ Cộng Sản, họ chỉ coi đây là một phần trong chính sách kiểm duyệt. Có những thứ bị kiểm duyệt nghiêm trọng hơn, như về các văn bản chính trị hay quyền con người hay tự do, nhưng lần này chỉ là một sản phẩm thương mại.

    Báo chí quốc tế không có ý định chọn phe nhưng họ coi lệnh cấm của Cục điện Ảnh Việt nam là lệnh cấm từ chính phủ Việt Nam. Khi mà búp bê Barbie được đặt cạnh bản đồ gây tranh cãi, nhiều tờ báo muốn thu hút sự chú ý, đã đem Việt Nam làm trò cười vì có phản ứng thái quá, như thể là Barbie đang chiến đấu với Việt Nam.

    Gần đây, không chỉ riêng phim Barbie bị cấm chiếu vì đường lưỡi bò, chuyến lưu diễn của Black Pink, nhóm nhạc đình đám Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đã có nguy cơ bị hủy vì có sử dụng bản đồ có chứa đường 9 đoạn.


  • Bộ Du lịch Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến 2025, ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn, đón 18 triệu lượt khách quốc tế và đến 2030 sẽ nâng con số này lên 35 triệu. Nhưng hiện giờ, tuy Việt Nam đã mở cửa trở lại cách đây khoảng hơn một năm sau một thời gian dài đóng cửa vì Covid-19, số du khách ngoại quốc vẫn chưa nhiều, chủ yếu là do hạn chế về cấp visa. Cho nên Việt Nam sẽ buộc phải sửa đổi chính sách visa để thu hút du khách. 

    Hội chợ Du lịch Quốc tế Paris trong tháng 3 vừa qua (16-19/03/2023) lẽ ra là một cơ hội quan trọng để quảng bá cho du lịch Việt Nam, nhưng chỉ có một công ty duy nhất của ngành du lịch Việt Nam có mặt tại hội chợ này, đó là hãng La Palanche Voyages, chuyên tổ chức các tour du lịch cho khách nói tiếng Pháp đến Việt Nam cũng như đến các nước láng giềng Lào, Cam Bốt, Miến Điện.

    Trả lời RFI tại Hội chợ, giám đốc của La Palanche Voyages Nguyễn Xuân Hải giải thích vì sao số du khách quốc tế nói chung, và du khách Pháp nói riêng, đến Việt Nam vẫn chưa nhiều:

    “Lý do đầu tiên mà tôi nghĩ là lý do chủ đạo đó là giá vé máy bay bây giờ rất cao, so với cả trước dịch, giá vé máy bay tăng gấp rưỡi. Lần đầu tiên tôi phải trả đến 1.200 euro để bay qua đây, trong khi trước đây tôi chỉ phải trả khoảng từ 700 đến 800 thôi.

    Bản thân chúng tôi là những người làm du lịch mà còn phải trả như vậy, những người khác không tìm được cách thì chắc là phải trả giá cao hơn. Ngay vào tháng đầu tiên mà chúng tôi bắt đầu có khách, tức là tháng 4 năm ngoái, đã có những khách phải trả đến hơn 2.000 euro để mua vé máy bay.  

    Lý do thứ hai, các anh ở đây chắc cũng nghe nói là chính phủ chuẩn bị tăng số ngày được miễn visa và tăng số quốc gia được miễn visa, nhưng việc đó các nước xung quanh như Lào, Cam Bốt, Thái Lan đã làm từ lâu rồi! Ngay từ khi các nước này mở cửa lại, du khách thay vì phải xin visa hay làm các thủ tục này nọ thì người ta cứ việc lên máy bay và tới điểm đến. Còn ví dụ như đối với người Pháp, Việt Nam chỉ miễn visa có 15 ngày, thì người ta tự hỏi là thay vì đến Việt Nam, tại sao lại không đến Thái Lan chẳng hạn?”

    Theo quy định hiện hành, visa du lịch có thời hạn không quá 3 tháng và thời gian tạm trú ở Việt Nam không được quá 30 ngày. Hết thời hạn này, khách du lịch muốn tiếp tục ở lại thì phải gia hạn thêm thời hạn tạm trú. Ngoài ra, Việt Nam đang cấp thị thực điện tử ( e-visa ) cho công dân 80 nước, nhưng visa điện tử chỉ được cấp cho 30 ngày và nhập cảnh một lần, cho nên khách đến Việt Nam không thể sang thăm một nước khác trong vùng rồi quay trở lại Việt Nam. Hiện giờ, Việt Nam đã miễn visa cho công dân từ 13 quốc gia, trong đó có 11 nước châu Âu, nhưng thời hạn miễn visa chỉ là 15 ngày, trong khi có rất nhiều khách muốn du lịch ở Việt Nam đến 3, 4 tuần, hoặc hơn nữa.

    Giám đốc công ty La Palanche Nguyễn Xuân Hải cũng ghi nhận những bất cập trong các thủ tục cấp visa du lịch ở Việt Nam hiện nay: 

    “Trang web visa điện tử của Việt Nam hiện giờ không tiện lợi cho khách, mà lại chỉ bằng tiếng Anh, như thế là đã thiệt thòi cho khách Pháp rồi. Tôi có nhiều khách, mà nói thẳng ra đó là những người nhiều tiền, nhưng là người lớn tuổi, có thể là tiếng Anh của họ kém, cho nên gặp trang web tiếng Anh là thua luôn. Đó là điểm thứ nhất.

    Thứ hai là visa điện tử chỉ cho nhập cảnh một lần mà không được gia hạn. Ngay từ tháng 5 năm ngoái, tôi có khách ở Việt Nam trên 30 ngày, người ta có hỏi ý kiến tôi, thì tôi đến phòng quản lý xuất nhập cảnh để xin gia hạn cho người ta, nhưng không được vì lúc ấy không có quy định như vậy. Thế là tôi phải đề nghị khách một phương án: đi hết miền bắc Việt Nam, rồi khi đi đến miền trung thì chạy sang Lào rồi chạy về trong ngày, để có thêm được 15 ngày miễn visa. Tự nhiên khách phải trả thêm tiền để chạy từ Việt Nam sang Lào, trả tiền visa rồi quay lại Việt Nam!”

    Để thúc đẩy đà phục hồi của du lịch, bộ Du Lịch Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các hiệp hội… đã nhiều lần kiến nghị nâng thời hạn miễn visa lên 30 ngày.

    Sau một thời gian chần chừ, cuối cùng, chính phủ Việt Nam vừa chính thức có tờ trình gởi Quốc Hội đề xuất một số chính sách mới về quản lý xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo Báo Điện tử Chính phủ hôm qua, 02/04/2023, chính phủ muốn đưa các chính sách này vào nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), “để làm cơ sở triển khai thực hiện”. Có lẽ ý định của chính phủ Việt Nam là sẽ thực hiện ngay chính sách cởi mở về visa để tranh thủ được mùa cao điểm du lịch năm 2023.  

    Cụ thể, chính phủ đề nghị cấp visa điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ, nâng thời hạn visa điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần, đồng thời nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh được miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.

    Chính phủ Việt Nam đưa ra những đề xuất như trên mặc dù họ nhìn nhận việc thực hiện có thể đặt ra một số khó khăn trong công tác quản lý người nước ngoài, nhưng họ cho biết sẽ chỉ đạo bộ Công An “tăng cường công tác quản lý cư trú của người nước ngoài để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.

    Những thay đổi này là vô cùng cấp thiết bởi vì so với các nước láng giềng như Thái Lan, ngành du lịch Việt Nam có nguy cơ “xuất phát trước, nhưng về đích sau”. Vào năm 2019, Việt Nam đã đón được 18 triệu lượt khách, một con số được xem là kỷ lục, nhưng cũng trong cùng năm đó thì Thái Lan đã đón đến 40 triệu lượt khách. Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu 8 triệu thì Thái Lan sẽ đón 25 triệu. Năm 2030 Việt Nam dự kiến đón 35 triệu lượt khách, nhưng Thái Lan thì chỉ cần đến năm 2027 dự kiến sẽ thu hút đến 80 triệu khách.

    Lợi ích của việc kéo dài thời hạn miễn thị thực nhập cảnh đã được thấy rõ tại đảo Phú Quốc. Đảo này thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế không phải chỉ vì cảnh đẹp, mà còn vì Phú Quốc có một chính sách visa rất thoáng: Kể từ ngày 01/07/2020, nếu Phú Quốc là điểm đến đầu tiên thì du khách quốc tế sẽ được miễn visa Việt Nam trong 30 ngày, dù là người nước ngoài hay người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài. Nói một cách đơn giản, tất cả du khách từ nước ngoài không cần xin visa Việt Nam nếu họ ở lại Phú Quốc không quá 30 ngày.

    Miễn thị thực Phú Quốc cũng được áp dụng cho những du khách nhập cảnh Phú Quốc qua các sân bay quốc tế Việt Nam khác như sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất, v.v. và không rời khỏi khu vực quá cảnh. 

    Nhờ chính sách visa thoải mái như vậy mà đảo Phú Quốc chỉ trong hai tháng đầu năm 2023 đã đón được đến 139.000 du khách nước ngoài trên tổng số 935.000 du khách, theo số liệu của Sở Du lịch Tiền Giang

    Trước mắt, các công ty du lịch đang ráo riết tuyển dụng nhân sự và tu bổ các khách sạn, nhà hàng để đón du khách Trung Quốc, bởi vì kể từ ngày 15/03, Trung Quốc đưa Việt Nam vào “danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn”.  Khách từ Trung Quốc vẫn là một nguồn khách quốc tế chủ yếu, với 5,5 triệu người đến Việt Nam trong năm 2019. 

    Trải qua 3 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và vắng mặt hoàn toàn khách Trung Quốc, nhiều cơ sở đã phải đóng cửa hoặc giảm bớt chất lượng dịch vụ để hạ thấp chi phí. Năm nay, theo dự báo của ngân hàng HSBC, Việt Nam có thể đón tiếp từ 3 đến 4,5 triệu khách Trung Quốc. 

    Nhưng vấn đề là sau mấy năm bị đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang gặp một vấn đề lớn, đó là thiếu nhân công, do nhiều người đã phải bỏ sang làm các nghề khác, theo như ghi nhận của giám đốc công ty La Palanche Nguyễn Xuân Hải:

    “ Theo quan sát từ công ty của tôi, số lượng khách đến Việt Nam chỉ được khoảng một nửa so với cùng kỳ trước dịch, mà lại chia thành những đoàn nhỏ. Trước đây các hãng ở Pháp bán được đoàn lớn vì giá vé máy bay tốt, nhưng bây giờ là các đoàn nhỏ: gia đình, bạn bè, các cặp... Cho nên cần số xe hướng dẫn nhiều hơn rất nhiều vì chia nhỏ ra, dẫn đến tình trạng thiếu rất nhiều nhân sự du lịch ở Việt Nam. Nhất là sau dịch thì có rất nhiều người đã chuyển sang làm nghề khác, tương đối ổn định rồi, bây giờ họ đợi khi nào du lịch thật sự ổn định thì mới quay lại”.


  • Vụ “Thảm sát làng Phong Nhị” ở Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý tại Hàn Quốc thời gian gần đây. Ngày 07/02/2023, Tòa án quận Trung tâm Seoul đã ra phán quyết sơ thẩm yêu cầu chính phủ Hàn Quốc xin lỗi và bồi thường hơn 30 triệu won cho bà Nguyễn Thị Thanh, nguyên đơn có người thân chết trong vụ thảm sát. Đây là lần đầu tiên một tòa án Hàn Quốc thừa nhận trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các nạn nhân vụ thảm sát năm 1968 tại Quảng Nam.

    Tuy nhiên, đối với bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, phán quyết của tòa làm ô danh quân đội nước này vì binh lính Hàn Quốc không gây ra các vụ thảm sát trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Bộ trưởng Lee Jong Sup giải thích trước Quốc Hội hôm 17/02 rằng tình hình ở Việt Nam lúc đó “rất phức tạp” và “có nhiều trường hợp người mặc quân phục Hàn Quốc nhưng không phải là lính Hàn Quốc”. Ngày 09/03, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết đã kháng cáo phán quyết của tòa án.  

    Ngay lập tức, Việt Nam đã đề nghị Seoul “tôn trọng sự thật lịch sử” về vụ thảm sát ở Quảng Nam. Trong buổi họp báo chiều 09/03, phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết : 

    “Chúng tôi rất lấy làm tiếc trước việc chính phủ Hàn Quốc kháng cáo phán quyết của tòa án. Và việc này không phản ánh đúng sự thật khách quan đối với vấn đề này. Việt Nam chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không có nghĩa là phủ nhận sự thật lịch sử (…).

    Và trên tinh thần đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đề nghị phía Hàn Quốc nhận thức đúng đắn và tôn trọng sự thật lịch sử, khuyến khích các hành động thiết thực, hiệu quả nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần vào củng cố, tăng cường tình hữu nghị và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, cũng như nhân dân hai nước”.  

    Thông tín viên Trần Công tại Seoul cho biết thêm về vụ kiện, cũng như phản ứng của công luận tại Hàn Quốc.
    Những bức ảnh được giải mật phản ánh 50 năm chịu nỗi đau thảm sát 
    Bà Nguyễn Thị Thanh là một trong số ít những người sống sót và đã mất gia đình trong vụ thảm sát 74 người do lữ đoàn thủy quân lục chiến số 2 Hàn Quốc gây ra ở làng Phong Nhất - Phong Nhị năm 1968. Bà từng được Bảo Tàng Hòa Bình mời đến Hàn Quốc năm 2018 để làm nhân chứng cho vụ thảm sát ở làng Phong Nhị. Bà cho biết “vô cùng vui mừng” về phán quyết của tòa vì đó “sẽ là niềm an ủi hương linh những người thiệt mạng”, cũng như nỗi đau suốt hơn 50 năm mất người thân và ba năm đấu tranh pháp lý của bà.  

    Tháng 04/2020, bà Thanh đã đệ đơn kiện chính phủ Hàn Quốc về tội ác của quân đội nước này trong chiến tranh Việt Nam, yêu cầu chính phủ Hàn Quốc xin lỗi và bồi thường 30 triệu won (580 triệu đồng). Theo lời bà Thanh, vụ thảm sát xảy ra ngày 14 tháng 1 âm lịch năm 1968, binh lính Đại Hàn tấn công vào làng, bà Thanh (lúc đó 8 tuổi) được dì ruột kéo xuống hầm để trốn cùng ba anh chị em nhưng bị lính Đại Hàn phát hiện. Trong bản án, được hãng tin Yohap trích dẫn, bà Thanh cho biết : “Vào thời điểm đó, các binh sĩ buộc gia đình nguyên đơn ra khỏi nhà, đe dọa bằng đạn thật và súng, trước khi bắn họ. Kết quả là gia đình nguyên đơn đã chết tại hiện trường và nguyên đơn cùng những người khác bị thương nặng”. Bà may mắn được người chú đưa ra Đà Nẵng cứu chữa. 

    Vụ thảm sát được nhà báo Koh Kyeong Tae đưa ra ánh sáng khi tổ chức triển lãm ảnh về các nạn nhân làng Phong Nhất-Phong Nhị tại Art Link Gallery ở Seoul, khai trương ngày 09/09/2016.

    Sự kiện này xảy ra ngày 12/02/1968, sau trận càn của đại đội 1, tiểu đoàn 1, lữ đoàn 2 đơn vị Rồng xanh Hàn Quốc. 

    Sau trận càn, hạ sĩ J. Vaughn, thuộc đơn vị thủy bộ số 3 của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, đã vào tiếp quản khu vực và phát hiện nhiều thường dân bị sát hại, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Hạ sĩ Vaughn đã chụp ảnh và báo cáo lên cấp trên. Tuy nhiên, sự việc chỉ được công bố sau 32 năm, theo luật giải mật của chính phủ Hoa Kỳ. Nhiều năm sau đó, nhà báo Koh Kyeong Tae đã đến Việt Nam nhiều lần để phỏng vấn cũng như tìm hiểu thêm thông tin về vụ thảm sát và cho ra đời cuốn sách “12-2-1968”. 

     

     
    "Xin lỗi là thể hiện tính nhân văn"
    Trong phán quyết sơ thẩm ngày 17/02/2023, tòa cho rằng “bà Thanh phải chịu nhiều vết thương nghiêm trọng do quân đội Hàn Quốc gây ra”, đồng thời khẳng định sự việc là “hành động phạm pháp rõ ràng”. Về thắng lợi của nguyên đơn ở cấp sơ thẩm, bà Kiều Chinh, trợ lý luật sư của Văn phòng luật Law Firm Law Win, nhận định :  

    “Một đất nước xin lỗi những người bị hại, việc đó không gây ảnh hưởng đến uy tín của nước đó, mà thực ra còn nâng uy tín lên. Việc tòa án ra phán quyết bồi thường cho nạn nhân Việt Nam, về mặt lý dĩ nhiên là phải bồi thường. Còn về mặt tình, tôi thấy rằng thông qua sự việc này, người dân hay chính phủ Việt Nam, về mặt ngoại giao, cũng có cái nhìn tôn trọng hơn đối với Hàn Quốc. Việc xin lỗi cũng là hành động thể hiện Hàn Quốc rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam và người dân Việt Nam”. 

    Tuy nhiên, con đường vẫn còn dài vì bộ Quốc Phòng Hàn Quốc đã kháng án. Bà Kiều Chinh giải thích : “Hiện tại bây giờ mới là ở tòa sơ thẩm, còn phải lên tòa phúc thẩm. Khi họ kháng án, có nghĩa là bản án vẫn chưa có hiệu lực chính thức. Cho nên để đến khi bản án thực sự có hiệu lực thì còn rất là xa, vì bên quân đội Hàn Quốc sẽ liên tục đưa ra những phản ứng”.

    Chị Linh, nhân viên của đài KBS Hàn Quốc, hi vọng phiên tòa sẽ được truyền thông Hàn Quốc chú ý nhiều hơn. Phán quyết ở cấp sơ thẩm thừa nhận trách nhiệm của Hàn Quốc đối với tội ác chiến tranh tại Việt Nam còn có ý nghĩa lớn sau này, theo giải thích của chị Linh :  

    “Đây là một phán quyết bước đầu để mở ra cơ hội cho cả hai bên Việt Nam và Hàn Quốc tìm ra hướng đi trong vấn đề mà chúng ta đã cố gắng giải quyết từ rất lâu. Những nạn nhân trong vụ thảm sát ở miền Trung Việt Nam do các binh đoàn của Hàn Quốc gây ra trong chiến tranh Việt Nam cũng đã dành nhiều thời gian để đi tìm lại công lý cho bản thân và gia đình của họ. Việc này cũng giống như việc Hàn Quốc luôn yêu cầu Nhật Bản phải xin lỗi và công nhận sự thật đã xảy ra trong quá khứ và yêu cầu bồi thường cho các nạn nhân. Và chúng ta sẽ có thể vượt qua quá khứ đau thương để tiến đến một tương lai tốt đẹp hơn thay vì cứ lờ sự việc đó”.  
    Tranh cãi tại Hàn Quốc 
    Vai trò của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Một số người Hàn Quốc khẳng định sự có mặt của quân đội nước này là hợp pháp vì Hoa Kỳ và Hàn Quốc lúc đó là đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa. Trên lý thuyết, nhiệm vụ của họ là duy trì trật tự công cộng, hỗ trợ người dân, và quét sạch Việt Cộng ra khỏi lãnh thổ miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa).  

    Năm 2017, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã ca ngợi “tinh thần yêu nước”, “sự cống hiến và hy sinh” của quân nhân Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam để “nền kinh tế Hàn Quốc tồn tại được”. Phát biểu này đã buộc đại diện bộ Ngoại Giao Việt Nam phản đối với đại diện sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, theo trang VTC ngày 12/06/2017.  

    Công luận Hàn Quốc có ý kiến trái chiều về bối cảnh, cũng như vai trò của binh lính Hàn Quốc ở làng Phong Nhất. Một người nêu ý kiến : “Vào thời điểm đó, khó có thể phân biệt được đâu là bạn đâu là thù. Ngôi làng lúc đó là một bãi chiến trường. Và rất có thể lính Việt cộng sẽ tấn công bất kỳ lúc nào kể cả vào ban đêm”.  

    Một người khác có chung nhận định : “Nếu chúng ta sai thì chúng ta phải xin lỗi và bồi thường. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Việt cộng có thể đã trà trộn và cải trang thành thường dân, và quân đội Đại Hàn khó có thể phân biệt từng người một trong chiến tranh. Nhật Bản cũng đã làm hàng loạt tội ác như vậy với người dân Trung Quốc”. 

    Một số khác đồng tình về phát quyết sơ thẩm, thậm chí yêu cầu bồi thường cao hơn: “Chính phủ phải đền cho họ 100 triệu won, chứ không phải 30 triệu won” ; “30 triệu won là quá ít cho cả một gia đình bị tàn sát”. 

    Phiên tòa về “Thảm sát làng Phong Nhị” diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc cũng tổ chức nhiều phiên xử về “Phụ nữ giải sầu” dưới thời quân đội Nhật chiếm đóng trong Thế Chiến II. Theo giới nghiên cứu sử học, đa số nạn nhân là phụ nữ Hàn Quốc, Trung Quốc và Đông Nam Á. Nhiều nhân chứng và nạn nhân Hàn Quốc đã theo đuổi vụ kiện chính quyền Tokyo trong nhiều năm nhưng chưa có kết quả. Chính phủ Nhật Bản phủ nhận các cáo buộc liên quan ngay tại Liên Hiệp Quốc. Nhiều đơn kiện do chính tòa án Seoul tuyên thắng trong tòa sơ thẩm, nhưng lại bị phán vô hiệu ở phiên phúc thẩm nhờ quy định “miễn trừ chủ quyền” của Tokyo. 

    Bà Kiều Chinh, Văn phòng luật Law Firm Law Win, cho biết thêm : “Vào thời chiến tranh, lính Nhật Bản cũng đã làm những hành động độc ác với người dân Hàn Quốc. Nhưng hiện tại, chính phủ Nhật Bản vẫn làm một động tác rất sai về mặt chính trị, về tình lý, đó là từ chối bồi thường hay xin lỗi người dân Hàn Quốc”. 
    Phong trào "Xin lỗi Việt Nam"
    Trong những năm qua, rất nhiều tổ chức cũng như cá nhân Hàn Quốc đã đến thăm các nạn nhân cũng như các ngôi làng bị lính đại Hàn càn quét trong chiến tranh Việt Nam. Tiến sĩ Ku Su Joeng, người khởi xướng phong trào “Xin lỗi Việt Nam” vào năm 1999, cũng đã đăng nhiều bài báo phơi bày mặt trái của quân đội Hàn Quốc khi tham chiến tại Việt Nam.  

    Vào ngày 14/02/2023, ông Kim Chang Sup, trưởng đoàn quỹ hòa bình Hàn - Việt, cùng với các thành viên đến từ Hàn Quốc đã đọc thư xin lỗi nhân dân Việt Nam và cúi đầu xin lỗi dân làng. Tại đây, một nhà tưởng niệm đã được xây dựng nhờ sự hỗ trợ kinh phí của nhiều bên bao gồm của cả Hội Cựu Chiến binh Hàn Quốc.

    Chiến tranh đã qua đi nhưng vết thương nó để lại vẫn hiện hữu trong cuộc sống của nhiều người và nhiều dân tộc. Việc nhìn lại và đánh giá lịch sử nên được làm một cách khách quan bởi những con người có lương tri và không vì mục đích hay vụ lợi.


  • Ngày 02/03/2023, Quốc Hội Việt Nam đã chính thức bầu ông Võ Văn Thưởng làm tân chủ tịch nước, thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc, đã bị buộc phải từ chức vào tháng 1. Nhưng từ đây cho đến Đại hội Đảng kỳ tới vào năm 2026, bộ máy lãnh đạo của Việt Nam sẽ còn gặp xáo trộn do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục chuẩn bị cho người kế nhiệm ông ở chức vụ cao nhất này.

    Tuy vậy, những thay đổi về nhân sự lãnh đạo sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đường lối kinh tế và ngoại giao của Hà Nội. Đó là nhận định chung của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore khi trả lời RFI Việt ngữ ngày 03/03.

    RFI: Xin chào anh Lê Hồng Hiệp, sau việc thay đổi chức danh chủ tịch nước, theo anh, sẽ còn những xáo trộn nào khác trong bộ máy lãnh đạo hay không, bởi vì có những tin đồn là có thể Việt Nam sẽ thay luôn cả thủ tướng Phạm Minh Chính? Không biết những lời đồn đoán đó có đúng không?

    Lê Hồng Hiệp: Tôi cũng có nghe các lời đồn như vậy và trong bối cảnh chưa có gì rõ ràng, tôi không thể khẳng định được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng theo tôi hiểu thì có thể tiếp tục diễn ra những thay đổi nhân sự cấp cao trước thềm Đại hội Đảng năm 2026 hoặc có thể sớm hơn.

    Lý do là ở Đại hội Đảng lần thứ 13 vào năm 2021, các dàn xếp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã diễn ra không theo như dự tính ban đầu của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thay vì tìm được người thay thế ông Trọng ở vị trí tổng bí thư, thì ông Trọng đã phải ở lại thêm một nhiệm kỳ thứ ba, bất chấp quy định của điều lệ Đảng là một người không thể nắm giữ vị trí ấy quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

    Một điều bất thường nữa là vị trí thủ tướng. Thay vì theo truyền thống là một phó thủ tướng lên thay, thì ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, đã lên nắm chức thủ tướng. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Phúc đáng lẽ về hưu thì lại được trao quy chế “ trường hợp đặc biệt” và được ở lại đến nắm giữ chức chủ tịch nước. Còn ông Vương Đình Huệ, trước đấy được xem là ứng viên cho chức thủ tướng, thì lại chuyển sang làm chủ tịch Quốc Hội. 

    Theo tôi, ở Đại hội 13, các dàn xếp đó đã diễn ra không đúng ý muốn và nó đặt ra vấn đề là, nếu như trong thời gian sau Đại hội 13 mà không có một dàn xếp, đặc biệt là tìm được người thay ông Nguyễn Phú Trọng, thì nó sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lãnh đạo có thể rất là nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng tới sự ổn định chính trị ở Việt Nam, thậm chí ảnh hưởng đến an ninh chế độ.  Cho nên vấn đề đặt ra là phải tìm ra một kế hoạch chuyển giao quyền lực “thuận buồm xuôi gió”.

    Trong bối cảnh đó, vừa qua có một số chuyển động nhân sự ở cấp cao và tôi nghĩ rằng những chuyển động này diễn ra không phải là hoàn toàn vô tình hay dựa hoàn toàn trên logic về chống tham nhũng, mà có thể liên quan đến những dàn xếp để làm sao có được một kế hoạch chuyển giao quyền lực êm thắm, đặc biệt là ở vị trí tổng bí thư.

    Chủ tịch nước là một trong những vị trí “tứ trụ” và có thể ảnh hưởng tới cuộc chạy đua giành chức tổng bí thư. Thủ tướng cũng có thể là một vị trí tạo ra bệ phóng cho cuộc chạy đua giành chức tổng bí thư.

    Chính vì vậy, hiện tại đang có những chuyển động theo hướng loại bỏ bớt những ứng viên tiềm tàng có thể gây xáo trộn cho kế hoạch chuyển giao quyền lực. Theo tôi hiểu thì có thể ông Nguyễn Phú Trọng đang muốn chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ là người tiếp quản chiếc ghế tổng bí thư và ở đây có một sự dàn xếp để làm sao không có những thách thức đối với sự dàn xếp này. Sau khi ông Phúc rời chính trường, thì còn lại một ứng viên tiềm tàng là ông Phạm Minh Chính

    RFI:  Nhưng theo anh, để gạt bỏ ông Phạm Minh Chính khỏi chiếc ghế thủ tướng thì phe của ông Trọng phải dựa trên những lý do gì ?

    Lê Hồng Hiệp: Ông Chính, theo tôi hiểu, cũng là một người có năng lực và có sức làm việc đáng nể, ít nhiều được thể hiện trong thời gian qua, đặc biệt là trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bản thân ông được cho là có những vấn đề nhất định, nổi cộm nhất là ông được cho là có quan hệ thân thích với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch của tập đoàn AIC, bị truy tố và bị tuyên án vắng mặt 30 năm tù.

    Những rắc rối này có thể ảnh hưởng đến triển vọng chính trị của ông Phạm Minh Chính và không loại trừ khả năng là ông có thể bị buộc phải từ chức trong thời gian tới. Trong trường hợp đấy, chúng ta sẽ thấy là các dàn xếp để tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền lực cho chức tổng bí thư sẽ đi đến hồi kết và mang trở lại sự ổn định cho hệ thống chính quyền ở Việt Nam. Tôi nghĩ đó là mục đích cuối cùng của những chuyển động nhân sự vừa rồi.

    RFI: Từ đây cho đến khi ban lãnh đạo Việt Nam đi đến ổn định, người ta thấy là những người lên thay nắm các chức vụ cao cấp sau này thì có vẻ có xu hướng bảo thủ, giáo điều, không giống như phe chủ trương kinh tế tự do như những những lãnh đạo kia. Liệu sự thay đổi này có ảnh hưởng gì đến chính sách kinh tế của Việt Nam?

    Lê Hồng Hiệp: Các chuyển động nhân sự vừa rồi chủ yếu liên quan đến các đấu tranh quyền lực trong nội bộ thượng tầng kiến trúc của đảng Cộng Sản Việt Nam, không liên quan đến yếu tố ý thức hệ. Ví dụ như nhiều người cho rằng vị trí thủ tướng hay chủ tịch nước, như bản thân ông Nguyễn Xuân Phúc trước đây là thủ tướng thì ông có xu hướng cởi mở hơn, thân thiện với các doanh nghiệp hơn. Hay có người cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng hay ông Võ Văn Thưởng là những người giáo điều, bảo thủ hơn. 

    Tôi nghĩ không phải là như vậy, bởi vì ta thấy là các vị trí này có chức năng khác nhau. Muốn đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cho Việt Nam, thì bất cứ ai làm thủ tướng cũng sẽ có xu hướng cởi mở hơn, tự do hơn về mặt kinh tế, muốn thúc đẩy đầu tư, có tư tưởng đổi mới, thân thiện với doanh nghiệp hơn.

    Trong khi đó, bên phía Đảng, đặc biệt là tổng bí thư, thì nhiệm vụ chính không phải là phát triển kinh tế xã hội, mà là bảo vệ vai trò của đảng Cộng Sản Việt Nam và đặc biệt là làm sao duy trì chế độ. Chính vì vậy mà bất cứ ai ngồi vào ghế tổng bí thư cũng sẽ có xu hướng ít nhiều bị coi là bảo thủ, giáo điều.

    Cho dù ai lên làm lãnh đạo thì đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn phải đề cao nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và muốn đạt được mục tiêu này thì họ phải tiếp tục thu hút đầu tư và mở rộng các biện pháp kinh tế, đặc biệt là về xuất khẩu. Việc phát triển kinh tế xã hội, giúp cải thiện đời sống của người dân đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng tính chính danh của đảng Cộng Sản Việt Nam. Nếu như đảng Cộng Sản Việt Nam có thể tiếp tục phát triển kinh tế xã hội, giúp cải thiện đời sống của người dân, họ sẽ gặp ít thách thức hơn trong việc giữ vững quyền lực của mình. Còn ngược lại, nếu kinh tế xã hội đi xuống, cuộc sống người dân ngày càng khó khăn thì có thể dẫn đến sự bất mãn, chống đối, thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng. Mục tiêu cuối cùng của bất cứ ai lên làm lãnh đạo cấp cao nào trong thời gian tới vẫn là bảo vệ vai trò của Đảng, bảo vệ chế độ của đảng Cộng Sản Việt Nam. 

    RFI: Riêng về mặt đối ngoại, những xáo trộn về nhân sự lãnh đạo có tác động gì hay không? Cho tới nay, Việt Nam vẫn giữ một chính sách trung dung, “đi dây” giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc. Như vậy là chính sách có được tiếp tục hay không hay sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng?

    Lê Hồng Hiệp:  Sau Đại Hội 20 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, khi ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc sau Đại Hội, một số người cho rằng đấy là dấu hiệu cho thấy ông Trọng, hay Việt Nam đang xích gần lại Trung Quốc. Tương tự như vậy, khi  một số lãnh đạo Việt Nam được đào tạo ở phương Tây như phó thủ tướng Phạm Bình Minh hay phó thủ tướng Vũ Đức Đam, vừa bị cho thôi chức, thì nhiều người diễn dịch nó là một động thái cho thấy Việt Nam đang dịch chuyển về phía Trung Quốc và rời xa phương Tây.

    Theo tôi, hoàn toàn không phải như vậy. Ở đây chỉ liên quan đến các động lực ở thượng tầng kiến trúc chính trị ở Việt Nam, không liên quan đến chính sách đối ngoại. Cho dù ai là lãnh đạo Việt Nam trong thời gian tới, thì cũng không có lựa chọn nào khác là phải  tiếp tục chính sách ngoại giao cân bằng giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, vì cả hai nước này đều đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Như tôi đã phân tích ở trên, đó là nhiệm vụ rất là cốt yếu của đảng Cộng Sản Việt Nam để duy trì tính chính danh cũng như khả năng cầm quyền.

    Cả hai cường quốc đều quan trọng như vậy, cho nên Việt Nam không thể hy sinh quan hệ với nước này để phát triển quan hệ với nước kia, vì làm như vậy chính là tự sát. Thứ hai, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng như vậy, nếu Việt Nam nghiêng về bên này và lơ là bên kia thì sẽ bị cuốn vào cuộc cạnh tranh nước lớn. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi, sẽ mất đi sự tự chủ chiến lược, có thể ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của quốc gia  mình, cũng như của khu vực, kéo theo hệ lụy là tư thế chiến lược của Việt Nam sẽ bị suy yếu và cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

    Chính vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao cân bằng, “đi dây” giữa các cường quốc, để giúp duy trì được sự tự chủ chiến lược, qua đó tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các cường quốc khác cũng như thị trường Trung Quốc và Mỹ để giúp phát triển kinh tế, và qua đó duy trì được vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam trong thời gian tới. 


  • Ông Võ Văn Thưởng, 52 tuổi, trở thành chủ tịch nước trẻ nhất của Việt Nam sau khi được Quốc Hội thông qua gần như với số phiếu tuyệt đối hôm 02/03/2023. Thuộc thế hệ trẻ và nổi tiếng trung thành với đảng Cộng Sản, ông Võ Văn Thưởng được cho là sẽ giúp tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tăng cường ảnh hưởng, mạnh tay chống tham nhũng, như lời ông cam kết « kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực » khi tuyên thệ nhậm chức.

    Ở cương vị chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng sẽ phải tập trung vào các vấn đề ở cấp độ Nhà nước và ngoại giao, trong khi ông lại tương đối « non nớt » trong lĩnh vực đối ngoại, theo đánh giá của giáo sư danh dự Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc Phòng Úc. Gần như toàn bộ sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng là làm công tác Đảng và tham gia chiến dịch đấu tranh chống tham nhũng khi đảm nhiệm chức Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.

    Tại sao ông Võ Văn Thưởng lại được Ban Chấp Hành Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam giới thiệu làm chủ tịch nước ? Việc bổ nhiệm ông Thưởng tác động như thế nào đến chính trường Việt Nam ? Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM), Trường Quân sự Pháp, trả lời một số câu hỏi của RFI Tiếng Việt.

    *

    RFI : Ông đánh giá thế nào về bối cảnh việc bổ nhiệm ông Võ Văn Thưởng làm chủ tịch nước Việt nam. Tại sao lại là ông Thưởng mà không phải là người khác ?

    Benoît de Tréglodé : Bối cảnh chung là quyết tâm tiếp tục theo đuổi chiến dịch chống tham nhũng đã khiến chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bị mất chức hồi tháng 01/2023, cũng như hai phó thủ tướng. Trong bối cảnh này, Bộ Chính Trị đã tìm người kế nhiệm. Ông Võ Văn Thưởng có lợi thế lớn là có lý lịch và sự nghiệp tương đồng với ông tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Đây là điểm quan trọng.

    Ngoài ra, cần phải biết là sự nghiệp chính trị của ông Võ Văn Thưởng thăng tiến từ những vị trí trong Đoàn Thanh niên Cộng Sản, ngay những năm ông 20 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh, sau đó đưa ông đến thượng tầng của bộ máy Nhà nước.

    RFI :Về mặt chính thức, ông Võ Văn Thưởng giữ vị trí số 2 trong bộ máy Nhà nước. Vị trí chủ tịch nước có cần kinh nghiệm ngoại giao vững chắc không ? Việc bổ nhiệm ông Thưởng có tác động như thế nào đến chính trường Việt Nam ?

    Benoît de Tréglodé : Trước tiên, ông Võ Văn Thưởng hoạt động chính trị từ khá sớm. Con đường này đã đưa ông đến chức vụ bí thư tỉnh Quảng Ngãi trước khi nắm giữ những vị trí ở cấp quốc gia. Chức chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không phải là vị trí trung tâm nhất trong bộ ba quyền lực, không phải là vị trí quan trọng nhất. Từ lâu, chức chủ tịch nước được coi như là một vị trí danh dự. Nếu nhìn từ điểm này thì không hẳn cần phải có kinh nghiệm ngoại giao.

    Nếu nhìn vào quá trình sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng thì thấy ông không có kinh nghiệm về quốc tế. Vì thế, có thể đối với những người đang suy nghĩ về tương lai vào lúc mà Đại Hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 14 vào năm 2026 đang đến, thì họ có thể coi 2-3 năm tới là bài trắc nghiệm cho ông Thưởng để xem ông có thực sự hội tụ đủ tố chất cần thiết để đảm nhận một vị trí khác hay không.

    Nhưng chưa có gì là chắc chắn nếu chúng ta nhìn vào những người đã giữ chức chủ tịch nước Việt Nam. Vị trí này không hẳn là bàn đạp để sau này nắm giữ những chức vụ quan trọng hơn.

    RFI : Ông Võ Văn Thưởng là người miền nam, phải chăng ở đây có chủ đích cân bằng vùng miền ở vị trí « tứ trụ » ? Hay do chỉ có một ứng viên duy nhất được lựa chọn ?

    Benoît de Tréglodé : Đúng thế, thậm chí còn có ý kiến cho là từ tháng 04/2021, không có đại diện của miền nam trong « tứ trụ », tức bốn chức vụ quan trọng nhất trong bộ máy Nhà nước Việt Nam : tổng bí thư đảng, thủ tướng, chủ tịch Quốc Hội, chủ tịch nước. Có thể có thêm khía cạnh này, dù tôi nghĩ rằng hiện nay ảnh hưởng của phe vẫn được gọi là « phe miền nam » bị phai nhạt một chút, bớt mạnh hơn so với trước đây.

    Tuy nhiên, sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng khá thú vị vì ông là người miền nam, nhưng lại sinh ra ở miền bắc, tại tỉnh Hải Dương, trong một gia đình gốc Vĩnh Long tập kết ra bắc thời chiến. Ông Thưởng sinh năm 1970, sau đó ông học tập và bắt đầu sự nghiệp chính trị ở miền nam, nhưng dù sao ông vẫn sinh ra ở miền bắc. Chính việc có nguyên quán miền nam, sinh ở miền bắc này đã tạo cho ông Thưởng lợi thế lớn trong bộ máy Nhà nước hiện nay và ông đại diện cho miền nam Việt Nam.

    RFI : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ nghỉ hưu. Dường như ông Võ Văn Thưởng được coi là người kế nhiệm ông Trọng. Liệu điều đó có giúp « phe miền nam » có thể có lợi thế trong tương lai ?

    Benoît de Tréglodé : Trước hết, tôi nghĩ là hiện giờ, không thể biết được ai sẽ thay thế tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Liệu ông Trọng có làm đến hết nhiệm kỳ vào năm 2026 không ? Liệu ông Trọng có từ chức trước thời hạn vì lý do sức khỏe không ? Không ai thực sự biết được chính xác.

    Rất nhiều chính trị gia quan tâm đến vị trí lãnh đạo chế độ Việt Nam. Người ta từng nói đến chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, một trong những người từng được coi là ứng cử viên. Người ta cũng biết là từ Đại Hội Đảng lần thứ 13, bộ trưởng Công An Tô Lâm cũng quan tâm đến vị trí này.

    Tôi nghĩ là còn quá sớm để có thể đưa ra kiểu giả thuyết như vậy. Vì thế việc coi tân chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, vừa mới được bầu hôm 02/03, là một ứng cử viên kế nhiệm chức tổng bí thư đảng thì tôi nghĩ là cũng chưa đủ chắc chắn. Ông Thưởng có một sự nghiệp thú vị vì đó là sự nghiệp của cán bộ Đảng vẫn luôn bảo vệ tư tưởng, học thuyết Mac-Lênin ở Việt Nam, hệ tư tưởng của Nhà nước. Ông Thưởng có chung điểm này với tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người sử dụng những năm lãnh đạo cuối cùng để bảo vệ tư tưởng, tương lai và thành công của chế độ chính trị Việt Nam.

    RFI : Có nghĩa là chiến dịch chống tham nhũng sẽ được tiếp tục tiến hành mạnh tay ?

    Benoît de Tréglodé : Chiến dịch chống tham nhũng gần như là yếu tố thường trực trong đời sống chính trị Việt Nam. Đúng là trong nhiệm kỳ thứ 3, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biến chống tham nhũng thành « thương hiệu » của ông. Chính ông là người tung hết chiến dịch chống tham nhũng này đến chiến dịch bài trừ tham nhũng khác từ 10 năm qua.

    Nhưng trước thời ông Trọng, chính trường Việt Nam vẫn được điểm xuyết bằng những chiến dịch chống tham nhũng. Vì thế, chống tham nhũng không phải là điều gì mới và xu hướng này vẫn chưa sẵn sàng dừng lại. Có hai yếu tố giải thích cho việc này.

    Trước tiên, như mọi người đều biết, tham nhũng ở Việt Nam diễn ra ở mọi tầng lớp trong xã hội, có tham nhũng vặt, tham nhũng ở quy mô vừa và đại tham nhũng. Vì thế, một đảng đang tìm kiếm tính chính đáng, đang tìm cách củng cố tính chính đáng trong một đất nước trẻ, năng động, một đất nước mở cửa với thế giới, nhất là với những chế độ chính trị khác nhau ở châu Á, thì rất cần cho người dân thấy rằng Đảng có khả năng bắt những con cá lớn, rằng Đảng phải thể hiện sự trong sạch nhất định và đấu tranh chống tham nhũng trong thành phần đảng viên. Vì thế, điều quan trọng là Đảng cần phải củng cố vị trí ở Việt Nam.

    Tuy nhiên, đối với giới tinh hoa, như người ta vẫn nói, quan trọng là cũng phải tranh thủ thời cơ này để có thể gạt bỏ những đối thủ cạnh tranh vướng víu nhằm củng cố tham vọng của mình.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM), Trường Quân sự Pháp.
    Không có thay đổi lớn trên chính trường Việt Nam
    Sự kiện chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xin thôi mọi chức vụ ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã khiến truyền thông quốc tế tốn không ít giấy mực. Việc đảng Cộng Sản Việt Nam gấp rút bổ nhiệm ông Võ Văn Thưởng thay thế, sau đó được Quốc Hội nhanh chóng thông qua, cũng được bình luận rất nhiều trong những ngày vừa qua.

    Điểm chung đầu tiên, được truyền thông và giới chuyên gia nhận định là việc bổ nhiệm ông Võ Văn Thưởng, thành viên trẻ nhất của Bộ Chính Trị của đảng Cộng Sản Việt Nam, làm chủ tịch nước Việt Nam không gây bất ngờ và xáo trộn lớn cho đất nước. Đối với trang BBC, đây là « lựa chọn an toàn » và là « lựa chọn rất thận trọng », loại bỏ những quan ngại về khả năng Nhà nước cảnh sát.

    Tiếp theo, về đối ngoại, Việt Nam luôn cố giữ cân bằng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc hiện cạnh tranh và đối đầu nhau trên nhiều mặt trận (Biển Đông, chiến tranh Ukraina, thương mại…). Việc bổ nhiệm một cán bộ Đảng chuyên nghiệp làm chủ tịch nước có thể khiến Bắc Kinh hài lòng, nhưng cũng không hẳn làm phật lòng phương Tây vì chủ tịch nước Việt Nam vẫn được coi là một chức vụ « danh dự » và quyền hạn trao cho chủ tịch nước vẫn còn hạn chế, theo trang Nikkei Asia.

    Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, cho rằng « với tư cách là chủ tịch nước, ông Thưởng có lẽ sẽ không đề xướng các thay đổi trong chính sách đối ngoại của Việt Nam » vì « cần có sự đồng thuận rất cao trong số các lãnh đạo chủ chốt. Hơn nữa, chính sách đối ngoại là kết quả của quyết định tập thể và đồng thuận trong Bộ Chính Trị ».


  • Thẻ căn cước công dân điện tử là một trong những thành công mới nhất trong công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam và được sử dụng thay thế sổ hộ khẩu giấy, chính thức bị xóa bỏ từ ngày 01/01/2023. Quá trình này đang được tăng tốc để hướng đến mục tiêu vào năm 2025, Chính phủ điện tử Việt Nam vào top 50 thế giới (hiện đứng thứ 86) và đến năm 2030, được xếp vào nhóm 30 nước dẫn đầu, theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc.

    Ngoài sự hỗ trợ năng động của Pháp trong lĩnh vực này, Hà Nội muốn mở rộng hợp tác, học hỏi kinh nghiệm của Singapore, hiện đứng đầu các nước Đông Nam về chính phủ điện tử. Việt Nam giữ vị trí thứ 6 trên 11 nước trong khu vực, sau cả Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonesia.
    Dùng thẻ căn cước điện tử để bỏ quản lý hộ khẩu theo mô hình Trung Quốc
    Năm 2020 được xem là bước khởi đầu với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến tháng 06/2021, lần đầu tiên Việt Nam ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thực ra, con đường chuyển đổi số ở Việt Nam đã được định hình từ nhiều năm trước, theo nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp, cộng tác viên liên kết của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - ISEAS-Yosof Ishak Institute tại Singapore, khi trả lời RFI Tiếng Việt ngày 21/02 :

    « Có thể nói, chính phủ điện tử ở Việt Nam bắt đầu từ khoảng năm 2011. Trước đó có kế hoạch được gọi là áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của hệ thống hành chính của chính phủ, tức là công vụ, nhưng thất bại. Sau đó, từ năm 2011-2012, bắt đầu có một kế hoạch khá đầy đủ để xây dựng chính phủ điện tử trong khuôn khổ quân trọng về cải cách hành chính.

    Như chúng ta biết, Việt Nam có chương trình cải cách hành chính 10 năm (2001-2010). Đó là một chương trình rất tốt, tạo ra những bước tiến cơ bản cho Việt Nam về hành chính, trong đó có cải cách thể chế, cải cách tư pháp, cải cách hệ thống công vụ và tài chính công, cũng như là hệ thống các doanh nghiệp. Trong vòng 10 năm, với sự giúp đỡ, tài trợ của các nước phát triển trong khuôn khổ hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã đạt được những bước tiến khá tốt.

    Từ 2012, việc xây dựng « chính phủ điện tử » bắt đầu diễn ra với thủ tục ban đầu là xây dựng các hệ thống internet ổn định và an toàn trong cả nước. Thứ hai là xây dựng những trung tâm dữ liệu. Thứ ba là bắt đầu số hóa các thủ tục hành chính và thủ tục công vụ để đưa vào thư viện và phục vụ, đặc biệt là từ thành phố Hồ Chí Minh, sau đó đến Hà Nội.

    Nhưng bước đầu tiên để làm những việc đó, là ngay từ năm 2014, Việt Nam đã có một dự án thí điểm là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư ở Hải Phòng và đã cho kết quả tốt. Từ sau năm 2017 đến nay đã xây dựng được cơ sở dữ liệu dân khá toàn diện. Trên cơ sở đó, chính phủ Việt Nam đã bỏ được hình thức quản lý công dân và quản lý các hộ gia đình bằng hộ khẩu mà chuyển tất cả sang hệ thống căn cước công dân. Đây là hình thức quản lý hiện đại và không còn mang mầu sắc của Trung Quốc nữa. Đó là một việc làm rất lớn.

    Còn tất cả những dịch vụ gọi là « hệ thống công vụ », có thể nói rằng đang phát triển một cách không đồng đều, nhiều chỗ còn rất chậm. Và ở những nơi đã phát triển được một phần nào đấy thì mức độ an toàn của hệ thống và mức độ ổn định của hệ thống đều ở ngưỡng thấp. Ví dụ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mức độ xây dựng chính phủ điện tử này còn đang chậm và các hệ thống đang hoạt động không ổn định ».
    Singapore : Mô hình mà Việt Nam muốn hợp tác trong khu vực
    Trong quá trình chuyển đổi số, Việt Nam thường nhắc đến những kinh nghiệm và để nhiều nước phương Tây hỗ trợ mà không đề cập đến Trung Quốc. Ví dụ, bộ Công An nêu trường hợp của « nhiều quốc gia đã tiên phong và đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện chính phủ điện tử như Đan Mạch, Hàn Quốc, Singapore, Nga, Đức, Anh, Pháp, Estonia… ».

    Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore là mô hình mà Việt Nam muốn hợp tác bởi vì, theo nhận định của bộ Công An Việt Nam, đảo quốc « thuộc nhóm nước đứng đầu thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tiêu biểu là việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung, tích hợp tất cả các dịch vụ hành chính công của các bộ/ngành ». Trong chuyến công du Singapore từ ngày 08-10/02/2023 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược song phương, thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập với đồng nhiệm Lý Hiển Long về hợp tác « chuyển đổi số, bao gồm chính phủ điện tử, quốc gia thông minh-thành phố thông minh và sản xuất thông minh ».

    Singapore bắt đầu thực hiện quá trình chuyển đổi số từ cách đây gần nửa thế kỷ, với Chương trình tin học hóa quốc gia ngay từ thập niên 1980. « Đó là điều mà Việt Nam có thể học để có được một hệ thống công vụ số ổn định, nhanh và minh bạch », theo nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp.

    « Singapore đã phát triển chính phủ điện tử từ lâu, từ khoảng năm 1998. Khi đó, họ dùng một thuật ngữ, gọi là « công nghệ thông tin hóa hệ thống công vụ » của họ. Bắt đầu từ đó, hơn 20 năm, họ đã làm được nhiều việc khác nhau, từ việc đưa các thủ tục công vụ, tức là thủ tục hành chính, từ đơn giản nhất để số hóa. Cho đến gần đây, họ đã đạt được những mức độ rất cao vì 100% dịch vụ công của họ đã được chuyển đổi số thành công và ở mức độ tất cả các mặt, từ dữ liệu, lưu trữ, an toàn lưu trữ dữ liệu đến các bước xử lý công việc, rồi các quy trình, quy tắc xử lý công việc và công vụ đều được họ làm ở mức độ cao nhất. Chỉ có một mức độ là vì nếu xét ở mức độ là hệ thống chính phủ điện tử của Singapore đạt mức độ thống suốt ở mức cao, nhưng mức độ chính phủ điện tử thông minh thì vẫn chưa đạt được ».

    Báo Chính phủ Việt Nam cho biết sau chuyến thăm của thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam và Singapore dự kiến đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm quản lý, các sáng kiến, nền tảng trong lĩnh vực chuyển đổi số trên 3 trụ cột : chính phủ số, kinh tế số và xã hội số ; hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực ưu tiên, như quản lý dân cư, tài chính ngân hàng, đất đai, thương mại điện tử… Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp cho biết thêm :

    « Về hợp tác giữa Việt Nam và Singapore, trước đây đã đặt vấn đề đó, lúc đầu là từ thời ông Nguyễn Xuân Phúc (khi còn làm chủ tịch nước), sau đó vào tháng 10/2022, tổng thống Singapore đến Việt Nam và cũng đề cập đến vấn đề này. Vừa rồi, ông Phạm Minh Chính đi thăm Singapore, cũng đã đặt vấn đề này, cũng chỉ mở rộng ra một chút.

    Nhưng phải nói thật là chưa có gì cụ thể. Tất cả mới chỉ tập trung vào việc để hai bên hợp với nhau, chủ yếu là Singapore trao đổi với Việt Nam về kinh nghiệm xây dựng chính phủ điện tử và có thể giúp Việt Nam việc bắt đầu từ khâu chuyển đổi số, đào tạo công chức, nâng cao năng lực của hệ thống công vụ của Việt Nam nói chung và hệ thống huấn luyện trong nước cho việc chuyển từ một chính phủ bình thường thành chính phủ điện tử ».
    Mở rộng hợp tác với các nước phương Tây có quy mô dân số tương ứng
    Ngoài ra, nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp đánh giá mô hình quản lý của Singapore có một số điểm hạn chế đối với Việt Nam, đặc biệt liên quan đến số dân. Đảo quốc chỉ có gần 6 triệu dân, trong khi Việt Nam có gần 100 triệu. Cho nên, Việt Nam cần mở rộng hợp tác về chính phủ điện tử với các nước có quy mô dân số tương tự.

    « Mô hình mà Việt Nam cần học nhiều, ở khu vực này thì chỉ có mỗi Singapore. Còn thực ra, Việt Nam nên học những nước như Pháp, Úc, Anh thì tốt hơn, bởi vì Singapore là một nước nhỏ, chỉ có 5 triệu người sử dụng hệ thống công vụ, nên việc xây dựng một hệ thống chính phủ điện tử ở Singapore, tôi nghĩ là dễ hơn so với xây dựng ở Việt Nam rất nhiều. Cho nên, Việt Nam cần tính đến cách xây dựng một chính phủ điện tử phục vụ cho số đông, khoảng 100 triệu người. Việc này có thể học từ Pháp, Đức, Anh quốc, Mỹ, dường như sẽ có bài học tốt hơn hẳn so với học từ Singapore ».

    Pháp là nước hỗ trợ tích cực quá trình hiện đại hóa hành chính Việt Nam thông qua chuyển đổi số. Ngay năm 2018, một thỏa thuận hợp tác liên chính phủ đã được ký nhân chuyến thăm Việt Nam của thủ tướng Pháp. Ông Béla Hégédus, tùy viên hợp tác, trưởng phòng Pháp luật, Tư pháp và Quản trị, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, cho biết từ bốn năm nay, Pháp « đã huy động hơn 2 triệu euro, thông qua nguồn tài chính của Cơ quan Phát triển Pháp - AFD và hiện nay là nguồn hỗ trợ của bộ Châu Âu và Ngoại Giao Pháp, và hàng chục chuyên gia Pháp thuộc tất cả các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số và hiện đại hóa nền hành chính » để trao đổi, tọa đàm, huấn luyện với phía Việt Nam.

    Một thành công lớn là Cổng dịch vụ công quốc gia Việt Nam đã được ra mắt vào cuối năm 2019. Theo ông Béla Hégédus, Cổng dịch vụ công đã « làm thay đổi cuộc sống hàng ngày của rất nhiều người dân Việt Nam bằng việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính » và thu hút « hơn 830 triệu lượt truy cập ». Hiện đã có 4.416 thủ tục hành chính được triển khai trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia của Việt Nam, có nghĩa là « gần 70% các thủ tục hành chính đã được đưa lên mạng ».

    Giữa năm 2022, đại sứ quán Pháp và Văn phòng Chính phủ Việt Nam đã khởi động dự án « Hỗ trợ hiện đại hóa nền hành chính Việt Nam bằng chuyển đổi số » do bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp tài trợ, xoay quanh ba trụ cột chính : đơn giản hóa thủ tục hành chính, tối ưu hóa quan hệ giữa các cơ quan hành chính, quản lý các chính sách công dựa trên dữ liệu số mở.

    Đây là một trong số những dự án giúp Việt Nam đạt được chủ trương « 4 không » : Họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy tờ, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.


  • Sau 12 năm đàm phán, ngày 23/12/2022, Indonesia và Việt Nam đã giải quyết được tranh chấp trên biển, cụ thể là đã kết thúc đàm phán về việc phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa hai nước tại khu vực quần đảo Natuna ở Biển Đông. Thỏa thuận giữa Hà Nội và Jakarta sẽ chấm dứt những căng thẳng lâu nay giữa hai nước, nhưng chắc là sẽ khiến Trung Quốc giận dữ, vì Bắc Kinh vẫn tuyên bố chủ quyền đối với một phần khu vực mà Indonesia và Việt Nam tranh chấp. 

    Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã công bố thỏa thuận này trong chuyến thăm cấp nhà nước 3 ngày của ông Phúc tại Indonesia tháng 12 năm ngoái. 
    Căng thẳng do đánh bắt cá
    Trong những năm gần đây, Việt Nam và Indonesia thường xuyên gặp căng thẳng tại vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn lên nhau. Lực lượng tuần duyên Indonesia đã tịch thu và phá hủy hàng chục tàu thuyền Việt Nam trong vùng biển tranh chấp, đặc biệt là xung quanh quần đảo Natuna. Năm 2017, một tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị cáo buộc đã ngăn chặn một nỗ lực của Indonesia nhằm hộ tống các tàu Việt Nam ra khỏi khu vực tranh chấp. Trong vụ này, một sĩ quan Indonesia bị lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bắt giữ. 

    Tháng 4/2019, một tàu Indonesia va chạm với 2 tàu Kiểm ngư Việt Nam. Năm 2019, Indonesia đã phá hủy 38 tàu treo cờ Việt Nam bị cáo buộc đánh bắt trái phép. Đến tháng 3 năm 2021, Cảnh sát biển Indonesia lại bắt giữ hai tàu đánh cá Việt Nam. Ngoài nguồn thủy sản dồi dào, khu vực tranh chấp ranh giới giữa hai nước cũng được coi là giàu tài nguyên thiên nhiên.

    Thỏa thuận nói trên như vậy là sẽ góp phần chấm dứt nhiều năm đụng độ giữa hai nước trong khu vực tranh chấp, đặc biệt là về nạn đánh bắt cá trái phép. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 05/01/2023, nhà nghiên cứu Hoàng Việt, thuộc Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:

    “ Sau khi hiệp định có hiệu lực thì tình trạng này bắt đầu mới giảm bớt được. Trong thời gian qua, một số ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt vì bị cho là vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, nhưng các ngư dân Việt Nam khẳng định là họ đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam, chứ không phải của Indonesia. Nhưng điều này rất khó nói và khó tranh luận. Một trong những yếu tố dẫn đến việc Việt Nam vi phạm thẻ vàng về IUU Fishing ( đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định ), đó là có những khu vực mà rất nhiều tàu cá của Việt Nam  bị cáo buộc xâm phạm vùng biển của những quốc gia khác, trong đó có Indonesia. 

    Sau khi hiệp định chính thức có hiệu lực thì chuyện tranh cãi về việc ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Indonesia sẽ rõ ràng hơn, vì chắc chắn là khi phân định thì sẽ phân định rõ nơi nào thuộc đặc quyền kinh tế của Indonesia, nơi nào là của Việt Nam, nơi nào là vùng đánh cá chung của cả hai bên.”
    Gợi ý cho những tranh chấp khác?
    Trước mắt, các nhà phân tích tin rằng thỏa thuận giữa Indonesia với Việt Nam sẽ mở đường cho nhiều nước láng giềng của Trung Quốc giải quyết các yêu sách chủ quyền chồng lấn lên nhau ở Biển Đông. Ví dụ, Việt Nam cũng có tranh chấp tương tự với cả Philippines và Malaysia. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích: 

    “Nó sẽ là gợi ý tốt cho Việt Nam và các các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp tương tự trên khu vực Biển Đông, bởi vì cơ sở của nó là luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, có các án lệ quốc tế liên quan đến phân định biển… Thực tiễn quốc tế mới là cơ sở để các quốc gia giải quyết vấn đề này. 

    Việt Nam cũng có những vùng chồng lấn tương tự với vùng biển của Philippines và Malaysia, tuy nhiên, tình huống cụ thể với mỗi bên có rất nhiều điểm khác biệt. Trong quần đảo Trường Sa, có một số thực thể mà cả Việt Nam, Malaysia đều khẳng định chủ quyền. Những thực thể đó có những vùng biển xung quanh mà cả ba quốc gia đều cho là của mình. Giải quyết vấn đề này sẽ rất khó khăn, nhưng rõ ràng việc Việt Nam và Indonesia kết thúc được hiệp định này cho thấy, thứ nhất là các quốc gia ASEAN trong khu vực Biển Đông có những tranh chấp về chồng lấn như vậy hoàn toàn có thể giải quyết được tranh chấp này trong hòa bình và dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Năm nay cũng là năm kỷ niệm 40 năm Công ước này được ký kết.

    Tranh chấp Biển Đông là tranh chấp đầy phức tạp. Nếu các quốc gia ASEAN có tranh chấp Biển Đông mà giải quyết được những vấn đề khúc mắc của riêng mình, thì đó cũng là một điều tốt để cho  vấn đề Biển Đông có thể được giải quyết tốt hơn. Nếu tất cả các quốc gia có tranh chấp chồng lấn như vậy mà giải quyết ổn thỏa được các vấn đề đó, thì chỉ còn lại vấn đề quan trọng nhất là đối với Trung Quốc. Điều đó cũng sẽ tạo một sức ép không nhỏ đối với Trung Quốc.” 

    Trong một bài viết trên trang Forbes ngày 27/12/2022, giáo sư Jill Goldenziel, Đại học Quốc Phòng Hoa Kỳ, cũng lưu ý rằng Việt Nam và Indonesia đã quyết định giải quyết tranh chấp ranh giới của họ dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), qua đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử” đối với vùng Biển Đông. Do đó, thỏa thuận này là một bước quan trọng hướng tới một mặt trận thống nhất giữa các nước láng giềng của Trung Quốc trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. 

    Việc lựa chọn UNCLOS làm cơ sở giải quyết tranh chấp ranh giới cũng ngầm thể hiện sự ủng hộ đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 về vụ kiện của Philippines, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. 
    Phản ứng của Trung Quốc ?
    Giáo sư Goldenziel cũng nhấn mạnh là các chi tiết của thỏa thuận giữa Hà Nội và Jakarta vẫn chưa được công khai, bởi vì nếu làm như vậy, Trung Quốc có thể sẽ đáp trả bằng các biện pháp ngoại giao, hoặc thậm chí quân sự mạnh mẽ. Cho tới nay, bất cứ khi nào một quốc gia láng giềng chính thức bày tỏ sự ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông, Trung Quốc đều phản đối mạnh mẽ. Thỏa thuận Indonesia-Việt Nam được thông qua vào thời điểm Trung Quốc ngày càng hung hăng, khẳng định các yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông. Tại khu vực ranh giới giữa Indonesia và Việt Nam,Trung Quốc có thể triển khai lực lượng dân quân biển có vũ trang, đội lốt tàu cá, để xác quyết chủ quyền đối với khu vực.

    Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hoàng Việt nêu lên hai lý do khác:

    “Trường hợp thứ nhất, thông thường, nếu một hiệp định đã được hoàn tất, thì theo trình tự, còn một bước nữa là Quốc Hội mỗi bên thông qua, thì nó mới chính thức có hiệu lực. Hiện nay vẫn chưa có lịch trình của cả hai bên, đặc biệt là bên phía Việt Nam, để thông qua văn bản này. Như thế là phải mất thêm một thời gian nữa. Trong thời gian đó hai bên sẽ đều giữ kín thông tin.

    Khả năng thứ hai là hai bên đã kết thúc đàm phán, tức là đã đồng ý với nhau một số nguyên tắc cơ bản, nhưng còn những vấn đề cụ thể của hiệp định thì vẫn chưa hoàn tất. Thậm chí là có những vấn đề kèm theo hiệp định đó, ví dụ như những phụ lục hay những hiệp định kèm theo thì vẫn chưa xong. Cho nên,  đó chỉ mới là bước đầu, chưa thật sự hoàn tất, chính vì vậy hai bên vẫn chưa đưa ra thông tin cụ thể trong lúc này.”

    Giáo sư Goldenziel, tác giả bài viết trên trang Forbes ngày 27/12/2022, cho rằng thỏa thuận Indonesia-Việt Nam có thể  là khuôn mẫu cho các nỗ lực phối hợp nhằm chống lại sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, và là một bước tiến tới một mặt trận Đông Nam Á thống nhất chống lại các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng có cùng nhận định:

    “ Có ý kiến cho rằng Trung Quốc cũng không hài lòng về chuyện này, bởi vì cái quan trọng nhất là Trung Quốc vẫn muốn đàm phán với ASEAN về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là về COC ( Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông ). Nhiều người cho rằng Trung Quốc vẫn muốn ngăn cản và chia rẽ các nước ASEAN. Chính vì vậy mà Trung Quốc sẽ tìm cách can thiệp vào hiệp định này. Cũng có người cho rằng, hiệp định dù có được ký kết thì cũng phải được Quốc Hội phê chuẩn. Đối với Quốc Hội Việt Nam thì chắc là không khó khăn lắm trong việc thông qua, khi mà chính phủ đã quyết định. Nhưng đối với Indonesia lại là chuyện khác. Ngay cả tại Indonesia cũng có những nhóm thân Trung Quốc hoặc không thân Trung Quốc, vì thế Trung Quốc cũng có thể tác động bằng cách này hay cách khác. Chỉ sau khi Quốc Hội Indonesia phê chuẩn thì lúc đó mới là chắc chắn. Khả năng là có thể xảy ra, bởi vì Trung Quốc sẽ tìm cách vận động khiến cho Quốc Hội có những tiếng nói khác biệt, dẫn tới việc phê chuẩn bị chậm trễ, hoặc kéo dài hoặc là chưa biết có được thông qua hay không.”
    Sự hỗ trợ của Mỹ
    Trong bài viết nói trên, giáo sư Goldenziel còn cho rằng thỏa thuận về biên giới trên biển giữa Việt Nam và Indonesia có thể góp phần giúp Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc trong khu vực. Theo giáo sư Goldenziel, Hoa Kỳ nên làm việc với Indonesia và Việt Nam để tăng cường thỏa thuận, nhằm hỗ trợ chiến lược quốc gia của Hoa Kỳ trong việc chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU Fishing), đồng thời khẳng định luật pháp ở Biển Đông.

    Tác giả bài viết khẳng định: “Hoa Kỳ sẵn sàng hành động để hỗ trợ Indonesia và Việt Nam giúp cho  thỏa thuận thành công. Việt Nam là quốc gia ưu tiên trong Đạo luật An Toàn Hàng hải của Hoa Kỳ, một phần trong Chiến lược Quốc gia của Hoa Kỳ về Chống Khai thác IUU. Điều này có nghĩa là Việt Nam đã bày tỏ sẵn sàng hành động chặt chẽ với Hoa Kỳ để chống đánh bắt cá bất hợp pháp.

    Hoa Kỳ nên làm việc với Việt Nam và Indonesia để củng cố thỏa thuận của họ bằng cách cung cấp đào tạo và hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ bờ biển của cả hai quốc gia để chống lại việc đánh bắt IUU và khẳng định các quyền hàng hải chống lại Trung Quốc.

    Hoa Kỳ cũng có thể giúp tiến hành các chiến dịch thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức về ranh giới biển mới và các quyền hợp pháp của cả hai quốc gia đối với khu vực. Ngoài ra, Hoa Kỳ có thể hỗ trợ cả hai quốc gia lập hồ sơ và công khai các vi phạm đánh bắt IUU của Trung Quốc trong khu vực biên giới và thực hiện hành động pháp lý bất cứ khi nào thích hợp.”


  • Vào tháng trước, chỉ vài ngày trước Tết Nguyên Đán, 17/01/2023, một sự kiện chưa từng có ở Việt Nam đã thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã buộc phải từ chức trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng do tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát động. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, một chủ tịch nước phải “xin thôi” giữ chức lúc đương nhiệm. 

    Về mặt chính thức, ông Nguyễn Xuân Phúc buộc phải từ chức như vậy là vì ông phải “chịu trách nhiệm chính trị”, do trong thời gian làm thủ tướng từ năm 2016 đến năm 2021, ông đã “để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng”. Trước ông Nguyễn Xuân Phúc, hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam cũng đã buộc phải “xin thôi” giữ chức vào cuối tháng 12 năm ngoái do bị dính líu đến các vụ tham nhũng.

    Những đảo lộn trong thành phần lãnh đạo tối cao của Việt Nam hiện vẫn là đề tài bàn luận của báo chí quốc tế, đặc biệt họ quan tâm đến tác động đối với đường lối ngoại giao của Việt Nam.
    Asia Times: Việt Nam theo gương Trung Quốc 
    Trang Asia Times ngày 02/02/2023 có đăng một bài phân tích của ông M.K. Bhadrakumar, nguyên là một nhà ngoại giao Ấn Độ, với tựa đề “ Việt Nam thấy một tương lai chung với Trung Quốc hơn là với Hoa Kỳ” ( Vietnam sees a shared future more with China than US ). 

    Theo nhận định chung của ông M.K. Bhadrakumar, cuộc thanh trừng chống tham nhũng của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy Việt Nam đang đi theo hướng nặng về ý thức hệ hơn và bớt thân phương Tây hơn.

    Tác giả bài viết ghi nhận: “ Nỗ lực chống tham nhũng kéo dài hàng thập kỷ do tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát động đã tăng tốc trong những năm gần đây và dường như được thúc đẩy bởi những mối quan tâm rất giống với những mối quan tâm của đảng Cộng Sản Trung Quốc và chủ tịch Tập Cận Bình. Về cơ bản, động lực của chiến dịch này là tính chính đáng của đảng Cộng Sản Việt Nam với tư cách là đảng cầm quyền.”

    Theo ông, đảng Cộng Sản Việt Nam đang nhìn sang phía “đàn anh” đảng Cộng Sản Trung Quốc vốn đã định hướng cho giai đoạn phát triển kinh tế kế tiếp với mục tiêu trở thành “một cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại” ( mục tiêu được đề ra tại Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc năm 2021 ).

    Ông M.K. Bhadrakumar khẳng định : “Không hề là ngẫu nhiên khi các lãnh đạo đảng bị cách chức chủ yếu là thuộc phe “thân phương Tây” hoặc là những thành phần kỷ trị, và điều này có thể cho thấy là ông Nguyễn Phú Trọng quan tâm đến sự toàn vẹn về tư tưởng và cũng như về đạo đức của đảng." 

    Còn ông Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian làm thủ tướng ( 2016-2021 ) được nhiều người xem là đã thúc đẩy các cải tổ tạo thuận lợi cho giới doanh nghiệp. Tác giả bài viết trích một bình luận trên trang web của đài phát thanh Deutsche Welle vào tháng trước, mô tả ông Phúc là một “lãnh đạo nghiêng về phương Tây”: 

    “Quan hệ về mặt doanh nghiệp và chính trị giữa Việt Nam với các nước phương Tây đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Nhưng ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn hoài nghi về ý định của phương Tây. Nhiều người trong số họ lo sợ rằng các nền dân chủ phương Tây đang nhắm đến việc thay đổi chế độ ở quốc gia độc đảng này và họ lên án các tổ chức nước ngoài vẫn rao giảng cho chính phủ về nhân quyền. Bộ máy công an, mà thế lực đang lên, được cho là cảnh giác nhất với các nền dân chủ phương Tây.”  

    Theo ghi nhận của ông M.K. Bhadrakumar, một số nhà phân tích phương Tây so sánh sự khẳng định quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng với việc củng cố quyền lực ở Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Tác giả bài viết trích dẫn ông Bill Hayton, một nhà quan sát và tác giả nổi tiếng về Việt Nam (Vietnam: The Rising Dragon) tại Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) ở Luân Đôn, đã lưu ý một cách mỉa mai rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam coi đảng Cộng Sản Trung Quốc “như một người bạn trong cuộc đấu tranh của họ để duy trì quyền kiểm soát Việt Nam.” Hayton nhấn mạnh: “Tôi nghĩ đó là một lời cảnh báo rằng những người này thực sự không vội vã coi Hoa Kỳ là đồng minh hay bất cứ điều gì tương tự, họ coi Trung Quốc là một đối tác ý thức hệ hơn là Mỹ.”

    Theo ông M.K. Bhadrakumar, mối lo ngại thực sự của phương Tây là sự cân bằng quyền lực trong đảng Cộng Sản Việt Nam và trong chính phủ hiện nay có thể có lợi cho Trung Quốc và Nga hơn.

    Tác giả bài viết trên Asia Times ghi nhận là cuộc thanh trừng trong ban lãnh đạo Việt Nam đã diễn ra khi ông Nguyễn Phú Trọng vừa trở về sau chuyến thăm “thành công” ở Trung Quốc cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm ngoái.
    South China Morning Post: Ban lãnh đạo mới thiếu kinh nghiệm ngoại giao
    Tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post cũng quan ngại về tác động của cuộc thanh trừng chống tham nhũng ở Việt Nam đến chính sách ngoại giao của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. 

    Trong một bài đăng mạng ngày 24/01/2023, tờ báo viết: “ Khi Việt Nam thanh lọc hàng ngũ lãnh đạo sau chiến dịch trấn áp tham nhũng, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về sự thiếu kinh nghiệm của ban lãnh đạo mới về chính sách đối ngoại và điều đó có thể ảnh hưởng như thế nào đến khả năng của Việt Nam đối phó với các thách thức ngoại giao trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung”

    South China Morning Post trích dẫn ông Hà Hoàng Hợp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, ghi nhận :“Dưới sự lãnh đạo về đối ngoại của thủ tướng Phạm Minh Chính, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và chính sách theo hướng phòng ngừa rủi ro của Việt Nam đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi”.

    Bảo tồn các mối quan hệ hiện tại là một bài toán nan giải đối với Việt Nam, vốn đang xem xét khả năng chuyển từ quan hệ đối tác toàn diện sang quan hệ đối tác “chiến lược” với Hoa Kỳ, nhưng vẫn duy trì quan hệ thân hữu với Trung Quốc, quốc gia láng giềng của Việt Nam và cũng là đối tác thương mại lớn nhất.

    Tờ nhật báo Hồng Kông trích dẫn ông Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam, cho rằng năng lực của tân chủ tịch nước sẽ không có tác động đáng kể đến định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam, vì chức vụ này “phần lớn mang tính hình thức”. Ông Giang nhắc lại chính sách đối ngoại của Việt Nam được quyết định tập thể và đã được Đại hội Đảng năm 2021 đề ra và khó có thể đổi hướng. Tuy nhiên, sự ra đi của hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh, cả hai đều đóng “vai trò quan trọng trong thành công ngoại giao của Hà Nội trong những năm gần đây", có thể làm giảm khả năng của Việt Nam giữ thế cân bằng trước cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, cũng như giải quyết các tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

    Mô tả sự thiếu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại của Trần Lưu Quang ( được bổ nhiệm thay thế ông Phạm Bình Minh làm phó thủ tướng ) là điều “đáng lo ngại”, Zachary Abuza, giáo sư về an ninh chiến lược tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, dự báo bộ trưởng Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn có thể là "người ra đi tiếp theo”, do vai trò của ông với tư cách bộ trưởng trong vụ tai tiếng “chuyến bay giải cứu”. Cũng theo giáo sư Abuza, nếu bộ trưởng Công An Tô Lâm trở thành chủ tịch nước, sẽ có “sự thiếu hụt thực sự kinh nghiệm về chính sách đối ngoại trong giới lãnh đạo cấp cao”. 
    Le Monde : Ảnh hưởng ngày càng mạnh của phe thân Bắc Kinh 
    Tờ nhật báo Le Monde của Pháp ngày 19/01/2023, cũng đã có bài viết tựa đề “ Ở Việt Nam, vụ cách chức chủ tịch nước cho thấy ảnh hưởng ngày càng mạnh của các lãnh đạo thân Bắc Kinh”.

    Theo Le Monde, “thông qua cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hai phó thủ tướng của ông, chế độ cũng trừng phạt ba nhân vật nổi tiếng là thực dụng, và là những người tham gia nhiều nhất vào việc quản lý đất nước kể từ năm 2016." Trong giai đoạn này, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ (8% vào năm 2022), trong bối cảnh mở cửa ngày càng nhiều đối với đầu tư nước ngoài và mở cửa với phương Tây, đầu tiên là với Hoa Kỳ, quốc gia mà kể từ thời tổng thống Obama và nhất là kể từ thời chính quyền Biden đã vận động để củng cố quan hệ với Việt Nam.

    Le Monde nhắc lại: Phó thủ tướng bị cách chức Phạm Bình Minh từng là bộ trưởng Ngoại Giao từ 2011 đến 2021. Cũng là ủy viên Bộ Chính Trị, ông là một trong số ít lãnh đạo từng du học tại Hoa Kỳ. Tờ báo trích lời Benoît de Tréglodé, chuyên gia về Việt Nam và giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự (Irsem), giải thích: “Ta chỉ cần nhìn xem những lãnh đạo bị cách chức đã được thay thế bởi ai. Trong số các phó thủ tướng mới có một "nhà tư tưởng kiên định". Trong khi đó, thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính, người thay thế Nguyễn Xuân Phúc khi ông trở thành chủ tịch nước vào năm 2021, đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình cho bộ máy tình báo và công an, tức là bộ đặc trách duy trì trật tự và đàn áp chính trị."

    Chuyên gia Benoît de Tréglodé giải thích : “Trong vài năm nay, chúng ta đã chứng kiến ​​​​sự gia tăng thực sự về sức mạnh của bộ máy công an. Theo ông, hiện tượng này phản ánh cả một cuộc đấu đá để giành quyền kế nhiệm tổng bí thư, chức vụ mà đương kim bộ trưởng Công An Tô Lâm rất muốn nắm. Từ đây đến đó, ông được cho là sẽ được giao chức chủ tịch nước. Đấu đá nội bộ cũng phản ánh một mối căng thẳng về định vị chiến lược của Việt Nam."

    Theo cái nhìn của ông Benoît de Tréglodé, theo truyền thống, công an là "ngành có nhiều hợp tác với Trung Quốc nhất, là ngành mà hai đảng Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam dễ nhất trí với nhau nhất về cách tốt nhất để giữ quyền lực”. Vị chuyên gia Pháp cho rằng những cuộc thanh trừng ở cấp cao nhất này nhắm vào một tầng lớp lãnh đạo được coi là thực dụng và cởi mở với phương Tây, do đó có thể được coi là một "cử chỉ thiện chí về chính trị của Việt Nam đối với Bắc Kinh, rằng Việt Nam không dễ bị Mỹ lôi cuốn".
    Jakarta Post: Ổn định chính trị của Việt Nam là cần thiết
    Tờ Jakarta Post của Indonesia ngày 30/01/2023 cũng bày tỏ quan ngại về tác động của thanh trừng chống tham nhũng đối với ASEAN

    Tờ báo cho rằng : “Với tư cách là chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2023, Indonesia sẽ cần quan tâm nhiều hơn đến những diễn biến chính trị ở Việt Nam. Cho đến nay, ít nhất là đối với những người bên ngoài, không có dấu hiệu đáng lo ngại nào từ Hà Nội trong cuộc tranh giành quyền lực trong giới lãnh đạo chính trị. ASEAN đã rất ngạc nhiên trước việc chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đột ngột từ chức hồi đầu tháng 1 trong bối cảnh nước này đang tăng cường trấn áp tham nhũng.”

    Jakarta Post nhắc lại, chỉ một tháng trước khi từ chức, ông Phúc đã đến Indonesia để hội đàm với tổng thống Joko Widodo để ký kết thỏa thuận lịch sử về Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) vùng biển Natuna giữa hai nước, một thỏa thuận mang tính lịch sử, đạt được sau 12 năm đàm phán.

    Tờ báo nhấn mạnh “một nước Việt Nam ổn định về chính trị là một yếu tố cần thiết để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng ta đều mong rằng giới lãnh đạo của đảng ở Việt Nam sẽ tìm ra giải pháp đôi bên cùng có lợi vì lợi ích của người dân Việt Nam, của ASEAN và của thế giới.”


  • Ngày 27/01/1973, cách đây đúng 50 năm, Hiệp định về Việt Nam được ký ở Paris sau gần 5 năm đàm phán, bắt đầu từ ngày 13/05/1968. Dân tộc Việt Nam đã khiến đế quốc Mỹ phải khuất phục, theo nhật báo Cộng sản của Pháp L’Humanité, trong số kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris, nhưng thực tế, phải chờ hai năm sau, chiến tranh mới chính thức chấm dứt, do Washington tiếp tục hậu thuẫn, vũ trang cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

    Trong suốt thời gian đàm phán tại Paris, chính phủ Pháp đã đóng vai trò quan trọng, từ công tác hậu cần đến những ý tưởng được đưa vào Hiệp định Paris. Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, Đại học Paul Valéry - Montpellier III phân tích vai trò của Pháp trong buổi phỏng vấn với RFI Tiếng Việt nhân 50 năm ký Hiệp định Paris.

    RFI : Xin ông cho biết lý do và bối cảnh diễn ra Hội nghị 1973 tại Paris ! 

    Giáo sư Pierre Journoud : Hội nghị năm 1973 diễn ra tại Paris sau gần 5 năm đàm phán công khai bí mật và riêng tư. Nếu Paris được các bên trong cuộc xung đột - Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng với đồng minh của mỗi bên - lựa chọn là bởi vì Pháp theo đuổi một chính sách ngoại giao mà sau này được đánh giá là "tạo điều kiện thuận lợi" với sự pha trộn giữa ngoại giao công khai, ngoại giao bí mật để đẩy nhanh việc kết thúc chiến tranh. 

    Chính sách này đã được tướng De Gaulle triển khai rõ ràng ngay năm 1965-1966, với những lá thư trao đổi với chủ tịch Hồ Chí Minh, với bài diễn văn Phnom Penh năm 1966, cũng như những trao đổi rất sâu sắc về kế hoạch ngoại giao không chỉ với các quốc gia tham chiến mà cả các cường quốc khu vực và trên quốc tế, như Trung Quốc, Liên Xô… những nước ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tất cả những tương tác giữa ngoại giao công chúng và ngoại giao bí mật đã dẫn đến việc các bên tham chiến chọn Paris để ngồi vào bàn đàm phán. Ngoài ra, hình dạng của chiếc bàn đàm phán cũng là chủ đề của nhiều cuộc trao đổi trong hơn một tháng, cũng như việc xem xét tiếp đón ở đâu, như thế nào các phái đoàn đồng minh, trong đó một bên có Việt Nam Cộng hòa, bên kia có Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 

    Có thể thấy điểm quan trọng đầu tiên là Pháp có chính sách tạo thuận lợi, tiếp đến là các phương tiện liên lạc ở Paris đều được tất cả các đối tác khen ngợi. Và phải kể đến các cơ sở ngoại giao, có nghĩa là tất cả các bên trong cuộc xung đột đều có đại diện, không chỉ Hoa Kỳ, một đồng minh lâu đời của Pháp, thông qua đại sứ quán, mà cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với một phái đoàn, hoặc Việt Nam Cộng hòa cũng có một phái đoàn, rồi Mặt trận Dân tộc Giải phóng sau này trở thành Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam - GRP - được công nhận thông qua một văn phòng đại diện từ năm 1969. Đây là một yếu tố quan trọng đối với Hà Nội. 

    Lý do có thể được cho là cuối cùng, đó là sự hiện diện quan trọng của cộng đồng người Việt tại Pháp, đặc biệt là ở Paris. Đó là một cộng đồng tương đối ủng hộ chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói chung. 

    Đây là những lý do giải thích cho việc chọn Paris để tổ chức hội nghị năm 1973, cho dù một số tổng thống Mỹ tỏ ra rất miễn cưỡng, nhất là tổng thống Johnson năm 1968, nhưng sau đó đã được xóa bỏ nhờ một số lập luận của các cố vấn dân sự. Còn tổng thống Nixon, khi lên nắm quyền thì hội nghị đã mở ra ở Paris từ năm 1969, đã có cái nhìn tích cực hơn nhiều về tướng De Gaulle và người kế nhiệm là Georges Pompidou, về nước Pháp nói chung và đóng góp của Pháp. Vì vậy, tổng thống Nixon không bao giờ thắc mắc về việc lựa chọn Paris. Phía miền Nam và miền Bắc Việt Nam cũng tương tự. 

    RFI : Pháp đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức hội nghị, cũng như thành công của Hội nghị Paris năm 1973. Vai trò cụ thể của Pháp là gì ? 

    GS. Pierre Journoud : Đúng, vai trò của Pháp được Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận một cách khá kín đáo trong các trao đổi, thư từ mà tôi tìm thấy trong tài liệu lưu trữ, đặc biệt là của Pháp và Mỹ. Trước tiên, Pháp cung cấp cơ sở vật chất, cụ thể là nơi ăn ở, theo lời một giám đốc phụ trách châu Á của bộ Ngoại Giao Pháp, như nơi ở cho các phái đoàn, phòng họp, bắt đầu với phòng hội nghị quốc tế trên đại lộ Kleber. 

    Nhưng tôi cho rằng, ngoài mặt vật chất, Pháp đã góp phần nuôi dưỡng đối thoại liên tục. Sau khi nghiên cứu rất nhiều tài liệu, tôi thấy là ngành ngoại giao Pháp rất năng động trong việc bao quát, nỗ lực nắm bắt tình hình chính trị, quân sự trên chiến trường, cố gắng tìm kiếm những thỏa hiệp cần thiết cho thành công cuối cùng của cuộc đàm phán. Một số ý tưởng của Pháp xuất hiện trong quá trình soạn thảo văn bản Hiệp định Paris. Ví dụ một ý tưởng đã được tướng De Gaulle đưa ra từ rất sớm trong bài diễn văn đọc tại Phnom Penh năm 1966 là người Mỹ không thể có một chiến thắng quân sự và họ phải đàm phán. Vì vậy, ông đã sớm nêu lên giải pháp đàm phán trên bình diện ngoại giao và việc Mỹ phải rút quân trong một khung thời gian phù hợp, ấn định. 

    Ngành ngoại giao Pháp còn đưa ra ý tưởng đàm phán cùng lúc các mặt chính trị và quân sự - điều được thực hiện sau này trong quá trình đàm phán, cũng như ý tưởng trả tự do cho tù binh song song với các cuộc đàm phán. Ngoài ra còn có nhiều ý tưởng khác, như về tính trung lập của bán đảo Đông Dương, đặc biệt là Lào và Cam Bốt. 

    Có thể thấy quy mô cấp vùng của cuộc đàm phán, kết quả đám phán mà theo tôi, nhờ nỗ lực của một số nhà ngoại giao. Ví dụ trước tiên là Etienne Manac'h, giám đốc phụ trách châu Á của bộ Ngoại Giao Pháp, người đã dành nhiều thời gian nói chuyện trong hậu trường với tất cả các bên Việt Nam và Hoa Kỳ, tiếp theo là người kế nhiệm Henri Froment-Meurice. Ngoài ra, phải kể đến một số nhà trung gian, không phải là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, mà là những nhân vật chính trị hoặc xã hội dân sự ở Pháp. Tôi đặc biệt nghĩ đến Jean Sainteny hay Raymond Aubrac, một người bạn thân của chủ tịch Hồ Chí Minh và đóng vai trò bí mật trong các cuộc đàm phán này cho đến lúc ký Hiệp định Paris năm 1973. 

    Toàn bộ ngành ngoại giao Pháp không ngừng kêu gọi “Việt Nam hóa hòa bình, chứ không phải chiến tranh”, theo cách gọi của ngoại trưởng Pháp Maurice Schumann. Đây thực sự là kim chỉ nam của ông, cho dù tôi nghĩ đôi lúc là đầy ảo tưởng. Nhưng dù sao, khẩu hiệu đó đã được sử dụng để cụ thể hóa đến cùng mục tiêu đó. 

    RFI : Hiệp định Paris được ký ngày 27/01/1973, nhưng chiến tranh không kết thúc ngay. Tại sao Hiệp định lại không được tuân thủ ?  

    GS. Pierre Journoud : Đúng thế, các cuộc giao tranh nhanh chóng tái diễn trên chiến trường. Thỏa thuận đình chiến đã bị vi phạm nhiều lần. Rất khó để biết là ai, khi nào, như thế nào... Nhưng các bên đổ trách nhiệm cho nhau đến mức vào tháng 06/1973, bộ Chính trị quyết định tiếp tục đấu tranh vũ trang, bởi vì đã có quá nhiều vụ vi phạm ngừng bắn.

    Một lý do khác, có lẽ các điều khoản chính trị của Hiệp định lại khá viển vông vì một trong những điều khoản chính là tập hợp một chính quyền lâm thời gồm 3 thành phần, gồm phía Cộng sản, chống Cộng sản và trung lập. Khi biết lịch sử chiến tranh Việt Nam, chúng ta thấy rằng những người theo Cộng sản và những người chống Cộng đã trải qua nhiều năm chiến tranh chống lại nhau nên có thể nghi ngờ rằng ngồi cùng bàn và suy tính cách cùng nhau quản lý là việc vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là hoàn toàn viển vông.

    Tôi nghĩ điều mà các nhà đàm phán tìm kiếm có phần nào ảo tưởng, ví dụ ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger với ý tưởng là sẽ có một "khoảng cách hợp lý" (decent interval) theo cách ông gọi với tổng thống Nixon. Có nghĩa là có thể duy trì một miền Nam Việt Nam vẫn độc lập, không theo Cộng sản trong vài năm để giữ thể diện cho Hoa Kỳ. Còn phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng mong tạm dừng giao tranh để củng cố lực lượng, tiếp tục cuộc chiến, lần này là giữa người Việt với nhau.

    Vì thế, những điều khoản chính trị của Hiệp định Paris chưa bao giờ được áp dụng, điều này giải thích cho việc giao tranh nhanh chóng tái diễn. Nhưng tôi nghĩ rằng trách nhiệm đầu tiên là từ phía miền Nam Việt Nam, bên vẫn tìm cách đàm phán lại thỏa thuận tháng 10/1972.

    Khi biết được những điều khoản chính của Hiệp định này từ ngoại trưởng Henry Kissinger, tổng thống Thiệu của Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã bác bỏ ít nhất 70 yếu tố trong Hiệp định và tìm cách đàm phán lại nhưng Hà Nội từ chối. Đây là lý do dẫn đến chiến dịch ném bom Linebacker II, còn được gọi là Giáng sinh chết chóc 1972 và nối lại các cuộc đàm phán vào cuối năm 1972 - đầu 1973 cho đến khi đúc kết vào tháng 01/1973.

    Nhưng bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam thấy là đã giành được một thành công chiến lược với Hiệp định Paris và biết rằng việc thống nhất sớm muộn cũng nghiêng về phía họ, trong khi chờ đợi thời cơ thuận lợi để tiếp tục chiến tranh. Trong buổi hội thảo được đại sứ quán Việt Nam tổ chức ngày 18/01/2023 tại Paris, người lái xe của bà Nguyễn Thị Bình cho biết là bà đã nói với ông khi rời khỏi cuộc họp quan trọng hồi tháng 01/1973 rằng "từ giờ chuyện sẽ được giải quyết trong gia đình". Bà biết rõ rằng Hiệp định Paris đã mở ra một giai đoạn mới cho cuộc chiến. Và tôi nghĩ là bà cũng biết rằng Hiệp định sẽ không được tôn trọng lâu. Chuyện đó đã xảy ra. Các vụ vi phạm ngừng bắn liên tục gia tăng, chiến tranh tái diễn cho đến năm 1975.

    RFI : Như ông vừa nói, cho dù có nhiều nỗ lực nhưng phải chờ đến năm 1975 chiến tranh mới chấm dứt ở Việt Nam. Vậy cụ thể, vai trò của Pháp như thế nào trong hai năm đó ? 

    GS. Pierre Journoud : Đúng, đây là một câu hỏi ít được nghiên cứu cho đến hiện nay. Trên thực tế, Pháp rất năng động cho đến năm 1973 khi Hiệp định Paris được ký kết, thậm chí là sau đó vì còn có một hội nghị quốc tế được tổ chức ở thành phố La Celle-Saint-Cloud, ngoại ô Paris, để góp phần huy động các Nhà nước, các cường quốc về hòa bình ở Việt Nam. Pháp cam kết hỗ trợ đến 100 triệu franc lúc đó cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cho chính phủ lầm thời ở miền Nam. Có thể thấy Pháp cam kết rất mạnh mẽ và là một trong những nước châu Âu lúc đó đóng góp nhiều nhất cho việc tái thiết Việt Nam, về tài chính, hoạt động công nghiệp, kinh tế... Đó là cam kết trước tiên về mặt kinh tế.

    Tiếp theo, Pháp luôn theo dõi sát sao tình hình chính trị và quân sự trên thực địa, nhưng có thể nói là một bước thụt lùi so với chính sách của tướng De Gaulle. Trong thâm tâm, tướng De Gaulle đã chấp nhận rằng việc thống nhất Việt Nam diễn ra dưới quyền của đảng Cộng sản bởi vì theo ông, đó là lực lượng quyết tâm nhất, có tổ chức nhất, thông minh nhất. Và lịch sử đã cho thấy ông có lý.

    Nhưng vấn đề là tháng 06/1969, Georges Pompidou lên nắm quyền thay tướng De Gaulle. Tổng thống Pompidou lại có đường lối khác hơn một chút, ủng hộ duy trì một chế độ ở miền nam Việt Nam. Và đường lối chính trị này dẫn đến một tuyên bố chính thức của ông vào năm 1970 : công nhận 4 Nhà nước ở Đông Dương, theo cách phân khu vực trước đó của Pháp, gồm 2 Nhà nước Việt Nam, Lào và Cam Bốt. Ngành ngoại giao Pháp vẫn cố bám phần nào vào ý tưởng rằng miền Nam Việt Nam không theo Cộng sản vẫn có thể tồn tại.

    Nhưng tổng thống Pompidou qua đời vì bệnh vào năm 1974, thay thế là Valéry Giscard d'Estaing, người không quan tâm nhiều lắm đến chủ đề này ngay từ đầu. Sau đó, theo diễn biến của cuộc chiến và những chiến thắng liên tiếp của Quân đội Bắc Việt cũng như lực lượng ở miền Nam Việt Nam, ông ngày càng theo hướng ủng hộ một lực lượng trung lập và cố đưa ra một lực lượng thứ 3 không Cộng sản cũng không chống Cộng sản. 

    Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ lực lượng này và cố đưa lên nắm quyền. Lúc đó là tháng 03/1975, cuộc chiến bước vào giai đoạn cuối, quân đội Việt Nam bắt đầu tiếp cận Sài Gòn vào tháng 4. Ngành ngoại giao Pháp hoạt động tích cực trong hậu trường để đưa tướng Dương Văn Minh, còn gọi là "Big Minh", người có lợi thế là trung lập, theo Phật giáo, không phải là Cộng sản và cũng không chống Cộng. Nhưng hoạt động ngoại giao này của Pháp lại quá muộn, nhưng trên hết là tương đối hão huyền, trước sự năng động không thể ngăn cản, không thể lay chuyển của Quân đội Nhân dân Việt Nam và các đơn vị vũ trang của họ ở miền Nam Việt Nam và ở thủ đô của miền Nam lúc đó.

    Nỗ lực đó đã chấm dứt khi Quân đội Nhân dân Việt Nam toàn thắng thắng ở Sài Gòn ngày 30/04/1975. Cho dù ngành ngoại giao Pháp ủng hộ kế hoạch được tiến hành gần như vào phút chót, đối với tôi, đó là một bước thụt lùi so với những gì được tướng De Gaulle đề ra năm 1965, tức là 10 năm trước đó.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Pierre Journoud, Đại học Paul Valéry - Montpellier III


  • Làm sao thu hút được khán giả trẻ đến với cải lương, nhất là cải lương tuồng cổ. Đó là điều mà những nghệ sĩ như Hoàng Đăng Khoa, nguyên là diễn viên đoàn Huỳnh Long, đang cố gắng làm cùng với những đồng nghiệp trẻ. Trong chương trình đầu năm Quý Mão, hôm nay mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn mà chúng tôi đã thực hiện ngày 05/01/2023 nhân dịp Hoàng Đăng Khoa sang Paris trình diễn. 

    RFI: Hôm nay RFI rất vui mừng được tiếp chuyện với nghệ sĩ Hoàng Đăng Khoa nhân dịp anh sang Paris để trình diễn. Nguyên là một ca sĩ tân nhạc, nhưng cách đây 10 năm Hoàng Đăng Khoa đã quyết định gia nhập làng nghệ sĩ cải lương. Vì sao Đăng Khoa chọn con đường này, mặc dù biết rằng sân khấu cải lương là một nơi không phải dễ mà lôi cuốn khán giả?

    HĐK: Em rất vui khi hôm nay gặp lại anh Thanh Phương để  có dịp trò chuyện với quý vị khán thính giả. Với em, chọn cải lương là một điều ngẫu nhiên. Vào năm 2011, em được nghệ sĩ Bình Tinh giới thiệu với nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh. Anh là một người cho em nhiều cảm xúc nhất, tới tận bây giờ. Em còn kính trọng và yêu thương anh, vì anh là một người thầy đầu tiên của em, tuy là em chỉ học có 3 ngày. Ba ngày đó đối với em là một tài sản quý giá khi đến với cải lương.

    Sau ba ngày đó, em mới tổ chức một liveshow để giới thiệu gương mặt Hoàng Đăng Khoa đến với công chúng. Lúc đó, khán thính giả cũng chưa đón nhận em đến với cải lương, vì em là một ca sĩ hát nhạc trẻ. 

    Em đến với cải lương rất là chông gai, tại em phải học từ đầu, từ điệu bộ, cách ca, cách diễn. Sau 4 năm thì em cũng chật vật với cải lương lắm, vì tình hình sân khấu vào năm 2011 gần như là đóng băng. Tất cả những nghệ sĩ cải lương, nghệ s ĩ con nhà nòi đều phải bỏ nghề để làm những chuyện khác, mà mình lại lao vào để gìn giữ cải lương. Có nhiều người nói em là “con cá lội ngược dòng”.

    Vào năm 2016 em mới mạnh dạn làm vở cải lương “Giang sang mỹ nhân”. Em được mẹ Bạch Mai cho phép diễn kịch bản này. Em có gặp thầy của em để xin diễn vai Ngô Phù Sai, vai của nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh. Em thành công vai đó và được khán giả đón nhận, chấp nhận nghệ sĩ Hoàng Đăng Khoa từ ca nhạc qua. 

    Em thấy cải lương rất hay, mà lại bị mai một trong thời điểm này, tại sao mình là người trẻ mình không giữ? Lúc đó em mới quy tụ những bạn trẻ để lập một chương trình “Giữ mãi đam mê”. Cứ hai tháng là có một số “ Giữ mãi đam mê”, làm tất cả những vở cải lương vang bóng một thời, đã tạo nên tên tuổi của nghệ sĩ Vũ Linh và em đảm nhận những vai đó của anh. Em may mắn được khán giả đón nhận, từ những vai như Ngô Phù Sai, An Ly Vương, rồi Triệu Tử Long…

    Đến năm 2018 thì em được mẹ Bạch Mai mời về đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Từ đó, em cộng tác với nghệ sĩ Bình Tinh, Thái Vinh và tất cả những nghệ sĩ trẻ của đoàn, tạo nên một cơn sốt. Hình như bán vé nào là “full” vé đó. Chúng em cộng tác với nhau tổng cộng là 6 năm. Sáu năm đó là sáu năm mà em hạnh phúc nhất, vì mình được làm nghề, làm những vai diễn mình thích. Đầu năm 2022, em ra riêng, hiện nay là nghệ sĩ tự do, và vẫn giữ bộ môn cải lương này. Có nhiều người hỏi tại sao em chọn cải lương khi cải lương không còn huy hoàng như ngày xưa, thì em chỉ nói một điều: giới trẻ như em nếu không giữ cải lương thì ai giữ đây?

    RFI: Nhưng cái khó là làm sao lôi kéo được khán giả trẻ đến với cải lương, nhất là cải lương tuồng cổ đòi hỏi những động tác rất là ước lệ, không phải dễ gì mà thu hút khán giả ngày nay, thời đại công nghệ thông tin?

    HĐK: Trong sáu năm đó, em và nghệ sĩ Bình Tinh đã bàn với nhau là phải làm sao để khán giả trở lại với cải lương. Tụi em mới tính đến trang phục, vì thật sự thời điểm này là thời đại công nghệ, thời đại 4.0, khán giả chỉ cần gõ Youtube là có thể coi được mọi thứ. Tại sao những bộ phim thần tượng của những nước bạn thì khán giả lại yêu thương, mà mình lại không được đón nhận? Tụi em em mới bắt tay vào làm trang phục. Rồi từ cách make up, cách làm tuồng. tụi em làm sao để khán giả gần gũi hơn. Tụi em có một lượng khán giả trẻ đến với cải lương và giữ vững như vậy trong những năm vừa qua. Cứ mỗi lần lên tuồng là đều complet vé. Đó là điều đáng mừng. 

    Để giữ khán giả trẻ với cải lương thì tụi em phải làm sao để các bạn đến với sân khấu, các bạn thấy :” A, cái anh này diễn sao thấy nó thực tế vậy!”. Tụi em mới đưa võ thuật và vũ đạo vào kết hợp với nhau. Từ trang phục, cách hát, vũ đạo, tụi em không bỏ đi truyền thống của cải lương, nhưng tụi em làm mới nó để khán giả dễ dàng đón nhận hơn. 

    Ví dụ như là những câu vọng cổ tụi em cắt bớt đi. Chẳng hạn như ngày xưa hát câu 1, câu 2, câu 3, 4, 5, thì từ câu 1 chúng em chuyển ngay qua nhạc, qua một điệu lý, rồi trở lại câu 2…

    RFI: Tức là phải làm sao cho vở diễn không nhàm chán đối với giới trẻ. 

    HĐK: Làm như vậy các bạn trẻ ngồi nghe rất là thích, các bạn không bị mệt. Mình phải làm sao để khán giả không buồn ngủ! Tụi em mới đưa tân nhạc vào, đưa những bài tuồng cổ vào,  để khán giả trẻ tiếp nhận dễ dàng hơn và tụi em đã thành công.  Và khi khán giả đã đón nhận tụi em thì khán giả “lập trình”: Mỗi tháng tụi em có một tuồng, thì khán giả “lập trình” ngày đó, giờ đó, đoàn Huỳnh Long sẽ hát những vở tuồng đó. Tập cho khán giả quen với “lập trình” đó là tự động chúng ta có một lượng khán giả riêng đến với cải lương, để mình có thể giữ vững được cải lương tuồng cổ, để nó không bị mai một, mà vẫn được phát triển và lưu truyền. 

    RFI: Cái khó là phải làm sao dung hòa được giữa một bên là nhu cầu hiện đại hóa bộ nghệ thuật cải lương, và một bên là phải giữ được những nét truyền thống của nghệ thuật này. Như vậy khi Đăng Khoa và các đồng nghiệp trẻ làm các vở tuồng đó thì có gặp sự chỉ trích từ những nghệ sĩ lớn tuổi? Họ có nói rằng các em là như thế là làm biến chất cải lương rồi?

    HĐK: Lúc đầu tụi em cũng nhận nhiều ý kiến đóng góp từ những cô chú đi trước cũng như là từ khán giả, tích cực cũng có, tiêu cực cũng có. Nhưng tụi em xin là cho tụi em thử nghiệm đi. Khi tụi em thử nghiệm tuồng đầu tiên thì khán giả đón nhận rất nhiều. Các cô chú cũng góp ý là các con phải làm sao để khán giả đừng quên cải lương. Khi mà những vở tuồng đó được diễn liên tục, anh thử tính mỗi tháng một lần mà 6 năm như vậy là bao nhiêu tuồng? Rất là nhiều vở tuồng được phát hiện và được trình diễn, thì các cô chú mới thấy những gì tụi em làm là cho cải lương và tụi em đang đi đúng đường.

    Tụi em tự làm trang phục, cách hát, cách diễn, cách dàn dựng mang tính điện ảnh hơn. Lúc ấy cô chú mới thấy được : “ À, các con làm đúng”. Tụi em nhận được rất, rất nhiều sự yêu mến và những lời động viên từ các cô chú đi trước. Ví dụ như nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết, cô ba rất là ủng hộ và khuyến khích là giới trẻ mà, phải làm sao phát huy và giữ giới trẻ đến với cải lương. 

    Em vừa mới làm liveshow “ Giữ mãi đam mê 8”, kịch bản do em dàn dựng và trên sân khấu em dùng đèn led chỉ là phụ thôi, còn thì chạy cảnh hết và đưa võ thuật vào, thì khán giả đến rất đông, gần một ngàn khán giả trong đêm diễn đó! 

    RFI: Nhưng còn về kịch bản thì như thế nào? Tại vì nếu diễn mỗi tháng một vở thì làm sao có đủ kịch bản?

    HĐK: Một điều may mắn đối với tất cả nghệ sĩ đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long là có kịch bản của soạn giả Bạch Mai, mà em rất hạnh phúc gọi là “mẹ”. Mẹ có mấy trăm kịch bản, một tài sản quý giá cho đoàn. Đoàn chỉ diễn toàn là kịch bản của mẹ thôi, mỗi tháng một vở và hình như là không diễn lại những vở mà mình đã diễn qua. Ngoài những kịch bản cũ, vang bóng một thời của Bạch Mai, mẹ còn sáng tác riêng cho diễn viên của đoàn những kịch bản mới, luân phiên thay đổi, lồng vào những tình tiết cho gần gũi với khán giả hơn, khán giả đón xem nhiều hơn, lồng vào đó là những điệu nhạc, nên không bị mai một và cũng không gây phản cảm cho khánh giả. Nó vẫn là tính chất cải lương, vẫn là tuồng cổ của soạn giả Bạch Mai, nhưng nó mới, với dàn diễn viên trẻ. 

    Với em thì kịch bản nào cũng vậy, quan trọng là diễn viên phải nhiệt tình, tích cực, phải luyện tập thì kịch bản mới hay. Diễn viên cải lương cực lắm. Ca sĩ ca nhạc thì chỉ mặc áo veste vào là hát thôi, còn nghệ sĩ cải lương thì trâm cài lược vắt, quần áo, son phấn. Ví dụ như 20 giờ hát thì 15 giờ là đã có mặt rồi, lo phục trang, make up, đầu tóc. Mà đâu phải chỉ có mình không thôi, người đạo diễn, một nhà sản xuất thì phải lo hết cho tất cả nghệ sĩ của đoàn. Nghệ sĩ cải lương thì phải sức khỏe phi thường, rồi thêm trí nhớ và cả tâm làm nghề nữa. Người nghệ sĩ cải lương không có tâm thì không làm cải lương được đâu. Nhiều người nghĩ là vào cải lương để kiếm tiền. Em nói thật: Thời điểm này không có. 

    Vậy thì người ta có thể hỏi: Không có tiền sao vẫn làm hoài? Nếu mình không làm thì ai làm đây? Thì tụi em phải có hai nghề, nghề tay trái và nghề tay phải, làm sao dung hòa được hai nghề để nuôi cải lương. Nói cải lương của tụi em vang bóng hay nổi trội, thì nó không vang bóng, không nổi trội lắm, nhưng nó vẫn giữ được, vẫn có lửa nhen nhóm, vẫn được khán giả đón nhận là đã quá mừng rồi! Bản thân em là một người trẻ thì em mong những người trẻ như em phải yêu cải lương nhiều hơn.

    RFI: Cũng theo hướng kéo khán giả trẻ đến với sân khấu cải lương, thì hiện nay chúng ta ở trong thời đại công nghệ thông tin, thời đại 4.0. Phương tiện mà giới trẻ hiện nay tìm đến nghệ thuật là qua Internet, nhất là qua các kênh Youtube. Đăng Khoa và các đồng nghiệp lên Youtube như thế nào để thu hút khán giả trẻ?

    HĐK: Ngoài việc đưa khán giả đến với sân khấu để xem hàng đêm, hàng tuần, em cũng như các đồng nghiệp còn đưa các khán giả xem trên Youtube. Khán giả cứ gõ vào kênh “Cải lương tuồng cổ” thì sẽ thấy được những vở diễn kinh điển. Ngoài những vở kinh điển dài, còn có những trích đoạn cải lương để khán giả xem từng đoạn, từng đoạn, để khán giả thấy những hình ảnh ngày xưa qua sự biểu diễn của những người trẻ, trong đó có em, Hoàng Đăng Khoa. Em nghĩ đây là một điểm sáng văn hóa cho nghệ thuật Việt Nam, để nghệ thuật Việt Nam được khán giả mọi nơi không thể xem trực tiếp trên sân khấu tại quê nhà thì có thể xem trên kênh Youtube “ Cải lương tuồng cổ” để thấy được những kịch bản vang bóng một thời, đã được những nghệ sĩ đi trước biểu diễn thành công và sau này lớp trẻ tiếp bước để giữ vững bộ môn nghệ thuật cải lương tuồng cổ Việt Nam. 

    RFI: Nay Hoàng Đăng Khoa đã tách riêng làm nghệ sĩ độc lập. Trong thời gian tới Đăng Khoa có những dự án gì mới để tiếp tục con đường đã chọn?

    HĐK: Hiện nay em đang là đại sứ thương hiệu cho công ty dược Việt Y. Công ty đang đứng ra dàn dựng cho em những công trình tiếp nối “ Giữ mãi đam mê” của em. Mới vừa hoàn thành liveshow “ Giữ mãi đam mê 8” với chủ đề “ Nàng Thơ”. Vào ngày 9 và 10/01 này em sẽ về quay kịch bản mới của soạn giả Thanh Tòng.

    Cho dù là ở đoàn hay tách ra thì em cũng vẫn là nghệ sĩ, vẫn là người đang giữ lửa cho cải lương, vẫn cố gắng gìn giữ những tác phẩm được giao. Bản thân em không chỉ là nghệ sĩ mà còn là một đạo diễn trẻ, phát huy nền cải lương của Việt Nam không có gì khó, quan trọng là mình có làm hay không thôi. Em đang có những dự án đi hết mọi nơi đem cải lương đến phục vụ khán giả trong và ngoài nước. 


  • Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới sau Thái Lan và Ấn Độ, đạt kỷ lục về xuất khẩu gạo trong năm 2022 : gần 7,2 triệu tấn, thu về khoảng 3,49 tỉ đô la nhờ được mùa và giá gạo tăng trên thế giới. Tháng 10/2022 là tháng kỷ lục trong lịch sử ngành gạo Việt Nam, đạt 713.546 tấn, trị giá hơn 341 triệu đô la, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về giá trị so với tháng 09 trước đó.
    Đông Nam Á, thị trường lớn nhất của Việt Nam
    Đông Nam Á vẫn là thị trường lớn của Việt Nam, trong đó bốn nhà nhập khẩu quan trọng là Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia. Philippines là khách hàng lớn nhất, chiếm 44,9% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Indonesia, thị trường lớn thứ tư của Việt Nam, đang được các nhà xuất khẩu gạo cố nhắm đến sau khi chính quyền Jakarta thông báo nhập 500.000 tấn gạo cho kho dự trữ, sau ba năm không phải mua gạo nước ngoài.

    Năm 2022 cũng đánh dấu « bội thu » cho doanh thu xuất khẩu gạo vì giá gạo trên thế giới tăng. Xu hướng này, cũng như nhu cầu nhập khẩu của nhiều nước, sẽ còn tăng trong thời gian tới, trong bối cảnh Ấn Độ đang cấm xuất khẩu gạo 100% và đánh thuế gạo trắng 20% để bảo đảm an ninh lương thực trong nước,

    Giới chuyên gia nhận định đây là một cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam trong những tháng cuối năm, nâng tổng lượng xuất khẩu lên mức kỷ lục, được thẩm định là trên 7 triệu tấn. Trả lời RFI Tiếng Việt, tiến sĩ Dương Văn Ni, chủ tịch kiêm giám đốc Quỹ Bảo tồn Mekong (Mekong Conservancy Foundation, MCF), giải thích về thành công này :

    « Con số Việt Nam xuất khẩu được khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2022 có thể được giải thích qua mấy lý do. Lý do thứ nhất, năm nay, mực nước từ đầu nguồn về không nhiều, cho nên đe dọa về lũ lụt không lớn. Lý do thứ hai là sau 2, 3 năm nay, năm vừa rồi đặc biệt có thể được coi là năm mưa thuận gió hòa, không có bão tố lớn, nên khu lúa trổ bông đã không bị lép nên được mùa. Lý do thứ ba là sau dịch Covid, có rất nhiều người, đặc biệt là những người rời quê đi làm ăn xa ở những khu công nghiệp như Bình Dương, Sông Bé, thành phố Hồ Chí Minh, bị thất nghiệp, nói đúng hơn là không có việc làm, nên họ ở nhà. Nhờ đó mà có được nguồn lao động trực tiếp trên đồng ruộng đầy đủ. Với ba lý do đó, cộng thêm giá cả nên đã đẩy năng suất lúa cao hơn mọi năm ».
    Gạo Việt Nam chinh phục những thị trường khó tính
    Ngoài khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc là khách hàng gạo lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 12% tổng lượng xuất khẩu và Bờ Biển Ngà, đứng thứ ba chiếm 9%. Nhờ vào nhiều hiệp định thương mại được Hà Nội ký kết, gạo của Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường mới. Ví dụ các thị trường trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) tăng lần lượt là 17% và 31,5% về lượng trong 11 tháng đầu năm 2022.

    Tiếp theo, nhờ Hiệp định tự do Thương mại EVFTA mà lần đầu tiên, gạo “made in Vietnam” mang thương hiệu riêng được xuất sang châu Âu vào năm 2022. Thị trường nổi tiếng khó tính này vẫn còn rất nhiều tiềm năng cho Việt Nam vì Bruxelles cấp cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế 0% (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Ngoài ra, Liên Âu cũng tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm nên hàng năm, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào khối 27 nước.

    Trong năm 2022, người tiêu dùng châu Âu bắt đầu biết đến một số loại gạo mới, thơm ngon, chất lượng cao của Việt Nam. Ví dụ gạo ST24, ST25, Com Vietnam Rice được bán tại nhiều siêu thị của cộng đồng người Việt, cũng như ở một số siêu thị lớn như Leclerc, Carrefour. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách phát triển thị phần loại gạo chất lượng cao này ở châu Âu, không chỉ đầu tư vào mạng lưới kho bãi, nhà máy hiện đại, mà còn hợp tác với nhiều địa phương để phát triển những vùng trồng lúa chất lượng cao, chuyên xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ. Tiến sĩ Dương Văn Ni giải thích tiếp về thành công về chất lượng gạo :

    « Thứ nhất là định hướng từ nghị quyết 120 của Chính phủ định hướng chuyển nền nông nghiệp từ chỉ tiêu sản nhiều về số lượng thành nền nông nghiệp tập trung vào chất lượng. Đây là một định hướng rất lớn. Riêng trong bộ Nông Nghiệp cũng đang xoáy mạnh vào hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, chứ không phải sản lượng nữa.

    Cho nên, không chỉ có một giống lúa ST24, ST25, mà hiện nay nhiều vùng, nhiều nơi đang tập trung tuyển chọn, đánh giá lại chất lượng của hạt gạo. Hai giống ST24, ST25 của kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua phù hợp cho những vùng duyên hải, bị ảnh hưởng một chút nước mặn. Hai giống đó có chất lượng rất thơm, ngon. Nhưng riêng với những vùng nằm sâu bên trong, người ta cũng đang tuyển lựa những giống khác, có đặc tính thơm ngon không thua kém gì ST24, ST25.

    Tôi thấy rằng chuyển dịch của Nhà nước, hay đúng hơn là định hướng của bộ Nông Nghiệp từ sản xuất nhiều gạo chuyển qua sản xuất gạo có chất lượng ngon nhất, đang có chuyển biến rất tích cực. Tôi tin chắc rằng trong thời gian ngắn, một vài năm tới, những loại gạo ngon của Việt Nam có thể xuất hiện tương đối phổ biến trên thị trường thế giới hơn ».
    Định hướng mở rộng thị trường thế giới
    Hiện tại, đồng bằng sông Cửu Long dành 1 triệu hecta để trồng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Đây là đề án sản xuất bền vững, nằm trong Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn bền vững 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lượng gạo thơm xuất sang Liên Hiệp Châu Âu được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30.000 tấn, tương đương với 1,2% lượng gạo thơm sản xuất trong vùng, cho nên, theo báo Thương gia ngày 09/09, tiềm năng xuất khẩu gạo thơm còn rất lớn.

    Để đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Liên Hiệp Châu Âu, ngành lúa gạo Việt Nam đang đi theo hướng sạch, bền vững. Trong nghiên cứu công bố tháng 08/2022 về ngành lúa gạo Việt Nam 2022-2031, hãng nghiên cứu thị trường Research and Markets của Mỹ đánh giá hiệp định tự do thương mại với Liên Âu, có hiệu lực từ ngày 01/08/2020, đã giúp xuất khẩu gạo Việt Nam nhanh chóng khởi sắc, tăng cả về lượng và về giá.

    Cụ thể, « nhờ ưu đãi về thuế, gạo Việt Nam được xuất sang thị trường châu Âu nhiều hơn. Trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 và gạo Jasmine xuất sang Liên Hiệp Châu Âu lần lượt là 800 đô la và 520 đô la/tấn, trong khi hiện nay giá lần lượt trên 1.000 đô la và 600 đô la. Theo phân tích của chuyên gia, có ba nguyên nhân giúp giá gạo Việt Nam tăng. 

    Thứ nhất, chính phủ đã ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo đó điều chỉnh mạnh cơ cấu lúa gạo, thay đổi trình độ canh tác lúa, tức là chú trọng nâng cao chất lượng gạo hơn là tăng sản lượng. Năm 2015, giống lúa chất lượng của Việt Nam chỉ chiếm 35% - 40% tổng lượng giống, trong khi năm 2020, con số này đạt 75% - 80%, thậm chí có nơi tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao tới 90%.

    Thứ hai, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định tự do thương mại (EVFTA, RCEP, CPTTP) tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo của Việt Nam bứt phá. Thứ ba, nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2020 nhưng nhu cầu thị trường về thực phẩm không giảm. Các nhà phân tích báo cáo rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cả về lượng và giá trị trong giai đoạn 2022-2031 ».

    Theo đuổi chiến lược tăng giá trị gạo là ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới để duy trì lợi thế về chất của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, theo phát biểu của ông Trần Thanh Hải, phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, bộ Công Thương. Và để thực hiện mục tiêu này, thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lập dự án sản xuất gạo chất lượng cao ở đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 50% sản lượng gạo và chiếm đến 95% khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. 

    Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác với các nhà nghiên cứu nước ngoài. Theo báo Vietnam Plus ngày 25/11, nhân chuyến công du Philippines của chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã thăm Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) ở Los Banos, Philippines. Hiện Viện IRRI chủ trì 8 chương trình nghiên cứu chính của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế One CGIAR với Việt Nam. Kế hoạch khung hợp tác cho giai đoạn 2023-2025 tầm nhìn đến 2030 được hai bên thống nhất ký vào năm 2023.


  • Năm 2023, Bắc Triều Tiên có thể sẽ thử lại vũ khí hạt nhân, sau khi bắn 70 tên lửa đạn đạo suốt năm 2022, trong đó có tên lửa liên lục địa ICBM có thể bắn đến lãnh thổ Mỹ. Hàn Quốc cũng dự kiến « tập trận hạt nhân chung » với Hoa Kỳ. Những dấu hiệu gần đây cho thấy bán đảo Triều Tiên khó có được một năm yên bình.

    Hà Nội duy trì mối quan hệ tốt với cả hai miền Triều Tiên, nhưng thiên về Hàn Quốc trong lĩnh vực trao đổi thương mại thời gian gần đây. Trong chuyến công du Hàn Quốc của chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (04-06/12/2022), hai nước đã ký 24 tài liệu hợp tác, tổng trị giá khoảng 15 tỉ đô la. Việt Nam cũng vượt qua Hồng Kông, đứng đầu các nước nhập siêu nhiều nhất từ Hàn Quốc, với thặng dư mậu dịch là 34,25 tỉ đô la trong năm 2022.

    Việt Nam từng đứng ra làm trung gian khi tổ chức thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong Un tại Hà Nội năm 2019 nhằm hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, tình hình trở nên căng thẳng hơn trong năm 2022, « khả năng giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên gần như đã biến mất », theo nhà cựu ngoại giao Mỹ Evans Revere.

    Bối cảnh mới trên bán đảo Triều Tiên đặt Việt Nam vào thế khó xử không ? Hà Nội có thể tiếp tục giữa vai trò nào đó giúp giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, trường Đại học Boston (Boston College), Hoa Kỳ.

     RFI : Việt Nam duy trì quan hệ với Bắc Triều Tiên, nhưng cũng có quan hệ ngày càng chặt chẽ về kinh tế, thương mại và ngoại giao với Hàn Quốc. Mối quan hệ này chuyển biến như thế nào trong thời gian qua ?  

    Vũ Xuân Khang : Quan hệ Việt Nam - Bắc Triều Tiên là một trong những mối quan hệ truyền thống lâu đời nhất của Việt Nam nhưng đã bị lãng quên trong một thời gian rất dài, cho đến thượng đỉnh Hà Nội vào năm 2019. 

    Bắc Triều Tiên là một trong ba nước đầu tiên công nhận chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (chính quyền Bắc Việt Nam) là chính quyền hợp pháp duy nhất của Việt Nam vào năm 1950. Trong những năm sau đó, đặc biệt là mối quan hệ thân tình giữa chủ tịch Kim Nhật Thành và chủ tịch Hồ Chí Minh, hai nhà lãnh đạo đã có những cam kết rất sâu sắc. Thứ nhất, vào năm 1956 và 1958, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý rằng Việt Nam và Bắc Triều Tiên đều là hai nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhiệm vụ của hai nước là cùng giúp nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội ở hai miền Bắc ở mỗi nước.  

    Điểm quan trọng thứ hai, một điều mà không có nhiều sử sách Việt Nam ghi lại, là chủ tịch Kim Nhật Thành đã rất quan tâm đến chiến sự ở Việt Nam. Ông đã đặt quan điểm với chính quyền Hà Nội là cho Bắc Triều Tiên gửi quân đội qua Việt Nam như cách mà Hàn Quốc gửi quân đội để trợ giúp Việt Nam Cộng hòa trong chiến tranh. Nhưng chính quyền Hà Nội đã từ chối lời đề nghị này và chỉ chấp nhận là Bắc Triều Tiên cử phi công để giúp Bắc Việt Nam bảo vệ bầu trời Hà Nội.  

    Tuy nhiên, mối quan hệ thân tình giữa Bắc Việt Nam và Bắc Triều Tiên sau năm 1975 đã hoàn toàn sụp đổ khi nước Việt Nam thống nhất đã có những động thái để dằn mặt Khmer Đỏ, trong khi Bắc Triều Tiên lại là một đồng minh rất thân cận của Khmer Đỏ. Chính vì thế, từ năm 1979 đến 1989, Việt Nam và Bắc Triều Tiên thực sự lại là kẻ thù của nhau trong chính trường của châu Á : Việt Nam thuộc phe Liên Xô còn Bắc Triều Tiên lại ngả về phe Trung Quốc. Đặc biệt vào năm 1979 khi Việt Nam bị Trung Quốc tấn công, Bình Nhưỡng đã giữ im lặng, thậm chí còn ủng hộ Khmer Đỏ, gửi vũ khí, cố vấn quân sự qua Cam Bốt để giúp chống lại quân đội Việt Nam trong suốt những năm 1980. Vào cuối những năm 1980, sau khi quyết định rút quân khỏi Cam Bốt, Việt Nam đã có những động thái để nối lại bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên.

    Hai nước đã hoàn toàn có thể nối lại quan hệ thân tình ngay ngày xưa nhưng do kinh tế Bắc Triều Tiên ngày càng đi xuống vào cuối những năm 1980, trong khi Việt Nam lại đang mở cửa kinh tế nên rất cần vốn đầu tư nước ngoài. Hàn Quốc đã trỗi dậy, trở thành một nước châu Á hoàn toàn có thể giúp đỡ Việt Nam cải tổ kinh tế. Việt Nam đã nhìn sang ví dụ của Trung Quốc khi nước này cũng đã nối lại ngoại giao với Hàn Quốc và từ bỏ liên minh ủng hộ Bắc Triều Tiên. Việt Nam đã sẵn lòng đình chỉ một số trao đổi kinh tế lớn với Bắc Triều Tiên và quay hướng sang Hàn Quốc. Chính điều này đã khiến Bắc Triều Tiên phật lòng và không ngần ngại gọi cả Việt Nam lẫn Trung Quốc là « những kẻ phản bội xã hội chủ nghĩa ». 

    Xuyên suốt những năm 1990, Bắc Triều Tiên và Việt Nam đã hoàn toàn không có bất kỳ cuộc trao đổi ngoại giao cấp cao nào. Việt Nam thậm chí còn đòi nợ Bắc Triều Tiên khi nước này không thể hoàn trả số tiền mua gạo từ Việt Nam. Tuy nhiên, đầu những năm 2000, đã có một số chỉ dấu cho thấy Bắc Triều Tiên muốn nối lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam khi nước này cũng muốn được cải tổ kinh tế theo đường lối mà Việt Nam và Trung Quốc đã đi. Và cho đến thượng đỉnh năm 2019, Việt Nam và Bắc Triều Tiên đã nối lại một số trao đổi ngoại giao giữa hai bên nhằm mục đích để Việt Nam trở thành một ví dụ hướng dẫn Bắc Triều Tiên cải tổ kinh tế của nước này.  

    Việt Nam dù đã ưu tiên quan hệ kinh tế với Hàn Quốc hơn nhưng không từ bỏ quan hệ truyền thống với Bắc Triều Tiên. Có thể thấy rằng mặc dù quan hệ giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên trong những năm gần đây đã nồng ấm hơn nhưng quan hệ giữa hai nước sẽ không trở lại như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. 

    RFI : Quan hệ căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên đặt Hà Nội vào thế khó xử như thế nào ? Việt Nam có ngả theo một trong hai bên ?  

    Vũ Xuân Khang : Việt Nam là một trong những nước trung lập đối với quan hệ hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Có thể thấy thượng đỉnh Hà Nội năm 2019 cho thấy Việt Nam hoàn toàn không bị đặt vào thế khó xử khi Việt Nam vừa có quan hệ hữu hảo với miền Bắc vừa có quan hệ tốt với miền Nam. Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng vị thế là một nước trung lập để tạo điều kiện cho hai miền có những trao đổi về ngoại giao khi mà hai miền Triều Tiên rất khó có thể tìm được một tiếng nói chung.

    Theo tôi, Việt Nam không hề bị đặt vào thế khó xử, nhất là khi Bắc Triều Tiên đã dần dần chấp nhận Việt Nam là một nước kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và sẽ ưu tiên quan hệ kinh tế với Hàn Quốc hơn là quan hệ chính trị với Bắc Triều Tiên.  

    RFI : Việt Nam từng được kỳ vọng làm trung gian, mô hình phát triển để Bình Nhưỡng hướng theo. Liệu Bắc Triều Tiên còn có khả năng mở cửa giống như Việt Nam ?  

    Vũ Xuân Khang : Có nhiều ý kiến cho rằng mô hình của Việt Nam là một mô hình cải cách rất tốt cho Bắc Triều Tiên, nhất là khi cả hai nước có cùng lịch sử. Và về diện tích, địa lý, cả hai nước cũng khá tương đồng do là những nước nhỏ, cùng sát sườn với Trung Quốc. Đặc biệt, nếu chúng ta để ý những cuộc trao đổi ngoại giao giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên sau những năm 2000 trở lại đây, hai bên đã đề cập rất nhiều về cải cách kinh tế đối với Bắc Triều Tiên. 

    Tuy nhiên, theo tôi, rất khó để Bắc Triều Tiên có khả năng mở cửa giống như Việt Nam. Nếu nhìn vào lịch sử Việt Nam kể từ khi đất nước được thành lập năm 1945, Việt Nam đã không cải cách kinh tế cho đến khi giải quyết được những vấn đề an ninh nổi cộm. Đặc biệt trong những năm kháng chiến chống Mỹ, chính quyền miền bắc Việt Nam đã có một cuộc thảo luận rất lớn ở trung ương : Liệu miền Bắc Việt Nam có nên hỗ trợ cho miền Nam để chống Mỹ hay đặt ưu tiên phát triển kinh tế cho miền Bắc ? Lúc đó, miền Bắc đã thống nhất là nên ưu tiên đánh đuổi Mỹ ra khỏi Việt Nam bởi vì lúc đó, ưu tiên cho an ninh quan trọng hơn là ưu tiên về kinh tế.  

    Trong suốt những năm 1970-1980, Việt Nam đã có những cải cách về kinh tế nhưng những cải cách nhỏ lẻ đó hoàn toàn không phải là quyết tâm theo đuổi mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay, do Việt Nam phải đầu tư rất nhiều cho quân đội và không thể tạo được lòng tin với các nhà đầu tư quốc tế rằng Việt Nam sẽ không trở thành một nước quân sự ở châu Á. Chính vì thế, mặc dù Việt Nam đã mở cửa kinh tế vào năm 1986, sau khi cố gắng bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, nhưng Việt Nam đã không thể nào kêu gọi được vốn từ nước ngoài do các chuyên gia đánh giá Việt Nam vẫn là một nước rủi ro cao khi Việt Nam chưa hoàn toàn rút quân khỏi Cam Bốt. Chỉ sau khi Việt Nam tự tin rằng an ninh quốc gia đã được đảm bảo và rút quân khỏi Cam Bốt năm 1989 và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1991 thì Việt Nam mới thực sự gặt hái được thành quả của cải tổ kinh tế khi có được nguồn vốn từ nước ngoài.  

    Nếu so sánh bài học như vậy thì hiện nay, Bắc Triều Tiên hoàn toàn chưa có mong muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân và mở cửa kinh tế. Bởi vì, đối với Bắc Triều Tiên, vũ khí hạt nhân là thanh kiếm rất quý giá để bảo vệ an toàn của chế độ và Bình Nhưỡng sẽ luôn luôn ưu tiên bảo vệ chế độ hơn là cải tổ kinh tế. Một bài học rất lớn, đó là vào năm 1990 khi kinh tế Bắc Triều Tiên chạm đáy và có những nạn đói giết đến gần 2 triệu người, nước này vẫn càng quyết tâm ưu tiên bảo vệ an ninh của chế độ hơn là kinh tế của đất nước. Do đó, có thể đoán được rằng chừng nào Bắc Triều Tiên còn gặp phải những vấn đề an ninh rất lớn, khi mà Hàn Quốc vẫn tồn tại và Mỹ vẫn đe dọa đến chế độ Bắc Triều Tiên, thì nước này vẫn sẽ không mở cửa kinh tế.  

    Những cuộc trao đổi về mở cửa kinh tế hiện nay với Việt Nam và Trung Quốc là những chỉ dấu Bắc Triều Tiên mong cải tổ kinh tế. Nhưng ưu tiên cải tổ kinh tế này sẽ không bao giờ quan trọng hơn ưu tiên bảo vệ chế độ chính trị của Bắc Triều Tiên.  

    RFI : Như vừa đề cập ở trên, Việt Nam tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Hà Nội vào năm 2019. Việt Nam từng kỳ vọng làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cũng như giúp làm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên. Việt Nam còn giữ được vị thế đó ? 

    Vũ Xuân Khang : Mặc dù thượng đỉnh là Hà Nội là một thất bại khi mà Mỹ và Bắc Triều Tiên đã không có bất kỳ tuyên bố chung nào. Nhưng để nhìn qua một góc nhìn khác, thượng đỉnh đó vẫn là một thành công lớn cho Việt Nam vì Việt Nam đã tổ chức thành công một sự kiện tầm cỡ quốc tế và khẳng định vai trò trung lập của Việt Nam trên trường quốc tế.  

    Một nước khác, giống như Việt Nam, vào đầu những năm 2000, đó là Mông Cổ, cũng đã có vai trò rất lớn khi nước này trở thành chủ nhà cho rất nhiều cuộc đàm phán liên Triều. Tuy nhiên, Mông Cổ đã không giữ được vị thế đó, do Mông Cổ đã không chủ động lợi dụng vị thế của đất nước sau những cuộc họp thượng đỉnh cấp cao như vậy để tăng niềm tin đối với các nước trên thế giới.

    Theo ý kiến của tôi, thượng đỉnh Hà Nội 2019 là một bước đệm rất lớn để Việt Nam có thể tiếp tục tổ chức những sự kiện tầm cỡ quốc tế khác. Tuy nhiên, thành công rất lớn trong tương lai phụ thuộc vào ngành ngoại giao Việt Nam có trở nên chủ động hay không, hay là vẫn tiếp tục chỉ là một thành viên nhỏ trên diễn đàn ngoại giao thế giới.

    Và một nguyên nhân khác, việc Việt Nam có thể tiếp tục trở thành một nước trung lập và chủ nhà cho các cuộc đàm phán liên Triều trong tương lai hay không, phụ thuộc rất lớn vào quan hệ ngoại giao giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Nếu Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như Bắc Triều Tiên và Mỹ vẫn tiếp tục có những thái độ khiêu khích và những thái độ không tốt với nhau như hiện giờ, thì kể cả Việt Nam có mở rộng vòng tay để đón những nước này trở lại Việt Nam tham gia thượng đỉnh 2.0 đi chăng nữa, điều này cũng sẽ rất khó. Nhưng theo tôi, ngoại giao Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng bàn đạp của thượng đỉnh Hà Nội 2019 để tiếp tục tổ chức được những sự kiện lớn, tầm cỡ trong tương lai.  

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, Trường đại học Boston, Hoa Kỳ.