Episódios
-
Ung thư có một lịch sử kỳ lạ. Một mặt nó là căn bệnh của thời hiện đại, sự gia tăng tỉ lệ mắc bệnh cũng như sự hiểu biết của mọi người về nó gần như gắn liền với thời đại công nghiệp. Mặt khác, nghiên cứu về các xác ướp cổ đại hay thậm chí hóa thạch người Neanderthal lại chỉ ra ung thư là một trong những bệnh cổ xưa nhất từng xuất hiện. Giáo sư Arthur Aufderheide nói rằng: “Lịch sử ban đầu của ung thư… là có rất ít lịch sử ban đầu về ung thư”. Các khối u ác tính đã được mô tả trong y văn cổ đại, nhưng hiếm hơn nhiều nếu so với những căn bệnh truyền nhiễm như lao hay đậu mùa. Chỉ trong vài thế kỷ gần đây, hiểu biết của chúng ta về ung thư mới có những bước tiến đáng kể, đó là kết quả của việc con người nghiên cứu khoa học nhiều hơn, cũng như việc con người bị ung thư nhiều hơn. Các bác sĩ thế kỷ XIX thường gắn ung thư với nền văn minh: họ cho rằng bằng cách nào đó, lối sống hiện đại đã kích thích sự phát triển bệnh tật bên trong cơ thể. Sự liên kết thì đúng, nhưng bản chất thì sai. Văn minh không gây ra ung thư, nhưng bằng cách gia tăng tuổi thọ con người, văn minh đã làm nó hé lộ.
-
Nếu Milton Friedman nói rằng lạm phát luôn là một hiện tượng tiền tệ, thì Niall Ferguson cũng cho rằng siêu lạm phát luôn là một hiện tượng chính trị. Câu chuyện ở Cộng hòa Weimar, Argentina, Zimbabwe, Venezuela hay thậm chí là Hoa Kỳ trong chiến tranh thế giới thứ II đã cho chúng ta thấy hiện tượng tiền tệ - chính trị này có thể khiến người dân điêu đứng như thế nào. Nó được ví von như một tên cướp, một kẻ thù của mọi người dân, một loại thuế vô hình không cần sự đồng ý của người nộp thuế và thậm chí có thể là công cụ duy trì quyền lực của chính phủ trong một số trường hợp. Ở một mức độ khiêm tốn hơn, lạm phát vô cùng quen thuộc với tất cả chúng ta. Chỉ với vài phần trăm mỗi năm, ai cũng cảm nhận được sự phiền toái của lạm phát. Nhưng sẽ thế nào nếu không còn lạm phát?
-
Estão a faltar episódios?
-
Không hề có ngoại lệ, tất cả những người tham gia lớp học hôm nay, trong đó có tôi, đều đã từng hít drama. Với một số người, nó thậm chí giống như một thú vui. Hóng phốt dường như đem lại một liều dopamine tức thì khiến họ trở nên phấn chấn. Nhu cầu cập nhật tin tức hằng ngày không thể lý giải sự thiên vị mà chúng ta dành cho những Drama tiêu cực. Điều này rõ ràng là chẳng đem lại lợi ích gì, nhưng chúng ta vẫn duy trì và thực hành nó gần như mỗi ngày. Hãy cùng bắt đầu buổi học để khám phá sự thật đằng sau hiện tượng kỳ lạ này, và học cách tha thứ cho những người hàng xóm vẫn ngày đêm xì xào về lối sống của bạn.
-
Số tiền bạn bỏ ra khi mua một món hàng sẽ được trả cho tất cả những ai tham gia vào chuỗi cung ứng, từ cửa hàng, đơn vị vận chuyển cho tới nhà máy sản xuất. Mọi thứ thật logic, người tiêu dùng cần sản phẩm, vì vậy họ sẽ trả tiền cho hệ thống tạo ra sản phẩm đó. Đây chính là cách mà hành vi tiêu dùng thúc đẩy nền kinh tế và tạo ra lợi ích chung cho tất cả…
Nhưng sẽ thế nào nếu hệ thống kia “lỡ” tạo ra quá nhiều hàng hóa vượt xa nhu cầu thực tế, hoặc bản thân hàng hóa đó không phải là thứ cần thiết với đa số mọi người? Phải chăng hệ thống sẽ sụp đổ, và nền kinh tế sẽ chỉ xoay quanh việc sản xuất – phân phối những sản phẩm vừa đủ cho con người?
Như chúng ta đã biết, câu trả lời tất nhiên là “Không”.
Con người có thừa sự “tinh khôn” để tìm ra giải pháp, và giải pháp đó mang tên Chủ nghĩa tiêu dùng. -
Giấc ngủ là một trong những bí ẩn sinh học vĩ đại nhất chưa có lời giải đáp. Mọi hướng tiếp cận đều đã được áp dụng, từ di truyền học, sinh học phân tử, tâm thần học hay công nghệ kỹ thuật số, nhưng đến nay nhân loại vẫn chưa trả lời được câu hỏi đầu tiên: Tại sao chúng ta lại ngủ? Cố gắng giải thích điều này trên quan điểm tiến hóa còn khiến mọi thứ càng thêm đau đầu: Dù nhìn ở góc độ lợi ích nào thì giấc ngủ vẫn giống một hiện tượng sinh học ngớ ngẩn, bởi khi ngủ, bạn không thể hái lượm, không thể tìm được bạn đời và sinh sản, không thể nuôi dưỡng con cái, hay thậm chí là tự bảo vệ chính mình. Như một nhà khoa học đã từng nói: "Nếu giấc ngủ không phục vụ một chức năng vô cùng quan trọng, thì nó chính là sai lầm lớn nhất mà tiến hóa từng tạo ra".
Ngày nay, nhân loại đã phần nào hiểu được "chức năng vô cùng quan trọng" đó bao gồm những gì, có ý nghĩa như thế nào đối với sinh mệnh của mỗi chúng ta. Thế nhưng sự thất bại mang tính lịch sử của khoa học trong việc lý giải tại sao chúng ta cần ngủ vẫn đang góp phần không nhỏ vào sự thờ ơ của xã hội đối với giấc ngủ.
Nếu bạn không thể nhớ được lần cuối cùng thức dậy đầy sảng khoái mà không cần đến chuông báo thức, vậy thì tập Podcast này là dành cho bạn!
-
Internet, dù đã tồn tại nhiều thập kỷ, phát triển và ăn sâu bám rễ vào đời sống của hầu như tất cả mọi người, vẫn tạo ra những cuộc tranh cãi về tác động của nó là tốt hay xấu. Phe ủng hộ thì ca ngợi tính khơi mở, tín hiệu của “dân chủ”, phe phản đối lại lên án sự thô kệch của thông tin, e ngại một sự suy đồi về mặt văn hóa… Nhìn vào lịch sử, chúng ta nhận ra những bất đồng kiểu như vậy sẽ xảy đến bất cứ khi nào có một phương tiện truyền thông mới xuất hiện – những cuốn sách ra lò từ xưởng in đầu tiên ở Gutenberg, những chiếc điện thoại đời đầu được phát minh bởi Alexander Graham Bell cho tới đài Radio hay Tivi. Thế nhưng có một sự thật ít ai nhận ra, đó là dù thuộc phe nào, mọi người một cách tự nhiên đều sẽ bị cuốn theo luồng thông tin mà phương tiện truyền tải. Các lập luận để phản đối hay bảo vệ, về căn bản cũng hướng đến tin tức, âm nhạc hay các chương trình truyền hình. Và công nghệ của các phương tiện truyền thông, một cách kỳ lạ, gần như mất hút đằng sau mọi thứ chảy qua nó…
Cả hai phe đều quên mất điều McLuhan đã chỉ ra: về lâu dài, nội dung của phương tiện truyền thông sẽ bớt quan trọng so với bản thân phương tiện đó trong việc tác động tới cách nghĩ và hành xử của chúng ta.
Trong thời đại Internet, sự thiếu hụt nhận thức này là nguyên nhân của một số nhầm tưởng tai hại – nhưng lại rất phổ biến – có thể kể đến như việc ai đó tin rằng mình đã hiểu cách vận hành của hệ thần kinh sau 20 phút miệt mài trên Youtube, hay với Google trong tay, đi gặp bác sĩ khi có triệu chứng là một hành vi hoàn toàn thừa thãi…
Internet cho bạn thông tin, nhưng chỉ có bản thân bạn mới tạo ra được trí tuệ cho chính mình!
-
Khả năng tư duy trừu tượng và ý thức đã giúp chúng ta trở thành giống loài mạnh mẽ. Nhưng chính ý thức hay tư duy trừu tượng cũng tạo ra một dạng thức cao hơn của đau khổ. Trong khi với những động vật khác, nỗi đau đơn giản là đến và đi, mở đường cho những sự kiện khác trong cuộc sống, thì con người có “khả năng” đau khổ với những thứ chưa xảy ra, thậm chí là không hề xảy ra, con người lạc lối trong những câu hỏi trừu tượng không có chút liên hệ nào với thực tại, con người tự sát vì “không tìm ra được ý nghĩa cuộc sống”… Và, với tâm trí phức tạp kỳ lạ của mình, con người cảm nhận nỗi cô đơn ngay khi sống trong một thế giới có 8 tỷ đồng loại…
-
Trí tuệ nhân tạo đã, đang và sẽ là tác nhân ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách vận hành của thế giới, giữ vai trò quan trọng trong những lĩnh vực cốt yếu nhất của nền văn minh thế kỷ XXI. Việc có thể tiếp cận và tận dụng sức mạnh to lớn của công nghệ này có khả năng thay đổi vận mệnh của cả một quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra những câu hỏi đạo đức như vấn đề bảo mật thông tin, bất bình đẳng hay giải quyết việc làm. Chừng nào chưa thể trả lời tường minh hết những câu hỏi này, con người vẫn sẽ chưa thể nào thoát khỏi kịch bản đã xảy ra với AK47, bom nguyên tử hay thuốc lá - "Chúng ta thường giỏi trong việc phát minh ra một thứ gì đó hơn là trong việc tìm ra cách sử dụng nó một cách khôn ngoan".
-
Việc trở thành một người bố hay người mẹ luôn là niềm hạnh phúc lớn lao không gì sánh được với chúng ta. Nhưng mặt khác, đây cũng lại là một thử thách khiến cho không ít người phải đắn đo trước khi quyết định có con. Vậy thực sự thì điều gì đã khiến chúng ta, những người sống trong xã hội đang tạo ra và tiêu thụ nhiều của cải hơn mức cần thiết, lại cảm thấy lo lắng cho thế hệ tương lai tới mức ngần ngại tạo ra chúng?