Folgen

  • Từ một hiệu bánh ban đầu khai trương năm 1957 ở số 44 đường Rue d’Auteuil quận 16 Paris, Lenôtre ngày nay là tủ kính của nghệ thuật ẩm thực cao cấp của Pháp với tổng cộng là 12 cửa hiệu-chủ yếu tại Paris và vùng phụ cận. Cũng Lenôtre trong trên dưới nửa thế kỷ là nhà cung cấp dịch vụ chính thức của từ tòa đô chính Paris đến điện Elysée qua nhiều đời tổng thống và luôn đứng trên đỉnh cao.

    Thành công đó có được bởi Gaston Lenôtre xưa kia và những người thừa kế ông ngày nay luôn khoác những chiếc áo mới cho nghệ thuật làm bánh ngọt du nhập vào Pháp từ thế kỷ XVII, để viết lên những trang sử mới cho nghệ thuật Pâtisserie của thế giới. Một trong gương mặt tiêu biểu nhất hiện nay là bếp trưởng về bánh ngọt Etienne Leroy.

    Con đường bước vào điện Elysée

    Không phải ngẫu nhiên mà nhà sáng lập ra hiệu bánh Lenôtre được mệnh danh là « Le Pâtissier du siècle », ông vua bánh ngọt của thế kỷ XX. Sinh năm 1920 ở vùng Normandie, miền tây bắc nước Pháp, Gaston Lenôtre năm 1947 lập nghiệp trên quê nhà. Nhưng chỉ 10 năm sau đó ông lên làm ăn ở Paris. Chăm chỉ cần cần cù và hiếu kỳ, Gaston đã gửi gắm tất cả những đam mê của ông vào những chiếc bánh … trước khi lấn sân sang cả lĩnh vực đồ ăn mặn. Với đầu óc kinh doanh và sự tinh tế, ông luôn phục vụ khách hàng chu đáo, đưa nghệ thuật xếp đặt và trang trí bàn ăn lên hàng kinh điển, nhờ đó Lenôtre nhanh chóng mở được cổng những biệt thư của các gia đình quyền quý nhất ở quận 16 Paris. Những buổi tiệc tùng trong những gia đình như Dassault, Hersant hay Lagardère, là bệ phóng đưa Gaston vào đến tận điện Elysée dưới thời tổng thống Georges Pompidou để rồi từ đó đến nay, bánh của Lenôtre vẫn có chỗ đứng riêng biệt tại các buổi tiếp tân của các nguyên thủ Pháp, của các tòa đại sứ hay những viện bảo tàng danh tiếng nhất.

    Năm 1998 khi Pháp tổ chức Cúp Bóng Đá Thế Giới thì cũng Lenôtre là sứ giả của nghệ thuật ẩm thực Pháp để nước chủ nhà chiêu đãi các thượng khách.

    Những kiểu bánh trở thành biểu tượng của nước Pháp

    Dù vậy sở trường của gia đình Lenôtre vẫn là bánh ngọt. Từ năm 1975 Lenôtre mở chi nhánh tại Berlin rồi Nhật Bản, Mỹ, gần đây nhất là tại Bangkok và Thượng Hải. Du khách quốc tế ngay khi nói đến Pâtisserie Pháp, không còn mấy ai xa lạ với bánh Opéra.

    Đó là công trình đưa danh tiếng Gaston Lenôtre lên đỉnh cao. Bánh hình chữ nhật, gồm ba lớp bánh bích-quy tẩm nước đường với mùi cà phê rất mạnh. Ở giữa những lớp bích-quy đó là một lớp kem kết hợp bơ, sô cô la và cà phê. Đặc biệt ở đây là bên trên mặt bánh là một tấm sô cô la và được trang trí với những đường cong và chữ Opéra viết nổi. Gaston Lenôtre nổi tiếng là người đã đem lại một làn gió mới cho ngành làm bánh -Pâtisserie của Pháp qua những « sáng tác mới » : mới cả về hình thức lẫn nội dung nhưng vẫn bảo toàn được phần gốc của công thức làm bánh nguyên thủy. Chính trong tinh thần đó khi tham gia hội chợ bánh ngọt Paris năm nay, hiệu bánh Lenôtre đã làm giàu thêm cho tủ sách Pâtisserie ba kiểu bánh mới.

    Từ sáng sớm cả một nhóm hơn 6-7 đầu bếp tấp nập tại gian hàng khá lớn với nhiều loại bánh thật đẹp mắt trong tủ kính. Nhưng khu vực « nóng » nhất của gian trưng bày là nơi vua bánh ngọt Etienne Leroy đang cùng với hai cộng sự, với nhiều dụng cụ trong tay như những ông thợ hàn hay những nhà thổi thủy tinh thì đúng hơn là những ông thợ làm bánh … Họ thổi, rồi nhào nặn, rồi pha mầu, rồi nung khuôn bánh, tay kìm tay búa …. Chẳng biết phép lạ nào mà chỉ ba giờ đồng hồ sau đó, những viên đường rất tầm thường hóa thân trở thành cả một lọ hoa trông như pha lê …

    Ông « Chef Pâtissier » Etienne Leroy về đầu quân cho Lenôtre từ mùa thu năm ngoái rất tự hào giới thiệu với thính giả của RFI tiếng Việt :

    « Hiệu bánh Lenôtre là một tượng đài của nghệ thuật ẩm thực Pháp và cũng là một di sản văn hóa của nước Pháp. Đó là điều đã thúc đẩy tôi về cộng tác với đại gia đình này. Lenôtre là cả một phần lịch sử của ngành làm bánh ngọt ở Pháp, bởi chính ông chủ đầu tiên của hiệu bánh, Gaston Lenôtre là một trong những người mở đường kết hợp kinh doanh và nghệ thuật Pâtisserie. Tên tuổi của hiệu bánh này được gắn liền với một số những sự kiện lớn, với những cái bánh mà đã trở thành biểu tượng của Pháp. Tôi muốn nói đến bánh Feuille d’Automne, bánh Opéra, le Succès hay bánh Schuss… Đương nhiên chúng tôi đã thay đổi công thức làm bánh theo thời gian, nghĩa là từ chiếc bánh từng làm nên tên tuổi của gia đình Lenôtre, chúng tôi đã sáng tạo nên những loại bánh mới, với những hình dáng mới, hương vị mới : đó là những sáng tác mới của các êkip rất năng động, họ đang viết nên những trang sử mới cho hiệu bánh Lenôtre.

    Feuille d’automne là một « sáng tác » của ông Gaston Lenôtre năm 1968 hình tròn, phủ một lớp bột sô cô la, trên mặt bánh một chiếc lá bằng sô cô la màu nâu như màu lá mùa thu khi đã lìa cành dùng để trang trí. Còn bánh Schuss (chữ này mượn từ tiếng Đức, chỉ tư thế của một vận động viên trượt tuyết đang lao dốc ở tốc độ rất nhanh) mà Etienne Leroy vừa nói cũng là một phát minh của Gaston cùng năm, nhân sự kiện Pháp tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông ở Grenoble. Sau cùng tên gọi của bánh Succès là bởi hiệu bánh Lenôtre đi từ thành công này đến thành công khác !

    Cộng tác với những đầu bếp lừng danh

    Để tiếp tục viết thêm những trang sử mới nghệ thuật làm bánh Pâtisserie, một bí quyết khác của gia đình Lenôtre là mời những đầu bếp xuất sắc nhất trong lĩnh vực này về đầu quân. Trong số những bếp trưởng đã có không ít những « nghệ nhân » hàng đầu từng đoạt danh hiệu « Meilleur Ouvrier de France » như là Guy Krenzer, có ông vua bếp Frédéric Anton mang sao Michelin và gần đây nhất đã có thêm sự cộng tác của Etienne Leroy.

    « Tôi từng đoạt Cúp Thế Giới về Pâtisserie năm 2017 đó là lần gần đây nhất nước Pháp đoạt được danh hiệu này. Cuộc thi diễn ra theo nhiều giai đoạn, hay đúng hơn là các thí sinh phải vượt qua nhiều bộ môn. Có môn thi về cách trình bầy, trang trí tức là ban giám khảo chấm điểm về mặt nghệ thuật tạo hình bằng sô cô la, bằng đường. Đây là công việc của một nhà điêu khắc. Các món bánh tráng miệng phải vừa ngon và vừa đẹp mắt nữa. Ngon không thôi chưa đủ. Và trong bài thi thì tôi đã thực hiện một món tráng miệng với nào là hạt dẻ, vanille và quýt… Rồi một cái bánh thứ nhì bằng sô cô la với quả chanh, với hạt điều …

    Chiếc đũa thần để viết nên một huyền thoại

    Lần này, bếp trưởng lo về mảng bánh ngọt của hiệu Lenôtre đem đến hội chợ Salon de la Pâtisserie 2023 ba loại bánh mới. Lộng lẫy trong tủ kính là những cái bánh hình bông hoa 5 cánh, nhụy đỏ. Vua bánh ngọt của Lenôtre say mê nói về những sản phẩm mới và có lẽ là anh tâm đắc nhất với La Tropézienne :

    « Lenôtre hiện có 12 cửa hiệu trên toàn nước Pháp và chúng tôi đã mang đến hội chợ bánh ngọt Paris ba kiểu bánh vừa sáng tạo ra và chỉ dành riêng cho khách tham quan. Trong đó có bánh La Tropézienne với hương quả chanh của vùng Menton, với quả framboise -phúc bồn tử, một thoáng nước hoa cam để gợi nhớ mùa hè. Cái bánh thứ nhì làm từ hạt dẻ và sau cùng là một loại bánh flan với vị vanille và caramelđể gợi nhớ hương vị của tuổi thơ… La Tropézienne là một loại bánh hết sức cổ điển của làng bánh ngọt Pháp, làm từ bánh mì nhẹ và xốp (brioche), chúng ta cắt bánh ra làm đôi ngâm với nước đường. Trong nước đường đó có nước hoa cam. Vì là những chiếc bánh của mùa hè, bánh phải nhẹ phải xốp và khuôn bánh là hình những bông hoa. Ở giữa là một lớp kem với một chút mứt chanh hơi nhận nhận đắng, có quả framboise nấu chín thành mứt và để trang trí, nhụy hoa phải là một quả mâm xôi chín, đỏ mọng … ».

    Xin nói qua một chút về nguồn gốc tên gọi La Tropézienne : thực ra đây sản phẩm của một ông thợ làm bánh người Ba Lan Alexandre Micka sang Pháp định cư vào thập niên 1950. Mở hiệu bánh tại ngôi làng chài Saint Tropez vùng Địa Trung Hải, ông làm bánh theo công thức gia truyền, đơn giản là bánh mì mềm với chút nước hoa cam và một lớp kem béo ngậy ở giữa, vài hạt đường trên mặt bánh. Năm 1955 đạo diễn Roger Vadim đến đây thực hiện bộ phim Et Dieu … créa la femme với ngôi sao màn bạc Brigitte Bardot thủ vai chính. Phục vụ ăn uống cho đoàn phim, Alexandre Micka có dịp mời mọi người thưởng thức những cái bánh của tuổi thơ, và thế là cô đào BB đề nghị gọi bánh đó là bánh Tarte của Saint Tropez hay đơn giản là La Tropézienne. Công thức ban đầu không cầu kỳ như Etienne Leroy vừa mô tả nhưng đúng là dưới chiếc đũa thần của Lenôtre bánh La Tropézienne hình bông hoa với nhụy đỏ, một chút đường như lớp phấn trắng trên mặt bánh trở nên sang trọng muôn phần.

    Đòi hỏi về thẩm mỹ rất cao

    Điều đó dễ hiểu khi biết rằng, truyền thống làm nên tên tuổi gia đình Lenôtre là kết hợp vị ngon của bánh với cái đẹp : mỗi chiếc bánh có đính nhãn hiệu của « ông tổ » Gaston phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao về thẩm mỹ. Đó là lý do vì sao mà từ sáng sớm cả một êkip Lenôtre làm việc không ngớt tay để tạo ra ra một lọ hoa như một một bức tranh vẽ, như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc … đó là cả một trường phái của dòng nghệ thuật ẩm thức Pháp. Etienne Leroy kết luận :

    « Ngoài các cửa hiệu, Lenôtre còn mở trường dậy làm bánh. Gaston Lenôtre từng là ông vua bếp đầu tiên mở trường dậy nấu ăn để truyền đạt lại nghệ thuật làm bếp. Chúng tôi muốn tiếp nối truyền thống đó với việc mở trường dậy làm bánh ở Rungis. Chúng tôi mời các nhà làm bánh nổi tiếng đến đây để đào tạo cho các học viên về Pâtisserie, truyền đại lại nghệ thuật gọi là sucre d’art tức là chế biến đường mà chúng ta thường dùng để làm bánh, nấu nướng hay làm mứt … thành những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tinh vi. Nghệ thuật ẩm thực và nhất là với nghề làm bánh ngọt, điều quan trọng là nghệ thuận trình bày những cái bánh sao cho đẹp mắt. Hôm nay chúng tôi biến những viên đường bình thường thành một lọ hoa cắm hoa trong như thủy tinh, thành những bông hoa như là pha lê. Những viên đường ở đây trở thành bình hoa, thành những giải lụa, thành bông hoa muôn màu. Công việc này giống như một nghệ nhân thổi thủy tinh vậy. Đây là một công trình gắn liền nghệ thuật làm bánh ngọt với nghệ thuật sucre d’art … Tức là chúng tôi có thể chế biến những nguyên liệu thành một tác phẩm điêu khắc đẹp mắt để làm tôn thêm vẻ đẹp cho mỗi món ăn. Mỗi người thợ làm bánh là một nghệ nhân và mỗi chiếc bánh là một tác phẩm có thể được trưng bày trong tủ kính hay trên bàn tiệc. Đấy chính là ADN của chúng tôi để tôn thêm vẻ đẹp cho những cái bánh ngọt ! ».


  • Tại Pháp, 8 biểu tượng đại diện cho nền đệ ngũ Cộng Hoà, đó là : quốc kỳ 3 màu xanh trắng đỏ, quốc ca La Marseillaise, tiêu ngữ (Tự do - Bình đẳng - Bác ái), ngày quốc khánh 14/7, bó gậy gỗ với chiếc rìu, Gà trống gaulois, Đại ấn, và Marianne. 

    Nếu như các biểu tượng khác không thay đổi từ nhiều năm qua, thì hình ảnh Marianne, xuất hiện trên mọi tài liệu văn bản chính thức của chính phủ Pháp, cho đến tem bưu điện, đã trải qua nhiều thay đổi. Chân dung của Marianne là cách mà mỗi tân tổng thống “thể hiện giá trị của nền Cộng Hoà trong nhiệm kỳ của mình”.   

    Mariane trở thành hiện thân của Cộng Hoà Pháp kể từ sau cuộc cách mạng Tư Sản Dân Quyền Pháp 1789 qua tác phẩm “Nữ thần tự do dẫn dắt nhân dân” của hoạ sĩ Eugène Delacroix. Hình ảnh người phụ nữ quần áo xộc xệ, đội mũ Phrygien cầm cờ Pháp tiến lên phía trước, dẫm đạp lên đống đổ nát, khói lửa. Bảo tàng Bưu Điện (Musée de la Poste) tại Paris tổ chức cuộc triển lãm với tên gọi “Những diện mạo gương mặt của Cộng Hoà Pháp”, từ ngày 23/05/2022 đến 01/04/2024, giới thiệu những thay đổi của nàng Marianne trong tem đỏ, kể từ lần đầu tiên phát hành cho đến nay.    

    Sự kiện này nhằm giới thiệu với công chúng Pháp những câu chuyện đằng sau những bản tem được phát hành mang chân dung nàng Marianne và cả những bản thảo chưa từng được công bố, nhất là trong bối cảnh Bưu điện Pháp thông báo loại bỏ tem đỏ để thay bằng tem điện tử từ tháng 01/2023. Mỗi lần xuất hiện trên tem là một lần nàng Mariane thay đổi diện mạo, mang những ý nghĩa tượng trưng khác nhau cho chế độ chính trị của Cộng Hoà Pháp. Đôi khi, tem bưu chính cũng bị chính trị hóa.   

    Đồng giám tuyển Monika Nowaka của triển lãm, trả lời trang Artdutimbre, cho biết : “Nếu như Marianne được ví là biểu tượng của nền Cộng Hoà và sự Tự do được sinh ra vào năm 1792, xuất hiện trên con triện cũng như những đồng tiền xu thời điểm đó, thì đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nàng Marianne không còn giữ ưu thế nữa…Mãi cho đến năm 1944, tên của nàng Marianne mới được nhắc đến trở lại, đồng thời đã giành lại vị trí của mình. Đó là lý do tại sao chúng tôi lựa chọn giới thiệu lại lộ trình này, câu chuyện của Marianne, những đổi thay cũng như những ý đồ, hay ẩn ý được thể hiện trong mỗi lần nàng xuất hiện trên con tem bưu chính.”    

    Lộ trình thăm quan triển lãm làm nổi bật hàng trăm tác phẩm, được trưng bày theo trình tự thời gian. Đầu tiên là giai đoạn 1943-1944, khi chiến tranh vẫn bao trùm nước Pháp. Theo sáng kiến ​​​​của tướng Charles de Gaulle, tem bưu chính in hình Marianne, do Edmond Dulac thiết kế đã được tin ấn và phát hành tại những vùng hải ngoại đang dần được giải phóng, để chuẩn bị cho 1 nước Pháp sớm được tự do. “Marianne de Dulac trở thành mẹ của tất cả Marianne”, như chú thích của bảo tàng Bưu Điện. Hình ảnh “Marianne de Dulac” trở thành biểu tượng mới của nền cộng hòa. Các bì thư dán tem với hình ảnh nàng Marianne được gửi đi khắp lãnh thổ Pháp thời bấy giờ, như tại đảo Corse, khu vực này được giải phóng vào tháng 10/1943, trước đó không hề có tem bưu chính.     

    Đến tháng 06/1944, chính phủ lâm thời của cộng Hoà Pháp do tướng De Gaule lãnh đạo đã yêu cầu sản xuất các loại tem mới “cho một nước Pháp giải phóng”. Đó phải là một nước Pháp nông nghiệp, một nước Pháp vừa bước ra khỏi cuộc chiến và bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Một cuộc thi vẽ nàng Marianne đã được tổ chức để chọn ra hình ảnh Marianne thể hiện tốt nhất hình ảnh nước Pháp lúc bấy giờ. Tác phẩm do hoạ sĩ Pierre Gandon, thể hiện một nàng Marianne “giải phóng”, đã được lựa chọn.    
    Biểu tượng quyền lực ?   
    Tại sao nàng Marianne lại trở thành biểu tượng đại diện cho nước Pháp, cho nền Cộng Hòa ? Nhà sử học Maurice Aguilon, tác giả của của cuốn “Les métamorphoses de Marianne”, giải thích trên France Inter (năm 2001) như sau :   

    “Bởi vì khi lật đổ chế độ quân chủ, giới cầm quyền thấy chỉ tuyên bố thành lập Nhà nước là chưa đủ mà còn muốn cố gắng thể hiện quyền lực đó. Ở dưới chế độ quân chủ, đó là điều bình thường và tự nhiên khi thấy đại diện chính của quyền lực là chân dung của nhà vua và một sốt biểu tượng khác. Tuy nhiên, khi ta xoá bỏ chế độ quân chủ và chân dung của nhà vua, để không phải đối mặt với khoảng tường trống, đại diện cho quyền lực, có vẻ như không có giải pháp nào khác đó là tìm lại trong kho tàng “truyền thống” những biểu tượng để có thể đại diện cho những thứ trừu tượng. Bởi vì diện mạo của chính phủ Cộng Hòa trừu tượng. Xin nhắc lại về định luật ngày 25/09/1880. Hoa Lys được thay thế bởi biểu tượng của sự tự do. Việc lựa chọn một hình tượng đại diện cho tự do của Cộng Hòa Pháp, lấy hình ảnh Marianne đội mũ Phrysien, theo một cách nào đó, giống như là mượn hình tượng tự do phổ quát để biến lấy thành của mình.”    

    Chiếc tem bưu chính đầu tiên được phát hành ở Pháp năm 1840, mang hình ảnh của nàng Cerès. Sau hàng thế kỷ, tem hiện hữu trong cuộc sống thường nhật của hàng triệu người dân Pháp. Mỗi một chiếc tem được phát hành với những hình ảnh của các nhân vật mang tính biểu tượng, những công trình văn hoá lịch sử, hay những tác phẩm nghệ thuật. Đó là những hình ảnh phản ánh những sự kiện đánh dấu Lịch sử. Hình ảnh đó vì vậy thay đổi theo thời gian, đó không chỉ đơn giản là một mảnh giấy dán trên bì thư, mà chúng còn là cách thể hiện diễn đạt, sáng tạo, kể lại những câu chuyện lịch sử.  

    Đọc thêm : Nàng Marianne, biểu tượng của dân tộc Pháp

    Hình ảnh nàng Marianne xuất hiện trên tem bưu chính không chỉ mang ý nghĩa về mặt chính trị mà còn cả về nghệ thuật. “Tem bưu chính cũng không chỉ là công cụ để thu phí vận chuyển, mà còn là những sáng tạo nghệ thuật độc đáo”. Khi nền đệ ngũ Cộng Hoà được thành lập, “vẽ lại chân dung Marianne” trở thành truyền thống cho mỗi nhiệm kỳ tổng thống. Các cuộc thi được tổ chức để chọn ra một Marianne phù hợp nhất. Không chỉ những con tem được thông qua, triển lãm của bảo tàng Bưu Điện cũng trưng bày những bản nháp, hay các bản không được duyệt trong các cuộc thi cũng con tem nguyên bản cuối cùng được tổng thống Pháp chấp thuận.    

    Nhắc đến nàng Marianne thì không thể không nhắc đến tác phẩm “Tự do dẫn lối dân tộc” của Eugne Delacroix. Đây cũng là hình ảnh được hoạ sĩ Pierre Gandon lấy cảm hứng sáng tác tem trong một cuộc thi vào năm 1977. Nàng Marianne ‘cách mạng’, hay còn được gọi là “Tự do của Gandon” đã được chọn làm biểu tượng đánh dấu cho nhiệm kỳ tổng thống cánh tả đầu tiên trong nền đệ ngũ Cộng Hoà của Pháp, khi François Mitterand đắc cử vào năm 1981. Tổng thống Mitterand muốn dùng một biểu tượng mạnh mẽ đánh dấu cho sự khởi đầu của nhiệm kỳ của mình.   
    Lập trường chính trị trong tem  
    Trên thực tế, những tấm tem nhỏ bé, được hàng triệu người Pháp sử dụng, đôi khi lại được xem như là những “sứ giả” truyền tải những thông điệp về lập trường chính trị của tổng thống Cộng Hoà Pháp. Năm 1977, thiết kế Marianne mà tổng thống Giscard d'Estaing chọn có khuôn mặt quay sang bên phải. Năm năm sau đó, tổng thống François Mitterrand, vị lãnh đạo cánh tả đầu tiên của nền đệ ngũ Cộng Hoà, đã chọn nàng Marianne quay sang bên trái, nói đến sự lãnh đạo của cánh tả.  

    Lựa chọn Marianne đôi khi không tránh khỏi những tranh cãi. Theo đài phát thanh Pháp France Inter, năm 2013, tổng thống François Holland muốn thể hiện một nhiệm kỳ đánh dấu tầm quan trọng của giới trẻ. Ông đã yêu cầu sinh viên đại học và học sinh trung học bỏ phiếu các bức vẽ khác nhau để chọn ra diện mạo mới cho Marianne. Tác phẩm của Olivier Ciappa đã được bầu chọn. Tuy nhiên nghệ sỹ cho biết sáng tác của mình được lấy cảm hứng từ người đồng sáng lập phong trào nữ quyền Femen, Inna Shevchenko. Lựa chọn này đã khiến đảng Dân Chủ Công Giáo không hài lòng và kêu gọi tẩy chay tem    

    Còn đối với tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron, tại nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã chọn mẫu thiết kế của họa sĩ đường phố,  Yseult YZ Digan, làm biểu tượng của nền Cộng Hòa. Đó là một nàng Marianne “dấn thân” (engagée) với ánh mắt có chút hờn dỗi mà kiên quyết, để tóc xoăn dài và đội mũ Phrygien, thể hiện tính hiện đại và khát khao bứt phá.   

      

  • Fehlende Folgen?

    Hier klicken, um den Feed zu aktualisieren.


  • Nhắc tới nhóm L.E.J (Elijay), giới yêu chuộng nhạc trẻ nghĩ tới ngay một ban tam ca thành công cách đây bảy năm nhờ một loạt các bài hát trình bày trên mạng dưới dạng liên khúc. Mặc dù nổi tiếng nhờ hát nhạc Anh Mỹ, nhóm này thật ra hoạt động chủ yếu tại Pháp. Đầu năm nay, ban tam ca Elijay/L.E.J đã cho ra mắt một tuyển tập chọn lọc gồm các bản nhạc Pháp hay nhất.

    Xuất thân ban đầu từ ban hợp xướng Radio France, chuyên đi biểu diễn cùng với Dàn nhạc giao hưởng Đài phát thanh Pháp, Lucie cùng với Elisa và Juliette (tốt nghiệp nhạc viện Saint-Denis) thành lập nhóm Elijay/L.E.J vào năm 2013, tức cách đây vừa đúng một thập niên. Quen nhau từ thời còn nhỏ, ba cô bạn trẻ đi học cùng trường và có cùng một lứa tuổi (họ đều sinh ra vào năm 1993). Nghệ danh của nhóm lấy tên của ba thành viên, rồi ghép lại ba chữ đầu tiên.

    Được đào tạo bài bản qua các lớp nhạc cổ điển, nhưng ba thành viên trong nhóm đều thành thạo các trào lưu âm nhạc thời nay, kể cả hip-hop và soul pop. Ngoài năng khiếu thanh nhạc, ba thành viên nhóm Elijay còn biết chơi khá nhiều nhạc cụ kể cả kèn saxo (Lucie Lebrun), trống và bộ gõ (Elisa Paris), cello và đàn bass (Juliette Saumagne). Điều này được thấy rất rõ trong cái tài hòa âm phối khí của họ, nơi giọng ca acapella (hát đơn hay hát bè) được sử dụng như một nhạc khí hẳn hoi.
    Thành danh nhờ sở trường soạn liên khúc
    Vào mùa thu năm 2013, ban tam ca đoạt giải nhất nhân kỳ liên hoan âm nhạc "Nuits de Champagne". Nhờ vậy, họ được mời đi biểu diễn tại khá nhiều liên hoan có uy tín khác ở Pháp trong những mùa hè sau đó, trong số này phải kể đến các liên hoan như Printemps de Bourges, Rolling Saône, ProMeaux Festival, liên hoan đa nghệ thuật thành phố Montjoux ….

    Quan trọng hơn nữa nhóm Elijay/L.E.J ký hợp đồng với công ty Live Nation Entertainment, để hát trong phần mở đầu đợt biểu diễn tại Pháp của thần tượng Pharrell Williams, vào tháng 06/2015. Hai tháng sau, ban tam ca đưa lên mạng YouTube liên khúc đầu tiên của mình mang tựa đề ''Summer 2015''. Sử dụng kỹ thuật hòa quyện đan xen tiêu biểu của mashup (công phu hơn medley), nhóm này kết nối 11 bản nhạc thịnh hành thời bấy giờ thành một liên khúc mùa hè 2015. Tài năng của họ thu hút sự chú ý của tạp chí Time của Mỹ. Nhờ được giới truyền thông Pháp phổ biến rộng rãi thông tin, video đầu tiên của nhóm thu hút gần 100 triệu lượt người xem. Đến khi bản nhạc được phát hành trực tuyến, liên khúc này giành lấy ngay hạng đầu thị trường đĩa đơn tại Pháp.

    Thành công bước đầu khá bất ngờ mở đường cho ban tam ca ký hợp đồng ghi âm và biểu diễn. Tính đến nay, nhóm này đã phát hành 4 album phòng thu, xen kẻ các bản nhạc nguyên tác của nhóm với nhiều giai điệu phóng tác ghi âm lại thành liên khúc. Album đầu tay của nhóm Elijay/L.E.J lập kỷ lục số bán khi đạt mức tương đương với hai đĩa bạch kim, trong khi hầu hết các liên khúc phát hành vào mỗi mùa hè đều đạt mức đĩa vàng. Ban tam ca chỉ một lần phá vỡ thông lệ, khi cho phát hành liên khúc nhạc pop rock thập niên 1980 vào mùa thu năm ngoái, thay vì vào mỗi mùa hè như những năm trước.
    Tuyển tập thứ tư dành riêng cho nhạc Pháp
    Riêng về album gần đây nhất của nhóm, đây là lần đầu tiên ban tam ca ghi âm lại toàn bộ các giai điệu tiếng Pháp để vinh danh các tác giả đàn anh cũng như đề cao các giai điệu nhạc Pháp thuộc vào hàng di sản. Nhóm này đem lại một lối tiếp cận khác với các tác phẩm kinh điển như "Je suis malade" (Tương tư) của Serge Lama, "Les feuilles mortes" (Lá thu chết) phiên bản của Yves Montand, ''L'Aigle noir'' (Cánh chim đen) của Barbara, "La Bohème" (Kiếp phóng lãng) của Aznavour và nhất là ''La Javanaise'' của Gainbourg nhưng qua lối diễn đạt của Juliette Gréco …..

    Trên album thứ tư, ban tam ca đã thực hiện ba liên khúc : ''Foule sentimentale & La vie en rose'', ''Mon amant de Saint-Jean & Mistral Gagnant", ''Jardin d’hiver & Que reste-t-il de nos amours''. Tuy các bài hát không có cùng chủ đề, nhưng nhóm này vẫn hòa quyện tài tình các giai điệu, đan xen khéo léo các câu chữ, các trích đoạn thường bổ sung cho nhau làm cho ý từ thêm nổi bật. 

    Về cốt cách, ban nhạc vẫn thể hiện lòng trung thành với nguyên tác, còn qua lối phối khí

    hòa âm, họ lại thành công khi đưa các giai điệu thời xưa vào kỷ nguyên hiện đại, trong cách sắp xếp liên kết họ lại tạo ra được những nhịp cầu nối khác lạ thay vì làm mới. Nhờ vào nhạc cảm tinh tế lạ thường, lối hòa âm phá cách táo bạo, nhóm Elijay /L.E.J lại tạo được nhiều cảm giác bất ngờ thích thú nơi giới yêu nhạc Pháp. Câu chuyện đã bao lần được kể, chp giai điệu thêm quen thuộc gần gũi, nhưng niềm say mê như thể vẫn chưa hề luống tuổi.


  • Năm 2019, được chọn trình chiếu ra mắt tại Liên hoan phim Quốc tế Fifigrot, “Selfie”, một bộ phim của Điện Ảnh Pháp, tập hợp số lượng đông đảo đội ngũ Biên kịch và Đạo diễn - lên tới 10 người - cũng như dàn diễn viên cả chính lẫn phụ vô cùng dồi dào đã đạt được giải thưởng “Amphore d’or”, là giải quan trọng nhất và gây tiếng vang lớn trong lòng khán giả.  

    Ai cũng biết, từ “Selfie” là chỉ việc tự chụp ảnh bản thân (hoặc nhiều người) bằng thiết bị điện tử hiện đại trên nền tảng kĩ thuật số. Từ này mới xuất hiện khoảng năm 2002 nhưng dần dần đã trở thành hiện tượng trên toàn cầu bởi nó gắn liền với sự phát triển của mạng xã hội. Thế có nghĩa là, hẳn, người xem chưa cần biết chính xác bộ phim mang cái tên đầy sức ám chỉ này muốn kể câu chuyện gì thì đã có thể hiểu nó sẽ mang lại cho chúng ta những tầng ý nghĩa như thế nào. 

    Vào cái thời đại mà hết thảy mọi thứ đều có thể tìm thấy trên mạng Internet, công nghệ xâm nhập vào cuộc sống của chúng ta, có những người mạnh mẽ vượt qua sự cám dỗ và sức ảnh hưởng của nó, nhưng cũng có những người phải chịu cảnh đổ vỡ chỉ vì công nghệ. Từ gia đình, trường học, tới công sở hay chuyện yêu đương đều có thể bị ảnh hưởng. “Selfie” chính là như thế!

    Bộ phim là một loạt những câu chuyện nhỏ, nhiều hoàn cảnh, số phận, ghép vào nhau tạo nên nhiều mảng màu hoàn hảo của cuộc sống số.

    Một gia đình có con bị bệnh hiểm nghèo có nhu cầu chia sẻ với mạng xã hội. Một cô giáo dạy Văn cổ điển bỗng bị buộc phải làm quen với cách dạy mới áp dụng công nghệ. Một thương nhân luôn nhận được những quảng cáo kêu gọi mua sản phẩm bán trên mạng vô tình phù hợp với mọi nhu cầu của anh ta. Một chàng thanh niên lựa chọn trang Chat-love để có được tình yêu của đời mình. Và vô số những người từ quyền chức, giàu có, danh cao vọng trọng tới những nhân viên văn phòng quèn đều vướng vào vụ rò rỉ thông tin trên một ứng dụng có thể khiến cuộc đời họ thay đổi hoàn toàn.

    Ai cũng có bí mật của riêng mình. Nhưng liệu, cái bí mật đó có thật sự là bí mật, khi chúng ta “ăn với công nghệ, ngủ cùng công nghệ, làm việc với công nghệ, học bằng công nghệ và yêu nhờ công nghệ”? Nơi chúng ta đang sống liệu có đúng là chỉ dành cho chúng ta hay không? Giờ thì có lẽ khán giả đã hiểu tại sao “Selfie” lại gần gũi với ta như vậy!  
    Sức mạnh của công nghệ
    Không thể phủ nhận, công nghệ có một sức mạnh ghê gớm. Ma lực của sự kết nối, sẻ chia cũng là một mặt tích cực đáng ca ngợi. Như trong phim, có thể thấy phần lớn thời lượng là dành cho gia đình Perez với hoàn cảnh rất đáng cảm thông. Cậu con trai út Lucas của họ mắc một căn bệnh hiếm gặp, sự sống của cậu bé chỉ tính bằng tháng. Thời gian trôi qua, họ cùng nhau chống chọi với bệnh tật bằng tinh thần lạc quan và yêu đời. Hai vợ chồng muốn những ngày tháng cuối cùng của con trai phải thật vui vẻ đáng nhớ. Do đó, họ thực hiện mong ước của cậu bé, là làm video clip chia sẻ lên mạng xã hội và đợi cho tới khi đủ 2 triệu lượt xem. Ban đầu, chỉ là chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, những lần đi khám bệnh, chữa trị, ăn ngủ hàng tuần ở bệnh viện của cậu bé 10 tuổi. Một người ốm là cả nhà cùng chiến đấu. Những lo lắng, những cơn đau về thể xác của con trai và lạc quan về tinh thần của cả gia đình họ đều được đăng lên mạng xã hội. Sau mỗi lần tải video lên, họ sẽ cùng nhau ngồi đợi, tìm kiếm từng lượt xem, từng lượt tương tác.

    Cái mâu thuẫn hiện lên ngay từ phân cảnh đầu của phim, khi 5 người, bố mẹ, anh trai, chị gái và Lucas cùng nhau ngồi đợi cho đủ 2 triệu lượt xem và ánh mắt hạnh phúc của cậu khi đạt được cái mốc mà cậu muốn. Charle, người anh trai lớn không thích thú với việc bị phụ thuộc bởi mạng xã hội và không thể nán lại với cả gia đình để đợi giây phút “định mệnh” của em trai. Nhưng có vẻ như đó chưa phải là Định mệnh của họ. Điều đang tới với họ là cơn nghiện mạng xã hội không thể dừng lại. 

    Từ những lượt theo dõi khổng lồ, gia đình Perez bắt đầu được truyền thông để ý. Họ được Hollywood mời sang tham dự buổi ra mắt phim và rất có thể sẽ là nhiều hợp đồng quảng cáo khác. Tuy nhiên, phép màu đã xảy ra khi bác sĩ thông báo Lucas bất ngờ khỏi bệnh một cách thần kì.

    Không, “mạng xã hội thật sự không phải chỗ cho lòng tốt và sự vị tha”, đó là một câu thoại trong phim. Điều cay đắng đã tới với gia đình Perez khi mà việc con trai bé nhỏ của họ chiến thắng căn bệnh quái ác lại cướp đi hầu hết lượt theo dõi họ trên mạng xã hội. Không còn bệnh tật, những video của họ chỉ còn vài trăm lượt xem, thậm chí là ít hơn nhiều lượt xem một con mèo biết làm trò. Người ta lãng quên họ rất nhanh, kế hoạch đi Hollywood bị hủy bỏ, ngay cả món quà mà người ta hứa dành tặng cho Lucas cũng không còn. Hai vợ chồng Perez căng thẳng, suy tính nát óc cách tạo ra các video mới, từ việc nấu ăn, đi siêu thị mua đồ, cho tới việc lôi cả cô con gái Milou ra để tạo nên một căn bệnh điên khùng khác nhằm mua vui cho thiên hạ. Những lời bình luận ác độc liên tiếp ném vào họ, khiến họ suy sụp, chán nản, bế tắc.

    Cú sốc của hai vợ chồng Perez ảnh hưởng trực tiếp tới Charle, con trai lớn, tới mức cậu đã bỏ nhà đi. Việc Charle bỏ sang Serya, tham gia vào hàng ngũ của những kẻ khủng bố không những không thể cảnh tỉnh cha mẹ mình, mà trái lại, đoạn video đăng tải cậu cùng nhóm khủng bố xả súng ở một thị trấn đã được 3 triệu lượt xem và làm cha mẹ cậu phát cuồng. Nó như một cứu cánh cho họ. Và kết quả là gia đình Perez đã có một chủ đề mới cho mạng xã hội. Những lượt xem, lượt theo dõi tăng chóng mặt dành cho cha mẹ của một kẻ khủng bố non trẻ.
    Sức mạnh của con người
    Không phải ai cũng đầu hàng sự hấp dẫn của mạng xã hội và công nghệ. Hẳn là thế, bởi chúng ta là con người và chúng ta có nhận thức của những người tốt. Trong một loạt câu chuyện được bày ra ở “Selfie”, người ta thấy lấp ló tỉnh thức níu kéo những suy nghĩ sạch sẽ và tinh tế, làm nên sự khác biệt của mảng màu “cuộc sống thời công nghệ”.

    Đó là cô giáo dạy Văn học Bettina. Người chưa bao giờ có một chiếc điện thoại thông minh trong đời nhưng lại buộc phải tiếp cận với công nghệ để dạy học. Chiếc máy tính bảng được nhà trường cung cấp “rơi vào đầu” cô với vô vàn những điều mới mẻ buộc phải làm quen đã mê hoặc Bettina rất nhanh. Không dùng thì thôi, một khi dùng chắc chắn cái mê cung ấy sẽ cuốn lấy bạn. Bettina bỏ bê việc dạy, lơ là trong mọi cuộc họp và đắm chìm vào mối quan hệ với Toon, một diễn viên hài đang lên, được mệnh danh là “hiện tượng kĩ thuật số toàn cầu”. Tất cả chỉ dừng lại ở việc chat chit, viết bình luận trên mạng, Bettina phải lòng anh chàng mà hầu như mọi người phụ nữ đều phải lòng. Nhưng có một điều cũng chắc chắn khác, rằng cô phải lòng cả công nghệ và mạng xã hội chứ không chỉ là Toon.

    Do đó, chính mạng xã hội đã thức tỉnh Bettina khỏi mối tình vô hình này. Bước tới cuộc hẹn chính thức đầu tiên, đầy hào hứng và phấn chấn, Bettina hình dung ra cả cuộc đời cô về sau này khi ở bên Toon. Và rồi, cuộc sống riêng tư của họ bị dò xét, bị mổ xẻ từ những búa rìu dư luận của một “mạng xã hội không phải chỗ cho lòng tốt và sự vị tha”. Bettina bừng tỉnh. Đây không phải điều cô cần cho cuộc sống của mình. Cô không thuộc về nó. Bettina bỏ về, không gặp mặt Toon, cắt đứt mọi liên lạc với anh chàng, trở lại với cuộc sống không công nghệ của mình, đọc sách bằng giấy và lúc nào cũng kè kè sổ bút.

    Giữa guồng quay của công nghệ, chúng ta đều có thể lựa chọn cách sống của bản thân, giống như nhân vật thức tỉnh thứ hai là Florian, chàng trai trẻ nhờ trang chat-love để tăng điểm trên mạng xã hội, cho vừa vặn với cô gái mà anh say mê. Họ tìm nhau, hẹn hò nhau dựa trên thang điểm của ứng dụng chat chứ không phải bằng cuộc sống đời thường. Khi trải qua biết bao cố gắng để đạt mức 5, mức cao nhất mà cô bạn gái trong mơ lựa chọn, khi được cô yêu thương và khoe ảnh từng ngày từng giờ trên mạng xã hội, Florian mới nhận ra đó không phải tình yêu thật. Tình yêu sẽ không mệt mỏi và khoa trương đến thế. Tình yêu sẽ không chỉ phụ thuộc vào số điểm bạn có trên mạng hay những người tương tác với bạn ở đó. Thế giới của bạn là ở đây. Bạn không phải một người máy, một ma nơ canh, hay một con búp bê. Bạn là người và bạn có quyền sống, có quyền riêng tư, có quyền yêu như một người rất đỗi bình thường.

    Dù không quá nổi danh hay đạt bất cứ một giải thưởng nào, cái mà “Selfie” làm được, đó chính là khiến người xem vừa cười ra nước mắt, vừa lặng lẽ tự ngấm tự ngẫm với bản thân. Liệu, ta đã sống như một người tốt trong thế giới ảo chưa từng dừng lại này?!     


  •  « Viết văn để sống, để thay đổi dòng đời ». Ngoài văn chương, Colette còn là người của báo chí, của sân khấu kịch nghệ, là một ngôi sao trong làng giải trí của Paris đầu thế kỷ XX, là một nhà phê bình nghệ thuật, là chủ một hiệu mỹ phẩm, là một phụ nữ ba đời chồng với hàng loạt tình nhân thuộc cả hai giới tính. 150 năm ngày sinh Colette, tác giả tập truyện « Claudine » vẫn là người đi trước thời đại.

    Là phận gái, lại còn nghèo, nhà quê lên tỉnh, trong vài năm Colette chinh phục cả Paris với ngòi bút, tài năng và nghị lực. Tháng 8/1954 khi bà qua đời, Colette là phụ nữ đầu tiên được nước Pháp tổ chức quốc tang.

    Điều gì đã viết nên huyền thoại Colette ? Phải chăng do Colette là tiểu thuyết gia dám đề cập đến thực tế của xã hội qua đoạn trường của những người phụ nữ phải lén lút phá thai, do nhà báo Colette đã phác họa ra biết bao nhiêu chân dung những người đàn bà can đảm đối mặt với chiến tranh trong cuộc Thế Chiến Thứ Nhất ? Do ngoài thế giới của văn chương và báo chí, Colette còn là người của điện ảnh, là một vũ công, là một nữ diễn viên sân khấu kịch nghệ từng xuất hiện gần như khỏa thân trước ánh sáng đèn màu ? Hay đơn giản Colette là một người đàn bà tự do và thiết tha yêu cuộc sống để rồi bà đã đưa tất cả những đam mê ấy, những mảnh đời của chính mình, vào tiểu thuyết văn chương ?

    Ngày 28/01/1873 Sidonie Gabrielle Colette chào đời trong ngôi nhà của gia đình ở Saint -Sauveur en Puisaye, tỉnh Yonne vùng Bourgogne, miền đông nước Pháp. Năm 20 tuổi, Sidonie Gabrielle không một đồng xu dính túi, theo chồng, Henry Gauthier-Villar, thường được biết đến dưới cái tên thân mật là Willy, lên Paris sinh sống.

    Là một nhà phê bình đã thành danh trong giới viết văn cũng như trong làng giải trí ca nhạc, Henry khuyến khích người vợ trẻ viết văn, viết về thế giới chung quanh bà thời còn con gái. Năm 1900 cuốn sách đầu tiên của tập truyện Claudine ra mắt độc giả, nhưng đó là những tác phẩm được biết đến như của một nhà văn mang tên Willy.
    Hiện tượng Claudine
    Claudine trở thành một « hiện tượng » cả về văn học lẫn xã hội. Đã có biết bao nhiêu cô gái mới dậy thì thời bấy giờ muốn ăn mặc như Claudine, muốn để tóc kiểu Claudine ? Sách bán đắt như tôm tươi. Hai vợ chồng Colette thu về bạc triệu.

    Khi chia tay với Willy năm 1906, Colette hai bàn tay trắng. Bà khám phá ra rằng, người chồng thứ nhất của mình đã chuyển nhượng toàn bộ bản quyền cho nhà xuất bản…   Colette lao vào cuộc chiến để đòi « trả lại cho Cesar những gì thuộc về Cesar ». 

    Colette là một nhà văn, là một tác giả và bà không cần phải ẩn mình dưới bất kỳ một cái bóng nào. Từ đó bà sáng tác dưới tên riêng của mình. Một nhà văn lớn mang tên Colette ra đời.

    Nhưng Colette đâu chỉ giam mình trong thế giới văn học. Bà đã khám phá nhiều bộ mặt khác nhau của làng giải trí : Colette học múa, bà say mê với nghệ thuật sân khấu kịch câm, với thể loại ballet … Đam mê đó cho phép cô gái « nhà quê lên tỉnh » này bắc được biết bao nhịp cầu với những tên tuổi hàng đầu trong số các văn nghệ sĩ thời đó như là các nhà văn Anatole France, Marcel Proust... hay những nhạc sĩ sáng giá nhất ở Paris thời bấy giờ như Gabriel Fauré, Claude Debussy, Maurice Ravel …. Và đương nhiên là phải kể đến bà hầu tước Belbeuf, nhũ danh Mathidle de Morny. …

    Năm 1906 khi chia tay với chồng là Willy, Colette đã dọn về ở với Mathidle de Morny, con gái một gia đình quyền quý, thích giả dạng nam nhi. Hai người có cùng một đam mê nghệ thuật. Họ cùng nhau dựng và diễn vở kịch câm Rêve d’Egypte - Giấc mơ Ai Cập. Trong sáng tác này, trên sân khấu hai người đàn bà đã trao cho nhau những nụ hôn nồng thắm nhất, làm chấn động cả xứ Paris kinh kỳ. Nữ diễn viên Sabine Haudepin kể lại :

    Sabine Haudepin : « Bà diễn chung với người tình khi đó là cô Missy. Trên sân khấu, Colette đóng vai một người đàn bà quyến rũ Missy, còn Missy thì cải trang thành đàn ông. Phải nói là cả giới thượng lưu ở Paris khi đó đến xem họ diễn và rồi cùng nhau đánh hội đồng cặp bạn diễn này. Đến nỗi cảnh sát trưởng của Paris đã phải can thiệp. Điều gây sốc ở đây là Missy, tức là Mathide de Morny, con gái của quận công Morny, một gia đình danh giá và danh tiếng thời đó, dám cải trang thành nam giới. Đó là điều xã hội Pháp đầu thế kỷ 20 không thể chấp nhận. Hình ảnh của Missy trên sân khấu trong bộ âu phục nam là một xì -can- đan khủng khiếp lắm. »

    Khán giả la ó, làm loạn trong rạp hát. Tai tiếng lan rộng đến nỗi vở Rêve d’Egypte bị cấm diễn sau hai buổi ra mắt khán giả Paris. Colette và Missy không còn có thể công khai xuất hiện trước công chúng.  
    Một ngòi bút sắc bén trong ngành báo chí
    Văn đàn Pháp, sân khấu Paris chưa là những sân chơi đủ rộng cho Colette. Từ 1903 bà bắt đầu cộng tác với nhật báo Gil Blas. Colette phụ trách mục điểm tin văn hóa nghệ thuật. 1909 bà cộng tác đều đặn với nguyệt san Akademos. Đây là tờ báo đầu tiên tại Pháp đề cập đến chủ đề đồng tính dưới góc độ tích cực. Cùng năm bà gặp gỡ Henry de Jouvenel, tổng biên tập báo Le Matin và đã cùng với ban biên tập gồm 150 nhà báo, hơn 500 công nhân và kỹ thuật viên, viết nên tên tuổi cho một trong những tờ báo uy tín nhất thời bấy giờ, mỗi ngày với trên dưới 1 triệu độc giả.

    Colette nhanh chóng tìm được một chỗ đứng trong tòa soạn. Bà viết bài, được điều sang Ý làm phóng sự, được cử đi theo dõi và tường thuật về lễ nhậm chức của tổng thống Raymond Poincaré ...

    Nhà báo Colette đã viết nhiều về những mảnh đời bị chiến tranh tàn phá. Năm 1916 chẳng hạn, được điều sang Ý làm phóng sự, Colette viết về những người mẹ mỏi mòn mong con trở về như sau : « có những bà mẹ đợi chờ, những người mẹ mong rằng chiến tranh buông tha con mình, trả chúng về với gia đình, dù hình hài không nguyên vẹn (…). Nhưng bao nhiêu người trong số ấy may mắn tìm lại được con mình ?»

    Đệ Nhất Thế Chiến kết thúc năm 1918. Gần hai thập niên sau, Colette trong cương vị một phóng viên tháp tùng chuyến đi đầu tiên của du thuyền Le Normandie nối liền thành phố cảng Le Have với New York …

    Trong suốt thời gian cộng tác với Le Matin, Colette đã khẳng định vị trí của bà. Năm 1919 bà điều hành toàn bộ các mục văn hóa của tờ báo uy tín này. Colette đã tuyển một cô thư ký về làm việc cùng với bà và đã đem lòng yêu thương người cộng tác viên đó, dù đã là vợ của tổng biên tập Henry de Jouvenel từ 1912.

    Colette chia tay với tờ báo năm 1924 khi bà ly dị với chồng sau tai tiếng gian díu với con trai riêng của chồng, thua bà tròn 30 tuổi. Trong sự nghiệp báo chí, Colette đã cộng tác với rất nhiều tạp chí, hay nhật báo. Trong đó có những tên tuổi như tờ Le Figaro, nguyệt san Marie Claire …

    Bà phụ trách đủ mọi mục : từ điểm sách đến phê bình văn học, từ mục đưa tin văn hóa nghệ thuật đến bình luận về các cuộc biểu diễn thời trang …  cũng chính trong công việc này Colette có dịp tiếp cận với thế giới của các nhà làm mỹ phẩm và bà đã lao vào việc kinh doanh phấn son, nước hoa … cho phái đẹp.
    Viết để sống, để khẳng định chính mình
    Trong mọi hoàn cảnh, Colette vẫn có thời gian để sáng tác. Trong hơn một nửa thể kỷ cầm bút, bà để lại 24 cuốn tiểu thuyết, hàng chục các công trình biên khảo … Frédéric Maget, một nhà nghiên cứu về văn phong về dòng sáng tác của Colette và ông cũng là chủ tịch Hội Những Người Bạn của Colette giải thích : đối với tác giả của Gigi, viết là lẽ sống :  

    Frédéric Maget : « Viết đối với Colette là để làm đảo lộn một trật tự nào đó, là để hóa thân, để thay đổi … dòng đời. Sáng tác đã cho phép bà trở thành Colette, cho phép làm nên tên tuổi của bà, cho phép bà công khai khẳng định bản sắc muôn hình vạn trạng của chinh mình. Nhờ sáng tác và ngòi bút, Colette đã tự viết nên huyền thoại của chinh mình ».

    « Sống một cách tự do », « tự do yêu đương » « tự do và công khai khẳng định giới tính », tự giành cho mình quyền được sống, vậy Colette có phải là một nhà đấu tranh cho nữ quyền hay không ? Simone de Beauvoir xưa kia nhìn nhận Colette là « nhà văn nữ lớn duy nhất ». Ở đầu thế kỷ XXI, Emmanuelle Lambert một cây bút đã viết rất nhiều và rất khâm phục Colette, lại trả lời là không :

    Emmanuelle Lambert : « Colette không phải là người có bản chất của một nhà tranh đấu. Theo chỗ tôi biết, bà không có ý chí chính trị gì nhiều. Bản thân Colette sống trong một môi trường bảo thủ. Bà bước ra ngoài vòng lễ giáo nhưng không vì thế mà có thể nói Colette là một phụ nữ có đầu óc cấp tiến. Bà bước ra ngoài khuôn phép của xã hội thời đó vì muốn được sống một cách tự do. Tự do yêu đương, cho dù đối tượng có thể là người cùng giới. Bà cũng đã không thu mình trong cái vị trí mà xã hội muốn áp đặt cho bà. Colette sinh ra trong một gia đình nghèo. Xã hội Pháp khi đó không có chỗ đứng cho một phụ nữ, mà lại còn không có tài sản. Thế rồi bà không muốn sống trong bóng tối, không muốn phải che đậy tình yêu, giới tính, hay phải giấu giếm những ham muốn về xác thịt … Colette đã không ngừng đấu tranh để giành lại bản quyền tác giả bị người chồng cũ là Willy tước đoạt. Bà đã đấu tranh để có được một chỗ đứng trong xã hội và trước sân khấu đèn màu. Tóm lại Colette, theo tôi không là một nhà đấu tranh cho nữ quyền vì lý tưởng chính trị, nhưng cuộc sống của bà lại mang đậm nét của rất nhiều cuộc đấu tranh đòi bình đẳng, bình quyền cho phụ nữ ».

    Dù vậy theo quan điểm của chủ tịch Hội Những Người Bạn của Colette, thì bà là một người mở đường …

    Frédéric Maget : « Như vừa nói Colette có thể không là một nhà đấu tranh vì nữ quyền nhìn từ góc độ chính trị, nhưng bà là người đưa vào văn học những chủ đề như là phá thai, những ham muốn của nữ giới … Phải nói rằng Colette đã quan sát rất kỹ trước khi bà đặt bút sáng tác và với bà văn chương và nghệ thuật viết báo gần như không có nhiều khác biệt. Bằng chứng là Colette đã khai thác một số đề tài khi bà làm công tác của một nhà báo, của một phóng viên để làm chất liệu sáng tác. Bà đã từng khẳng định rằng, văn chương không chỉ là trí tưởng tượng mà đó phải là những gì xác thực nhất của cuộc sống thường ngày. »

    Cuộc đời của nữ văn sĩ Colette là một tác phẩm nghệ thuật muôn màu. Sidonie Gabrielle đi trước thời đại cả một thế kỷ. Không được vinh dự trở thành phụ nữ đầu tiên được bầu vào Viện Hàn Lâm Pháp, nhưng Colette được Viện Hàn Lâm Hoàng Gia Bỉ về Ngôn Ngữ và Văn Học Pháp vinh danh. Bà từng đoạt giải thưởng Goncourt năm 1945 và 5 năm sau đó được đề cử giữ chức chủ tịch Ban Giám Khảo Goncourt, giải thưởng cao quý nhất của văn đàn Pháp.

    Colette được cả thế giới biết đến qua sách vở và nhờ điện ảnh. Tới nay hơn một chục tác phẩm của bà đã được chuyển thể lên màn ảnh lớn. Bộ phim đầu tiên được thực hiện năm 1917 (Claudine đi học) và gần đây nhất, năm 2009 đạo diễn Stephen Frears đã dựng lại phim từ tiểu tuyết Chéri.

    Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh Colette, ít nhất 7 cuốn sách mới về cây bút nữ này của Pháp sẽ ra mắt độc giả trong năm 2023. Nhưng vào lúc mà Thụy Sĩ tổ chức một cuộc triển lãm lớn về tác giả tuyển tập Claudine, rồi từ Montréal đến Luân Đôn, Hồng Kông, hay Beyrouth tổ chức những cuộc hội thảo và nhiều sinh hoạt văn hóa khác để vinh danh Colette, thì Paris lại rất kín tiếng.

    Thư Viện Quốc Gia BNF thông báo phải đợi đến năm 2025 mới tổ chức một cuộc triển làm về sự nghiệp đa dạng và đa chiều của người con gái « nhà quê lên tỉnh » này. Phải chăng vì phá vỡ những lằn ranh về giai cấp, về giới tính, xóa bỏ những đường biên giới giữa những thể loại nghệ thuật khác nhau mà cho đến tận bây giờ Colette vẫn là một đề tài gây nhiều tranh luận - đến nỗi từ Thư Viện Quốc Gia đến Viện Hàn Lâm Pháp đều tránh nhắc đến tên bà ?


  • « Mê Mèo » không là cái « tật » của riêng gì các nhà văn Pháp. Giải Nobel Văn Học người Mỹ, tác giả cuốn Ngư Ông và Biển Cả, Ernest Hemingway, yêu mèo vì chúng « tuyệt đối không vì lẽ này hay lẽ khác mà che đậy, giấu giếm tình cảm ». Đến nay con mèo đen Béhémoth (con Hà Mã) vẫn là một biểu tượng của bảo tàng Boulgakov tại thủ đô Matxcơva từ tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita (viết trong giai đoạn 1927-1939) của tác giả người Nga Mikhail Boulgakov.

    Trong làng hội họa, từ Pierre Bonnard đến Pablo Picasso, xa hơn nữa là những Leonardo da Vinci của Ý hay danh họa người Nhật, Hiroshige (1797-1858) đều đã đưa hình ảnh con mèo vào nghệ thuật. Đương nhiên không thể quên thư pháp Mèo của danh họa Việt Nam Lê Bá Đảng được ông lấy nguồn cảm hứng từ một con phố vừa hẹp, vừa ngắn ở quận 5 - Paris La Rue du Chat Qui Pêche.

    La Rue du Chat Qui Pêche, Phố Con Mèo Câu Cá cũng là tựa đề cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn người Hungary, Jolan Foldes.
    Mèo sống trong nhung lụa
    Riêng trong văn đàn Pháp, bất luận nam hay nữ, thật không hiếm các tác giả « mê Mèo ». Ở vào thế kỷ thứ 17, Charles Perrault (1628-1703) với Chú Mèo Đi Hia đã làm mê hoặc độc giả với một con mèo biết nói và thông minh, giúp chủ từ hai bàn tay trắng trở thành phò mã…  

    Con mèo Micetto giáo hoàng Leo XII để lại đã gắn bó với văn sĩ Chateaubriand (1768-1848) như bóng với hình trong giai đoạn ông làm đại sứ Pháp tại tòa thánh Vatican. Một tác giả sinh sau Chateaubriand một chút là nhà thơ Théophile Gautier (181 -1872) cũng yêu mèo không kém có lẽ bởi ông biết rất khó để làm bạn với mèo. Trong căn hộ của Théophile Gautier ở Neuilly sur Seine, ngoại thành Paris, Eponine được nhà thơ xem như một thành viên trong gia đình. Con mèo đen có đôi mắt xanh ve ấy đã cùng ông tiếp những vị khách tên tuổi nhất thời bấy giờ từ nhà khoa học Louis Pasteur đến những người bạn văn của Gautier như Goncourt, Mérimée…

    Về phần tác giả Ao Quỷ, George Sand (1804-1876), tựa như Théophile Gautier bà cũng rất yêu mèo bởi đấy là một « ông thần giữ của ». Của cải của nhà văn nữ này không là vàng bạc, châu báu mà là những gì bà muốn « giữ kín sâu thẳm tận đáy lòng ».

    Từ thập niên 1970, phim hoạt họa của Walt Disney The Aristocats-Gia Đình Mèo Quý Tộc không còn xa lạ với nhiều thế hệ khán giả khắp bốn phương nhưng có mấy ai biết rằng, Duchess, con mèo trắng xinh đẹp sống trong nhung lụa với ba con mèo con và « nhân vật » con mèo hoang Thomas O’Malley tốt bụng trong phim trong chính là phiên bản mèo mượn từ truyện ngắn Le Paradis des Chats-Thiên đường của những con Mèo (năm 1874) của nhà văn Pháp Emile Zola.  
    Hình tượng của phụ nữ
    Một nhà thơ lớn của thế kỷ XIX là Charles Baudelaire đã ít nhất hai lần đưa Mèo vào thi ca qua hai bài thơ Le Chat và Les Chats. Cả hai nằm trong toàn cập Les Fleurs du Mal-Những bông hoa đau khổ (1847).

    Le Chat 

    Viens, mon beau chat, sur mon cœur amoureux/ Hỡi con mèo xin đẹp, hãy đến gần trái tim si tình

    Retiens tes griffes de ta patte/ Giấu bớt đi những chiếc vuốt nhọn

    Et laisse-moi plonger dans tes beaux yeux, mêlés de métal et d’agate (…)/ Cho ta thả hồn vào đôi mắt diệu huyền của đá xanh màu lục bảo …

    Ở đây, con Mèo là tình yêu, là hình bóng của người đàn bà đẹp, dù đấy là một vẻ đẹp lạnh lùng, là một mối tình ngoài tầm với, mong manh và dễ vỡ. Đến cuối bài thơ, người tình và con mèo với đôi mắt trong veo của « đá xanh màu lục bảo » chỉ còn là một. Bản chất tự do và độc lập của Con Mèo và Người Đàn Bà là điều khiến Baudelaire khâm phục, dù biết rằng tình yêu rất dễ chắp cánh bay xa…

    Trái lại trong bài thơ Những Con Mèo, Les Chats cũng Beaudelaire đơn thuần nói về những người bạn « đáng yêu », « hiền hòa » dù đầy « cá tính » ẩn chứa một chút gì « kỳ diệu, huyền bí » : cái dáng vẻ uy nghi của những pho tượng đầu người thân sư tử trong văn hóa Ai Cập, hay nhân vật Erabus trong thần thoại Hy Lạp, con trai của Thần Nguyên Thủy Chaos và Bóng Tối…  
    Từ bạn đồng hành đến mối tâm giao
    Trong văn đàn Pháp hiếm ai chung thủy với mèo, quan sát mèo và dành cho chúng một chỗ đứng riêng biệt trong toàn bộ tác phẩm của mình như nhà văn nữ Colette (1873-1954).

    Bà sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà tại thị trấn Saint Sauveur en Puisaye, vùng Bourgogne-Franche-Comté, miền đông nước Pháp với rất nhiều muông thú. Frédéric Maget, chủ tịch hội Những Người Bạn của Colette kể lại nhà văn Pháp này thường nói, ngôi nhà thời thơ ấu của bà là nơi « có một sự mất trật tự trong không khí đầm ấm » có nghĩa rằng đấy là nơi « lúc nào cũng tấp nập chó, mèo, gà, sóc, dơi » … Tất cả những con thú đó luôn hiện diện bên bà trước khi đi vào văn học. Nhưng trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, với Colette, Mèo là con vật trung thành nhất, nếu không muốn nói là « người bạn tri kỷ ». 

    Frédéric Maget : « Những con mèo của Colette xuất hiện từ những tác phẩm đầu tay cho đến những sáng tác cuối cùng. Đương nhiên Dialogues de bêtes-Đối thoại của xúc vật (1904) được biết đến nhiều hơn cả. Trong tác phẩm này, các con thú dưới ngòi bút của Colette biết nói và chúng là những con vật rất quen thuộc với bà. Thế rồi Colette đã giàu trí tưởng tượng, ‘nhân vật’ chính trọng truyện, là con mèo Kiki La Doucette, thực ra là biệt danh mà bà dành để gọi người chồng thứ nhất của mình. Dưới tên gọi có vẻ thùy mị và dễ thương đó, thì con mèo trong tác phảm này lại đầy nam tính » 

    Francette, Saha, Kiki La Doucette, … là những con Mèo ẩn hiện trong trên dưới 50 tác phẩm của bà. Đáng chú ý nhất là Con Mèo Cái, Saha mà bà đã đưa một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình La Chatte, phát hành năm 1933. 

    Frédéric Maget : « Colette đã dành một chỗ đứng riêng biệt cho mèo, và hiếm có một nhà văn nào gần như là viết cả tiểu sử về mèo như bà. Thí dụ như độc giả biết rõ tên tuổi của từng con mèo trong sáng tác của Colette, họ biết rõ con mèo đó sinh ngày nào, mất ngày nào, nó có bao nhiêu anh chị em… Ta biết là Colette yêu nhất con mèo cuối cùng mà bà chỉ gọi nó với cái tên đơn giản là Con Mèo Cái- La Chatte, như trong tiểu thuyết cùng tên. Độc giả của Colette biết là con mèo này sinh ngày 25/12/1925 và nó đã chết ngày 12/02/1939. Nhà văn yêu con mèo này đến nỗi, khi chia tay với nó bà không bao giờ nuôi thêm một con mèo nào khác. Không một con mèo nào khác có thể lấp vào khoảng trống mà La Chatte để lại trong lòng người nghệ sĩ này ». 

    Trong tiểu thuyết La Chatte, con mèo Saha cùng với cặp vợ chồng Alain và Camille là một bộ ba : Mèo và Camille cùng muốn độc quyền ngự trị trong trái tim của Alain. Người vợ trẻ ghen đến điên cuồng vì một con mèo. Mọi việc đổ vỡ khi Camille « ám sát » hụt Saha. Alain bỏ nhà ra đi với con mèo trên tay. Tựa như Sidonie-Gabrielle Colette, anh đã chọn quay lưng lại với thế giới của loài người, bởi xúc vật « không bao giờ phản bội ».
    Biểu tượng của sự kiêu căng, gian xảo
    Nhưng không phải ai cũng yêu Mèo như Colette hay dành cho con thú bốn chân này những « vai diễn đẹp » trong tác phẩm của mình. Con mèo dưới ngòi bút của nhà văn François Rabelais thế kỷ XV-XVI là biểu tượng của giới quan lại tham ô, vơ vét của dân để làm giàu như trong tùy bút Isle Sonnante, ra mắt độc giả năm 1562 (9 năm sau khi tác giả qua đời).

    Ông vua trong làng thơ ngụ ngôn của Pháp là Jean de La Fontaine không mấy có cái thú yêu Mèo. Với ông đấy là những con vật « độc ác », « giả dối », « kiêu căng, thông minh » nhưng « xảo quyệt ».  

    Thâm hiểm, độc ác là hình ảnh gắn liền với hồng y giáo chủ Richelieu, dưới thời vua Louis XIII. Ông là người sáng lập ra Viện Hàn Lâm Pháp. Hồng y Richlieu mê Mèo đến nỗi, có lúc ông nuôi đến 14 con mèo, cử hai người hầu hạ chúng ngày đêm. Mèo của Richelieu chỉ ăn thăn gà.

    Thú vị không kém là trường hợp của văn hào Pháp, André Malraux, vị bộ trưởng Văn Hóa đầu tiên của nước Pháp, đã cùng với tướng de Gaulle có một đam mê : cả hai cùng rất yêu Mèo. Malraux không thể sống thiếu Mèo đến nỗi ông đòi bằng được người tình là nhà văn Louise de Vilmorin đục tường trong dinh thự của bà để cho các con Mèo của ông được « tự do đi lại, thả bước từ buồng nọ sang phòng kia ». Hiềm nỗi, ông bộ trưởng Văn Hóa này dưới thời tướng de Gaulle vì quá yêu mèo mà đã quên mất rằng dinh thự của gia đình de Vilmorin tại thị trấn Verrières le Buisson, ngoại ô phía nam Paris, được xếp vào hàng « các công trình kiến trúc và di tích lịch sử ». Đâu đó André Maleraux đã đặt tình yêu Mèo lên trên cả một di sản văn hóa lịch sử, dù đó là một dinh thự có giá trị lịch sử. 


  • Năm 2023 đánh dấu công viên Disneyland Paris - ốc đảo văn hóa Mỹ trong lòng nước Pháp - bước sang năm thứ 31. Được Walt Disney đầu tư kỹ lưỡng đến từng chi tiết để tạo nên một trong những "công viên đẹp nhất từng được xây dựng", nhưng lịch sử 3 thập niên phát triển của Disneyland Paris không phải lúc nào cũng đẹp như trong chuyện cổ tích.
    Một kỳ vọng mang tên Euro Disneyland
    Đến với Disneyland Paris là đến với những hình ảnh lung linh sắc màu, đẹp như trong chuyện cổ tích, nhất là vào mùa lễ hội Haloween và mùa Giáng Sinh, năm mới, những điệu nhạc vui tươi, rộn ràng từ sáng đến tối, các đoàn diễu hành của các công chúa, hoàng tử và những nhân vật bước ra từ thế giới phim hoạt hình Walt Disney, những màn bắn pháo hoa hoành tráng vào ban đêm. Thế nhưng đằng sau thế giới kỳ ảo đó là cả một chặng đường khó khăn của Disneyland Paris mà có lẽ Walt Disney đã không lường tới, có lẽ vì đã quá lạc quan mà không tính tới những nét khác biệt về văn hóa Âu - Mỹ.

    Là công viên Disney duy nhất tại châu Âu, Disneyland Paris (tên lúc đầu là Euro Disneyland) hiện được xem là điểm đến du lịch hàng đầu của châu lục này. Khai trương năm 1992, Euro Disneyland là công viên Disney thứ tư trên toàn thế giới, sau công viên Disney ở Florida, California (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản).

    Sau 4 năm xây dựng, với khoản tiền đầu tư 22 tỉ francs của Walt Disney, ngày 12/04/1992, Euro Disneyland đã mở cửa đón khách tại vùng Marne-la-Vallée, ngoại ô đông nam thủ đô Paris của Pháp, một sự kiện lớn hiếm có. Trên đài France Culture, ngày 09/04/2022, nhân dịp sinh nhật 30 năm của Disneyland Paris, nhà sử học Sébastien Roffat, chuyên gia về lịch sử phim hoạt hình, tác giả cuốn sách « Biến giấc mơ thành thực tế. Lịch sử Disneyland Paris » (NXB L’Harmatan) nhắc lại:

    « Đó là một trong những chiến dịch marketing lớn nhất mà người ta chưa từng biết tới trong lịch sử. Quả thực, họ đã dành nhiều năm chuẩn bị tinh thần cho người dân châu Âu để họ đón nhận việc mở cửa Disneyland : các cửa hàng mua sắm Disney, các câu lạc bộ Disney, và có hàng tá chương trình truyền hình đã được chuẩn bị trong suốt một thời gian dài. Quả đúng là Disney đã chuẩn bị việc mở cửa Disneyland cứ như thể đây là lần đầu tiên họ tổ chức một sự kiện như vậy. Vả lại, đây cũng là dự án bất động sản cực kỳ lớn của nước Pháp vào cuối thế kỷ 20, chỉ sau khu trung tâm kinh tế tài chính La Défense.

    Chính vì thế, đó là sự kiện khai trương không thể bỏ lỡ. Họ đã thực sự chuẩn bị tinh thần cho người dân châu Âu từ rất nhiều năm trước đó, và đỉnh điểm là buổi lễ ngày 11/04/1992. Trước đó vài ngày, đã có tới hơn 100.000 người đến thử các trò chơi, thử nghiệm cách tiếp đón quản lý khách tham quan xem mọi chuyện sẽ diễn ra thế nào … ».

     

     
    Nghịch lý Disney : Khi thế giới không như trong mơ …
    Ngoài các khu vui chơi, công viên còn là tổ hợp khu mua sắm, nhiều nhà hàng và 7 khách sạn. Độ tỉ mỉ trong từng chi tiết, vốn đã được đòi hỏi rất cao ở The Walt Disney Compagny đã được đẩy lên mức tối đa cho công viên tại Pháp, bởi công ty Mỹ nghĩ rằng người châu Âu vốn dĩ tinh tế, nên Euro Disneyland không thể được trang trí một cách rẻ tiền. Trước khi công viên ở Pháp mở cửa đón khách, ban quản lý đã tuyển dụng tới 10.000 nhân viên. Walt Disney kỳ vọng ngay trong năm đầu tiên, Disneyland Paris sẽ đón tới 11 triệu du khách.

    Thế nhưng theo chuyên gia Sébastien Roffat, tác giả cuốn sách « Biến giấc mơ thành thực tế. Lịch sử Disneyland Paris », đến năm 1993,các con số thống kê đã khiến ban quản lý công ty phải hoàn toàn lo ngại : số tiền mỗi khách chi ra khi đến công viên, tỉ lệ khách đặt phòng khách sạn … đều thấp hơn so với các ước đoán ban đầu. Ông Sébastien Roffat giải thích thêm về một nghịch lý mang tên Disney :

    « Trong cuốn sách, tôi đã cố gắng chỉ ra cho mọi người thấy có một nghịch lý khá là khác thường. Đó là một điểm đến du lịch hàng đầu châu Âu. Nếu nhìn bề ngoài thì đó là một thành công rất lớn. Khi tìm hiểu các tài liệu trong những năm 1980, trước khi Disneyland mở cửa, dự báo số khách đến thăm công viên cho thấy họ đã từng tưởng là Marne-la-Vallée sẽ trở thành Florida của châu Âu.

    Họ nghĩ rằng số khách có thể sẽ nhiều gấp đôi so với ở Florida, bởi vì dân số châu Âu nhiều gấp đôi, mà diện tích công viên thì chỉ bằng một nửa. Và trong tất cả các tài liệu quảng cáo, họ đều nói là sẽ có đông khách hơn so với ở Florida,  ở California, ở Nhật Bản. Họ đã nói là công viên « được thiết kế cho châu Âu » và đã tưởng tượng ra rằng sẽ có nhiều triệu khách đến mỗi năm. Thế nhưng, thực tế lại không hề giống như trong các dự báo. Công viên Disney ở châu Âu là một trong những công viên ít du khách nhất trong thế giới Disney ».

     

     
    Một sai lầm văn hóa đắt giá 
    Trong bộ phim tài liệu The Inagineering Story (Disney+), được báo Le Point trích dẫn, ông Micheal Eisner, chủ tịch - tổng giám đốc The Walt Disney Compagny thời đó, thừa nhận : « Chúng tôi đã xây quá nhiều phòng khách sạn, chúng tôi đã tốn quá nhiều chi phí (…) Chúng tôi đã nghĩ rằng sẽ có thể khiến du khách ở Pháp chi nhiều tiền giống như khách hàng ở Florida. Nhưng nghĩ như vậy thực sự là xuẩn ngốc ». 

    Theo sử gia Roffat, một sai lầm khác của The Walt Disney Compagny là họ đã bê nguyên « hình mẫu Mỹ » đặt vào châu Âu :

    « Đây lại một lần nữa là nghịch lý. Khi chúng tôi đặt câu hỏi cho người Mỹ là quý vị muốn đi nghỉ ở đâu, thì có đến 75% trả lời là họ muốn có một kỳ nghỉ trong một công viên vui chơi giải trí. Đó không phải là câu trả lời của dân châu Âu, người Pháp thì lại càng không. Người Pháp muốn đi nghỉ ở biển, về nông thôn hay là đi lên núi, chứ họ không muốn có một kỳ nghỉ ở công viên vui chơi giải trí. Đó chính là vấn đề mà Disney gặp phải. Họ cứ nghĩ rằng cách tiêu dùng của dân châu Âu cũng giống như người Mỹ. Nhưng người châu Âu không thể đi nghỉ 15 ngày trong một công viên vui chơi giải trí.

    Có những người Mỹ có thể lưu lại 1 tuần, thậm chí 15 ngày trong công viên Walt Disney World ở Florida. Nhưng người ta đi thăm Disneyland Paris chỉ một ngày thôi. Vậy đấy, người Mỹ và người châu Âu không có chung một câu trả lời, họ thực sự có thói quen văn hóa hoàn toàn khác nhau. Và tôi tin rằng đó cũng là một vấn đề cơ bản, cốt lõi, không bao giờ có thể khắc phục được, tức là người châu Âu và người Mỹ không có cùng cách tiêu dùng giải trí giống nhau. »  

    Người châu Âu có nhiều ngày nghỉ hơn người Mỹ, nhưng chi tiêu ít hơn nhiều. Vé vào cửa, tiền ăn, tiền mua đồ lưu niệm … với người châu Âu, chi phí để trải nghiệm thế giới cổ tích ở Euro Disneyland là quá đắt đỏ, và quá … Mỹ. Một biểu tượng của cú sốc văn hóa Âu - Mỹ : trong các nhà hàng ở Euro Disneyland, khách hàng không được phục vụ cả rượu vang, lẫn bia, bởi trong thế giới Mickey không có chỗ cho đồ uống có cồn. Ấy vậy mà thế giới không rượu bia của chú chuột Mickey lại được đặt tại Pháp, xứ sở của rượu vang, của champagne. Và còn có nơi nào khác xứng đáng là xứ sở của bia hơn châu Âu ? Thế nên, rốt cuộc, « ốc đảo văn hóa Mỹ » trong lòng nước Pháp cũng đã phải nhượng bộ : rượu vang đã xuất hiện trong nhà hàng của Euro Disneyland.
    Thế giới Mickey trong lòng thế giới Molière
    Về phía Pháp, cho dù vào những năm 1980, tránh để dự án khổng lồ rơi vào đất Tây Ban Nha, Paris đã trải thảm đỏ mời gọi The Walt Disney Compagny đầu tư, thế nhưng, ngược lại, Euro Disneyland ngay từ đầu đã bị công chúng, kể cả giới văn nghệ sĩ, trí thức, chính trị gia Pháp, bài bác kịch liệt. Họ không thể mở lòng với « một thế giới Mỹ » ngay trong lòng nước Pháp, sát cạnh thủ đô Paris cổ kính, hoa lệ. Nhưng rồi, theo thời gian, Disneyland Paris cũng đã dần được tiếp nhận cởi mở hơn, hòa mình vào đời sống văn hóa, giải trí tại nước Pháp. Sử gia Sébastien Roffat nhìn nhận :

    « Đúng là chúng ta thấy có một sự thay đổi hoàn toàn. Chẳng hạn, Jack Lang, với tư cách bộ trưởng Văn Hóa Pháp, đã từ chối đến khai trương công viên, cho dù ông đã được mời và được đề nghị đến. Ngay từ đầu, đã có một tâm lý thù ghét tại nước Pháp. Đã có những chỉ trích kiểu như : đó là cây đinh cuối cùng đóng vào quan tài chôn vùi văn hóa Pháp, đó là bang thứ 51 của nước Mỹ. Quả là rất lạ khi đọc được những điều như vậy. Và đúng là người ta còn nói đến một « thảm họa Tchernobyl về văn hóa ».

    Có rất, rất nhiều những bài báo bài bác Mỹ, nhất là bài bác Disneyland, với những chỉ trích kiểu như chuột Mickey trèo lên tháp Eiffel, ăn mất tháp Eiffel. Hồi năm 1992, mọi người không hiểu tại sao lại phải Mỹ hóa thú giải trí. Thế nhưng, cũng rất nhanh sau đó Disneyland đã xâm nhập được vào văn hóa Pháp. Và khi đọc lại những ý kiến, xem lại những hình ảnh đó người ta lại thấy kỳ cục, buồn cười.

    Thậm chí tổng thống Mỹ George Bush đã từng phải thúc ép tổng thống Pháp Mitterrand đến Disneyland chụp một bức ảnh hồi năm 1994. Trước đó, George Bush đã gọi điện cho chủ tịch - tổng giám đốc Disney và nói rằng « Tôi tin rằng ông cần tôi giúp một tay, rằng ông muốn tôi cùng vợ con tôi đến đó ». Và rồi, George Bush đã nói với Mitterrand « Nào, chúng ta sẽ đến dùng bữa ở nhà hàng Auberge de Cendrillon (Nhà trọ của nàng Lọ Lem) ». Sau đó, công chúng thấy ảnh của Mitterrand chụp tại công viên, nhưng ông ấy có vẻ chẳng mấy vui vẻ ở đó. Nhưng chí ít thì tổng thống Pháp Mitterrand cũng đã đến đó.

    Dần dần, cuối cùng thì Disneyland cũng trở thành một phần của nước Pháp và các chính trị gia cũng tỏ ra hòa dịu hơn, các nhà trí thức cuối cùng cũng vậy. Ngày nay, các bài viết chỉ trích Disneyland cũng ít hơn nhiều và đối với các chính trị gia thì việc cho thấy điều đó cũng đã trở nên khá bình thường ».

    Như vậy là, sau quãng đường dài 30 năm, những sai lầm trong tính toán, những khác biệt, thậm chí là cú sốc văn hóa, đã dần được lấp đi. Được đặt chân vào thế giới cổ tích Walt Disney tại vùng Paris vẫn là niềm ước ao không chỉ của trẻ nhỏ mà cả các bậc phụ huynh. Nay Disneyland Paris đã trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Âu, trước Covid, mỗi năm thu hút tới 15 triệu du khách. Tổng cộng, sau 30 năm, Disneyland Paris đã thu hút được 375 triệu lượt khách. Riêng đối với Pháp, Disneyland Paris mang lại 6,2% doanh thu cho ngành du lịch, sử dụng 60.000 lao động trực tiếp và gián tiếp. Nếu chỉ tính riêng số người làm việc ngay tại chỗ, Disneyland Parislà nơi sử dụng nhiều nhân công nhất châu Âu : 16.000 lao động.


  • Năm nay, Pháp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Louis Pasteur, một nhà bác học chưa bao giờ học ngành y, nhưng lại cống hiến rất nhiều cho y khoa. Cha đẻ của những vac-xin chống bệnh dại, bệnh than... cũng là người mở đường cho các ứng dụng lâm sàng, cho các nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm. Những phát hiện của Pasteur không chỉ đã cứu sống mạng người, mà còn cứu cả những ngành khác của Pháp, từ cất rượu vang cho đến tơ tầm, chăn nuôi, những cột trụ của kinh tế Pháp thời bấy giờ.

    Tuy nhiên, Pasteur (1822-1895) sẽ không có được hào quang từ khi còn sinh thời nếu thiếu Marie, một người vợ đảm đang, « cộng tác viên đắc lực nhất, trung thành nhất ». Từ thế kỷ XIX, Marie và Louis Pasteur đã ý thức được rằng, tiếng tăm của Pasteur chỉ có thể vang xa nếu những phát minh của nhà khoa học này được phổ biến với công luận và phải có ích cho cộng đồng. Gia đình Pasteur đi trước thời đại, vận dụng truyền thông và những mối quen biết để đạt đến đích.

    Là một con người cần mẫn, đam mê với công việc, với một phương pháp nghiên cứu nghiêm túc và khoa học, Pasteur đi từ phát hiện này đến những khám phá khác. Louis Pasteur cống hiến cả cuộc đời cho công việc nghiên cứu, cho khoa học. Nhưng bí quyết nào giúp Louis Pasteur, với hai bằng tiến sĩ về vật lý, hóa hóa học ban đầu, tìm ra nguyên lý của quá trình lên men, tìm ra những phương pháp để bảo quản từ sữa, đến rượu, bia … trước khi trở thành « ông tổ của khoa truyền nhiễm », một nhà vi sinh vật học nổi tiếng nhất mọi thời đại ?
    Kính hiển vi trong tay một nhà điều tra
    RFI tiếng Việt mời bà Sylvie Morel, giám đốc điều hành hai bảo tàng Louis Pasteur tại Dole và Arbois trong vùng Jura, miền đông nước Pháp, trả lời các câu hỏi này. Dole là nơi Louis Pasteur sinh ra ngày 27/12/1822, trước khi gia đình ông dọn về Arbois, cách Dole hơn 30km. Trước hết, Sylvie Morel nhắc lại bối cảnh của ngành nghiên cứu khoa học hồi thế kỷ XIX và phương pháp làm việc phổ biến thời bấy giờ.

    Sylvie Morel : « Thế kỷ thứ 19 thực sự là thời điểm khoa học thăng hoa. Các trường đại học, các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiêm cứu càng lúc càng có uy tín. Đó cũng là giai đoạn mà công việc nghiên cứu dành một chỗ đứng riêng biệt để thực hiện các cuộc thí nghiệm ở vườn bách thảo, trong sở thú, hay các viện bảo tàng … Tất cả nhằm tìm hiểu về thế giới của các sinh vật cả trong hiện tại lẫn quá khứ, thí dụ như các nhà khoa học cũng đã tìm hiểu về đời sống của các loài khủng long.

    Vào thời đó, các nhà khoa học quan tâm đến các loài vi khuẩn. Louis Pasteur quan sát thế giới ấy qua lăng kính hiển vi. Với ống kính hiển vi, ông đã quan sát các loại vi sinh vật, bởi vì khi ấy một số nhà khoa học, đứng đầu là Félix Archimède Pouchet, đã tin vào thuyết tự sinh, theo đó mọi sinh vật đều được tự nhiên sinh ra, không cần đến một sinh vật khác. Louis Pasteur chứng minh điều ngược lại khi ông công bố quy luật tạo sinh ».
    Ra khỏi phòng thí nghiệm để quan sát thế giới chung quanh
    Sylvie Morel : « Quả thực là trước Pasteur, giới nghiên chủ yếu quan sát và so sánh để từ đó đưa ra những kết luận khoa học. Có khi thành công, nhưng phương pháp đó cũng có những giới hạn của nó. Riêng Louis Pasteur tiến hành các cuộc nghiên cứu như một viên cảnh sát mở điều tra hình sự vậy ! Xuất phát từ một điểm khởi đầu, Pasteur đi tìm những bằng chứng quan sát trên thực địa. Louis Pasteur đã bước ra khỏi các phòng thí nghiệm, ông tiếp xúc với những người trong cuộc.

    Thí dụ khi nghiên cứu tìm hiểu về bệnh than, ông gặp thẳng giới chăn nuôi. Ông hỏi họ cặn kẽ nhiều điều trước khi đưa ra  một loạt giả thuyết. Khi có được những giải thích thỏa đáng, Pasteur tiếp tục đào sâu hơn để đưa ra những lập luận khoa học. Ông cho công bố kết quả nghiên cứu đó và thường thì những tài liệu này được các đồng nghiệp của Louis Pasteur thảo luận. Các cuộc tranh cãi thường rất sôi nổi. Cũng có thể là Pasteur và các cộng tác viên của ông phải thực hiện những cuộc thí nghiệm khác nữa, hay họ phải tìm ra những xét nghiệm chứng minh điều ngược lại với những lập luận của Pasteur … »
    Nhà điều tra Louis Pasteur và con mắt « tinh đời »  
    Sylvie Morel : « Chính phương pháp nghiên cứu chính xác đó là khác biệt giữa Louis Pasteur với các đồng nghiệp cùng thời. Ông đã thành công trong lúc các nhà khoa học khác thất bại. Cần nói thêm là Pasteur đã có một đội ngũ đông đảo các cộng tác viên để thực hiện hàng loạt thí nghiệm một cách rất tỉ mỉ và cũng phải công nhận rằng Louis Pasteur có con mắt rất tinh đời, ông có khiếu đặc biệt để biết rằng phải 'điều tra' theo hướng nào, tìm ra những điểm nhấn và từ đó tiếp tục tìm tòi (…) Louis Pasteur rất kiên trì trong công việc. Ông làm việc nghiêm túc và rất có phương pháp. Chỉ nội điều đó không thôi đã khiến các đối thủ của ông tuy bực mình, nhưng ai cũng phải nể phục cái tinh thần trách nhiệm đó.

    Thế rồi, không chỉ trích được Louis Pasteur về phương diện khoa học, về mặt nghiên cứu … người ta viện cớ Louis Pasteur không phải là bác sĩ để tấn công ông, để phản bác những phát minh của ông trong lĩnh vực y khoa. Họ coi thường Pasteur vì ông chỉ là một nhà hóa học và do vậy « ông biết gì về y khoa mà dám xen vào lĩnh vực này ». 

    Nhưng sau này, chính Viện Hàn Lâm Y Khoa của Pháp đã vinh danh Lous Pasteur! 
    Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn
    Ngoài đời, Louis Pasteur là một con người rất có cá tính. Được bổ nhiệm về dạy ở đại học Strasbourg, ông đã mạnh dạn trực tiếp xin hỏi cưới con gái ông viện trưởng là cô Marie Laurent. Giám đốc bảo tàng Louis Pasteur, bà Sylvie Morel, kể lại về tính táo bạo của Louis :

    Sylvie Morel : « Marie Pasteur là con nhà gia thế, thân phụ của bà là khoa trưởng Đại học Strasbourg. Louis gặp bà khi ông được bổ nhiệm về Strasbourg dạy khoa Lý - Hóa. Khi ấy Louis Pasteur 26 tuổi, Marie thua ông 4 tuổi. Louis Pasteur ý thức được rằng Marie xuất thân từ một gia đình danh giá. Gia đình Laurent quen biết rộng, có ảnh hưởng trong giới khoa học, trí thức và cả trong giới văn nghệ sĩ. Marie Laurent là một trong ba cô con gái của ông viện trưởng.

    Ở thế kỷ 19, để nên vợ nên chồng, gia đình hai họ bao giờ cũng phải nhờ một người thứ ba đứng ra làm mai mối, để nhỡ có bị từ chối, không bên nào mất mặt. Vậy mà Louis Pasteur cả gan viết thư trình bày thẳng nguyện vọng với ông viện trưởng. Vị giáo sư mới 26 tuổi này đã nói rõ thân thế : Gia đình Pasteur khá giả nhưng không giàu có lắm, ông có một cô em gái hơi bị khờ … và Louis đi thẳng vào vấn đề khi xin được làm rể ông viện trưởng Đại Học Strasbourg. Louis đã trông thấy Marie là người đàn bà đảm đang, một phụ nữ có học thức và ông biết rằng có thể trông cậy nhiều vào bà ».  
    Marie, một cận vệ trung thành bảo vệ hình ảnh của Louis Pasteur
    Marie Pasteur cùng chồng làm việc trong các phòng thí nghiệm, theo ông quan sát thực địa. Bà tự tay nuôi tằm, giúp ông quan sát khi Louis Pasteur nghiên cứu về bệnh nhộng tằm đe dọa cả mảng sản xuất lụa tơ tằm của Pháp. Tại Viện Pasteur - Paris, Marie luôn là « cái bóng của Louis, khiêm tốn, kín đáo và đầy nghị lực », là sợi chỉ đỏ gắn kết các cộng tác viên của Louis Pasteur ngay trong viện nghiên cứu mang tên chồng.  

    Sylvie Morel : « Bà Pasteur có lẽ là một phụ nữ có nhiều tham vọng về mặt khoa học không thua gì chồng. Nhưng ở thời điểm đó, nữ giới không có quyền thể hiện tham vọng riêng của mình và không thể có tương lai về mặt nghề nghiệp như nam giới. Marie chóng sinh con, nhưng bà không mấy trực tiếp chăm lo cho con cái. Trong khi đó, Louis Pasteur khoảng 45-46 tuổi đã bị tai biến mạch máo não, ông bị liệt nửa người bên trái và cần được bà chăm sóc từng chút một. Marie đã hết sức tận tụy bên chồng.

    Bà luôn bên ông trong công việc hàng ngày, ở các phòng thí nghiệm, bà giúp ông ghi chép kết quả nghiên cứu. Marie theo dõi báo chí hàng ngày xem họ viết gì về Louis Pasteur, xem các đối thủ của ông đả kích Pasteur như thế nào, xem có ai mạo danh Pasteur để giành lấy vinh quang hay không. Hơn thế nữa, Marie là người đầu tiên Louis Pasteur chia sẻ những phát hiện mới, là người đầu tiên nhà khoa học Pháp này trắc nghiệm xem những lập luận khoa học của ông có vững chắc hay không trước khi công bố rộng rãi kết quả ».

    Một số tài liệu cho thấy Marie Pasteur rất chú trọng đến hình ảnh của Louis Pasteur trước công chúng. Ta có thể nói bà là « nhân viên truyền thông trước thời đại »?

    Sylvie Morel : « Về mặt này, Marie không phải là người duy nhất. Bản thân Louis Pasteur cũng chú trọng rất nhiều vào hình ảnh của ông. Cả hai người cùng ý thức rằng họ cần phải trau chuốt hình ảnh của Louis Pasteur và đương nhiên là tiếng nói của bà rất có trọng lượng. Chẳng hạn như ở thế kỷ 19, người ta thường chụp ảnh, đó là những bức chân dung cỡ vừa và nhỏ, để tặng cho những người chung quanh, giống như những tấm danh thiếp.

    Pasteur có vài ông thợ chụp ảnh chuyên nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ này. Nhỡ chẳng may mà Marie không hài lòng về một bức chân dung nào đó của Louis Pasteur, lập tức ông thợ ảnh bị khiển trách ngay. Tại viện bảo tàng Pasteur còn lưu lại một bức thư Pasteur đã gay gắt chê trách ông thợ chụp ảnh, Paul Petit, vì ông này lỡ chụp thế nào mà để nhìn vào người ta thấy ngay cái mũi quá khổ của Pasteur. Nói cách khác, Louis Pasteur muốn gột tẩy hết những nét xấu về hình thức của ông. Bởi đấy có thể là những cái cớ để các đối thủ của Louis Pasteur tấn công ông, thay vì họ chú trọng đến các công trình nghiên cứu, đến những phát hiện về khoa học của ông. 

    Marie cố vấn cho chồng là phải rất chú trọng vào hình ảnh của ông trước công luận. Chính vì thế mà phần lớn người ta thấy hình ảnh Louis Pasteur bệ vệ trong thế ngồi, bởi sau nhiều lần bị tai biến, chân ông yếu, đứng lâu không được. Tay trái của Pasteur thì phải tì vào bàn hay thành ghế. Ta cũng thấy ảnh của của Louis Pasteur tránh chụp từ góc trái, đây là nửa người ông bị liệt… Louis Pasteur che giấu tất cả những nét xấu bề ngoài. Thí dụ như do thấp nên từ trước khi bệnh Pasteur đã thiên về các kiểu ảnh trong thế ngồi. Pasteur bị cận thị nhưng lại rất chú trọng vào thần sắc . Ông không muốn để lộ bất kỳ một nhược điểm nào về thể xác, kể cả những điểm không đáng kể, như chuyện ông bị cận thị chẳng hạn ».


  • Sau hai năm vắng bóng vì dịch Covid-19, chợ Noel Trung cổ ở Provins, Pháp, quay trở lại với những người yêu thích hóa trang thành những nhân vật lịch sử hoặc những người thời xưa.   

    Kỵ binh, chiến binh Viking, hay hải tặc, người dân của thành phố Provins, cách thủ đô Paris khoảng 100 km, dường như không quá xa lạ với những người hóa trang thành những nhân vật thời Trung cổ đi lại trong thành phố. Người mặc áo lính, vác khiên vác giáo, người thì đội mũ hải tặc, hay chỉ đơn giản là mặc những trang phục cổ xưa, hoà vào không khí lễ hội hóa trang, trong thời tiết giá lạnh của những ngày Giáng Sinh đang đến gần.   

    Provins thường được biết đến với lễ hội Trung cổ được tổ chức vào mùa xuân và mùa hè, thu hút hơn 90 000 khách du lịch đến chỉ trong hai ngày cuối tuần. Vào năm 2009, chợ Noel Trung cổ vào mùa đông được tổ chức, khiến thành phố có niên đại từ thế kỷ XI như đi ngược dòng thời gian, trở về quá khứ.     
    Chuyến du hành về thời Trung cổ
    Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ cách đây 2 năm, đây là lần đầu tiên chợ Noel Trung cổ mở cửa trở lại đón du khách trong hai ngày 10-11/12. Bên cạnh những gian hàng bày bán như ở các chợ Noel truyền thống, trong dịp này, khoảng 60 gian hàng được mở ra, bày bán hoặc giới thiệu những nét văn hoá Trung cổ, đưa khách vào một cuộc du hành thời gian. Các hoạt động giải trí bên lề cũng được tổ chức, như bắn cung, các tiết mục biểu diễn nhảy, phun lửa, đánh trận giả và kể chuyện cổ tích cho trẻ nhỏ.    

    Chợ Noel Trung cổ ở Provins không chỉ đặc sắc bởi cách hóa trang của những người đến xem, mà còn nhờ vào chính những chủ gian hàng nhập vai, kể lại một câu chuyện về thời xưa, kể về nhân vật mà họ thủ vai. Ông Gael Kossa cho biết:   

    “Hiện tôi là một người Scandinave, vào thế kỷ thứ IX ở Đan Mạch, chính xác là vào năm 870, sau cuộc viễn chinh vĩ đại của quân đội Viking. Tôi đang mặc quần áo dân sự, nên có thể thấy tôi không phải là một quý tộc, ngay cả tôi nghĩ tôi đang mặc rất nhiều đồ có màu đỏ.”   

    Ông Gael thuộc hiệp hội Germanicus, chuyên tổ chức các trò chơi cổ xưa, chủ yếu là trò chơi chiến tranh. Tổ chức của ông có mặt tại nhiều lễ hội Trung cổ để giới thiệu về hoạt động của hội cũng như các trò chơi mà họ thiết kế. Chủ tịch hiệp hội Germanicus, cũng là người sáng tạo các trò chơi, ông Jérémie Torton cho biết : 

    “Trò chơi mà chúng tôi thiết kế giống như một loại Escape game – trò chơi tìm cách trốn thoát. Nhưng phải cần khoảng 60 người chơi, họ sẽ lựa chọn đội chơi của mình cũng như nhân vật. Chúng tôi chuẩn bị trang phục cho họ hoàn toàn, từ quần áo, vũ khí, áo giáp. Chúng tôi đưa ra những câu đố cần phải giải mã để tìm được vàng, nhưng cũng có thể tìm vàng bằng cách khác, đó là kết liễu những đối thủ.”  
    "Đặc sản" Trung cổ tại chợ Noel
    Tại trung tâm quảng trường Saint Quiriace, các thương nhân bắc bếp lửa, nấu rượu vang nóng, thoang thoảng mùi quế hồi. Rượu được múc từ các nồi bắc trên bếp củi, chứ không phải từ bình như tại các chợ Noel truyền thống. Các gian hàng bán đồ tại chợ cũng rất khác lạ. Thay vì bán đồ trang sức hay các loại bánh ngọt thường ăn vào dịp năm mới, các gian hàng ở chợ Noel Trung cổ bày bán cung tên, đồ hoá trang, áo choàng, hay những vật dụng trang trí thủ công. Đôi khi, du khách sẽ bắt gặp một nhóm nhạc chơi những điệu nhạc xưa cổ, hay một nhóm người mặc đồ truyền thống từ vùng Bretagne, kéo các du khách vào nhảy cùng họ. Đối với những người thích phong cách Trung cổ châu Âu, đây là dịp để diện những bộ trang phục theo chủ đề. Như trường hợp của bà Laetitia, cùng chồng hoá trang thành cướp biển đến chợ Noel.  

    “Chúng tôi đến chợ, vì đây là sự kiện dành cho những người thích hoá trang thời Trung cổ là chính, nhưng vì đây là dịp Noel nên làm được cả hai thì càng tốt. Chúng tôi có rất nhiều trang phục theo kiểu Trung cổ, có khi là cần cả một gian phòng mới có thể cất hết các trang phục cổ của chúng tôi.”    

    Còn cô Suzan, khoác áo choàng lông màu trắng, tự hào khoe bộ trang phục mà mẹ cô đã tự tay may cho cô. Cô chọn vải và chọn mẫu, còn mẹ cô thì vốn thích may vá và làm những trang phục cổ xưa. Bà đã dành 3 tháng để hoàn thành chúng. Cô Suzan cho biết : “Có lần tôi đã phát hiện ra là có một chợ Noel với chủ đề Trung cổ. Thông thường thì các lễ hội hoá trang Trung cổ thường là vào mùa hè nóng nực. Do vậy, đây chính là dịp để mặc áo choàng và bộ đồ này, vì đúng là trời không nóng mà còn rất lạnh”.   
    Lưu giữ kỹ nghệ của người thầy của lửa
    Tại một gian hàng bày bán các đồ trang trí kim khí, hai người thợ rèn đang quạt lửa, cầm búa gõ vào miếng kim loại đã được đốt nóng chảy để tạo hình. Từ búa cho đến máy quạt lửa, tất cả đều là những công cụ thô sơ thời xưa. Khăn trùm đầu, trong bộ trang phục màu xám, phong cách Trung cổ, một người thợ rèn giải thích với những người đứng xem quá trình tạo ra một mũi tên :    

    “Tôi vừa cho miếng sắt này vào lửa và hiện vẫn còn nóng, miếng kim loại này càng được tinh luyện thì càng nóng. Bây giờ tôi sẽ đập bẹp xuống, và kéo dài phía trên, sau đó cuộn tròn đầu mũi tên lại, để làm giá đỡ, gắn đầu gỗ vào.”    

    Những người thợ rèn này làm việc cho hiệp hội “La Forge du Berry”,  thường có mặt tại nhiều lễ hội khác nhau, để giới thiệu các kỹ nghệ rèn sắt từ thời Trung cổ cho công chúng. Chủ tịch của hiệp hội, ông Cyril De Ballegon, cho biết “làm nghề rèn sắt, giống như là thực hiện một giấc mơ của trẻ thơ”, qua những câu chuyện cổ tích. Ông Cyril cho rằng việc bảo tồn và duy trì nghề này rất quan trọng. Hiệp hội của ông gồm dưới 10 người, và ông tự hào nói đã thành công truyền nghề, truyền đam mê rèn sắt cho những người trẻ. Đó chính là những người hiện đang rèn sắt, giới thiệu kỹ nghệ này cho công chúng ở Provins. Ông Cyril cho biết thêm :    

    “Chúng tôi đã chứng kiến nhiều lễ hội biến mất, những nơi mà chúng tôi đã từng tham gia. Thật đáng buồn. Nhưng cũng có những lễ hội vẫn tồn tại như ở Provins. Sau Covid, chúng tôi dần dần quay trở lại công việc của mình và chúng tôi hy vọng rằng có thể tiếp tục phát triển, truyền bá kiến thức của chúng tôi. Tôi cho rằng việc bảo tồn những kiến thức kỹ nghệ cổ xưa này rất quan trọng bởi chúng ta luôn có nguy cơ phải quay trở lại quá khứ, và phải rèn sắt như tổ tiên của chúng ta. Lỡ có một ngày không còn máy tính hoặc các thứ khác thì sao. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy, ai có bàn tay khéo kéo đều có thể xoay sở tốt hơn trong tình trạng này hơn là những người chỉ biết đến công nghệ.”     

    Không chỉ bởi âm thanh búa đập vào sắt kêu inh ỏi, mà còn cả những ngọn lửa bắt mắt, sưởi ấm tiết trời lạnh 0 độ ở Provins, gian hàng rèn sắt của ông Cyril có lẽ là khu vực thu hút đông khách nhất, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Một du khách nói: “Tôi rất thích những đồ vật mà có một câu chuyện đằng sau, nhất là khi chúng được chế tạo bởi một người đặt niềm đam mê tình yêu và tài năng vào trong đó.”   

    Trong đám đông đứng trước “xưởng rèn” của ông Cyril, bà Dominique và chồng cũng có mặt. Bà cho rằng : “Chợ Noel Trung cổ sống động hơn và thú vị hơn. Chợ Noel hiện nay thì chỉ có tiền và vì tiền. Trong khi ở đây, thì mọi người ai cũng vui vẻ. Tôi thấy gian hàng của ông thợ rèn là rất thú vị, chúng tôi đã dành khá nhiều thời gian ở đó. Bởi vì ngày xưa, thợ rèn là một người có vai trò quan trọng, một người có địa vị trong làng, là người thầy của lửa.”  
    Provins - trung tâm thương mại của châu Âu thời Trung cổ
    Cách đây hơn chục thế kỷ, Provins được cho là nằm ở ngã tư của các tuyến đường thương mại kết nối châu Âu. Vào thế kỷ 12 và 13, Provins là một trung tâm thương mại bậc nhất, có tiền tệ riêng và nổi tiếng với những hội chợ Champagne. Thành phố Trung cổ được quy hoạch để phục vụ nhiều thương nhân : đường được mở rộng cho các đoàn xe đi qua, nhiều kho hàng được xây dựng để cho thuê. Khi đó, Provins có vài chục nghìn cư dân và cũng nổi tiếng với nghề sản xuất rèm cửa và buôn bán đồ da, sắt và dao kéo.    

    Nay Provins không còn là một trung tâm kinh tế, mà chỉ là một thành phố nhỏ với khoảng 12 000 dân. Tuy nhiên, nhà thờ và những nơi sinh hoạt tôn giáo cũng như các hầm rượu từ hàng chục thế kỷ trước và đặc biệt là lễ hội Trung cổ vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn.    

    Vào năm 2001, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận Provins là một trong những di sản của thế giới cần được bảo vệ.  


  • Nhắc tới Hope, một tác phẩm điện ảnh của Hàn Quốc được sản xuất vào năm 2013, người ta nhớ ngay tới vụ án Nayoung từng làm rúng động nước này. Hành động tra tấn và xâm hại tình dục một bé gái 9 tuổi một cách tàn ác của hung thủ hồi năm 2008 lại chỉ phải chịu cái án quá nhẹ so với những gì hắn đã gây nên.

    Làn sóng phẫn nộ lan mạnh bao trùm, dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về tội phạm tình dục tuổi vị thành niên đồng thời khiến cho đạo diễn Lee Joon-ik, người vẫn luôn đam mê và thành công với dòng phim Lịch sử, đã phải lên tiếng. Tác phẩm mang tên “Hi vọng” của ông cùng các cộng sự ngay lập tức được đánh giá cao và đoạt giải thưởng điện ảnh Rồng Xanh lần thứ 34 tại Hàn Quốc.  

    Điều ngạc nhiên hơn cả là HOPE mang danh phục hiện một vụ án có thật song hoàn toàn không có bất cứ một hình ảnh bạo lực nào xuất hiện trên phim. Nó chỉ mở màn bằng cảnh cánh diều Hi vọng bay cao trong gió trên bầu trời trong xanh rồi một ngày rớt xuống đúng chân kẻ thủ ác để rồi bị nghiền nát đớn đau. Người xem cảm thấy nỗi thất vọng đau khổ tận cùng, gục ngã theo tiếng khóc không nên lời của người mẹ, ánh mắt thất thần của người cha và hành trình vượt lên những ám ảnh, những điều tiếng, dị nghị của xã hội, của truyền thông, những vật vã cả về thể xác lẫn tinh thần… để tiếp tục cuộc sống như vốn dĩ đang diễn ra của ba người trong gia đình bé Soo Won.
    Nỗi đau bất tận
    Bởi có lẽ không một cảnh bạo lực nào hiện hữu trong phim nên người ta biết rằng, cảm nhận nỗi đau – theo cái cách mà  Lee Joon-ik tạo ra – chính là cảm nhận bằng hành trình “xuyên thấu qua nó”. Nỗi đau ấy không chỉ tồn tại khi cái ác diễn ra mà nó sẽ theo nạn nhân và gia đình họ đi suốt cuộc đời, ở trong từng bữa ăn, giấc ngủ, từng bước đi, từng cử chỉ hành động lời nói. Đối mặt với sự việc giống như thử thách quá lớn với gia đình Soo Won. Nhìn con gái bé nhỏ bị tổn thương thể xác kinh khủng, họ vừa chăm sóc con, vừa theo sát quá trình điều tra của cảnh sát vừa phải bảo vệ con trước búa rìu dư luận.

    Trường đoạn Dong Hoon, cha của Soo Won, vượt qua hàng rào dày đặc của truyền thông, xốc vội con gái lên tháo chạy khỏi phòng bệnh trong khi trên cơ thể cô bé vẫn gắn đầy dây rợ và ống truyền đã tạo nên ấn tượng vô cùng mạnh mẽ. Túi đựng chất thải vỡ ra. Giữa tiếng con khóc, người cha luống cuống dùng giấy lau chùi cho con, run rẩy động viên con mà chính anh cũng đang hoảng hốt… dường như khán giả cảm thấy căm giận kẻ thủ ác hơn bao giờ hết. Ai đáng phải trải qua những điều kinh khủng hơn thế? Không ai cả.

    “Tôi muốn chết”. Soo Won đã kể với Nhà trị liệu tâm lí về điều bà nội cô bé nói trước lúc lâm chung. Và khi được hỏi con nghĩ gì về câu nói đó thì cô đã trả lời “thế nghĩa là tại sao tôi được sinh ra”. Sau sự việc, Soo Won hoàn toàn câm lặng. Có vẻ như băn khoăn duy nhất trong đầu óc non nớt của cô bé lúc này chính là “tại sao điều đó lại xảy ra với mình”. Cũng giống cảm xúc của cha mẹ cô, Dong Hoon và Mi Hee đã thốt lên “Tôi mong điều đó xảy ra với tất cả trẻ em trên thế giới, để con tôi không phải chịu sự đau đớn một mình”.

    Họ có phải người xấu không, khi có cái suy nghĩ độc ác ấy? Không, họ chỉ đang quá đau khổ mà thôi. Họ cảm thấy bế tắc trước hoàn cảnh con gái phải chịu đau đớn về thể xác lúc còn quá nhỏ, chịu nỗi ám ảnh khủng khiếp về tinh thần lúc con chưa kịp hiểu chuyện gì, khi họ phải nghe tiếng con rên rỉ mỗi đêm và hình dung ra con bé sẽ phải sống với những tổn thương trên cơ thể đến suốt cuộc đời. Không một bậc làm cha làm mẹ nào có thể chịu đựng nổi nhưng gia đình bé nhỏ của họ đã phải đối mặt với nó, phải học cách chấp nhận và vượt qua nó, bởi sẽ không ai có thể giúp họ được ngoài chính bản thân họ.
    Những bận rộn sai lầm
    Không phải người lớn đều là những người vô tội. Gia đình bé Soo Won được dựng lên từ đầu phim trong khung cảnh khá bận rộn. Cuộc sống hiện đại như một cái guồng khổng lồ cuốn họ đi với biết bao lo toan, bao mối quan hệ phải dùng tới Tiền dù là những mối quan hệ không đâu. Họ cũng không phải người dư giả gì và vì thế, việc gia đình sắp đón thêm một thành viên mới được Mi Hee giấu kín. Một người cha làm công nhân chỉ chờ tới giờ được về nhà là cắm mặt vào tivi xem thể thao giải trí, một người mẹ bận rộn với cửa hàng tạp hóa tới mức không thể có đủ thời gian buộc tóc cho con gái vào mỗi sáng… và cũng chỉ đủ ăn…

    Cảm giác tội lỗi dấy lên trong họ, đau và ân hận khi buổi sáng hôm ấy, họ đã không đích thân đưa con gái tới trường dù trời mưa khá lớn. Họ đã không hình dung được cái buổi sáng như mọi ngày bận rộn xáo xác lại trở thành buổi sáng định mệnh nghiệt ngã với con gái và với gia đình họ. Mang trong mình nỗi ân hận, dằn vặt, Dong Hoon nắm tay con lúc cô bé chợt tỉnh sau ca phẫu thuật, òa khóc khi con gái thều thào với anh rằng “con biết cha mẹ quá bận nên con không gọi điện cho cha mẹ, con đã gọi cấp cứu”. Sẽ ra sao nếu bạn không phải là người mà con cái gọi đầu tiên lúc chúng gặp khó khăn? Bạn đã là những bậc cha mẹ đúng nghĩa chưa?

    Tiền có thể rất cần nhưng khi họ không có tiền thì bạn bè có thể hỗ trợ giúp đỡ họ, như cái cách mà mọi người cùng quyên góp cho đợt điều trị đặc biệt của Soo Won. Cái họ thật sự CẦN là tình thương và sự gắn kết. Sau nỗi đau, dường như Mi Hee và Dong Hoon thấu hiểu và yêu thương nhau hơn. Lần đầu tiên từ đầu phim, giữa những quay cuồng sống và làm việc, hai vợ chồng đã ôm nhau. Những bận rộn ấy có ý nghĩa gì khi mà cuộc sống của họ không còn như trước. Họ cần phải ở gần nhau. Đó là bài học mà họ phải trả một cái giá quá đắt thì mới có được. Và giờ đây, chắc chắn em trai của Soo Won sau khi chào đời sẽ có được một gia đình Đẹp đúng nghĩa.
    Tình phụ tử bất diệt
    Sau sự việc đau đớn ấy, từ một người Cha chỉ biết ngày ngày làm việc, tối về nhà xem thể thao giải khuây, đến bát cơm cũng bưng ra bàn tivi để ăn, Dong Hoon bỗng khát khao gần con, sẻ chia với con. Cái lần bế con chạy và lau chùi chất thải dây ra người Soo Won, anh chợt nhận ra anh không thể là một người Cha bình thường được nữa. Con gái anh sợ đàn ông, kể cả bố. Những tiếng khóc nấc, những ánh nhìn hoảng hốt và cơ thể căng cứng của Soo Won tác động mạnh mẽ lên Dong Hoon. Ám ảnh từ những hành động man rợ của kẻ thủ ác khiến cô bé co cụm, cảm thấy bị đe dọa trước sự hiện diện của đàn ông lớn tuổi và che mặt khi thấy bố.

    Đau khổ vì không thể ở gần con để động viên an ủi và chăm sóc, Dong Hoon đã nghĩ ra cách mà có lẽ chỉ có ở trong phim của Lee Joon-ik. Đây là chi tiết đắt giá trong tác phẩm điện ảnh này, tạo bất ngờ đồng thời lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả. Đó là người Cha Dong Hoon đã mượn một bộ đồ giả trang nhân vật hoạt hình mà con gái thích, chui vào trong đó, giữa cái nóng nực mùa hè, để được gần con. Dong Hoon hoàn toàn im lặng, đóng tròn vai người bạn Hoạt Hình ở bên cạnh Soo Won. Không chỉ thời gian dài đằng đẵng mấy tháng trời nằm viện mà cả khi đã về nhà, đã hòa nhập lại với cuộc sống bình thường và trở lại trường học, Soo Won vẫn thấy sự hiện diện của người bạn Hoạt Hình. Giữa giờ làm việc, Dong Hoon vội vã chạy về, trong bộ đồ thân thiện đó, nhảy múa giữa sân trường, bí mật đón đường con khi con đi học về, tặng quà, tặng kẹo cho con. Dưới cái vỏ ấy, anh đã khiến con gái cười. Nụ cười rạng rỡ xua đi tất cả những ân hận và buồn lo của người Cha. 

    Rồi khi bị “bắt quả tang”, khi con gái hỏi “Cha phải không”, Dong Hoon vẫn không dám trả lời. Người cha đứng lặng trong bộ đồ nhân vật hoạt hình, để kệ cho con gái tháo bỏ cái đầu của nhân vật ra. Những giọt mồ hôi lăn dài, tràn trề trên gương mặt anh và con gái giơ tay lau chúng đi, nhoẻn cười… là lúc người ta bật khóc. Vượt lên trên nỗi đau, tình Cha con đã chiến thắng nỗi sợ hãi, chiến thắng những ám ảnh tột cùng về cả thể xác và tinh thần, để lại được đón nhận và tôn vinh.  

    Nếu nói rằng HOPE chỉ là Hi vọng thì chắc chắn chưa phải. Đó là cả những tình yêu nảy mầm từ nỗi đau thẳm sâu. Xin được mượn một lời thoại trong phim để khẳng định điều đẹp đẽ mà tác phẩm đã mang tới cho khán giả… “Lúc cô đơn là lúc tốt bụng nhất. Lúc buồn là lúc cười to nhất… vì Họ không muốn ai đau đớn như Họ”.    


  • Chắc hẳn khán giả yêu điện ảnh chẳng còn xa lạ với những siêu phẩm Hollywood về đề tài thảm họa hay diệt vong của nhân loại. Đầy ắp sự sắp đặt hoành tráng, hình ảnh và kĩ xảo tuyệt mỹ, những bộ phim đó chiếm trọn niềm háo hức và mong chờ của người xem trên toàn thế giới mỗi lần công chiếu.

    Tuy nhiên, được mệnh danh là “tác phẩm hay nhất về Ngày tận thế”, thì người ta đã chỉ gọi tên một bộ phim mà thôi, đó là “Melancholia” - con đẻ của đạo diễn, kiêm biên kịch Lars von Trier. Phim là sự kết hợp giữa các nhà sản xuất Đan Mạch, Thụy Điển, Pháp và Đức, ra mắt vào năm 2011 và đã làm mưa làm gió tại hầu hết tất cả các giải thưởng danh giá trên toàn Châu Âu.  

    Là một nhà làm phim với phong cách điện ảnh cực đoan, bản thân Lars von Trier đã từng nhận định “Mỗi bộ phim nên như một viên đá trong giầy”. Đừng hi vọng sẽ tìm thấy những điều bình thường trong phim của ông. Tất cả các tác phẩm thậm chí khiến cho người xem có thể bị sốc, bị ám ảnh và ghim vào trong lòng những ác mộng mà rất lâu sau đó họ mới có thể tự giải thoát. Ở “Melancholia” người ta không thấy những cảnh ầm ĩ, những đổ vỡ náo loạn hay những hành động cứu rỗi thế giới. Sự vụn gẫy của Trái đất và tâm lý của những nhân vật trong đó đến một cách lặng lẽ, len lỏi vào từng tế bào, day dứt, đay nghiến đau khổ và rồi chấm dứt như nó vốn phải như thế.

    Đặc biệt, ấn tượng, ám ảnh là những gì mà “Melancholia” là đại diện. Bỗng một ngày, nhân loại biết rằng có một hành tinh sẽ va vào trái đất. Nó có thể sẽ đi chệch qua hoặc sẽ đâm sầm vào chúng ta và tất cả sẽ biến mất. Cũng có những hoảng hốt, những trốn chạy, nhưng điều mới lạ mà bộ phim mang lại lại chính là sự đối mặt, thậm chí có phần mãn nguyện mong chờ của một trong hai nhân vật chính của phim. Trong khi Clair, người chị gái, giống như phần lớn mọi người, sợ hãi, hoảng loạn trước nguy cơ diệt vong thì Justine, cô em trẻ trung lại hoàn toàn ngược lại. Điều gì khiến cô gái thành đạt và xinh đẹp này phản ứng như vậy? Sự lạc quan, niềm tin vào “thế giới mới nào đó sau khi chết”… hay… chỉ là nỗi chán chường cùng cực giữa một cuộc sống tồi tệ bên dưới cái vỏ đẹp đẽ đang diễn ra xung quanh cô?
    Trái đất mệt mỏi và xấu xa
    Justine đã nói câu ấy khi hai chị em tranh luận về thảm họa. Tại sao? Bởi vì bao quanh cô là những sự thật trần trụi của một thế giới mà ở đó, con người cư xử với nhau vô cùng tồi tệ.

    Xuất hiện trong trang phục cô dâu và đang trên đường tới lễ cưới của mình, Justine đã phì cười, tỏ ra thoải mái lúc chiếc xe Limousine mất tới hàng tiếng đồng hồ mà vẫn không thể vượt qua lối rẽ nhỏ trong khi chồng cô thì vô cùng khó chịu.

    Đã bị trễ so với kế hoạch khiến quan khách phải chờ rất lâu song Justine vẫn chạy vào chuồng ngựa để báo tin vui với Abraham, chú ngựa yêu quý của cô, rằng cô chuẩn bị về nhà chồng và họ sẽ phải xa nhau.

    Là một cô gái trẻ thành đạt, vô cùng được trọng dụng và trân quý khi chính Sếp của Justine đã phải đứng lên phát biểu trong đám cưới về tài năng của cô.

    Được chị gái và người anh rể giàu có tổ chức cho một đám cưới trong mơ giữa căn biệt thự sang trọng bao gồm cả sân golf rộng lớn.

    Justine thấy gì ở sự diệt vong? Ngày tận thế đáng mong chờ đến thế ư, với một người con gái có thể nói là đang hạnh phúc vô bờ bến?

    Không, cái bề nổi ấy không thể cứu vãn những sụp đổ đang ngày một lớn dần lên trong Justine. Nếu như người ta không để ý kĩ những gì Lars von Trier sắp đặt, hẳn người ta sẽ hoàn toàn lạc lối trong một tiếng đồng hồ chỉ loanh quanh giữa đám quan khách, giữa câu chuyện gia đình của hai chị em và cả hành động ân ái của Justine với anh chàng ngoài 20 tuổi đang thử việc trong công ty ngay trên bãi cỏ trước mặt ngôi biệt thự. Một đám cưới dài dằng dặc như thể sẽ không bao giờ kết thúc. Sự mệt mỏi rệu rã bao phủ Justine. Cô bỏ mặc tất cả mọi người, một mình chạy lên phòng tắm, ngâm mình trong bồn, rất lâu. Cái đám cưới ấy, nó giống như màn tra tấn kinh khủng nhất với cô gái tưởng như đang hạnh phúc nhất.

    Sếp của Justine thật ra chỉ muốn ép cô làm việc ngay trong đám cưới. Ông ta mang theo cậu thanh niên đang thử việc, bắt cậu ta phải bám theo Justine chỉ vì đang cần một câu khẩu hiệu cho một chiến dịch quảng cáo. John, chồng của Clair, thì luôn miệng khoe khoang những gì phải làm, số tiền mà anh ta đã phải chi cho đám cưới và muốn Justine phải theo ý mình. Bố mẹ Justine cãi nhau trước mặt quan khách. Sự hằn học của người mẹ đau khổ vì hôn nhân tan vỡ và người cha thì nông cạn hời hợt ham vui hai tay hai cô bồ trẻ.

    Tất cả khiến Justine có một nỗi sợ, đến mức cô không thể đi vững và gần như đổ gục. Chiếc váy cưới trở thành gánh nặng còn đôi giầy đẹp đẽ dưới chân thì khiến cô đau đớn cùng cực. Niềm vui nằm ở đâu trong cuộc đời cô?

    Toàn bộ hình ảnh ở phần một của phim mang tên “Justine” là những hình ảnh động, chống chếnh giống như những cảm xúc của cô với hiện tại. Hoàn toàn không chắc chắn vào điều gì, ngay cả đám cưới của mình, ngay cả tình yêu của mình với Micheal – người mà cô sắp phải sống chung một đời.     

    Melancholia còn có nghĩa là U sầu. Phải chăng, điều mà Lars von Trier muốn nói tới ở đây chính là những sầu muộn của cuộc sống hiện tại là nguyên nhân dẫn tới sự diệt vong? Con người đã và đang và sẽ làm cho nhau đau khổ, đem đến những sự thất vọng và chán chường, chính là đem đến Ngày tận thế của chính con
    Cái hang ma thuật
    Trái ngược với Justine, Clair là một phụ nữ chỉn chu, dường như hoàn hảo. Cô có gia đình hạnh phúc, John – chồng cô – là nhà khoa học, Leo – cậu con trai bé nhỏ ngoan ngoãn và cuộc sống thừa mứa về vật chất. Vẻ như Clair sống bên ngoài những bận tâm về cha mẹ, những mâu thuẫn nội tại sẵn có rất nhiều năm để toàn tâm toàn ý cho gia đình nhỏ của mình. Cho nên, sự diệt vong của thế giới là điều khủng khiếp không thể chấp nhận. John mang lại cho Clair sự bình yên, hoàn toàn tin tưởng rằng Melancholia chỉ đi lướt qua Trái đất cho tới khi nó bất ngờ vòng lại và Clair phát hiện ra chồng đã tự tử trong chuồng ngựa. Bình tĩnh không ngờ trước cái chết ấy, tuy nhiên, Clair vẫn không khỏi hoảng loạn khi nghĩ tới kết cục đang đến. Cô định bụng cùng Leo chạy trốn. Nhưng họ sẽ phải chạy đi đâu? Nơi nào là nơi an toàn vào lúc này? Điều gì cần phải làm khi tất cả sắp kết thúc? Hoảng loạn hay bình tâm đón chờ điều tất yếu?

    Justine đã khiến chị gái hiểu rằng đây là lúc họ cần ở bên nhau. Clair chỉ nghĩ tới những ly rượu vang, còn Justine, cô nắm tay Leo, cố gắng gạt bỏ nỗi sợ hãi mà mẹ thằng bé vừa gieo vào lòng nó. “Bố nói không có chỗ nào để trốn”. Khi Leo thảng thốt thốt lên câu ấy thì Justine đã nhắc tới cái hang ma thuật của hai cô cháu, nơi mà chắc chắn họ sẽ an toàn. Những phút cuối cùng bên nhau, họ đi nhặt nhạnh vài cành cây khô trong rừng, dựng lên một túp lều và cả ba cùng chui vào đó. Tay trong tay. Đối mặt với hành tinh Melancholia màu xanh rực rỡ đang ùa tới…

    Thiết bị mà Leo, con trai của Clair nghĩ ra để đo khoảng cách của Melancholia tới trái đất – đơn giản chỉ là một cái que buộc vào một vòng tròn – mang tính biểu tượng sâu sắc. Việc người ta tì cái que vào ngực mình và chĩa vòng tròn về phía hành tinh U sầu sống như cái cách người ta nhìn nhận nó. Đối với mỗi người, hành tinh đó là gì? Cuộc sống không chỉ có niềm vui và hạnh phúc mà nó còn nhuốm màu sắc của những nỗi buồn, những ưu tư. Ta sẽ đối mặt với chúng như thế nào? Bằng vào tất cả sự cảm thông của mình hay là cố gắng để gạt bỏ nó, chối từ nó?   

    Người ta bỗng nhớ lại 8 phút đầu tiên của phim khi mà Lars von Trier sử dụng hoàn toàn hình ảnh quay chậm những con chim đang rơi và trái đất bị bao phủ bởi tro tàn. Tất cả dường như dừng lại, trôi thật chậm như để giây phút cuối cùng còn mãi. Tất cả là sự thật ào đến, những sợ hãi, hoảng loạn và cuối cùng là chấp nhận sự kết thúc một cách thật nhẹ nhàng. 

    Justine và Clair và Leo, ba người, tay trong tay, ngồi giữa túp lều ma thuật được làm bằng những cành cây khô cong queo, để cho màu xanh đầy ma lực của hành tinh mang tên U sầu giải thoát đi mọi nỗi U sầu đang đeo bám họ. Có thể có một thế giới khác, cũng có thể không… nhưng sự hết thúc, biết đâu, lại luôn là một sự khởi đầu! Và cái hang ma thuật là nơi mà ở đó, tâm hồn tiếp tục được nuôi dưỡng bằng những cảm thông.


  • Lần đầu tiên, 30 trong số 141 trang bản thảo gốc của Hoàng tử bé (Le Petit Prince), một trong những tác phẩm được dịch nhiều nhất thế giới, được trưng bày tại Paris cho công chúng Pháp và châu Âu. Đó là những bức ảnh, hay những bức thư tay, bản phác thảo tranh minh hoạ cậu hoàng tử nhỏ, bên cạnh chú chó, vẹt hay ốc sên, và những bức vẽ chưa từng lộ diện cho công chúng.

    Có lẽ không có nhiều triển lãm thu hút được sự quan tâm của người xem từ mọi lứa tuổi, cả người lớn và trẻ nhỏ như triển lãm “Cuộc hẹn với Hoàng tử bé” của Antoine de Saint- Exupéry ở bảo tàng Nghệ thuật Trang Trí ở Paris, cũng giống như cách mà cuốn sách Hoàng tử bé thu hút người đọc từ nhiều thập niên qua. 

    Triển lãm về Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry mở cửa đón người xem từ 17/02 đến 26/06/2022 tại bảo tàng Nghệ thuật Trang trí (Musée des Arts décoratifs). Triển lãm tiết lộ những khía cạnh, những góc khuất ít được biết đến của Antoine de Saint-Exupéry, như là nhà văn, nhà thơ, phi công, nhà thám hiểm, triết gia hay nhà báo.

    Gia đình Matthiews sống tại Thụy Sĩ. Hai vợ chồng cùng hai con gái nhỏ đã quyết định đến Paris xem triển lãm nhân dịp này. Trả lời RFI, bà F. Matthiews nhận xét về triển lãm: 

    “Tôi thấy triển lãm rất thú vị, vì được tận mắt nhìn thấy các bản thảo gốc của Antoine de Saint-Exupéry, cả tranh vẽ nữa. Theo tôi, sách của ông ấy thú vị bao nhiêu, thì những gì mà triển lãm giới thiệu thú vị bấy nhiêu. Chúng tôi có cảm giác như bước vào vũ trụ riêng của tác giả. Chúng tôi khám phá những gì mà ông ấy đã viết, đã vẽ (trước khi xuất bản sách). Chồng tôi hâm mộ Hoàng tử bé từ 40 năm nay và ông ấy nhất mực muốn đến xem triển lãm, chính vì vậy cả nhà tôi cùng đi. Đúng thật, dù là ai, người lớn hay trẻ nhỏ, mỗi người đều tìm thấy một phần nào đó của mình trong trí tưởng tượng của Saint - Exupery”. 

    Hoàng tử bé được viết trong thời gian Saint-Exupéry sống ở Hoa Kỳ và lần đầu tiên được in ở New York vào năm 1943 (bằng tiếng Anh và tiếng Pháp). Ban đầu cuốn sách là một đơn đặt hàng của nhà xuất bản Reynal & Hitchtcok. Saint-Exupéry được yêu cầu viết một cuốn truyện tranh để sưởi ấm trái tim độc giả thiếu nhi trong không khí đen tối của Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, giữa lúc Mỹ bước vào cuộc chiến. Sau khi nhìn những bản phác thảo về cậu bé mà ông vẽ đi vẽ lại, nhà xuất bản đã đề nghị ông viết một câu chuyện hoàn chỉnh về cậu bé đó. Và phải hai năm sau đó, vào năm 1946, cuốn sách mới được xuất bản tại Pháp, quê hương của Saint-Exupéry, khi ông đã qua đời. Kể từ đó, những câu chữ, thông điệp của Hoàng tử bé lan tỏa xuyên biên giới. Những câu chuyện vượt thời gian với cách viết nhiều hí hoạ, đầy chất thơ, nhưng cũng đậm triết lý về cuộc sống và về tình yêu, đơn thuần, nhưng sâu sắc, khiến cuốn sách đến tay mọi lứa tuổi.  

    Những dụng cụ vẽ, màu nước, hay những nét tẩy xoá và các bản phác thảo, triển lãm đưa người xem vào thế giới sáng tác của Saint-Exupéry, nhiều lần đặt bút tưởng tượng ra vóc dáng của nhân vật chính, người cuối cùng trở thành hoàng tử bé với chiếc nơ thắt ngực, đeo khăn quàng cổ phấp phới trong gió cùng ánh mắt u sầu.  

    Đó là những ấn bản đầu tiên của Hoàng tử bé. Saint-Exupéry đã đưa các tài liệu này cho một nhà báo người Mỹ Silvia Hamilton trước khi ông qua đời vào năm 1944. Sau đó, vào những năm 1960, chúng được chuyển đến lưu trữ tại Thư viện Morgan ở New York, và chưa từng rời khỏi đó mãi cho đến nay. Quản lý triển lãm tại bảo tàng Nghệ thuật Trang trí giới thiệu triển lãm với hãng tin Reuters :

    “Điều mà tôi thấy đặc biệt ở đây đó là việc mà Saint-Exupéry cần dùng bút vẽ để có thể giãi bày ý tưởng. Ông là một nhà văn, nhưng cũng là một phi công. Thông qua triển lãm này, chúng ta có thể cảm nhận tâm hồn nghệ sỹ của ông. Chúng ta có thể thấy rằng sáng tác, vẽ tranh là một hoạt động đi theo ông cả đời và có thể thấy rằng ông ấy đã lao tâm khổ tứ rất nhiều để vẽ ra từng nhân vật. Tại triển lãm, mọi người có thể đọc những bức thư viết tay mà ông gởi cho mẹ ông, xin bà đánh giá về các bức tranh và đưa ra ý kiến. Trong một vài bức thư, ông ấy viết : “Chao ôi, bức này không được, con không biết vẽ ra sao mẹ ạ !” Hơn nữa, Saint-Exupéry cũng đặc biệt quan tâm đến việc tên mình được chú thích trong bức ảnh bìa của cuốn Hoàng tử bé, bởi vì đối với tác giả, đây được xem như là một thành công thực sự, tiếp sức cho ông tự vẽ những bức tranh minh họa cho cuốn sách của mình”.  

    Mở đầu với bầu trời đầy sao và những bức vẽ, triển lãm đưa người xem bước vào thế giới của hoàng tử bé, của tuổi thơ, hay của chính Saint-Exupéry. Người xem khám phá thời thơ ấu của Antoine de Saint-Exupéry, từ khi ông sinh ra tại Lyon năm 1990, cho đến khi đến tuổi thiếu niên. Lớn lên trong một gia đình quý tộc, giỏi làm thơ và đam mê máy bay. Tất cả là những kinh nghiệm bồi đắp ý tưởng cho cuốn sách cũng như những ý niệm về thời thơ ấu – điểm nhấn quan trọng của Hoàng tử bé. “Bởi vì tất cả những người trưởng thành trước đó đều là những đứa trẻ, nhưng ít ai trong số họ vẫn nhớ điều này”.  

    Trong cuốn sách, cụ thể là những cuộc đối thoại giữa Hoàng tử bé và phi công, Saint-Exupéry dường như vẽ ra một đường ranh giới mờ nhạt giữa người trưởng thành và trẻ thơ. Viên phi công tự cho mình là một trong những nhân vật vĩ đại, nhưng thực ra không phải là ai cả và cũng không còn là trẻ con, bối rối trước những câu hỏi dồn dập của Hoàng tử bé. Ngược lại Hoàng tử bé, với lối suy nghĩ giản đơn trong hình hài một đứa trẻ, lại có thể đối mặt với trách nhiệm tự “bảo vệ hành tinh và bông hồng”, giống như một người trưởng thành. Những đoạn đối thoại khiến chúng ta đôi khi cảm giác đó là những đoạn độc thoại nội tâm của tác giả, dường như Saint-Exupéry đã quay lại thời mười tuổi, và tin chắc rằng “truyện cổ tích là sự thật duy nhất trên đời” (On sait que les contes de fée est la seule vérité de la vie). 

    Và trong một góc tối, ánh đèn chiếu vào hình ảnh nhân vật Hoàng tử bé, được đặt trong một hộp kính, vang lên giọng nói : Làm ơn, hãy vẽ cho tôi một chú cừu !, (S’il vous plait ! Dessinez moi un mouton !), như van xin nài nỉ, đôi chút làm nũng của cậu hoàng nhỏ, lặp đi lặp lại. Giữa sa mạc, cách các khu vực có người sinh sống hàng ngàn vạn dặm, lời yêu cầu của một thiên thần nhỏ không cánh đến từ hành tinh khác vang dội trong khắp các gian triển lãm ở Paris. 

    Từ phòng này sang phòng khác, bóng tối bao trùm gian triển lãm, nhưng ánh đèn chiếu sáng từng tác phẩm. Người xem đứng lặng trước các tấm kính, sói xét kỹ lưỡng từng nét bút của Saint-Exupéry, rồi trầm ngâm trước nội dung những bức thư ngọt ngào, giàu cảm xúc và chân thật của tác giả, những lời trách móc gửi cho người thương, và cả những trao đổi giữa tác giả và nhà xuất bản trước khi cuốn sách ra đời. Triển lãm đặc biệt nêu bật hai trong số những nhân vật quan trọng trong cuộc đời của Saint-Exupéry trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, đó là vợ ông, bà Consuelo - người truyền cảm hứng cho nhân vật Rose, và người bạn thân cũng như là chỗ dựa tinh thần của ông, Léon Werth. Triển lãm giúp cho những ai đã đọc Hoàng tử bé có thể hiểu rõ hơn về tác giả. Bà Evelyne, đến xem triển lãm cho biết :

    “Đúng là triển lãm giúp tôi có cái nhìn rõ hơn, nói thực là, khi tôi đọc sách, tôi không hiểu hết được những gì mà tác giả muốn nói. Qua triển lãm này, tôi hiểu được quá trình ông ấy viết ra cuốn sách ra sao. Saint Exupéry đã tạo ra rất nhiều nhân vật khác nhau, và cũng có rất nhiều nhân vật mà ông ấy không đưa vào cuốn sách. Tác giả có những lựa chọn và toan tính riêng. Triển lãm mở ra thế giới của tác giả hơn là của cuốn sách, đó là những điều mà tôi cảm nhận được.”

    Tại đây, người xem cũng khám phá những nhân vật tưởng chừng bị Saint Exupéry lãng quên và cả một chuỗi những sự kiện trong cuộc đời tác giả, dường như đúc kết lên câu nói đi vào lòng người của Hoàng tử nhỏ : “Chúng ta chỉ nhìn rõ mọi thứ bằng trái tim. Mắt thường không nhìn thấy những thứ quan trọng nhất”. 

    Trong những năm tháng đen tối của lịch sử, Saint Exupéry viết lên một câu chuyện mang thông điệp đậm tính nhân văn và triết học, hòa quyện trong lối hành văn đơn giản của trẻ thơ, để mỗi khi đọc lại, ở thời điểm khác nhau, không gian khác nhau, độ tuổi khác nhau, người đọc có thể đưa ra những cảm nhận riêng và không lần nào giống lần nào cả. “Thông điệp được Hoàng tử bé truyền tải đó là gặp gỡ những người mới, cởi mở với những người xung quanh, và đó cũng là điều mà bất cứ ai trong chúng ta cũng cần đến và có thể tìm thấy mình trong đó”, như nhận đình của bà Anne Monier Vanryb, quản lý triển lãm tại Bảo tàng Nghệ Thuật Trang Trí.

    Gian cuối cùng của triển lãm trưng bày những ấn bản được dịch ra các ngôn ngữ khác. Với hơn 500 thứ tiếng trên thế giới, thậm chí cả những ngôn ngữ hiếm chỉ còn vài chục người sử dụng, Hoàng tử bé là cuốn sách được dịch nhiều nhất thế giới chỉ sau cuốn Kinh Thánh. Bản dịch Le Petit Prince sang tiếng Việt đầu tiên có từ năm 1966. Hai bản dịch phổ biến là của Bùi Giáng do An Tiêm xuất bản và Cậu Hoàng Con do dịch giả Trần Thiện Đạo thực hiện. Vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày tác phẩm ra đời, nhà xuất bản Gallimard đã chính thức chuyển nhượng bản quyền xuất bản Hoàng tử bé tại Việt Nam cho nhà xuất bản Nhã Nam vào năm 2017. 


  • Không phải là một thắng lợi phòng vé vẻ vang, cũng không nằm trong danh mục những bộ phim gặt hái được nhiều chiến tích tại các liên hoan phim danh giá, nhưng kì lạ thay, “Un Plan parfait” (tạm dịch là “Kế hoạch hoàn hảo”) lại là tác phẩm được lòng khá nhiều khán giả yêu Điện ảnh.

    Người ta tìm thấy từng mảng miếng hài hước đậm chất Pháp, hơi ngớ ngẩn, quá đà và cũng vô cùng đáng yêu từ những chi tiết nhỏ cho tới từng nét diễn xuất duyên dáng xuất thần của hai  diễn viên ngôi sao đình đám, Diane Kruger và Dany Boon.

    Bắt đầu bằng một câu chuyện với mô tuýp quen thuộc từ tác giả Phillippe Mechelen về những người đùa giỡn với tình yêu để rồi cuối cùng lại mắc vào vòng xoáy yêu đương thật sự, đạo diễn Pascal Chaumeil đã xây dựng nên một thế giới riêng vừa nhẹ nhàng, vừa kịch tính nhưng cũng đủ để lại rất nhiều lắng đọng, cả những nụ cười và những giọt nước mắt hạnh phúc trong “Kế hoạch hoàn hảo” (2012).

    Truyện phim kể về Isabelle, nữ nha sĩ xinh đẹp ở Paris, bị ám ảnh bởi lời nguyền của gia đình từ năm 1884, rằng bất cứ người phụ nữ nào trong dòng họ cũng sẽ có cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ. Yêu bác sĩ đồng nghiệp là Pierre đã 10 năm, khao khát có con và áp lực lập gia đình khiến Isabelle nghĩ tới việc phải phá bỏ lời nguyền kì quái này bằng cách sẽ giả vờ kết hôn với một người khác và li dị ngay sau đó, coi như đã trải qua cuộc hôn nhân đầu tiên. Địa điểm hoàn hảo để thực hiện kế hoạch chính là ở Copenhagen, nơi mà người ta có thể kết hôn và li dị sau mười phút.

    Thế nhưng, dường như Vũ trụ có một cách vận hành riêng không giống ai và tất cả những thứ được gọi là “kế hoạch” thì đều bỗng trở nên vô nghĩa khi đối mặt với Định Mệnh. Ở Copenhagen, Isabelle đã gặp một người đàn ông mà cô đã phải bám theo từ đỉnh Killimandjaro ở Kenya đầy cát bụi cho tới tận Matxcơva lạnh giá chỉ để cưới và li hôn. Rõ ràng, cuối cùng thì Isabelle đã đạt được mục đích của mình, cưới lần đầu, li dị với người chồng đầu và Pierre sẽ trở thành mối tình bất diệt cho tới cuối đời của cô. Nhưng… vẫn là một từ “Nhưng” thay đổi tất cả. Khi cô đã phá bỏ được lời nguyền thì Ai sẽ là người quan trọng đối với cô?
    Vòng tròn an toàn
    Mối tình 10 năm. Mấy ai có được diễm phúc đó trong thế giới tình yêu lấp lánh sắc màu cả đẹp đẽ lẫn khổ đau? Isabelle dường như đang sở hữu tất cả những gì kì diệu nhất. Pierre không chỉ là đồng nghiệp, anh còn là bạn đồng hành, còn là bạn chơi thể thao của Isabelle. Họ gắn bó với nhau mọi lúc mọi nơi và cuộc sống của họ như một cỗ máy vận hành đúng chuẩn. Mỗi thứ Hai họ sẽ đi ăn ở nhà hàng quen thuộc suốt 10 năm qua, ngồi cái bàn suốt 10 năm đã ngồi và ăn món thịt hầm suốt 10 năm đã ăn. Mỗi thứ Ba hai người sẽ đi chơi bowling. Mỗi thứ Tư, thứ Năm cũng trôi qua như vậy và mỗi thứ Sáu họ sẽ cùng nhau ân ái trong ngôi nhà mà họ chung sống suốt 10 năm như vợ chồng.

    Ai có thể sống như thế? Người ta sẽ gọi đó là Yêu. Là cái Vòng tròn an toàn mà khi đã bước chân vào rồi thì dường như chẳng ai muốn bước ra nữa. Ở nơi ấy, có vẻ là Tình Yêu đã dần trở thành Thói quen. Thứ quen thuộc hàng ngày, hàng giờ, hàng tuần, hàng tháng mà những người ở trong đó gần như đã không còn nhận ra nữa. Họ gọi đó là Yêu. Isabelle đã quyết tâm sẽ sống trong cái vòng tròn đó cho tới hết đời. Thế giới của cô chỉ còn là Pierre và Thói quen. Nhưng để sống được trọn đời như thế, Isa sẽ phải bước ra khỏi nó, phải tìm một ai đó để cưới và li dị, để phá bỏ lời nguyền.

    Lúc này, có vẻ như lời nguyền đó là một cái gì thật ghê gớm và xấu xa. Kì thực, chúng ta sẽ nhận ra, càng lúc càng rõ ràng hơn, rằng nhờ có nó, Isabelle đã đặt cả hai chân ra khỏi cái Vòng tròn mà cô tưởng là an toàn để ngỡ ngàng trước một thế giới khác bên ngoài tràn đầy màu sắc. Thế giới không chỉ có bảy màu của cầu vồng.      
    Kế hoạch B
    Ngay khi bị đối tác trong hợp đồng kết hôn và li hôn chớp nhoáng tại Copenhagen lật kèo, Isa đã phát hiện ra Kế Hoạch B của mình, chính là anh chàng Jean-Yves mà cô đã đụng độ trên máy bay. Nam chính xuất hiện chẳng giống như bất cứ bộ phim lãng mạn nào. Không điển trai, thậm chí còn có thể nói là khá xấu xí với mái tóc phải tốn rất nhiều tiền để trồng thêm. Không galant với phụ nữ khi Isabelle muốn đổi chỗ vì bị chứng sợ máy bay. Lại thêm tật nói nhiều và đang khao khát cưới vợ cháy bỏng, rõ ràng Jean là đối tượng tuyệt vời của Isabelle bởi vì chắc chắn cô không thể bị anh chàng làm cho “phải lòng” thật sự được, như tất cả mọi câu chuyện cổ tích khác.

    Đẹp, tự tin, hơi ma mãnh và đầy mưu mẹo, Isabelle tấn công Jean dồn dập, làm như cô phải lòng anh ngay từ cái nhìn đầu tiên và cứ dựng lên một vở kịch vô tình bắt gặp như là Định Mệnh. Isabelle không hề biết rằng, Định Mệnh là có thật, dù cô và Jean, được bạn bè Jean gọi đùa là “Người đẹp và quái thú” thì họ vẫn có thể đến với nhau như là một Kế hoạch B hoàn hảo.  

    Trong thời gian ngắn ngủi ấy, Isabelle và Jean đã phải đối mặt với sư tử, bị mất ô tô chỉ vì Jean vẫn cắm chìa khóa trong xe, bị lạc giữa sa mạc vì khả năng xác định phương hướng sai lầm của Jean… Anh chàng càng tỏ ra ngớ ngẩn thì Isa càng muốn “lừa tình” cho nhanh để trở về với tình yêu trọn đời của cô. Những chi tiết gây cười khiến người ta thương Jean bao nhiêu thì lại càng ác cảm với Isabelle bấy nhiêu. Bỗng, cô trở thành một cô gái thật đáng ghét, độc ác khi luôn trêu đùa với tình cảm chân thành mà Jean dành cho cô. 

    Một cô nha sĩ và một anh chàng viết sách du lịch cứ thế đi theo nhau. Quyết tâm dụ dỗ Jean kết hôn với mình để vượt qua lời nguyền gia tộc khiến Isabelle không hề nhận ra anh đang mở ra trước mắt cô một không gian khác, những trải nghiệm khác và làm giàu lên những cảm xúc đang bị đóng hộp trong vòng tròn an toàn của cô. Cái vòng tròn mà nếu không có anh, hẳn cô đã không bao giờ có thể nhận ra.
    Định Mệnh là có thật
    Trớ trêu thay, đám cưới giả giữa sa mạc theo phong tục thổ dân Massai của Isa và Jean lại thành thật bởi anh trai Jean đã đi đăng kí cho họ ngay sau đó. Cực chẳng đã, chỉ còn một tuần nữa là tới ngày cưới với Pierre, Isabelle lại phải chạy tới Matxcơva để tìm Jean và làm mọi cách để anh chàng kí đơn li dị. Sự độc ác của Isa tăng thêm một bậc khi cô trở nên quá quắt phá hoại đồ đạc trong nhà Jean, làm cho anh bị rụng tóc, bêu xấu anh trước mặt những người quen có địa vị của anh, thậm chí giả vờ mình bị điên khi dựng lên một người bạn tưởng tượng vô hình.

    Trái ngược với những gì Isabelle mong muốn, Jean hoàn toàn bình tĩnh và lượng thứ cho tất cả những trò điên khùng của vợ, người mà anh thật sự yêu thương và cảm thông. Chỉ cho tới khi vô tình phát hiện ra toàn bộ sự việc do một sơ hở của Isa, Jean đã vô cùng sụp đổ. Jean lặng lẽ kí vào đơn li hôn, không một lời trách cứ. Hành động ấy của anh khiến Isa bừng tỉnh, nhào theo anh giải thích. Thay vì nhìn nhau như kẻ thù thì họ bỗng trở thành bạn trong vòng 24 giờ trước khi Isa trở về Paris với Pierre. 

    Một câu chuyện tình 10 năm liệu có kéo dài tới cuối đời? Một cuộc gặp tình cờ liệu có thể thay đổi số phận người ta 180 độ?

    Chỉ 24 giờ ấy, Jean đã mở rất nhiều cánh cửa trong Isa, cánh cửa của tự do, của sự phá cách, của những điên rồ cần có trong đời một con người. Anh thực hiện lời hứa mà Cha của Isabelle chưa kịp làm cho con gái trước khi ông qua đời, là đưa cô lên Mặt trăng theo cách của riêng anh.  

    Cuối cùng, như mọi câu chuyện cổ tích khác, cái kết đẹp vẫn sẽ hiện hữu và những bài học sẽ được rút ra. Isabelle nhận ra cô không thể sống như những gì đã được định trước. Vào thứ Hai, cô đổi món ăn mà cô và Pierre vẫn thường ăn. Vào thứ Ba, cô bỏ dở cuộc chơi bowling. Và cô tự hỏi có gì thay đổi không khi mà cô muốn họ ân ái vào Chủ Nhật hoặc một ngày nào khác chứ không phải là thứ Sáu hàng tuần như họ vẫn làm?

    Isabelle đối mặt với Pierre, thốt lên rằng “Em muốn được chạm chán với một con sư tử”. Rồi cô chạy tới với người đàn ông đã đưa cô lên Mặt trăng, người có thể xấu hơn cô, có thể ngớ ngẩn hơn cô nhưng là người có thể cởi bỏ cái vòng tròn an toàn và là người mà Định Mệnh đem đến cho cô.

    Hãy để Định Mệnh lên tiếng, việc của chúng ta là Yêu! 


  • Saint-Chamas không nổi tiếng như Arles hay Nîmes, hai thành phố lân cận với những công trình kiến trúc từ thời La Mã. Thế nhưng, thành phố nhỏ bên bờ Ao Berre (Etang de Berre) lưu nhiều vết tích có từ thế kỷ I trước Công nguyên, trong đó có giai đoạn những người lính thợ Đông Dương đến làm việc ở Nhà máy Thuốc súng (La Poudrerie de Saint-Chamas), thành lập năm 1690 và hiện là khu bảo tồn thiên nhiên.

    Còn Ao Berre, từng nổi tiếng ô nhiễm vì những khu công nghiệp, giờ là lá phổi xanh cho những ngôi làng lân cận.

    Giống như nhiều địa phương nhỏ khác ở Pháp, Saint-Chamas có một tòa thị chính, một bảo tàng, khu cảng cổ, những hàng cà phê dưới tán cây tiêu huyền. Thế nhưng, qua lời kể của ông Jacques Lemaire, một nhà giáo nghỉ hưu và đóng vai trò lớn trong nhiều hoạt động của thành phố, mỗi ngóc ngách đều có một bí mật, bắt đầu từ sự tích và cách đọc tên gọi Saint-Chamas.
    Thành phố biển hình thành cạnh núi đá vôi
    Ấn tượng đầu tiên có lẽ là những ngôi nhà được đào trong vách đá đối diện bến cảng ở Ao Berre. Nếu may mắn, du khách có thể đặt được phòng trong những ngôi nhà độc đáo đó và có thể phóng tầm mắt ra khắp Ao Berre rộng lớn. Ông Jacques Lemaire giải thích :

    “Vách đá chủ yếu hình thành từ dạng cát hóa thạch và đá vôi. Ngày xưa, đồi trườn ra sát Ao Berre nên cảng có rất nhiều chỗ cất trữ hàng hóa. Vào khoảng năm 1600-1610, người dân xin phép tổng giám mục Arles quản lý khu vực Saint-Chamas đào hầm trong đồi để làm kho hàng. Vì khu hầm thấp nhất không đủ chỗ, nên họ lại xin phép đào thêm một tầng ở trên cao, thậm chí là thêm cả tầng ba. Vì đào nhiều quá nên hầm bị sập do đất đồi rất bở và dần dần tạo thành vách như chúng ta thấy hiện nay. Sau đó, người dân Saint-Chamas thấy rằng nếu đi vòng qua quả đồi và đào ở phía bên kia đồi, thì có thể vào được kho của họ. Thế là họ làm. Từ thời đó, vào khoảng giữa thế kỷ 18, Saint-Chamas có những ngôi nhà trong hang rất đặc biệt.

    Theo tôi biết, ở châu Âu có duy nhất một ngôi làng nhỏ ở Tây Ban Nha có những ngôi nhà xuyên đồi, từ bên này sang bên kia như thế này. Thực ra ở vùng Vaucluse và Val de Loire vẫn có những công trình xây trong núi, nhưng chỉ dành làm kho. Còn ở Saint-Chamas, đó là kiểu hành lang xuyên từ đông sang tây, phóng được tầm mắt ra khắp khu vực Ao Berre với quang cảnh tuyệt vời nhìn từ trên cao.

    Có thể thấy ban đầu đó chỉ là những nhà kho, tinh chế dầu, sau đó bị bỏ hoang rồi người nghèo đến ở trái phép. Khoảng 60 năm trở lại đây, những ngôi nhà trong hang đã trở thành mốt. Hiện giờ có hai chủ sở hữu cho thuê phòng du lịch ở đây”.

    Dãy đồi chia Saint-Chamas thành hai khu vực : khu phố Delà, bên kia đồi với nhà thờ, tòa thị chính và khu Pertuis nằm sát cảng. Đoạn đường dọc chân vách đá với những ngôi nhà trong hang trên cao dẫn đến một quảng trường nhỏ, nơi có thể nhìn thấy ngay Cầu Đồng hồ (Pont de l’Horloge) dài 62 mét và cao 23 mét. Đây là công trình “hai trong một” : Cầu cạn và tháp đồng hồ, được xây ở hai thời điểm khác nhau. Cầu được xây sau tai nạn sập đồi và bịt luôn đường hầm nối hai khu vực. Ông Jacques Lemaire giải thích :

    “Người dân mỗi lúc lại muốn có thêm chỗ, thế là họ lại đào. Cùng với đường hầm nối trung tâm thành phố đến cảng, rồi đường dẫn nước tưới chạy ở phía trên gây thấm ẩm, những công trình của người dân làm bên trong quả đồi lỗ chỗ như miếng pho mát gruyère, thế là tất cả bị sập tháng 12/1863. Vì ở gần đó có cây cầu Flavien có từ thế kỷ I trước Công nguyên, cho nên người kiến trúc sư muốn làm một dự án đẹp mắt một chút.

    Sau đó, họ phải tìm phương tiện để chuyển đống đất đá đi. Chúng ta biết là vào lúc đó chỉ có xe cút kít, ngựa và lừa để vận chuyển. Nhà máy thuốc súng tỏ ra quan tâm và nhận hết mấy nghìn mét khối đất đá để đổ ra Ao Berre, mở rộng diện tích nhà máy. Quá trình xây dựng mất tầm 2 năm cho đến khoảng năm 1867, cây cầu cạn bắt đầu hoạt động”.
    Từ thành phố công nghiệp ô nhiễm đến khu bảo tồn thiên nhiên
    Ngay sát cầu có cầu thang dẫn lên trên để ngắm toàn cảnh thành phố trải đến Ao Berre và có thể tản bộ dưới tháp đồng hồ, được xây vài chục năm sau đó. Tháp đồng hồ cũng có câu chuyện độc đáo riêng :

    “Cho đến những năm 1900, đồng hồ luôn gắn với nhà thờ và được coi là dấu hiệu của Công Giáo. Ở Pháp, thời kỳ đó có ý nghĩa quan trọng, người ta nói đến thế tục hóa, nói đến nền Cộng hòa tách hoàn toàn khỏi Công Giáo, đó cũng là thời kỳ ra đời của đạo luật 1905 nổi tiếng. Vì thế, người dân Saint-Chamas, nhất là công nhân ở nhà máy thuốc súng, yêu cầu phải có một tháp đồng hồ Cộng Hòa. Vấn đề ở chỗ : Đặt ở đâu ? Họ đề nghị xây ở trung tâm làng, gần lối vào nhà máy thuốc súng cạnh đó. Đồng hồ được lắp năm 1902 và khánh thành ngày 04/09 cùng năm, đúng ngày kỷ niệm thành lập Đệ Tam Cộng Hòa”.

    Trên đồng hồ khắc hai chữ “RF” nhưng hai chữ này cũng là chủ đề tranh luận một thời gian :

    “Đồng hồ đó do một chủ doanh nghiệp làm ra. Ông ấy là hậu duệ của một người Ý nhập cư mang họ Ramela và tên là François, vì thế mà trùng với hai chữ cái đầu. Con cháu của người này vẫn nói : Đó là hai chữ cái viết tắt tên của ông chúng tôi ! Nhưng thực ra đó là hai chữ cái đầu của République Française (Cộng Hòa Pháp)”.

    Ông Jacques Lemaire như một cuốn từ điển sống về lịch sử thành phố. Người giáo viên ở miền bắc Pháp phải lòng với cô gái miền nam và về “ở rể” ở Saint-Chamas. Chính người bố vợ Paul Lafran đã truyền cảm hứng cho ông, bắt đầu từ khảo cổ rồi đến lịch sử thành phố và hệ sinh thái. Tất cả các bộ sưu tập của ông Paul Lafran được bảo quản trong bảo tàng mang tên ông. Bảo tàng cũng là một công trình độc đáo, nằm trong lòng đồi.

    “Chúng ta đang đứng ở tầng trệt của bảo tàng Paul Lafran, bố vợ quá cố của tôi. Ban đầu, ông lập bảo tàng về khảo cổ, nhưng sau đó các bộ sưu tập ngày càng được mở rộng. Tiếp theo chúng tôi được quyền sử dụng một cơ sở khá lớn, trước đó là trụ sở của Phòng Du lịch. Chúng tôi chọn gian phòng mộc mạc này, với những xà đỡ xung quanh, để trưng bày các bộ sưu tập tạm thời. Chúng tôi ưu tiên các họa sĩ địa phương, sống ở Saint-Chamas, Miramas hoặc trong bán kính 10 km, để giới thiệu họ với công chúng.

    Tầng phía trên là bảo tàng giúp khách tham quan khám phá thêm những bộ sưu tập của chúng tôi, như khảo cổ học, dân tộc học, trong đó có một phần nói về lịch sử nhà máy thuốc súng và những ký ức kết nối thành phố chúng tôi với những người Việt đã sống ở đây, như bản ma-két chiếc thuyền buồm do ba người thợ Việt Nam đóng. Chúng tôi có một bức tranh chân dung, mà tôi xin gọi là của “một thanh niên Đông Dương” do họa sĩ René Seyssaud nổi tiếng thế giới vẽ. Ông là người vùng Provence và được cho là nhà tiên phong của trường phái Dã thú. Ở tầng 3 còn có nhiều tác phẩm khác của René Seyssaud và của một số họa sĩ theo trường phái này”.
    Dấu ấn của lính thợ Đông Dương trong Nhà máy thuốc súng Saint-Chamas
    Những người lính thợ Đông Dương là lực lượng quan trọng cho hoạt động của Nhà máy Thuốc súng Saint-Chamas trong hai cuộc Thế Chiến. Ông Jacques Lemaire nhớ lại, khi mới chuyển đến sống tại đây, “tôi nhìn thấy nhà máy hoạt động, ống khói nhả nghi ngút”, giờ là công viên xanh mướt mắt, ngập tiếng ve vào mùa hè.

    “Toàn bộ khu công viên, trước là nhà máy thuốc súng có diện 137 hecta. Khi mới thành lập chỉ có 1,5 hecta, nằm gần Saint-Chamas. Nhà máy sau đó được mở rộng khi chuyển sang sản xuất chất nổ và phải tách các tòa nhà, xa nhau nhất có thể, vì nếu một khu bị nổ thì không ảnh hưởng đến những khu khác. Chuyện đó đã xảy ra năm 1936. Vụ nổ đã gây rất nhiều thiệt hại cho những khu khác. May là họ dập được khi lửa mới chớm lan sang các dãy nhà khác”.

    Nhà máy đóng cửa năm 1974, sau đó được Viện bảo tồn duyên hải (Conservatoire du littoral) mua lại năm 2001. Khu công nghiệp nổi tiếng ô nhiễm một thời, giờ trở thành nơi cư trú của nhiều loài chim hiếm.

    “Trong công viên còn lại một dãy nhà ghép và một tòa nhà khác. Đó là những máy nghiền bột cũ, may mắn được giữ lại. Viện bảo tồn duyên hải trùng tu một phần và bên trong, họ dựng hai mô hình để khách tham quan có thể hình dung. Sau năm 1830 thì có hệ thống đá mài lớn nên khối lượng nhiều hơn. Và kể từ những năm 1880, nhà máy sản xuất thuốc nổ”.

    Chỉ vào những bệ đá lớn, lỗ chỗ bên trong, ông Jacques Lemaire bảo “vẫn đùa với khách du lịch rằng đây là những miếng pho-mát gruyère hóa thạch. Đó là bệ của các bể chứa axit sunfuric, axit ditric và nitric”.

    Theo ông Jacques Lemaire, nếu đi hết những lối mòn trong công viên sẽ mất khoảng 10 km. Chặng đường không chỉ đưa khách tham quan đến với thiên nhiên mà còn là hành trình khám phá lịch sử. Trong công viên có bia tưởng nhớ nạn nhân hai vụ nổ ở Nhà máy thuốc súng. Xưởng 104 bị nổ chiều ngày 16/11/1936 khiến 53 người chết và hơn 200 người bị thương. Bốn năm sau, ngày 04/04/1940, một vụ nổ khác làm 11 người chết.

    Công lao của những người lính thợ Đông Dương trong Thế Chiến II được ghi trên bia gắn trên tường bảo tàng trong công viên. Theo dự kiến, một tấm bia khác ghi công những người lính thợ Đông Dương trong Thế Chiến I được gắn bên cạnh vào cuối năm 2022.


  • Điện Biên Phủ khép lại một thế kỷ Trung Quốc dưới ba « triều đại » khác nhau đẩy Pháp ra khỏi Đông Dương (Việt Nam, Lào và Cam Bốt). Trong cuốn Nouvelle histoire de l’Indochine française – Chuyện mới về Đông Dương thời Pháp thuộc - NXB Perrin, dưới góc độ địa chính trị, nhà sử học François Joyaux trở lại với giai đoạn 1858-1954, thời kỳ mà bằng mọi cách, Bắc Kinh « đẩy bật » Paris ra khỏi Đông Dương, một « vùng đệm » đối với an ninh của Trung Quốc.

    Trong lời tựa, giáo sư François Joyaux đã viết « Nouvelle histoire de l’Indochine française – Chuyện mới về Đông Dương thời Pháp thuộc hoàn toàn có thể được xuất bản dưới tên gọi Một Trăm Năm xung đột Pháp-Trung, 1858 - 1956 ». Bởi giai đoạn lịch sử đó không chỉ liên quan đến một quốc gia có chính sách thực dân với những nước bị đô hộ mà chiến tranh Đông Dương là « một cuộc xung đột giữa Pháp và Trung Quốc » trong bối cảnh địa chính trị nhiễu nhương từ cuối thế kỷ XIX cho đến gần hết thập niên 1950, khi những người lính Pháp cuối cùng rời khỏi vùng thuộc địa ở Viễn Đông này năm 1956.

    François Joyaux là tác giả của khoảng một chục công trình nghiên cứu về Đông Dương, về Trung Quốc và quan hệ quốc tế tại Châu Á. Trong đó có cuốn La Chine et le règlement du premier conflit d'Indochine (Genève, 1954) -Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất  (Genève, 1954), phát hành năm 1979 - Publications de la Sorbonne. 

    Có gì « mới » trong Nouvelle histoire de l’Indochine française ? Hay điều thú vị nhất là giáo sư Joyaux đưa độc giả ngược thời gian trở về với biến cố đã khép lại từ gần 7 thập niên qua để hiểu được những nước cờ của Trung Quốc về địa chính trị hiện tại : từ trên vấn đề Đài Loan đến đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, qua cách cư xử của Bắc Kinh với các nước láng giềng trong khu vực ?

    Chuyện mới về Đông Dương thời Pháp thuộc gồm 7 phần, tuần tự theo thời gian, từ khi người Pháp yên vị ở Nam Kỳ - Cochinchine cho đến « Hồi kết của xung đột Pháp – Trung ».

    Nam Kỳ, địa bàn để từng bước đến sát gần Trung Quốc

    Trong cuộc nói chuyện giành cho RFI Việt ngữ, giáo sư François Joyaux đã trở lại với những ngày đầu Pháp bắt rễ vào Nam Kỳ và « mon men » tiến gần đến bờ cõi của Trung Quốc. 

    François Joyaux : « Pháp từ Nam Kỳ đã đi ngược lên thượng nguồn sông Mêkông. Thời đó người ta nghĩ rằng con sông bắt nguồn từ Trung Quốc là một con đường giao thương huyết mạch, dễ dàng tiến vào khu vực nam Trung Quốc. Nhưng sông Mêkông không là cửa ngõ dẫn vào các khu vực ở phía nam Trung Quốc. Dần dần Pháp càng lúc càng quan tâm nhiều hơn đến các vùng ở phía bắc, mà trong đó có Bắc Kỳ (Tonkin). Đây đương nhiên không thuộc về Trung Quốc, nhưng giáp ranh với Trung Quốc và nhà Mãn Thanh thời đó xem đây là một vùng đệm, bảo đảm cho an ninh của Trung Quốc, cho các tỉnh ở miền nam Trung Quốc. Thành thử Pháp càng mở rộng ảnh hưởng đến Bắc Kỳ, đến phía bắc Đông Dương, kể cả tại Lào, những quyền lợi của Trung Quốc càng bị đe dọa. Từ đó nảy sinh những mối xung khắc và đến khoảng năm 1880 thì những xung đột lợi ích đó dẫn tới chiến tranh ».
    « Yên vị một cách vững chắc tại Đông Dương - được mở rộng sang Lào (…) từ sau 1893, tham vọng của Pháp không ngừng thúc đẩy mục tiêu thiết lập một vùng ảnh hưởng rộng lớn ở khắp phía nam Trung Quốc » (tr. 131).
    François Joyaux : « Nhìn vào các đường biên giới hiện tại của Trung Quốc, các tỉnh thành bao quanh quốc gia này, xưa kia là những quốc gia độc lập. Tôi muốn nói đến Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông… Tất cả những vùng đất độc lập đó đã bị Trung Quốc xâm chiếm. Ở biên giới phía nam, Trung Quốc quan niệm, vì lý do an ninh của chính Hoa Lục, cần phải có được những vùng đệm (glacis de sécurité). Trung Quốc hoàn toàn có thể chấp nhận Bắc Kỳ được đặt dưới sự quản lý của triều đình Huế, khi đó là một nước chư hầu. Nhưng khi Pháp quản lý Bắc Kỳ và trở thành ‘láng giềng sát cạnh’, đương nhiên Trung Quốc xem đấy là một mối đe dọa : ngay bên cạnh Trung Quốc là một đế quốc. Và đúng là như vậy : một khi cắm rễ vào Bắc Kỳ và Lào, nhưng chủ yếu là ở Bắc Kỳ, Pháp đã có tham vọng mở rộng ảnh hưởng vào các vùng lãnh thổ miền nam Trung Quốc, chẳng hạn như Vân Nam. Dự án đường sắt nối liền Hải Phòng, Hà Nội với Vân Nam hồi đầu những năm 1900 là bằng chứng rõ rệt nhất về tham vọng của Pháp, chủ yếu là của toàn quyền Paul Doumer, muốn mở rộng ảnh hưởng đến khu vực miền nam Trung Quốc ».

    Sự hiện diện của một « đế quốc thuộc địa ở sát cạnh » là điều không thể chấp nhận và đó là kim chỉ nam trong chính sách an ninh của Trung Quốc bất luận dưới chế độ nào đi chăng nữa.
    « Tưởng Giới Thạch (quãng năm 1924), trên hồ sơ Đông Dương đi theo con đường của Tôn Dật Tiên : Pháp không có chỗ đứng ở đây và đến một lúc nào đó phải đuổi (đế quốc thuộc địa này ra khỏi khu vực) (…) Từ chế độ quân chủ cho đến Trung Hoa Dân Quốc, Trung Quốc vẫn nhất quán trong chính sách về Đông Dương ». (tr. 236)  
    François Joyaux : « Kiểm soát Sông Hồng, con sông đi từ vịnh Bắc Bộ sang Vân Nam, Trung Quốc coi đó là một mối nguy hiểm nếu như người nước ngoài có thể thâm nhập vào Trung Quốc qua ngả này. Thành thử Trung Quốc dưới thời đại nào đi chăng nữa, tức là dưới thời nhà Thanh, Trung Hoa Dân Quốc hay Cộng Sản thì cũng vậy thôi : Trung Quốc vẫn là Trung Quốc, địa lý của Trung Quốc không thay đổi theo các chế độ cầm quyền. Đấy đơn giản là điều bất di bất dịch. Đây đơn thuần là một vấn đề địa lý và chính trị ».

    Dưới một chế độ quân chủ, thời đại Quốc Dân Đảng hay khi đảng Cộng Sản giành được chính quyền, khác biệt duy nhất có lẽ là tương quan lực lượng giữa quyền lực tại Bắc Kinh và Paris. 

    François Joyaux : « Dưới thời Trung Hoa Dân Quốc đã có nhiều thay đổi. Từ thập niên 1930, mối lo ngại chính của bên Quốc Dân Đảng là Nhật Bản. Họ đã phải cân nhắc, giữa hai mối đe dọa là Pháp và Nhật. Điều đó có nghĩa là trước hết phải đối đầu với Nhật, nhưng tránh để Nhật Bản lợi dụng biến Đông Dương thành địa bàn để từ đó mở chiến dịch tấn công Trung Quốc từ phương nam. Do vậy trong một thời gian, đảng cầm quyền là Quốc Dân Đảng, ngoài mặt khẳng định là ‘đồng minh’ của Pháp, nhưng thực ra ở bên trong, thì đã âm thầm có những tính toán thâm độc ngay với chính đồng minh này. Ví dụ như là Trung Quốc ngấm ngầm ủng hộ Quốc Dân Đảng của Việt Nam, một tổ chức rập khuôn từ Trung Quốc Quốc Dân Đảng. Quốc Dân Đảng của Việt Nam là một phong trào bài thực dân, bài Pháp ».

    Năm 1949 đảng Cộng Sản của Mao Trạch Đông giành được chính quyền, một bước ngoặt trong xung đột ở Đông Dương :

    François Joyaux : « Trung Quốc và Pháp thuộc hai khối Tây Phương và khối Cộng Sản trong thời kỳ chiến tranh lạnh, bắt đầu hình thành từ 1949-1950. Đó cũng là thời điểm khai sinh Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Nhưng một lần nữa, Bắc Kinh lại bắt buộc phải thận trọng bởi vì Trung Quốc đã phải can thiệp trên nhiều hồ sơ khác, như là tại chiến tranh Triều Tiên. Cuộc chiến này bắt đầu từ năm 1950. Đó cũng là thời điểm Trung Quốc thâu tóm Tây Tạng năm 1950/1951. Những sự kiện đó xảy ra cùng một lúc. Thế rồi còn có vấn đề Đài Loan. Chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ bị chia trí và Trung Quốc coi Mỹ là mối đe dọa chính. Trong bối cảnh đó giành lại quyền kiểm soát vùng Đông Dương của Pháp đồng nghĩa với việc giành lại quyền kiểm soát vùng đệm ngay sát cạnh bờ cõi của mình ».  
    Tương quan lực lược nghiêng về phía Bắc Kinh
    Trong khi đó, phía Pháp phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc, mà quan trọng nhất có lẽ là những bất ổn về chính trị và những rạn nứt với đồng minh Hoa Kỳ :
    « Tháng 8 năm 1945, Mỹ vẫn từ chối để quân của tướng Alessandri quay lại Bắc Kỳ. Việt Minh chắc hẳn đã đánh giá cao sự “trợ giúp” này của Mỹ » (tr. 300)
    François Joyaux : « Trước hết có thể nói thế yếu của Pháp xuất phát từ khi thua trận năm1940, đầu hàng Đức Quốc Xã. Kế tới, đồng minh của Pháp là Mỹ mà Washington thì dứt khoát không muốn Paris quay trở lại Đông Dương. Đó là một bất lợi thứ hai. Bất lợi thứ ba của Pháp là từ năm 1945 trở đi, phải dành ưu tiên tái thiết đất nước sau Thế Chiến Thứ Hai. Đông Dương bị đẩy vào hàng thứ yếu. Cuối cùng, một khi chiến tranh bắt đầu mở rộng, Pháp không còn khả năng đài thọ cuộc chiến đó như một thế kỷ trước, dưới thời Đệ Tam Cộng Hòa. Vào những năm 1950, Pháp hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ tài chính của Mỹ. Như đã nói, Mỹ không muốn Pháp quay lại Đông Dương. Tựu chung, rõ ràng là Pháp trong thế yếu với kết cuộc là thất bại quân sự ở Điện Biên Phủ ».
    Đông Dương, sân chơi cho cuộc đối đầu của bên Cộng Sản Trung Quốc và Mỹ« Mồng 2 tháng 3 năm 1947 tổng thống Truman đọc diễn văn trước Quốc Hội và đã tuyên bố giờ đây Hoa Kỳ có nhiệm vụ “duy trì tự do cho các quốc gia trên thế giới, bảo vệ những quốc gia này trước đà tiến của quân cộng sản” (…) Ngày 22 tháng 12 năm 1947, nhật báo cộng sản L’Humanité chạy tựa : “Washington áp đặt chính sách của Pháp tại Việt Nam” » (tr. 351/352)
    Trận Điện  Biên Phủ năm 1954 :
    «  Điện Biên Phủ là một thắng lợi của phe xã hội chủ nghĩa trước phe phương Tây, đồng thời là chiến thắng của Việt Minh, mà qua đó là của những người cộng sản Trung Quốc đối với Pháp. Đương nhiên đây là một bước tiến của phe cộng sản ở Đông Nam Á, nhưng cũng là lúc Trung Quốc phục thù sau một thế kỷ bị lu mờ vì sự hiện diện của Pháp ở Đông Dương » (tr. 363).  
    François Joyaux : « Trung Quốc gặt hái được thắng lợi tại Genève đơn giản vì đã thắng trận Điện Biên Phủ. Trong cuốn sách này tôi muốn chứng minh rằng, xương máu người Việt Nam đã đổ trên trận địa. Những người chết là người Việt Nam và Pháp, nhưng đứng đằng sau, để vạch ra chiến thuật cho trận đánh này là Trung Quốc và nhất là viện trợ quân sự chủ yếu là của Trung Quốc mang tính quyết định. Ban tham mưu cũng của Trung Quốc. Trên trận địa Điện Biên Phủ, Trung Quốc trong thế mạnh, thành thử ở Genève, đương nhiên Trung Quốc chiếm thế thượng phong ngay cả về mặt ngoại giao. Hoàn toàn hợp lý khi mà kết quả tại hội nghị Genève có lợi cho phía Trung Quốc và tương đối bất lợi cho phe Việt Minh. Chẳng vậy mà sau đó, đảng Cộng Sản Việt Nam đã giải thích một cách chi tiết rằng họ đã bị Trung Quốc phản bội ở hội nghị Genève. Chỉ cần mở lại Sách Trắng của chính quyền miền Bắc Việt Nam thời kỳ mà Việt Nam còn bị phân chia, và sau đó là Sách Trắng của Hà Nội khi nổ ra chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979 - khi đó thì Việt Nam đã được thống nhất cũng thấy được điều này. Xin mở ngoặc : cuốn sách của tôi viết về quá trình giải quyết xung đột Đông Dương* tại Genève đã được dịch sang tiếng Việt chính vì tôi giải thích về áp lực của Trung Quốc đối với Việt Minh. Áp lực đó mạnh đến nỗi chính quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam khi đó phải từ bỏ một số yêu sách, từ bỏ một số quyền lợi. Sau khi thống nhất đất nước và mãi cho đến tận năm 1979, Việt Nam vẫn hận Trung Quốc về những áp lực này ». 
    Đàm phán theo ý mình, Trung Quốc cần một thắng lợi ở Đông Dương 
    Ở trang 389, François Joyaux trích Hồi Ký của Khroutchev, NXB Robert Laffont năm 1971 : « Khroutchev viết về hội nghị Matxcơva, tháng 4/1954 quy tụ Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô trước hội nghị Genève : ‘Đồng chí Hồ Chí Minh nói với tôi rằng tình thế ở Việt Nam tuyệt vọng và nếu chúng ta không đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, Việt Nam không thể cầm cự được lâu so với Pháp. Hệ quả kèm theo, họ đã quyết định lùi về phía biên giới Việt – Trung vì nếu cần họ muốn Trung Quốc sẵn sàng đưa quân sang Việt Nam như đã làm ở Bắc Triều Tiên’».

    Giáo sư Joyaux giải thích : cũng chính vì tình thế quân sự của Việt Nam tệ hại cho nên Trung Quốc muốn đạt được một « thắng lợi nhất thời » để chiếm được thế mạnh, mở đường cho một cuộc đàm phán với Pháp theo « ý mình ».

    Chiến thắng đó « nhất thời » đó là trận Điện Biên Phủ và cũng vì Điện Biên Phủ mà « Việt Minh lệ thuộc vào Trung Quốc hơn bao giờ hết ». Về phần mình, Trung Quốc đã can thiệp bởi vì phe Hồ Chí Minh mà thua ở trận này, thì « thất bại đó sẽ đem lại nhiều hậu quả tiêu cực cho chính Trung Quốc. Việt Minh đến Genève trong thế yếu, còn Trung Quốc thì trong thế mạnh » (tr. 390).

    -----

    * La Chine et le règlement du premier conflit d'Indochine (Genève, 1954) - Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (Genève, 1954), Publications de la Sorbonne (1979). Sách được dịch sang tiếng Việt năm 1982.


  • Thành phố Paris chi hàng trăm triệu euro để khuyến khích sử dụng xe đạp, xây dựng làn đường riêng và một số chính sách khác để đạt mục tiêu “Paris 100 % xe đạp” vào năm 2026. Tuy nhiên, tham vọng sinh thái này gặp phải nhiều bất cập, nhất là tại đô thị lớn như Paris.   

    Tại một trong những ngã tư đông đúc ở Paris, trục giao giữa phố Rivoli và đại lộ Sebastopol, dòng xe cộ, từ xe máy xe đạp, ô tô cho đến xe trượt điện (trotinette) chen chúc nhau, luồn lách, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Có những xe không đỗ lại kịp trước khi đèn chuyển sang màu đỏ, đỗ giữa đường, hoặc cố tình đi tiếp. Đó là trường hợp của một thanh niên đi xe đạp, cố sang đường và đâm vào đầu xe buýt. Do di chuyển chậm nên có vẻ như vụ tai nạn không nghiêm trọng, người thanh niên xách xe đạp lên vỉa hè nhường đường, tránh cản trở giao thông. Dường như đây không phải là cảnh hiếm gặp ở Paris.    
    “Cuộc đời tôi có thể chấm hết bất cứ lúc nào”  
    Cô Lou D., một cư dân ở Paris, thích di chuyển ngoài trời thay vì đi các chuyến tàu điện ngầm đông đúc, tuy nhiên đi xe đạp ở Paris không phải lúc nào cũng có thể thư giãn, tận hưởng thiên nhiên. Cô cho biết :  

    “Thật sự là đi xe đạp ở Paris rất căng thẳng, vì các làn xe đạp quá nhỏ so với số lượng xe đạp đi qua. Mặc dù thành phố đã cải thiện, xây nhiều làn đường riêng. Tuy nhiên có điều mà tôi thấy khá lo đó là cửa ô tô, những ô tô đỗ ngay lề đường. Chỉ cần ai vô tình mở cửa xe và không chú ý. Lúc đấy thì vào viện ngay lập tức và trường hợp này đã xảy ra với nhiều người. Hơn nữa ở Paris có quá nhiều đèn đỏ và nhiều phương tiện đi lại. Vì vậy nên lúc nào cần phải cảnh giác cao độ. Có những lúc tôi mệt, là tôi có thể ngã xe, và lúc đấy tôi nghĩ là cuộc đời tôi có thể chấm hết bất cứ lúc nào, mặc dù tôi cũng đội mũ bảo hiểm.”  

    Trên tuyến đường phố Rivoli dài 3 km, một nửa diện tích đường đã được chia đôi, để dành riêng cho xe đạp. Ngay bên cạnh tòa thị chính Paris, máy tính lượt xe đạp qua lại, nhìn từ xa thì trông giống như máy bắn tốc độ, được lắp đặt từ năm 2019. Đây không phải là máy đo lượng xe đạp qua lại duy nhất ở Paris, nhưng được lắp đặt ở vị trí mang tính biểu tượng cho chính sách khuyến khích sử dụng xe đạp của thành phố. Tính đến đầu năm 2022 đến giữa tháng 05/2022, hơn 1 033 781 lượt xe đạp đi qua tuyến đường này. Chỉ riêng ngày 11/5, máy đo hiển thị gần 9000 lượt xe đi qua.   
    Người đi xe đạp tiếp tục gia tăng  
    Vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19, bùng nổ, số lượng người đi xe đạp tăng đáng kể. Theo số liệu của Thành phố Paris, các máy đo lượng xe đạp lưu thông ghi nhận tăng 120 % , doanh số của các cửa hàng bán xe đạp cũng tăng thêm 117 % so với năm 2019. Loại xe đạp công cộng cho thuê Vélib ghi nhận hơn 40 triệu chuyến đi.     

    Trả lời RFI Tiếng Việt, đại diện truyền thông của tổ chức phi chính phủ Mieux se Déplacer à Bicyclette (tạm dịch là Di chuyển bằng xe đạp thuận tiện hơn) Aymeric Cotard cho biết :   

    “Rất nhiều người đã chuyển sang dùng xe đạp để di chuyển trong hai năm qua, 2020-2022 vì nhiều người trong số họ vẫn còn lo lắng khi sử dụng các phương tiện công cộng. Mặc dù hiện nay dịch bệnh dường như đã được đẩy lùi, tuy nhiên những người này vẫn tiếp tục giữ thói quen di chuyển bằng xe đạp. Ngay cả khi phong toả chấm dứt, chúng tôi có thể thấy là số người sử dụng xe đạp vẫn tăng cao. Tôi cho rằng nếu như thành phố xây dựng thêm các làn đường dành riêng cho xe đạp, như là các làn đường đã hoàn thiện vào mùa xuân 2020, chúng ta sẽ thấy càng nhiều người đi xe đạp hơn nữa.”    

    Trên thực tế, theo ông Cotard, số người đi xe đạp ở Paris đã gia tăng trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, dù không phải là con số quá cao. Cụ thể là vì thành phố Paris đã đưa ra kế hoạch 5 năm đầu tiên, từ 2015-2020, đầu tư 150 triệu euro để xây dựng khoảng 700 – 1000 km làn đường dành cho xe đạp trong thành phố. Mục tiêu là giảm lưu lượng xe ô tô di chuyển trong thủ đô, và giảm ô nhiễm không khí.     
    Tham vọng Paris 100 % xe đạp   
    Khi chứng kiến số lượng người sử dụng xe đạp tiếp tục ra gia tăng, thành phố đưa ra một kế hoạch 5 năm mới, từ 2021-2026, trị giá 250 triệu euro. Và lần này, Paris hướng đến một mục tiêu lớn hơn. Xây dựng thêm hơn 700 km đường dành cho xe đạp và nhiều chỗ đỗ xe, an toàn hơn. Ngoài ra, còn có các gói hỗ trợ tài chính cho người dân Paris, muốn đầu tư mua xe đạp hay phát triển hình thức du lịch bằng xe đạp. Thị trưởng thành phố Paris Anne Hidalgo hứa hẹn, “từ nay đến 2024, khi Paris đăng cai tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè, 100 % các tuyến đường tại Paris có đường riêng cho xe đạp”.   

    Tuy nhiên tham vọng này không khỏi khiến nhiều người nghi hoặc, khi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Paris chỉ hoàn thành hơn một nửa mục tiêu đặt ra (56%), trong đó 14% các tuyến đường xe đạp đã hoàn thiện nhưng không đạt yêu cầu. Đại diện truyền thông của tổ chức Mieux se déplacer à Bycyclette cho biết :   

    “Hiện rất nhiều làn đường đã chật kín (saturé). Có những nơi xe đạp di chuyển còn nhiều hơn cả ô tô tại một số khung giờ, nhất là giờ cao điểm, khi mọi người đi làm, hoặc trở về nhà. Cụ thể là đại lộ Voltaire và đại lộ Sébastopol, giao với phố Rivoli. Trên đại lộ Sépastopol, chúng tôi hy vọng thành phố sẽ sớm mở làn đường xe đạp thứ hai, tức là có hai chiều thay vì làn một chiều như hiện nay. Như vậy sẽ tránh khỏi cảnh xe đạp chen chúc, tắc nghẽn.”    
    Những bất cập khó giải quyết   
    Người đi xe đạp tại Paris còn phải thường xuyên đối mặt với tình trạng mất cắp xe đạp, và thiếu các nơi đỗ xe an toàn. “Tại Paris, một người bị tai nạn xe đạp, xe cứu thương chưa đến thì xe đạp đã mất”, một tin tức tưởng chừng như hài hước nhưng lại là một thực tế, người thật việc thật. Trang báo Actu17, chuyên đưa tin về pháp luật, cho biết, trong đêm 11/06/2022, một người đàn ông 27 tuổi bị thương nặng do ngã xe đạp khi di chuyển trên phố Rivoli. Trong lúc vẫn nằm trên đất đợi cứu hộ, xe đạp của anh đã không cánh mà bay.  

    Đối với những người đi bộ, kế hoạch đưa “Paris 100 % đi xe đạp” không hẳn là một điểm tích cực ở kinh đô ánh sáng. Phải kể đến cách thức di chuyển của nhiều lái xe hai bánh, không tôn trọng đèn giao thông, lượn lách trên vỉa hè mà một người đi bộ phàn nàn :   

    “Tôi năm nay 65 tuổi, Paris mà tôi biết trước kia đó là người ta đi làm bằng xe đạp, vì đó gần như là phương tiện di chuyển chính. Nhưng hiện giờ, người ta dùng xe đạp để đi dạo, thật là không chấp nhận được. Tại các đường một chiều, tôi không thể chấp nhận việc xe đạp có thể đi chiều ngược lại, thích đi thế nào cũng được, không tôn trọng chiều lưu thông. Tôi thì đi bộ, khi phải qua đường, giờ tôi phải chú ý nhìn trước sau ngang dọc, chú ý xe cộ và nhất là xe đạp, vì tôi không nghe thấy tiếng xe đến gần.”  

    Nhiều loại xe có gắn động cơ có thể di chuyển với tốc độ lên đến 30 km/h, ngang với tốc độ giới hạn đối với xe ô tô di chuyển trong Paris, tạo cảm giác thiếu an toàn cho người đi bộ. Pháp đưa ra một số quy định với người đi xe đạp, ví dụ như bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ dưới 12 tuổi. Người lớn có quyền lựa chọn đội mũ hay không, nhưng có thể bị phạt 135 euro nếu đeo tai nghe khi lái xe. Trong quý đầu của năm 2022, cảnh sát Paris đã lập 2400 biên bản xử phạt đối với người đi xe đạp, con số này cao gấp đôi so với năm 2021. Trong khi mà cách nay 10 năm, việc xử phạt người đi xe đạp vi phạm luật giao thông tưởng chừng như một câu đùa.     

    Nếu như mở thêm làn đường đối với xe đạp, tức là thu hẹp làn đường cho ô tô và các phương tiện khác. Xin nhắc lại là đây cũng chính là một trong những mục tiêu chính của Paris để giảm ô nhiễm không khí và làm xanh thủ đô. Vài năm trở lại đây, những lái xe ô tô đã gặp không ít cản trở, từ chứng chỉ mức độ ô nhiễm không khí của xe cho đến giới hạn tốc độ (dưới 30km/h). Các loại xe sử dụng dầu diesel sẽ bị cấm di chuyển trong thủ đô từ năm 2024. Theo ông Cotard, khá phức tạp để hướng tới một thành phố “không ô tô”, như ở Amsterdam, (Hà Lan) hay Copenhague ( Đan Mạch), nhưng Paris hoàn toàn có thể giảm số lượng ô tô. “Nhiều người vẫn sử dụng ô tô để di chuyển những quãng đường ngắn, ít hơn 5km, thậm chí là dưới 3km”, nhấn mạnh Améric Cotard. “Những chặng đường ngắn này hoàn toàn có thể thay thế bằng xe đạp”.   


  • Góp phần phục hồi các bộ phim thuộc di sản điện ảnh Việt Nam để giới thiệu cho công chúng Pháp và quốc tế, đó là mong muốn của nhà sản xuất và nhà phân phối phim người Pháp gốc Việt Trần Bích Quân mà chúng tôi đã có dịp gặp tại Liên hoan quốc tế điện ảnh châu Á Vesoul ( Festival international des cinémas d’Asie de Vesoul ) tại Pháp tháng 2 vừa qua.

    Trần Bích Quân đã được mời tham gia ban giám khảo Liên hoan Vesoul 2022 bởi vì bà là một trong số hiếm hoi những nhà phân phối phim ảnh châu Á tại Pháp. Công ty Dissidenz Films do chính bà lập ra cho tới nay đã giới thiệu đến công chúng Pháp một số phim châu Á, như 11.25 The day ho choose his day của đạo diễn Nhật Koji Wakamatsu, Pluto của đạo diễn Hàn Quốc Shin Su-won, hay Shadow days của đạo diễn Trung Quốc Triệu Đại Dũng ( Zhao Dayong )… 

    Dissidenz Films cũng đồng sản xuất một số phim và trong các dự án đồng sản xuất đó, có bộ phim Hoa Nhài của đạo diễn Đặng Nhật Minh, nói về thành phố Hà Nội.

    Trao đổi với RFI Việt ngữ, bà Trần Bích Quân trước hết nói về hoạt động của hãng phim Dissidenz Films

    “ Tôi đã thành lập hãng phim Dissidenz Films vào năm 2012, chủ yếu làm về phân phối phim, tức là mua bản quyền các phim để sau đó phân phối cho các rạp chiếu phim và các phương tiện truyền thông. Chúng tôi cố gắng phố biến nền điện ảnh châu Á với đầy đủ tính đa dạng của nó. Tại Pháp, hay châu Âu nói chung, rất thường khi người ta chỉ biết đến điện ảnh châu Á qua một vài tên tuổi lớn mà phim được chiếu ở những liên hoan như Cannes, Venise, Berlin và cứ nghĩ đó là những người tiêu biểu cho điện ảnh châu Á. Mà ngay cả khái niệm châu Á cũng được hiểu sai, người ta cứ nghĩ rằng Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam cũng như nhau. Mong muốn của chúng tôi là giới thiệu những sản phẩm điện ảnh khác nhau và những dòng điện ảnh khác nhau.”

    Nhưng không chỉ giới thiệu những tác phẩm mới, mong muốn của bà Trần Bích Quân là giới thiệu đến công chúng Pháp di sản điện ảnh của các nước châu Á, nhất là của Việt Nam. Nhưng theo giám đốc của Dissidenz Films, trước hết Việt Nam cần phải phục hồi các phim cũ:

    “ So với những nước khác, ví dụ như Hàn Quốc hay Nhật Bản, ở Việt Nam chưa có chính sách cụ thể về bảo tồn và phục hồi các phim. Vì lý do đó và cũng vì tôi là người Việt Nam, nên tôi rất muốn góp phần vào việc phổ biến di sản điện ảnh Việt Nam, nhưng trước hết phải góp phần phục hồi các phim đó thông qua việc hợp tác giữa Việt Nam với các hãng tốt nhất thế giới, bởi vì việc này đòi hỏi những những kỹ thuật, những công nghệ đặc biệt, những thao tác rất tỉ mỉ. 

    Ở Pháp hay Ý có những hãng rất nổi tiếng  chuyên về lĩnh vực này, chẳng hạn như Cineteca ở Bologna đã từng phục hồi các phim của những bậc thầy điện ảnh của nhiều nước như Nhật Bản, Ý hay Mỹ. Về mặt kinh tế, cũng như về mặt chất lượng nghệ thuật, rất cần những hợp tác quốc tế như vậy.

    Chúng ta có thể thu hình tiến trình phục hồi phim, để cho thấy người ta tiến hành việc này như thế nào. Như vậy sẽ làm phong phú thêm điện ảnh và văn hóa nói chung”.

    Theo bà Trần Bích Quân, có hai trường hợp. Hoặc là bản phim đó đã được phục hồi, bởi vì một số quốc gia có chính sách bảo tồn và phục hồi những bộ phim thuộc loại di sản điện ảnh và chính họ làm công việc phục hồi này. Trong trường hợp đó, hãng Dissidenz Films chỉ cần mua bản quyền của phim. Đối với những quốc gia không có chính sách bảo tồn và phục hồi các bộ phim cũ, tiến trình thương lượng sẽ mất nhiều thời gian hơn, vì phải tính đến việc đóng góp, bằng cách này hay cách khác, vào việc phục hồi, để sau này có thể phân phối các các phim đó.” 

    Đối với trường hợp của Việt Nam, theo bà Trần Bích Quân, việc phục hồi các phim thuộc di sản điện ảnh lại cần phải làm cấp tốc, bởi vì thời gian càng trôi qua, các phim đó càng có nguy cơ bị hư hỏng:

    “ Tôi đã bắt đầu thảo luận với phía Việt Nam về một số phim thuộc di sản điện ảnh Việt Nam. Đây là một quá trình lâu dài, phải làm việc nhiều cơ quan hành chính khác nhau: bộ Văn Hóa Việt Nam, Cục Điện Ảnh Việt Nam, Viện Phim, Hãng Phim Truyện Việt Nam. Phải làm sao có sự hợp tác giữa các cơ quan đó trong một khoản thời gian nhất định. Khó khăn là ở chỗ đó.

    Thời gian càng trôi qua, các phim đó càng có nguy cơ bị hư hỏng do thời tiết, do điều kiện bảo quản. Ngoài ra, một số đạo diễn càng lớn tuổi, thật đáng tiếc nếu họ không được tham gia vào quá trình phục hồi phim khi họ còn nói chuyện được”

    Đây là một công việc đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, rất tỉ mỉ, thủ công, mà chỉ có những hãng chuyên môn có thể làm được. Họ đã từng phục hồi các âm bản phim của các đạo diễn như Hầu Hiếu Hiền hay Martin Scorsese. Họ phải rất cẩn thận, bởi vì đó là những bản duy nhất còn trên thế giới. 

    Nói chung họ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nếu Việt Nam mà hợp tác được với các hãng châu Âu thì thật là tốt. Tôi đặc biệt nghĩ đến đạo diễn Đặng Nhật Minh, vì ông nói tiếng Pháp, biết nhiều về Pháp. Ta có thể xem như biểu tượng của tình hữu nghị Pháp-Việt việc phục hồi các phim của Đặng Nhật Minh, để đem đi giới thiệu tại các liên hoan điện ảnh danh tiếng như Cannes  

    Riêng về Đặng Nhật Minh, có hai phim mà tôi hy vọng có thể phổ biến đến công chúng Pháp nếu chúng tôi có thể phục hồi được:“ Bao giờ cho đến tháng Mười” và “ Cô gái trên sông”, cả hai đều là những phim rất hay. Ngoài ra còn có phim “Mùa ổi”. Ba phim này đều cần được giới thiệu cho công chúng Pháp trong những điều kiện tốt nhất, bởi vì đó là những phim đã ra đời cách đây hơn 20 năm.

    “ Phim “Mùa Ổi” đã phân phối ở Pháp cách đây 20 năm. Đây là phim đã được bảo tồn trong điều kiện tốt hơn hai phim kia. Nhưng sau 20 năm, phim được xem là di sản điện ảnh và phim đã cũ đi rất nhiều so với lần đầu tiên được chiếu ở rạp. Hơn nữa, các phim thời đó là phim 35mm, nay sẽ được phục hồi thành phim dưới dạng DCP ( Digital Cinema Package ), hay 2K, 4K, với chất lượng tối ưu.”

    Như đã nói ở trên, giám đốc Dissidenz Films Trần Bích Quân đang là người đồng sản xuất bộ phim Hoa Nhài của đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhưng bà cũng sẵn sàng làm việc với các đạo diễn thế hệ trẻ của Việt Nam, nhất là những đạo diễn thuộc dòng điện ảnh-tác giả. 

    “ Tôi sẵn sàng đón nhận mọi xu hướng điện ảnh, nhưng có quá nhiều đạo diễn và nhiều phim, nên hiện giờ tôi tập trung vào đạo diễn này, vì tôi đã quen biết ông ấy từ nhiều năm qua. Trước khi có đại dịch Covid-19, năm nào tôi cũng về Việt Nam để làm về dự án này. Dĩ nhiên là có nhiều đạo diễn khác rất đáng chú ý, nhưng trong một khoảng thời gian giới hạn như vậy, rất khó mà tiếp xúc với tất cả. Nhưng nếu có đạo diễn nào mà tôi có thể tiếp cận dễ dàng các âm bản và muốn phim của mình được phục hồi thì có thể liên lạc với tôi.

    Tôi sẵn sàng hợp tác với thế hệ trẻ của nền điện ảnh Việt Nam. Thế hệ trẻ này rất khác thế hệ đạo diễn trước đây. Vào thời của Đặng Nhật Minh, các đạo diễn được đào tạo ở trường điện ảnh Matxcơva của Liên Xô. Ngày nay, chúng ta dễ tiếp cận với điện ảnh hơn, tức là phim không còn là phim 35mm nữa, mà hầu như bất cứ ai cũng có thể quay với một máy quay phim kỹ thuật số, hoặc với một điện thoại thông minh.

    Phương tiện để phổ biến phim ảnh cũng khác, chẳng hạn như bây giờ có rất nhiều phim được sản xuất cho truyền hình hoặc để phát trực tuyến ( streaming ). Nay có rất nhiều đạo diễn được đào tạo theo hướng đó. Có thể là họ chưa quen với khái niệm film d’auteur ( điện ảnh tác giả ), do không có cùng phương tiện phổ biến, không có cùng mục tiêu.

    Chính vì vậy mà trong thị trường điện ảnh hiện nay của Việt Nam, chúng ta thấy có một bên là các phim thương mại, giống như ở rất nhiều nước khác. Bên kia là điện ảnh tác giả, có một vài đạo diễn đã phát triển một thứ điện ảnh riêng biệt, nhưng không hẳn là tiêu biểu cho điện ảnh Việt Nam hiện nay, giống như ở một số nước khác.  

    Nhưng chúng ta nên khuyến khích dòng điện ảnh tác giả đó, giúp phổ biến các phim của họ, vì nếu không thể sống bằng nghệ thuật, họ sẽ buộc phải quay sang làm các phim quảng cáo, các video clip”


  • Tìm đến những vần thơ để làm khuây khỏa nỗi lòng trong những ngày tháng mà con người phải sống cách biệt do đại dịch Covid-19, đó chính là bối cảnh ra đời của Hội những người yêu thơ, mà tuyển tập “Tình thơ không biên giới” có thể được coi là đứa con tinh thần đầu tiên của của họ. 

    Như lời tựa của quyển sách, “Tình thơ không biên giới”, xuất bản tại Huế tháng 07/2021, không phải là tuyển tập của những thi sĩ chuyên nghiệp, mà thật ra là bao gồm sáng tác của “những người yêu thơ và những người đang tập làm thơ” từ mọi miền của Việt Nam và ở khắp các châu lục, trong đó có các bạn thơ từ Pháp, Brazil, Madagascar… Các bài thơ tiếng Việt được chuyển ngữ sang tiếng Pháp và ngược lại các bài thơ tiếng Pháp được dịch sang tiếng Việt. 

    Nhân một cuộc họp mặt của hội những người yêu thơ tại Paris hôm 15/04/2022, RFI Việt ngữ đã có dịp gặp một số tác giả của tập thơ này, mà đầu tiên là ông Nguyễn Thái Sơn, chủ tịch Hội Interface Francophone Paris, một tổ chức mà ông đã thành lập từ năm 1994 để ủng hộ cho Thượng đỉnh khối Pháp ngữ ở Hà Nội 1997:

    “ Chúng tôi thấy phải làm sao cho tiếng Việt được thế giới biết đến, phải vận động cho tiếng Việt Nam. Cho nên tôi đã cùng với một số anh em tại Paris, trong nước, ở Úc, ở Hoa Kỳ bàn với nhau là mình làm một tuyển tập thơ của những người yêu thơ để phổ biến tiếng Việt. 

    Hội Interface Francophone mới họp lại anh em và chúng tôi có đề nghị với đại sứ quán Pháp và Institut français ( Viện Pháp ) ở Việt Nam hỗ trợ chúng tôi đưa ra một tập thơ bằng tiếng Pháp và tiếng Việt.

    Sau đó, tôi đã tập hợp tổng cộng 35 thi sĩ vừa người Việt, vừa người Phi châu, Pháp, Úc, Mỹ, Brazil. Những người nào làm thơ tiếng Việt thì tôi dịch sang tiếng Pháp, những người nào đóng góp thơ bằng tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha, thì tôi dịch sang tiếng Việt. 

    Đây là một nỗ lực để giúp đưa tiếng Việt Nam lên hàng thế giới, đi song song với tiếng Pháp, ngôn ngữ của văn chương, ngôn ngữ của một đất nước rất tiến bộ, rất văn minh. Nếu mà tiếng của nước ta đi song hành với tiếng Pháp, thì trong ý thức và tiềm thức của mọi người trên thế giới sẽ thấy rằng tiếng Việt là một thứ tiếng có giá trị. 

    Trong tinh thần đó, đại sứ quán Pháp ủng hộ về tinh thần và về mọi phương tiện. Họ nói là nếu làm ra thì họ sẽ đưa tập thơ đến báo chí, đến Institut français để phổ biến trong những classes bilingues ( lớp song ngữ Pháp-Việt ) ở Việt Nam, đăng trên tờ Le Courrier du Vietnam. Institut français thì sẽ phát tập thơ cho những người đến sinh hoạt tại các cơ sở của Institut français trong nước.

    Còn về tài chính thì chúng tôi tự lực hết. Nhưng tôi phải bỏ thêm tiền để in tập thơ tại Huế.”

    Là một trong những người sáng lập hội người Việt yêu thơ, bà Nguyễn Hợp, chủ tịch công ty từ thiện Vicaris Việt Nam, kể lại  sự ra đời của hội này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành tại Pháp:

    “ Ngày 17/03/2020, bắt đầu confinement (phong tỏa), mọi người đều phải ở trong nhà. Để làm sao chia sẻ những giây phút rất nhiều phiền muộn, vì nhiều người lo âu về một căn bệnh hoàn toàn mới lạ, anh Nguyễn Duy Tân, anh Nguyễn Thái Sơn, cùng với anh Thẩm Hoàng Long và tôi cùng nhau thành lập nhóm yêu thơ.

    Lúc đầu nhóm chỉ có bốn người, nhưng không sao, mình không phải là những nhà thơ, mà chỉ là những người yêu thơ, chỉ mong muốn được chia sẻ tiếng lòng của mình trong giai đoạn khó khăn này, để làm sao mọi người vững tinh thần chống lại căn bệnh thật sự là rất đáng sợ lúc đó.

    Từ 4 người, sau đó, người nọ chuyền tai người kia, nhóm bắt đầu lan rộng không chỉ ở Paris, mà còn ở Việt Nam và các nước như Úc, Mỹ, Thụy Sĩ, Canada, Bỉ. Hiện tại thì nhóm yêu thơ đã có khoảng 700 hội viên và thỉnh thoảng hội có tổ chức các buổi gặp gỡ, họp mặt.”

    Trong tập thơ “ Tình thơ không biên giới”, thi sĩ tự do Nguyễn Hợp đóng góp một bài thơ với tựa đề “ Tại sao? Tình yêu?”:

     “ Năm vừa rồi, trong một lần về Việt Nam, có tham gia một vài phong trào ở Việt Nam. Khi đứng trên chiếc cầu ở quận 4, tôi nhớ là vào ngày 17/03/2021, bổng nhiên tôi rất nhớ Paris và dĩ nhiên khi nhớ Paris thì mình sẽ nhớ những gì mà mình yêu thương nhất mình đã để lại Paris. Trong khoảng 15 phút mình đã viết ra bài thơ Tình yêu? Tại sao?. Đó là một câu hỏi, nhưng cũng không phải là câu hỏi. Mình chỉ muốn nói là trên đời này không có gì đẹp hơn tình yêu. Đó có thể là tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi, tình yêu của con người với cuộc sống. Thôi thì cũng như rất nhiều người khác, mình cũng làm thơ về tình yêu lứa đôi.”

    Là một bác sĩ, nhưng Thúy Nga Nina Nguyễn, chủ tịch Hội NINA Pháp Việt Paris, cũng là tác giả của nhiều tập thơ, CD thơ nhạc. Trong tuyển tập “ Tình thơ không biên giới”, Thúy Nga Nina Nguyễn giới thiệu đến độc giả hai bài thơ về hai mùa đông và mùa hè:

    “ Lần đầu tiên được tham gia tập thơ “ Tình thơ không biên giới, cảm xúc của Nina là rất vui và tự hào, bởi vì trong nhóm thơ tại Paris, mình được đóng góp những tình cảm, cảm xúc của mình bằng hai ngôn ngữ Pháp-Việt. Bên cạnh đó, mình cũng rất là vui vì có một số bạn thơ, nhà thơ ở Việt Nam gởi thơ sang và mình cũng được tham gia để dịch các bài thơ Việt sang tiếng Pháp.

    Mỗi người được hai bài, thì mình chọn một bài về mùa đông, một về mùa hè, nói lên những cảnh đẹp của Paris, cũng như tình cảm của những người con của Paris trong mùa đông và muốn mùa đông đó được nồng ấm, cũng như chia sẻ với các bạn bốn phương mùa hè rất đẹp của Paris, để mọi người thấy cảnh đẹp tuyệt vời của Paris, một thành phố mà từ lâu đã mang lại nhiều cảm hứng cho các nhà thơ và các nhà văn”. 

    Trong giới thi sĩ tại Pháp, ông Nguyễn Duy Tân không phải là một tên tuổi xa lạ. Là một công chức nay đã hưu trí, luật gia Nguyễn Duy Tân là một chuyên gia Ngôn ngữ Pháp và cũng là thành viên của Hội Thi Nhân Pháp ( Société des Poètes de France ). Ông đã xuất bản nhiều tập thơ Việt và Pháp. Thơ của Nguyễn Duy Tân thì thâm thúy và ý nghĩa sâu xa, như 2 bài “Thơ là gì?” và “ Hồn thơ, tình và mộng” mà ông đóng góp cho tuyển tập “ Tình thơ không biên giới”:

    “ Hai bài thơ này là trong tập thơ thứ hai của tôi làm tại Hà Nội năm 2005. Tôi muốn mọi người hiểu “Thơ là gì?”. Nhưng họ in hơi sai, tức là thiếu những chữ in gras ( in đậm ). Hơi tiếc, bởi vì mỗi một câu thơ của tôi có chữ, chẳng hạn như:

    Thơ là gì?

    Là tiếng con tim rung động hoài

    Là tình lữ thứ đã phôi phai

    Là nhung nhớ cũ không về lại

    Là tiếc tuổi xuân đã một mai

    Những chữ “tiếng”, “tình” , “nhớ”, “tiếc”, tôi cho in đậm, nhưng họ lại quên! 

    Bài thơ của tôi kết thúc là :

    “Vậy khi ai hỏi thơ là sao?

    Thì hãy trả lời với những chữ sau:

    Tình nhớ tiếc vui say mộng sắc

    Hương đàn ca hát hứng yêu đời”

    Còn về bài “ Hồn thơ, tình và mộng”, thơ thì bao giờ cũng có tình ái, tình yêu, mơ mộng, nhưng tôi thì thích mơ mộng, phải làm sao mà cho người đọc có cảm xúc như tôi. Tôi thấy cũng hơi khó, nhưng tôi cứ viết như thế. Tôi là người đi trong mộng, nhưng tôi muốn là ai cũng đi trong mộng như tôi: 

    Hồn tôi mênh mông như trời đất

    Thơ là gió thoảng xôn xao

    Tình tôi là sóng biển dạt dào

    Năm, tháng, ngày ru gào nhân loại.”

    Như đã nói ở trên, ngoài các nhà thơ người Việt, “Tình thơ không biên giới” còn quy tụ những nhà thơ nước ngoài, mà tiêu biểu là Thierry Sinda, người Pháp gốc Congo, con của Martial Sinda, nhà thơ hàng đầu của vùng châu Phi nhiệt đới thuộc Pháp. Ông chính là người đã sáng lập Festival Mùa Xuân của những thi sĩ châu Phi và những nơi khác ( Printemps des Poètes des Afriques et d’Ailleurs ). Thierry Sinda cho biết ông rất vui vì trong tuyển tập thơ Pháp Việt, không chỉ có thơ của ông, mà còn có tác phẩm cha ông và của nhà thơ lớn Madagascar Jacques Rabemananjara: 

    “ Tôi rất vui mừng được tham gia vào tập thơ này. Đây không phải là lần đầu tiên tôi tham gia vào một hoạt động thơ văn của Việt Nam, vì cách đây vài năm tôi cũng đã từng tham gia tại khu Little  Saigon, California, với Hội Thơ Quốc Tế, vào một tập thơ Việt-Pháp-Anh. Còn bây giờ, ngay tại Paris, tôi quen biết nhiều người trong cộng đồng người Việt, nên rất vui khi được mời tham gia tập thơ song ngữ Pháp-Việt và tôi cũng mang theo tác phẩm của người bảo trợ trước đây cho festival của tôi, là nhà thơ lớn của Madagascar Jacques Rabemananjara và người bảo trợ hiện nay là cha tôi Martial Sinda. 

    Tôi rất vui mừng là thơ của châu Phi được đến với độc giả Việt Nam. Trước đây đã từng có mối liên hệ giữa châu Phi với châu Á và châu Mỹ La tinh. Tôi rất vui khi thấy trong năm 2022 này, chúng ta trở ngược lại vết chân của ông cha ta. Ngoài ra, giữa hai nước Việt Nam và Congo còn có sự liên hệ thông qua khối Pháp ngữ, vì chúng ta đều từng là thuộc địa của Pháp. Nhưng nước Pháp cần phải làm hơn nữa, quan tâm hơn nữa đến khối Pháp ngữ, làm nhiều hơn nữa cho các thuộc địa cũ, dù là ở Đông Dương, hay châu Phi, vì tôi có cảm tưởng chúng ta bị nước Pháp hiện nay lãng quên.”  

    Tham vọng của những người chủ trương “Tình thơ không biên giới” không dừng lại ở tập thơ Việt-Pháp, mà họ còn hướng đến việc ra một bản song ngữ Việt-Anh.


  • Pablo Picasso ngày nay là một tượng đài văn hóa, là niềm tự hào của nước Pháp. Trong gần nửa thế kỷ, ông bị coi là kẻ ăn nhờ ở đậu, là « phần tử nước ngoài nguy hiểm ». Đã là người ngoại quốc lại có ngôn ngữ nghệ thuật « xa lạ » với viện Hàn Lâm Mỹ Thuật Paris, đến cuối thập niên 1940 các phòng triển lãm và bảo tàng Pháp vẫn khóa chặt cửa với tranh của Picasso cho dù ông đã rất nổi tiếng.

    Bất kỳ một thành phố nào trên đất Pháp giờ đây cũng có một con đường hay trường học mang tên danh họa Tây Ban Nha. Paris có cả một trạm métro Pablo Picasso. Bảo tàng Picasso ngay giữa lòng thủ đô đã hoạt động từ gần 40 năm nay. Hiếm ai biết rằng thiếu chút, người ta đã không thể viết nên những trang sử đẹp giữa tác giả của Guernica hay Người Đàn Bà Khóc, Những cô gái Avignon với nước Pháp. Họa sĩ này đã làm nên tội tình gì để bị cảnh sát nhập cư của Pháp theo dõi, bị xếp vào diện « đối tượng nước ngoài nguy hiểm » và bị từ chối khi Pablo Picasso xin gia nhập quốc tịch Pháp ?
    Pháp và Picasso : duyên–nợ
    Pablo Picasso (1881-1973) sinh ra tại thành phố Malaga, miền nam Tây Ban Nha. Ông đã dừng lại Madrid và Barcelona trước khi chọn Paris là nhà, là nơi lập nghiệp, là xưởng sáng tác. Năm 1900, Pablo Ruiz Picasso 19 tuổi đầu, để lại sau lưng gia đình và cả một con đường sự nghiệp rộng thênh thang để tìm đến kinh đô ánh sáng.

    Paris là một « mê hồn trận » với muôn vàn ngõ ngách mà phải mất hàng chục năm ông mới « tìm được lối ra ».  Năm 1901 lần thứ nhì sang Pháp, trong vỏn vẹn vài tuần lễ Pablo Picasso sáng tác hơn 60 bức tranh để kịp dự một cuộc triển lãm. Một năm sau ông trở lại kinh đô ánh sáng cùng với một vài người bạn nghệ sĩ từ vùng Catalunya. Không tiền, họ lang thang từ phòng trọ tồi tàn này đến khách sạn bẩn thỉu khác. Đó là thời gian những nét cọ của Picasso « nặng trĩu nỗi buồn u ám ». Ông đưa vào hội họa hình ảnh những người ăn mày, những cô gái điếm … những góc khuất của kinh đô ánh sáng Paris.

    1904 họa sĩ Tây Ban Nha quyết định không bao giờ rời xa nước Pháp. Đó là thời điểm Paris là chốn nương thân của những nghệ sĩ của thế giới bị truy bức. Pablo Ruiz Picasso là một ngoại lệ : ông không là một người tị nạn chính trị, không đến Paris với mục đích tha phương cầu thực. Nhưng ông biết Paris là người bạn đồng hành đưa ông đi rất xa trên con đường nghệ thuật, là  « nơi duy nhất trên thế gian xứng đáng để sống » như chính Pablo Picasso đã thổ lộ.

    Dù không một đồng xu dính túi, không biết tiếng và hoàn toàn không hiểu biết gì về xã hội Pháp, Pablo Ruiz Picasso vẫn quyết định ở lại Paris, dù đấy là tình yêu một chiều.

    Tranh của ông bị giới hàn lâm khinh rẻ, ngôn ngữ hội họa của Picasso quá « xa lạ » với quan niệm về mỹ thuật của Pháp. Tệ hơn nữa, đến năm 1940 vì thời cuộc, khi xin gia nhập quốc tích Pháp, Pablo Picasso phát hiện cảnh sát quản lý người nhập cư tại Pháp đã liên tục theo dõi ông suốt bốn thập niên và đã vin vào những tác phẩm của ông để chụp mũ Picasso là một kẻ « nổi loạn », là phần tử « nguy hiểm ».

    Nhà sử học Annie Cohen Salal, nói về hai bức tường thành kiên cố mà họa sĩ Pablo Picasso đã phải vất vả vượt qua trong nửa đầu thế kỷ XX. Căn cứ vào những tư liệu của bên cảnh sát, năm 2021 Annie Cohen Salal ra mắt độc giả cuốn Un Etranger Nommé Picasso – Phần tử nước ngoài mang tên Picasso, NXB Fayard. Bà cũng là người điều hành triển lãm tại Bảo Tàng Quốc Gia về Lịch Sử Nhập Cư, Porte Dorée Paris vừa kết thúc. Triển lãm mang nhan đề Picasso l’Etranger. Chữ étranger ở đây có thể hiểu danh họa Tây Ban Nha là người ngoại quốc, mà cũng có thể là « kẻ xa lạ ». 

    Annie Cohen Salal : « Picasso phải đương đầu với hai định chế đồ sộ, đó là Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật-Académie des Beaux Arts và bên cảnh sát quản lý người nước ngoài. Người ta gán cho ông ba nhãn hiệu : một là « đối tượng người nước ngoài ». Do là « người nước ngoài » lại nương tựa vào cộng đồng người vùng Catalunya –Tây Ban Nha định cư tại Pháp ở khu Montmartre và trong cộng đồng đó có một phần tử « vô chính phủ » thành thử sở di trú xếp Picasso vào danh sách những « phần tử vô chính phủ » dù là không có bằng chứng và điều đó hoàn toàn sai. Tì vết thứ ba đè nặng lên họa sĩ này do Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật xem Picasso là một nghệ sĩ  « theo chủ nghĩa tiền phong » tức là có tinh thần nổi loạn. Với ba « bản án » đó Pablo Picasso bị coi là một đối tượng nguy hiểm và vì thế ông bị theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên Picasso đã rất khéo léo tìm một chỗ đứng trong cái không gian tự do hạn hẹp đó. Không chỉ là một danh họa của thế giới mà còn tìm được những kẽ hở trong xã hội rất khắt khe của Pháp thời bấy giờ, để xây dựng cả một cơ đồ ».
    Picasso bị cảnh sát theo dõi
    Như đã nói, những năm tháng đầu tiên trên đất Pháp, Pablo Picasso sống cùng với các đồng hương vùng Catalunya ở khu bình dân Montmartre. Không nói và biết tiếng Pháp, ông đọc báo bằng tiếng Tây Ban Nha. Trong quá trình nghiên cứu nhà sử học Annie Cohen Salal tìm thấy một báo cáo mà tác giả là « ông cò » Rouquier viết về Pablo Picasso từ năm 1901 như sau :

    « Đối tượng về khuya, nhận báo tiếng nước ngoài, một thứ tiếng mà chúng ta không đọc được. Hắn nói gì, mọi người gần như không hiểu. Tranh hắn vẽ những người đàn bà ăn xin, gái điếm (...) Hắn ở trọ nhà một đồng hương tên là Manach, một phần tử vô chính phủ. Vậy là Picasso chia sẻ ý tưởng của Manach. Do vậy hoàn toàn có lý do chính đáng nghi ngờ Picasso cũng thuộc thành phần vô chính phủ ».

    Không cần đưa ra thêm nhiều chứng cớ, tài liệu này là một « bản án » và hồ sơ đó được lưu trữ tại Phòng quản lý người nước ngoài, trụ sở cảnh sát ở Quận 4–Paris. Tập các-tông mang số 74.664 liên quan đến Pablo Ruiz Picasso đã ngủ yên bên cạnh 2,5 triệu hồ sơ của người nước ngoài cho đến ngày 03/04/1940 khi danh họa Pablo Picasso đệ đơn lên bộ Tư Pháp xin nhập quốc tịch. 

    Cần nói thêm là ở thời điểm năm 1940 Đức Quốc Xã xâm chiếm Pháp, và từ trước đó đã là điểm tựa của chế độ độc tài Franco bên Tây Ban Nha. Là một họa sĩ dấn thân, Picasso ý thức được rằng nếu bị trục xuất, chỉ nội tác phẩm phản chiến Guernica sáng tác năm 1937 cũng đủ để ông lãnh án tử hình. Do vậy ông cần vào quốc tịch Pháp để được bảo đảm là không bị trục xuất về Tây Ban Nha.

    Picasso đã ngỡ ngàng khi đơn xin nhập quốc tịch của ông bị từ chối và càng ngỡ ngàng hơn nữa khi được biết báo cáo Rouquier 39 năm trước là bản án treo theo đuổi Pablo Picasso trong suốt thời gian ông sống và sáng tác trên đất Pháp, dù không một lần phạm tội.

    Annie Cohen Salal : « Pablo Picasso nhớ rõ là cứ hai năm một lần ông phải trình diện cảnh sát để gia hạn thẻ cư trú và mỗi lần dọn nhà, đổi địa chỉ phải khai báo ngay lập tức. Nhỡ có quên, thì Picasso được nhắc nhở ngay. Khi đi nghỉ ở thành phố Royan tháng 9 năm 1939 ông được cảnh sát thành phố « mời lên nói chuyện » và chỉ khi đó mới được giấy phép để đi lại trong thành phố này. Trong vụ hồi năm 1911, cùng với thi sĩ Apollinaire, cũng người nước ngoài mua nhầm một pho tượng bị ăn cắp, đã khiến cả hai đều hết sức lo lắng là họ sẽ bị trục xuất khỏi nước Pháp. Picasso ý thức được rằng ông bị theo dõi chặt chẽ như thế nào và đó là một nhược điểm lớn đe dọa toàn bộ cuộc sống cá nhân và sự nghiệp của ông. Tuy vậy Picasso không bao giờ để lộ mối lo đó. Ông cũng chẳng than thở với bất kỳ một ai và cần nhấn mạnh rằng trong cuộc đọ sức với bên cảnh sát di trú, Picasso chưa bao giờ tự coi mình là nhân ».
    Hai vết thương lớn, một tấm lòng chung thủy
    Pháp từ chối quy chế công dân với danh họa Pablo Picasso vào thời điểm tên tuổi của ông đã nổi lên như cồn. Ngoại trừ trên đất Pháp, các nhà phê bình nghệ thuật từ những thập niên 20 đã trông thấy Picasso là một cây đại thụ của thế giới. Vậy mà đến tận năm 1949 trên toàn nước Pháp vẫn mới chỉ có hai tác phẩm với chữ kỹ Pablo Picasso được trưng bày cho công chúng.

    Annie Cohen Salal : « Những tác phẩm lập thể của Pablo Picasso đã được bán ở khắp các thủ đô của châu Âu, nhất là bên đông Âu, từ Áo cho đến Hungary hay Nga. Trong khi đó tại Pháp, mọi cặp mắt đều hướng về trường phái mỹ thuật của Pháp thừa hưởng từ thời vua Louis XIV. Bước sang Thế Chiến Thứ Hai, Picasso vẽ rất nhiều bức tranh siêu thực và không ít trong số ấy đã đến được New York qua trung gian giám đốc Bảo Tàng Nghệ Thuật Hiện Đại MoMa. Đó cũng là thời điểm Pablo Picasso đã rất nổi tiếng. Ông được xem là một họa sĩ lớn của thế giới của thế kỷ XX, là một cây đại thụ của phong trào tiền phong tại châu Âu, trong suốt giai đoạn từ những năm 1900 cho đến 1940. Điều kỳ lạ ở đây là Pháp hoàn toàn « lệch pha » với phần còn lại của thế giới về vị trí của Picasso trên bầu trời nghệ thuật. Mãi đến năm 1947, thời điểm Pablo Picasso hiến cả trăm tác phẩm cho các viện bảo tàng quốc gia Pháp, mọi người mới có một cái nhìn khác về Picasso. Khi nhận cả trăm tác phẩm của Picasso cống hiến cho nước Pháp, Jean Salles, giám đốc toàn bộ các viện bảo tàng quốc gia đã có câu nói để đời ‘Hôm nay là ngày khép lại cuộc ly hôn giữa Nhà nước Pháp và một thiên tài’ ».
    Vết thương không lành
    Tránh được đổ vỡ nhưng Pablo Picasso không bao giờ tha thứ.

    Annie Cohen Salal : « Có một cái gì đó rất đặc biệt giữa người nghệ sĩ này và tình yêu ông dành cho nước Pháp. Đây là nơi ông chọn để lập nghiệp, là tổ ấm. Pháp là mái nhà của gia đình Picasso và ông đã sống tại đây suốt cuộc đời còn lạị. Nhưng Pablo Picasso đã quay lưng lại với Paris và ông muốn công luận hiểu được điều đó. Năm 1955 ông định cư tại miền nam nước Pháp để không bao giờ quay gót về kinh đô ánh sáng nữa. Pablo Picasso tung hoành và làm tỏa sáng khung trời nghệ thuật của vùng Địa Trung Hải. Ông đã đổi mới cách nhìn về cái gọi là quốc tịch, về mối giao lưu giữa các nền văn hóa ».

    Pablo Picasso từ chối vinh hạnh được chính phủ Pháp trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh. Ông cũng đã khước từ nhã ý của Nhà nước Pháp mời ông trở thành công dân Pháp để chỉ hài lòng với quy chế của một « công dân ưu đãi -citoyen privilégié » mà một vài thị trấn ở miền nam, rất xa Paris dành tặng cho ông.

    Là họa sĩ đầu tiên được bảo tàng Louvre Paris tổ chức triển lãm tranh của ông khi còn sinh thời, Pablo Picasso đã vắng mặt trong buổi khai trương sự kiện với sự tham gia của đông đảo các quan chức nhà nước và giới chức sắc trong làng nghệ thuật.
    Một câu trả lời muộn 
    Pablo Picasso từ giữa thập niên 1950 về ở hẳn miền nam nước Pháp. Ông đã qua đời tại Mougins năm 1973 ở tuổi 90.

    Đầu thể kỷ XX, Pablo Ruiz Picasso đã mơ, mơ rất nhiều về nước Pháp trước khi phải đối mặt với thực tế. Mối quan hệ phức tạp của họa sĩ Pablo Picasso với xã hội Pháp khi xưa có thể cũng là thân phận những người nhập cư của ngày hôm nay. Trong số những người chân ướt chân ráo vừa đến Pháp giờ đây, có bao nhiêu người tài hoa, có bao nhiêu kẻ si tình đủ kiên nhẫn và độ lượng để vượt lên trên những định kiến như Picasso hơn 100 năm về trước ? Tấm gương của Pablo Picasso năm nào liệu có đủ sáng để thi thoảng đạp đổ những thành kiến về « người nước ngòai » ở bất cứ xã hội nào hay không ?


  • Phải chăng chính trị đang là chủ đề của truyện tranh như bao đề tài khác ? Liệu truyện tranh về chính trị cũng là một phương cách thực thi đối trọng quyền lực hay đơn giản chỉ là một thú giải trí ? Với AFP, câu trả lời là « cả hai », khi nhìn vào số tựa sách đã được xuất bản hay sắp ra mắt độc giả xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay, dưới muôn ngàn sắc thái, cho đủ mọi lứa tuổi.

    Từ cẩm nang hướng dẫn, phê bình chỉ trích…

    Chẳng hạn như làm thế nào giải thích cho con trẻ bầu cử tổng thống là gì ? Guồng máy các định chế hoạt động ra sao ? Các vòng bỏ phiếu được tiến hành như thế nào ? Hay như khái niệm tả/hữu là gì ?... Để có những lời giải đáp, các bậc phụ huynh đã có bộ truyện tranh cẩm nang « Election Presidentielle » (Bầu cử tổng thống), của nữ tác giả Lucie Le Moine.

    Nhưng nếu bạn muốn tìm những câu chuyện giả tưởng ? Trên quầy sách, bạn sẽ có từ phê phán phe cực hữu như « ElyZée » của anh em nhà Mourad, Farid Boudjellal, khi hình dung ông Eric Zemmour, một người mang tư tưởng cực hữu trở thành tổng thống. Hay như « Aux portes du Palais » (Trước thềm Cung điện) do Hervé Bourhis và ban biên tập trang thông tin độc lập Mediapart thực hiện, với hình ảnh bà Marine Le Pen và ông Eric Zemmour trên nền điện Elysée . 

    Cũng trong dòng chỉ trích, các phóng viên của báo Le Monde là Gerard Davet, Fabrice Lhomme cùng với họa sĩ Pierre Van Hove ra tập truyện « L’Obssession du pouvoir » (Nỗi ám ảnh quyền lực – NXB Delcourt), nhắm vào ba đời tổng thống gần đây nhất là Nicolas Sarkozy, François Hollande và Emmanuel Macron.

    Không chỉ có phê phán, chỉ trích mà còn có cả chuyện hiện thực nữa. Sự thật về chuyện hậu trường ở điện Elysée hay như các ứng viên năm nay vận động tranh cử ra sao ? Đây cũng là những chủ đề rất được quan tâm những năm gần đây. Le Figaro lưu ý, trong cuộc bầu cử năm nay, các nhà báo không còn là những người « độc quyền » đưa tin. Lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử nước Pháp, sáu cây bút họa sĩ được huy động để theo sát các ứng viên tranh cử, từ ứng viên tổng thống Emmanuel Macron, tả cũng như hữu, đến cả các ứng viên cực hữu hay cực tả.

    Tập truyện tranh phóng sự có tiêu đề « Carnets de campagne » (Tạm dịch là Ký sự chiến dịch vận động tranh cử - do hai NXB Dargaud và Seuil đồng phát hành), dày 240 trang, sẽ được phát hành sau vòng hai bầu cử tổng thống. Tập truyện được thực hiện dưới sự điều hành của Mathieu Sapin, một gương mặt lớn trong dòng truyện tranh chính trị Pháp từ mười năm gần đây. 

    Tên tuổi của ông được biết đến với tập truyện « Campagne Présidentielle » (Chiến dịch vận động tranh cử tổng thống – NXB Dargaud) khi ông đi theo nhóm vận động tranh cử của François Hollande năm 2012. France 24 lưu ý, việc một họa sĩ truyện tranh được phép tháp tùng nhóm vận động tranh cử thời điểm đó đã được cho là một điều chưa từng thấy. 

    Ba năm sau, năm 2015, Mathieu Sapin ra mắt tập truyện tranh « Le Château » (Lâu đài) sau hai năm được làm việc tại điện Elysée dưới thời tổng thống Hollande. Đến năm 2020, ông lại phát hành tiếp tập truyện « Comédie française » (Chuyện hài Pháp) khi chăm chú theo dõi các hoạt động của tổng thống Macron.

    … Đến chuyện hậu trường điện Elysée

    Nhưng Mathieu Sapin chưa phải là tác giả/họa sĩ đầu tiên của Pháp đưa chính trị vào nền nghệ thuật thứ 9. Công đầu khởi xướng dòng truyện tranh chính trị phải thuộc về Christophe Blain và Abel Lanzac, với bộ truyện tranh dài tập « Quai D’Orsay » (NXB Dargaud năm 2010) nói về các hoạt động của bộ Ngoại Giao Pháp. Bộ truyện gặt hái thành công lớn, và sau này còn được chuyển thể thành loạt phim truyền hình dài tập. 

    Sau mười năm đi theo hai đời chủ nhân điện Elysée, đâu là những bài học kinh nghiệm quý báu mà Mathieu Sapin có được từ thế giới chính trị ? Trả lời nhà báo Axelle Simon, đài truyền hình quốc tế Pháp, ông thổ lộ : 

    « Việc đi theo môi trường này trong suốt ngần ấy năm khiến tôi phải nói rằng đây quả là một công việc kỳ lạ. Tôi nghĩ là mình có lẽ sẽ không làm được một việc như thế, vì lúc nào cũng phải đại diện, lúc nào cũng phải có một bài phát biểu. Nhưng có một phần trong con người tôi luôn có niềm tin, thực sự chứ không hề giả dối (chút lừa phỉnh) và có hơi chút mệt mỏi và một phần khác tôi khâm phục họ bởi vì tôi tự nhủ "nhưng làm thế nào họ làm được như vậy ? Phải là một vận động viên điền kinh thật sự xét về thể lực thì mới có thể đi suốt được ngần ấy cây số trong các chuyến đi, với bao nhiêu cuộc trao đổi. Điều đó cũng có thể làm nổ tung đầu của bạn ra mất. »

    Vừa là nghệ sĩ, vừa là phóng viên, những tập truyện của Mathieu Sapin đưa độc giả đến gần với thế giới bí ẩn của điện Elysée hơn. Ông mô tả tỉ mỉ cách dàn dựng quyền lực. Chẳng hạn như khi người ta hỏi ông về cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống, Mathieu Sapin cho biết những gì ông cần lưu ý đến như thái độ cử chỉ, thông điệp đưa ra trong cuộc tranh luận, những đòn tấn công và phản công hay việc tạo dựng một hình ảnh truyền hình của sự kiện… 

    Khi cọ vẽ cũng là công cụ đưa tin

    Trong bộ truyện mới nhất vừa được phát hành hồi tháng Ba năm nay, « Douze voyages présidentiels » (NXB Zadig), Mathieu Sapin, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2018 đến cuối năm 2021, đã tháp tùng 12 chuyến công du của tổng thống Macron. Một lợi thế cho phép ông mô tả rõ những điều mà người dân thường không thể thấy được ở trong hậu trường.  

    Ngoài lối quan sát và kể chuyện hóm hỉnh, khôi hài, điểm hấp dẫn của tập truyện mới này còn được hỗ trợ bởi những bài viết của nhiều ký giả, phân tích các chuyến công du của nguyên thủ Pháp. Bên cạnh đó là những ghi chú về những lời bình phẩm của giới phóng viên về tổng thống Macron trong mỗi chuyến đi, hay mỗi cuộc họp, mỗi sự kiện lớn khiến cho tập truyện tuy mang tính chính trị nhưng lại không « nặng mùi » chính trị.

    Trên đài France 24, Mathieu Sapin giải thích đâu là những thế mạnh và vũ khí nào cho phép ông chinh phục độc giả : « Tôi thì tôi thích thể hiện cái phần hiện thực con người, những điểm không hoàn hảo, cả những thất bại nữa. Thường thì các nhóm phụ trách truyền thông cố gắng tạo ra một trình tự rất có bài bản, đẹp và nuột nà. Chỉ có điều chúng không bao giờ diễn ra như người ta nghĩ, luôn có điều gì đó xảy ra không hẳn như trong dự kiến. Và tôi cũng muốn làm cho cái kiểu kịch bản hóa đời sống chính trị như vậy và thực tế phải va chạm nhau. Một thực tế (mà nó) sẽ làm chuyển hướng mọi thứ, khiến "không gì có thể lường trước được", như một câu ngạn ngữ. » 

    Đưa tin vận động tranh cử : Giới nhà báo mất thế « độc quyền » ?

    Đương nhiên, việc Mathieu Sapin vẫn được tổng thống Macron ưu ái giữ lại bên cạnh hơn là giới ký giả cũng làm dấy lên nhiều nỗi quan ngại, khi cho rằng « không những bị xúc phạm, mà còn bị gạt sang một bên » hay như « đưa ra một hình ảnh tai hại trong công luận, cho thấy là họ không cần đến giới nhà báo », theo như lời chỉ trích từ nhiều phóng viên báo Le Monde, trong buổi họp báo tại Liên hoan truyện tranh Angoulême năm nay. 

    Về phần mình, Mathieu Sapin cũng nhìn nhận việc được tiếp cận quá gần gũi với trung tâm quyền lực chưa hẳn là một vị trí quan sát tốt. Trả lời Le Figaro, ông nói : « Đây là hội chứng VIP Room : thông thường, khi bạn đã vào được đó rồi, thì lại cảm thấy thất vọng đôi chút. Bạn được giữ rất kỹ, bạn du hành cùng với những người có tên tuổi, bạn được ăn ngon… Nhưng bạn sẽ không thật sự thấy được chuyện gì đang xảy ra. Bạn bị mất liên lạc ».

    Việc tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron tái đắc cử vừa khép lại một mùa bầu cử tổng thống Pháp 2022. Mathieu Sapin cùng các đồng nghiệp giờ cũng đang hối hả kết thúc dự án đầy tham vọng, dự kiến ra mắt độc giả vào trung tuần tháng 5/2022. Trước khi chia tay cùng France 24, Mathieu Sapin đưa ra vài điều cảm nhận về cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay.

    « Đặc biệt là trong chiến dịch tranh cử lần này, chúng ta thấy rõ là chủ đề, nội dung thực chất, các tư tưởng chính trị đã không được nhắc đến, và nhất là chỉ chú trọng nhiều vào hình thức, thiếu các trao đổi. Tại sao ư ? Tôi thật sự không biết. Có thể đơn giản chỉ vì họ sợ làm cho người ta nhàm chán. Chúng ta đang trong thứ văn hóa zapping (đổi nhanh chủ đề ??). Họ hiểu rằng lúc nào cũng phải tìm cách thu hút sự chú ý của người khác nên khi lao vào tranh luận thật sự thì người ta bỏ lửng một cách dễ dàng. »