Episodios

  • Host: Thảo Uyên

    Khách mời: Bác sĩ CKI. Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng khoa Ngoại thần kinh & Cột sống - Can thiệp nội mạch thần kinh - Bệnh viện FV

    _____

    Ngồi lâu, ngồi sai tư thế, không nghỉ ngơi và ít vận động là những nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống, nhất là với đối tượng làm việc công sở. Thoái hóa đốt sống cổ và đốt sống lưng có thể biểu hiện thành những cơn đau thường xuyên vùng cổ vai gáy, lưng, thắt lưng...

    Thoái hóa cột sống nếu không được nhận biết và điều trị sớm có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, ngoài làm suy giảm chất lượng cuộc sống, tình trạng nặng cũng có thể gây suy giảm chức năng sinh dục, tiêu hóa hay thậm chí là gây liệt chi dưới...

    Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Ngoài việc đọc các chấn thương hoặc tổn thương thể hiện trên hình ảnh, thăm khám lâm sàng với bác sĩ có vai trò quyết định trong điều trị thoái hóa cột sống”. Nhờ đánh giá lâm sàng kỹ càng, tỉ lệ điều trị thành công bằng phẫu thuật thần kinh - cột sống tại FV lên đến 97%, bên cạnh các chỉ định điều trị bằng phương pháp bảo tồn (không phẫu thuật).

    Trường hợp người bệnh điều trị không đúng cách hoặc điều trị tự phát bằng các hình thức như tập yoga, massage, bấm huyệt không đúng cách hay thiếu chuyên môn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng vốn có.

    _____

    Giải mã Y khoa là series podcast giải mã những vấn đề y học đang được quan tâm và công việc của những người trong ngành y tế

  • Host: Nam Phương

    Khách mời: Bác sĩ Su Jung Wen - chuyên gia phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện FV

    _____

    Ung thư phổi là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, với hơn 26.000 ca mắc mới và 23.000 ca tử vong mỗi năm (GLOBOCAN 2020). Đáng lo ngại, hầu hết ca bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi việc điều trị trở nên khó khăn và tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ đạt 10-15%. Do đó, tầm soát và phát hiện sớm là yếu tố then chốt giúp cải thiện cơ hội sống và hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

    Ung thư phổi thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện khi bệnh đã tiến triển, khiến việc điều trị khó khăn và tỷ lệ sống sót thấp. Tầm soát đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện ung thư phổi sớm, khi khối u còn nhỏ và chưa di căn, giúp giảm tỷ lệ tử vong đến 20% ở nhóm người nguy cơ cao, đặc biệt là người hút thuốc lá lâu năm.

    Theo bác sĩ Su Jang Wen, một trong những yếu tố quyết định việc thành công khi điều trị ung thư phổi là giai đoạn bệnh nhân phát hiện bệnh. Việc phát hiện sớm, tầm soát giúp theo dõi khối u, đánh giá hiệu quả điều trị và tăng cơ hội can thiệp kịp thời, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

    “Tỷ lệ giảm khoảng 15% từ giai đoạn 1A xuống 1B, còn khi bạn bước vào giai đoạn 2, có 2A và 2B. Nhưng nhìn chung, cơ hội sống trong 5 năm giảm xuống còn 50%, giai đoạn 3 giảm xuống khoảng 20 đến 30%, còn giai đoạn 4 thì không có cách chữa trị”, bác sĩ Su Jang Wen chia sẻ.

    _____

    Giải mã Y khoa là series podcast giải mã những vấn đề y học đang được quan tâm và công việc của những người trong ngành y tế.

  • ¿Faltan episodios?

    Pulsa aquí para actualizar resultados

  • Host: Thảo Uyên

    Khách mời: BS Nguyễn Thị Lam Giang – Nguyên trưởng khoa Khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện FV

    _____

    Được ví “người gác cửa sinh mệnh” cho bệnh nhân, bác sĩ gây mê hồi sức đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của mỗi ca phẫu thuật dù lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, song song với vai trò trọng yếu đó, gây mê vẫn mang nhiều “tiếng oan” bởi những lo lắng thường gặp của người bệnh và thân nhân như gây mê gây mất trí, có hại cho sức khỏe hay có thể khiến bệnh nhân không tỉnh lại nữa.

    Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực gây mê hồi sức, BS Nguyễn Thị Lam Giang - Khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện FV khẳng định với sự tiến bộ của y học, thuốc men, máy móc và trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ ngày nay, gây mê thực sự không đáng sợ. Thay vào đó, đây là phương pháp vô cảm an toàn và bảo hộ bệnh nhân trong cuộc chiến trên giường mổ khỏi những đau đớn, lo lắng và áp lực.

    Sở dĩ ví bác sĩ gây mê hồi sức là “người gác cửa sinh mệnh” vì gây mê là một quy trình phức tạp, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm và kỹ năng quan sát, theo dõi bệnh nhân để phối hợp nhịp nhàng cùng ekip phẫu thuật. Trong một ca phẫu thuật có vô số tình huống có thể phát sinh, còn bác sĩ gây mê hồi sức giữ vai trò của người quan sát, ghi nhận tình trạng sức khỏe trước ca mổ, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn trong cuộc mổ lẫn theo sát bệnh nhân sau mổ để đảm bảo sự thành công của cuộc phẫu thuật lẫn tình trạng phục hồi của bệnh nhân.

    Cùng lắng nghe BS Nguyễn Thị Lam Giang “giải oan” cho những lầm tưởng về gây mê trong phẫu thuật, cũng như những chia sẻ thú vị trong vai trò của một “người gác cửa sinh mệnh” cho bệnh nhân trong Podcast Giải mã y khoa tuần này.

    _____

    Giải mã Y khoa là series podcast giải mã những vấn đề y học đang được quan tâm và công việc của những người trong ngành y tế.

  • Host: Thảo Uyên

    Khách mời: BS Basma M'Barek – Trưởng Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV

    _____

    Nhận thông báo bản thân đang mắc bệnh ung thư là một cú sốc rất khó chấp nhận. Đòn giáng này sẽ nặng nề gấp đôi khi bệnh nhân đang mang thai hoặc đang trong dự định sắp trở thành cha, mẹ.

    Nhiều bệnh nhân nghĩ mình sẽ phải lựa chọn giữa sự an toàn của em bé hoặc sinh mệnh của bản thân. Có người không khỏi băn khoăn về những ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con sau khi điều trị. Chăm sóc và đồng hành cùng hàng nghìn ca bệnh ung thư trong xấp xỉ 20 năm hành nghề, BS Basma M'Barek – Trưởng Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng thuộc Bệnh viện FV - khẳng định có phương pháp để bảo toàn cho cả hai.

    Việc theo sát bệnh nhân mang thai trong quá trình điều trị ung thư cũng là một thử thách. Đây là nỗ lực của toàn thể y bác sĩ các chuyên khoa liên quan - từ Ung bướu, Sản khoa đến Nhi sơ sinh, nhằm đảm bảo mẹ và bé vượt qua thai kỳ an toàn. Bệnh nhân nên ưu tiên lựa chọn chăm sóc thai sản và điều trị ung thư tại cùng một trung tâm, bệnh viện để quá trình trao đổi, theo dõi của đội ngũ y bác sĩ được thông suốt, đầy đủ thông tin và mang lại hiệu quả cao nhất.

    Với kinh nghiệm của đội ngũ y khoa và sự phát triển của y học, ngày nay, bệnh nhân ung thư không cần đánh đổi khả năng có con để điều trị bệnh. Sau điều trị, họ hoàn toàn có thể quay về cuộc sống bình thường, với một cơ thể khỏe mạnh và những đứa con thương yêu.

    Cùng lắng nghe thêm những chia sẻ thú vị khác từ BS Basma M'Barek về kiến thức chuyên môn của trong lĩnh vực này, cũng như kinh nghiệm qua các ca bệnh thực tế của đội ngũ đã hỗ trợ bệnh nhân ung thư hoàn thành ước nguyện làm cha mẹ trong Podcast Giải mã y khoa tuần này.

    _____

    Giải mã Y khoa là series podcast giải mã những vấn đề y học đang được quan tâm và công việc của những người trong ngành y tế.

  • Host: Thảo Uyên

    Khách mời: BS.CKII. Nguyễn Thị Mai - Trưởng khoa Mắt và Phẫu thuật Khúc xạ, Bệnh viện FV

    _____

    Theo WHO, tỷ lệ cận thị tại Việt Nam tăng mạnh những năm gần đây, có thể lên đến 70% ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

    Cùng với quá trình phát triển của cơ thể, tình trạng cận thị ở học sinh cũng tiếp tục tiến triển. Không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, cận thị còn có khả năng gây ra bệnh lý và tổn thương nhãn cầu. Trong đó, nguy hiểm nhất là bong võng mạc, mất thị lực.

    Bên cạnh di truyền, yếu tố môi trường sống tác động không nhỏ đến tình trạng cận thị ở trẻ. Thói quen sinh hoạt do phụ huynh vô tình xây dựng khiến trẻ ít tham gia hoạt động ngoài trời và sớm tiếp xúc với thiết bị điện tử, dẫn đến tình trạng cận thị sớm hơn, tăng độ nhanh hơn.

    Podcast Giải mã y khoa đồng hành cùng BS.CKII. Nguyễn Thị Mai chia sẻ phương pháp kiểm soát cận thị tiên tiến, giúp bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” của trẻ trước những tác động không mong muốn từ môi trường.

    _____

    Giải mã Y khoa là series podcast giải mã những vấn đề y học đang được quan tâm và công việc của những người trong ngành y tế.

  • Host: Thảo Uyên

    Khách mời: ThS.BS Võ Triệu Đạt - Phó khoa Sản Phụ khoa, Trung tâm điều trị bệnh lý tuyến vú, Bệnh viện FV

    ___

    Theo bạn, hiểu lầm phổ biến nhất về bệnh lý u xơ tử cung là gì?

    Trên lâm sàng, ThS.BS Võ Triệu Đạt nhận thấy nỗi lo thường trực của nhiều chị em khi mắc u xơ tử cung là bệnh sẽ tiến triển thành ung thư. Đi ngược lại quan điểm này, bác sĩ nhấn mạnh gần 99% u xơ lành tính, hiếm khi tiến triển ung thư, thậm chí người bệnh có thể sống chung hòa bình với khối u.

    Tuy nhiên, khi nhắc đến căn bệnh “tưởng quen mà lạ này”, ThS.BS Võ Triệu Đạt cho rằng câu chuyện “u xơ thành ung thư” không phải là hiểu lầm nghiêm trọng nhất.

    Từng tiếp xúc với nhiều ca bệnh, ThS.BS Võ Triệu Đạt tâm sự lý do khiến nhiều chị em “mất ăn mất ngủ” là lo sợ phải cắt bỏ tử cung để điều trị. Với họ, việc mất đi một phần cơ thể tượng trưng cho thiên chức làm mẹ rất khó chấp nhận.

    “Về mặt nguyên tắc, nếu u xơ tử cung không gây ra bất thường với sức khỏe thì không cần can thiệp, chỉ cần theo dõi định kỳ, tốt nhất siêu âm mỗi 6 tháng. Chỉ định điều trị chỉ được đặt ra trong trường hợp u xơ kích thước to, gây ra biến chứng. Tuy nhiên, việc tư vấn điều trị luôn theo hướng bảo tồn tử cung, đặc biệt dựa trên mong muốn của bệnh nhân”, bác sĩ khẳng định.

    Vậy, u xơ tử cung kích thước bao nhiêu thì nên bóc tách, khi nào cần cắt tử cung để loại bỏ triệt để khối u?

    Những kiến thức chuẩn xác về bệnh lý u xơ tử cung sẽ được ThS.BS Võ Triệu Đạt - Phó khoa Sản Phụ khoa, Trung tâm điều trị bệnh lý tuyến vú, Bệnh viện FV - chia sẻ trong tập podcast “Giải mã y khoa” tuần này.

    ___

    Giải mã Y khoa là series podcast giải mã những vấn đề y học đang được quan tâm và công việc của những người trong ngành y tế.

  • Host: Thảo Uyên

    Khách mời: TS.BS Lê Trọng Phát - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện FV

    _____

    Thay khớp gối được các bác sĩ chuyên khoa điều trị chỉ định khi phương pháp điều trị bảo tồn như sử dụng thuốc, tiêm chất nhờn, tế bào gốc, vật lý trị liệu... không làm giảm cơn đau, không thể phục hồi chức năng khớp toàn diện và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân như không thể đi lại hoặc đau đớn kéo dài.

    Song, việc phải lên bàn phẫu thuật với tuổi đã cao hay mắc các bệnh nền về tim mạch, huyết áp, đường huyết... cùng các rủi ro tiềm ẩn sẽ khiến nhiều người lớn tuổi ngần ngại và chấp nhận sống chung với cơn đau.

    Theo TS.BS Lê Trọng Phát, việc phải chịu đựng cơn đau khiến bệnh nhân mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần, tạo tâm lý chán nản. Phẫu thuật thay khớp gối sẽ giúp bệnh nhân hạn chế cơn đau bệnh lý và thuận tiện trong sinh hoạt.

    “Với các phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, hạn chế tổn thương cùng quy trình tập vật lý trị liệu sát sao, quá trình hồi phục của bệnh nhân sẽ nhanh chóng, dễ dàng hơn. Thậm chí, sáng thay khớp, chiều tập đi là việc hoàn toàn khả thi”, TS.BS Lê Trọng Phát nhấn mạnh.

    Podcast Giải mã y khoa tuần này giải đáp băn khoăn của người lớn tuổi về phương pháp điều trị phẫu thuật thay khớp gối từ nguyên nhân, quy trình thực hiện, cách kiểm soát rủi ro đến hiệu quả hồi phục.

    _____

    Giải mã Y khoa là series podcast giải mã những vấn đề y học đang được quan tâm và công việc của những người trong ngành y tế.

  • Host: Thảo Uyên

    Khách mời: TS.BS Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng khoa Nha & Phẫu thuật hàm mặt Bệnh viện FV

    _____

    Mọc thiếu răng là hiện tượng không hiếm gặp, có thể do bẩm sinh, di truyền hoặc mắc phải các vấn đề trong quá trình phát triển răng.

    Một số trường hợp, hiện tượng này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, biến dạng khuôn mặt, sai lệch khớp cắn, gây tiêu xương ổ răng hay tăng nguy cơ mắc bệnh lý răng miệng nghiêm trọng không ngờ tới.

    TS.BS Nguyễn Thanh Tùng trăn trở vì nhiều gia đình Việt vẫn chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe răng miệng của con em. Một số trường hợp u xâm lấn và không điều trị kịp thời, đúng cách đã phải cắt bỏ xương hàm, khiến khuôn mặt biến dạng.

    “Bên cạnh thói quen sinh hoạt và vệ sinh đúng cách, phụ huynh cần cho trẻ đi kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng tại bệnh viện có chuyên khoa răng hàm mặt uy tín. Đừng để lỡ giai đoạn ‘vàng’ điều trị bệnh lý”, vị bác sĩ đưa ra lời khuyên.

    Podcast Giải mã y khoa tuần này cũng chỉ ra một số sai lầm của phụ huynh trong việc chăm sóc răng miệng cho trẻ và mẹo để cha mẹ nhận diện vấn đề bất thường.

  • Host: Thảo Uyên

    Khách mời: TS.BS Hồ Minh Tuấn - Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện FV

    _____

    “Thay van tim có nhất thiết phải mổ hở lồng ngực?” là câu hỏi mà nhiều bệnh nhân đến thăm khám tại Bệnh viện FV thắc mắc với TS.BS Hồ Minh Tuấn - Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện FV.

    Trước khi giải đáp thắc mắc này, TS.BS Hồ Minh Tuấn đưa ra góc nhìn toàn cảnh về bệnh lý hẹp van động mạch chủ. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ tình trạng thoái hóa van dẫn đến hẹp van động mạch chủ ở người lớn tuổi - thông thường từ 50 tuổi trở lên. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhóm bệnh này ngày càng lớn, một phần do tuổi thọ trung bình của người Việt ngày càng cao.

    TS.BS Hồ Minh Tuấn khuyến cáo bệnh hẹp van động mạch chủ thường không có triệu chứng cụ thể ở giai đoạn đầu. Khi bệnh nhân có triệu chứng đau tức ngực, khó thở, ngất… hoặc triệu chứng không điển hình như mệt, hồi hộp… đồng nghĩa bệnh đã tiến triển nặng. Lúc này, tiên lượng sống trong vòng 2 năm chỉ khoảng 50% và cần phẫu thuật thay van.

    “Ngoài mổ hở, kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da - còn gọi là TAVI, phù hợp cho bệnh nhân tuổi cao, sức yếu, khó có thể trải qua cuộc đại phẫu”, TS.BS Tuấn phân tích.

    Sở hữu ưu thế vượt trội về tính an toàn và hiệu quả, TS.BS Tuấn đánh giá TAVI là tiến bộ y khoa mở ra cơ hội sống cho bệnh nhân hẹp van động mạch chủ tại Việt Nam. Không chỉ giải quyết nhiều vấn đề cho nhóm bệnh nhân nguy cơ cao, khi điều trị cho bệnh nhân nguy cơ thấp, kỹ thuật này vẫn ghi nhận kết quả ngang bằng hoặc tốt hơn so với phương pháp mổ hở trước đây.

    Vậy, yếu tố cần và đủ để thực hiện một ca TAVI với tỷ lệ thành công cao là gì? Ưu điểm và nhược điểm của các loại van nhân tạo? Chi phí điều trị TAVI tại Việt Nam có “kịch trần” so với quốc tế?

    Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, TS.BS Hồ Minh Tuấn sẽ giải đáp cặn kẽ những câu hỏi này trong tập phát sóng mới nhất của Giải Mã Y Khoa.

    _____

    Giải mã Y khoa là series podcast giải mã những vấn đề y học đang được quan tâm và công việc của những người trong ngành y tế.

  • Host: Thảo Uyên

    Khách mời: Chị Nguyễn Thị Hiền - PGĐ Điều dưỡng - Bệnh viện FV

    _____

    Quá trình phục hồi sau phẫu thuật, nhất là những cuộc đại phẫu, thường kéo dài và việc chăm sóc hậu phẫu cần quan tâm đúng mức để đảm bảo bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, tránh biến chứng. Khâu này chiếm 50-70% sự thành công của một ca điều trị.

    Bên cạnh bác sĩ, đội ngũ điều dưỡng đóng vai trò quan trọng trong khâu chăm sóc hậu phẫu. Ngoài yếu tố chuyên môn, một điều dưỡng cần có sự cảm thông, yêu thương và tâm lý vững vàng để luôn đồng hành cùng người bệnh trên hành trình chiến thắng bệnh tật.

    Gần 30 năm làm việc trong ngành y tế, chị Nguyễn Thị Hiền trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, tiếp xúc nhiều ca bệnh, có bệnh nhân khó tính khó chiều, có người thân thương gọi chị là "má Hiền"...

    "Người điều dưỡng phải tự cam kết làm điều tốt nhất cho bệnh nhân, làm đúng kỹ thuật, đúng lương tâm", chị Hiền gửi lời nhắn nhủ đến các điều dưỡng trẻ.

    _____

    Giải mã Y khoa là series podcast giải mã những vấn đề y học đang được quan tâm và công việc của những người trong ngành y tế.